Bạn đọc viết

BĐV – “TẬP” – Truyện ngắn của Ngô Thục

9:09 chiều | 17/05/2012

 

      Mẹ bảo nó: “Phải tập nhiều thứ lắm con ạ, các cụ dạy: “Tập ăn tập nói, tập gói tập mở”, chẳng có gì mà con người không làm được, miễn là có đủ kiên nhẫn để học hỏi và… tập”.

      Từ hồi bé, vừa chào đời, mẹ dạy nó tập lẫy, tập ngửng đầu, tập bú chai, rồi tập ăn bằng thìa…rồi tập ngồi, tập đi. Đầy năm, nó đã biết đi men theo cũi, biết tự xúc cơm ăn. Nó rất tự lực, không cần mẹ phải dỗ dành, vì mẹ còn bận với anh nó, hơn nó gần 2 tuổi mà ốm đau triền miên, anh lên 3 tuổi mới tự xúc ăn, mà vẫn còn phải ăn cháo đặc, trong khi nó mới hơn một tuổi mà đã tự ăn cơm như người lớn. Lên 2 tuổi, mẹ cho đi nhà trẻ Nguyễn Công Trứ, nó gào hét suốt ngày khản đặc tiếng, không một cô nào dỗ nổi, sang ngày thứ 3, các cô đành bảo mẹ: “Chị cho cháu ở nhà, vì cháu làm ồn, không ăn, không ngủ trưa, chỉ hét thôi, ảnh hưởng đến các cháu khác”. Thế là mẹ đành gửi nó sang bà hàng xóm. Ngày đấy, lương giảng viên Đại học của mẹ được 450 đồng thì phải trả cho bà 200 đồng để trông nó, còn lại đủ tiền nộp cho anh đi mẫu giáo. Lương của bố cũng chỉ đủ cho bố chi tiêu, mua xăng hàng tháng để đi về quê với ông bà nội ở Thái Bình. Cả nhà sống bằng tiền làm thêm của mẹ với chiếc máy khâu kì cạch chẳng kể ngày đêm. Rồi mẹ đi nước ngoài làm Phó Tiến sỹ, nó được đi theo mẹ ngay năm sau đó, vì mẹ bảo: “Mẹ chỉ có các con, mẹ không thể xa được các con”.

      Những ngày đầu tiên ở xứ người, mẹ tập cho nó ở nhà một mình để mẹ đi nghe Leksi, đi Semena, rồi đi trường mẫu giáo một mình, rồi đi xe bus một mình đến trường Tiểu học. Nó được mẹ dạy cho đủ điều, thậm chí, lên 7 tuổi, nó đã tự làm bánh sandwich để ăn sáng trước khi đến trường, để phần mẹ trên bàn với dòng chữ: “Con chúc mẹ ngon miệng”.

      Rồi những ngày tháng sau đó, mẹ tập cho nó đi giao hàng với mẹ cho các quầy hàng trên trung tâm, lắm hôm rét mướt, nó muốn mẹ gọi taxi để về nhà cho nhanh, mẹ bảo: “Phải tập chịu đựng con ạ, người ta chịu được, mình cũng phải chịu được”.

      Thời đó, nhà ăn khu Sinh viên ăn rất ngon và rẻ, ưu đãi cho những người có học bổng, nên hai mẹ con chỉ đi nhà ăn tập thể, ở nhà hầu như chẳng bao giờ có thức ăn dự trữ. Có những hôm lạnh quá, tuyết rơi dày đặc, mà nhà ăn thì xa, mẹ bảo:” Tối nay mẹ con mình ăn gì nhỉ, lạnh thế này…?”. Nó chẳng ngần ngại:“ Mẹ ở nhà, con đi lấy thức ăn về cho mẹ”. Rồi nó lấy cặp lồng, mặc áo, đội mũ, đi giày, một mình đi quãng đường gần 1 km tới nhà ăn Sinh viên. Mẹ phải chạy theo nó, chủ yếu mẹ sợ bạn bè nhìn thấy cười mẹ là để con nhỏ phục vụ, chứ mẹ biết thừa là nó có thể đi và mang đồ ăn về cho mẹ mà chẳng có chuyện gì xảy ra. Năm ấy nó mới lên 8 tuổi.

