Một ngày đầu đông 1954 má dẫn tôi xuống Quy Nhơn để tập kết ra Bắc. Hai má con đi bộ qua vài cánh đồng thì tới Quy Nhơn. Quy Nhơn hồi đó hoang tàn vắng vẻ. Chính từ nơi đây thực dân Pháp đã tung ra từng tốp xe tăng và xe lội nước đi càn các vùng quê quanh Quy Nhơn, trong đó có quê tôi. Giờ đây đội quân lê dương của Pháp đã rút khỏi Quy Nhơn. Việt Minh mới tiếp quản TP tạm thời vài tháng và giữa năm sau cũng sẽ rút khỏi nơi đây. Nơi đón tiếp chúng tôi là một ngôi nhà hoang vắng, không có bất kỳ một thứ nội thất nào, ngay đến một cái bàn cũng không có. Má ở lại với tôi đêm đó. Người ta cho mượn một chiếc chiếu để trải xuống sàn nhà ngủ tối hôm đó. Tôi không nhớ hết những gì má nói, nhưng có một câu tôi không bao giờ quên: Con tuổi ngọ, tuổi con ngựa, con sẽ đi nhiều nơi, đi suốt đời. Mới hơn 10 tuổi làm sao tôi có thể hiểu hết ý nghĩa của câu má nói. Tôi không nghĩ ngợi nhiều vì chẳng có gì để nghĩ cả. Tôi chập chờn đợi giấc ngủ tuổi thơ sẽ nhẹ nhàng đến như bao lần vẫn thế. Má ôm chặt tôi vào lòng, dường như không muốn để tôi tuột khỏi vòng tay của má. Tôi không thể nào ngủ được,đó là điều chưa bao giờ xảy ra với một đứa trẻ như tôi. Ánh trăng chiếu qua khung cửa sổ trống hoang, in hình má lên tường lung linh và mỏng manh. Bên cạnh bóng hình thân thương của má, thỉnh thoảng lại hiện lên bóng hình của thím Chín. Tôi gọi là thím chứ thực ra đó là một cô còn rất trẻ, chỉ mới 17 tuổi vừa mới kết hôn với chú tôi cũng tròn 18. Bóng hình hai người phụ nữ cứ chờn vờn, một đậm nét một lờ mờ. Không ngờ cái đêm mất ngủ đầu đời đã là khởi đầu của một thói quen trong suốt cuộc đời: Đêm trước mỗi chuyến đi xa tôi không thể nào ngủ được. Và cuộc đời là những chuyến đi xa. Sáng hôm sau, chúng tôi được đưa lên một chiếc tàu hàng của Nauy để vượt biển ra bến Cửa Hội Nghệ An. Chúng tôi, kẻ ở người đi, đều tin rằng sau hai năm sẽ đoàn tụ. Vì vậy, khi tàu rời bến , nước mắt lưng tròng, mọi người đều đưa cao hai ngón tay để nói lên ước nguyện đoàn tụ. Không ai có thể ngờ rằng cuộc chia ly này sẽ kéo dài 21 năm.
Rồi 21 năm dài đằng đẵng cũng đã trôi qua. Biết bao điều đã diễn ra trong một cuộc chiến vô cùng ác liệt, thảm khốc và dài nhất trong lịch sử VN. Song niềm vui chiến thắng đã bao trùm lên tất cả, làm cho tôi tưởng chừng như cuộc chia ly chưa bao giờ xảy ra. Chúng tôi tìm mọi cách để về với gia đình. Ba và chú Chín tập kết ra Bắc sau tôi nửa năm(1955).Ba tôi đã lên đường về Nam ngay ngày đầu tháng 4/1975 khi cuộc chiến chưa hoàn toàn chấm dứt để chuẩn bị tiếp quản chính quyền. Và cuộc đoàn tụ của ba má tôi đã diễn ra trước tôi một tháng. Ba má đã về với nhau trong niềm hạnh phúc viên mãn. 21 năm chia cắt biệt vô âm tín, ba má vẫn chờ đợi nhau, dù lúc chia tay ba má còn rất trẻ, chỉ mới 30 tuổi. Đã có nhiều người đàn ông cầu hôn nhưng má vẫn không xiêu lòng. Ba tôi, một võ sư thượng đẳng huyền đai, có chức có quyền, độc thân vui tính, tất nhiên đã từng có nhiều phụ nữ quan tâm, nhưng ba vẫn một mình chờ ngày đoàn tụ. Và hai người đã mãi mãi bên nhau cả khi đã về thế giới bên kia. Bằng nỗ lực của ba, vợ chồng con cái chúng tôi cũng đã sớm về với quê mẹ. Ngay những ngày đầu hòa bình, chúng tôi được ba thu xếp để cả nhà đi trên một chiếc xe comanca do Rumani viện trợ. Tuy có vài trục trặc, song chiếc xe “Rumani vừa đi vừa đẩy” là một kỷ niệm đẹp trong chuyến đi nhớ đời này.
Và sau 21 năm xa cách, đã có lúc gần như tuyệt vọng, cuối cùng chúng tôi cũng đã về với quê hương, nơi mình đã sinh ra, trong không khí tràn ngập niềm vui hòa bình. Còn có niềm vui nào lón hơn thế ! Trong những ngày tràn ngập niềm vui và ngất ngây hạnh phúc, tôi không quên đến thăm Thím Chín, người phụ nữ trong suốt hai mươi mốt năm luôn hiện lên trong tâm trí tôi tuy có lúc lờ mờ nhưng không bao giờ mất vì nhiều năm tôi đã sống cùng chú Chín. So với ngày đầu về làm dâu, ngây thơ như trẻ con, Thím Chín giờ đây đã là một phụ nữ chín chắn, một phó chủ tịch huyện, vừa mới thay bỏ bộ quân phục chiến sỹ giải phóng.
Vui vẻ tiếp tôi, bỗng nhiên nghẹn ngào lặng im và đau khổ, khó khăn lắm thím mới thổ lộ một điều: Thím không trách chú Chín, chiến tranh mà, thím chỉ muốn được gặp chú một lần. Tôi nghẹn ngào chia tay thím và hứa sẽ chuyển lời tới chú. 21 năm qua, 15 năm đầu chú tôi không lấy ai, chăm chỉ học hành phấn đấu trong chuyên môn và thành đạt. Trong mắt tôi chú là một thanh niên tuấn tú, cao ráo đẹp trai và thành đạt; chú là hình mẫu lý tưởng của một người đàn ông Việt nam. Rồi chiến tranh ngày càng ác liệt, không một tin tức về người vợ, chú không còn đủ kiên nhẫn như ba tôi để chờ ngày đoàn tụ. Khó xử, song cuối cùng chú cũng thu xếp để gặp thím. Nghẹn ngào cầm tay nhau trong nước mắt để rồi chia tay trong đau xót. Mấy năm sau, thím Chín cũng đã thành lập gia đình với một người đồng đội trong chiến khu. Nhưng Trời không công bằng, người chồng muộn màng của thím cũng bỏ thím ra đi vì một căn bệnh hiểm nghèo. Giờ đây thím đã gần 80 tuổi, một bóng một mình.
Hai người đàn bà cùng trải qua cuộc chiến song hai số phận lại hoàn toàn khác nhau.
Bucaret, 21.04.2013
Trần Đình Trúc