      Mẹ dạy nó và anh: “Cuộc đời này phải học nhiều thứ lắm, học đến già không hết bài con ạ”. Mẹ vừa nuôi hai con, vừa học, vừa làm việc, bảo vệ xong luận án Phó Tiến sỹ, mẹ làm tiếp Tiến sỹ, rồi vì không thể có tiếng nói chung với bố mà mẹ phải tự một mình tiếp tục lao vào cuộc sống, kiếm tiền và tự nuôi 2 con ăn học lên người. Mẹ bỏ con đường công danh, học hàm học vị cũng chỉ vì nó và anh. Những người ngày xưa là bạn mẹ, đồng nghiệp và thày giáo cũ, vẫn bảo: “Tiếc cho mẹ cháu quá, giá mà…thì mẹ cũng trở thành ông nọ bà kia, lên xe xuống ngựa như ai !!!”

      Nhưng mẹ không tiếc, bởi mẹ đã dành cho chúng nó tất cả cuộc đời, và mẹ hài lòng với những gì chúng nó đạt được. Tuy nhiên, đôi khi thấy chúng nó không ham học, không đặt ra những mục đích sống rõ rệt, mẹ bảo: “Giá ông Trời cho mẹ trẻ lại, mẹ sẽ làm được rất nhiều việc mà khi xưa, vì đói khổ, vì chiến tranh, vì các con… mẹ đã rời bỏ ước mơ của mình là trở thành một nhà chuyên môn có tên tuổi”. Cuộc đời đã bắt mẹ phải làm tất cả mọi công việc của đàn ông, làm những việc mà những người đàn bà khác không hề nghe hoặc biết đến: Mẹ tập lái xe, mẹ tập sửa xe, mẹ đi buôn quần áo như người ta, rồi mẹ đọc sách, nghiên cứu phong thủy, tử vi, nghiên cứu kiến trúc, kết cấu, mẹ chỉ huy công nhân… xây nhà. Mẹ dầu dãi trong những ngày đông giá lạnh âm 15 độ để bán hàng, mẹ cuốc đất trồng rau, trồng hoa trong vườn dưới nắng hè nóng rát như một nông dân thực thụ. Ở tuổi mẹ, nhiều người đã nghỉ hưu, hoặc được nương tựa vào chồng, con, còn mẹ, tất cả vẫn trong tay mẹ. Ngay bây giờ đây, đáng lẽ, nó phải về để nhóm lò sưởi cho mẹ, một việc làm chẳng dễ chút nào vì phải chọc lò bằng cái thanh sắt nặng và dài, vì phải chở củi, than bằng xe đẩy từ nhà kho, vì phải hít bụi than bay trong lò ra…

      Nó biết, mẹ vẫn có thể làm được tất cả, giống như ngày xưa mẹ bảo nó: “Chỉ cần cố gắng, kiên nhẫn một chút thôi, và phải tập”. Giống mẹ, nó tập làm tất cả mọi việc, từ đi học, đi làm, tập lái xe, tập sửa xe, tập giao tiếp với mọi người và tập đàn Piano như mẹ…Vậy mà mẹ bao giờ cũng phê phán nó, mẹ bảo: “Con còn phải tập nhiều lắm, chẳng bao giờ đủ đâu con ạ. Ngay cả yêu thương cũng phải tập đấy, bởi rằng, chỉ yêu trong lòng, giữ trong tâm…là không đủ để con có cuộc sống hạnh phúc đâu. Hãy tập nói những lời yêu thương, tập có những cử chỉ đẹp, thể hiện sự yêu thương và quan tâm của mình với những người xung quanh, và cuối cùng, hãy tập kiên nhẫn và chịu đựng.”

      Nó hay cãi lại mẹ, vì nó thích tranh luận, chứ không phải vì nó không thừa nhận là mẹ nói đúng. Nhưng, nó đã tập nhiều lắm rồi mà mẹ vẫn không hài lòng, chỉ còn một cách là chạy trốn khỏi mẹ để nó được tự do, để khỏi nghe mẹ nói về chuyện tập tành này nọ. Với mọi người, với bạn bè, đồng nghiệp, nó là tấm gương, là ngôi sao, còn với mẹ, nó vẫn còn ngu dại, vụng về. Đang vui trong cuộc liên hoan cuối năm nơi công ty làm việc, nó chợt nghĩ: ”Mẹ đang một mình. Mẹ tìm thấy niềm vui trong sự yên ổn, thanh thản một mình.” Nhưng, nó có biết đâu rằng mẹ đã phải tập bao nhiêu năm nay để sống được một mình, nhất là mỗi khi Giáng sinh và Năm mới đến.

 

Sofia, tháng 5.2012
Ngô Thục

 

 

 

 

 

 

 

Liên kết website