Bạn đọc viết

BĐV – Đóa Pơ Lang – Truyện ngắn của Phạm Quang Thu

5:50 chiều | 30/04/2013

 

Cánh đồng màu bừng tỉnh dậy sau một mùa đông khắc nghiệt đầy gió khô lạnh thổi tung các cồn cát miền duyên hải suốt tháng ngày. Gió chơi đùa với cát suốt mùa đông. Làng quê tôi ngập tràn trong cát bụi. Ai cũng mong mùa xuân mau tới. Rồi mưa bụi lất phất giăng màn một màu trắng đục khắp dải đồng màu. Cây lạc nhú mầm, tiếp đến là ngô, khoai lang tháng hai, thường gọi là vụ ngô, khoai chống mùa giáp hạt. Một màu xanh tơ non nõn chuối phủ khắp lượt dải đồng màu. Trên mặt đường băng qua cánh đồng lúa nước nối liền đồng màu với làng tôi, nước mưa đọng lại thành từng vũng nhỏ, giống như những chiếc gương soi bị bỏ quên lại trên con đường đất sét vắng lặng. Những giọt mưa li ti, li ti nối tiếp nhau rải đều trên mặt đất đã bắt đầu ẩm ướt. Con kênh nhỏ đã bắt đầu có nước, uốn lượn giữa đôi bờ xi măng mỏng, nơi cỏ gà đan dày như tấm khăn xanh buông xuống sát mép nước đang róc rách cựa quậy khắp nơi. Sự sống đã sinh sôi rỉ rã sau những ngày lạnh giá khô cằn. Cảnh tượng hồi xuân của muôn vật đã bắt đầu xuất hiện. Chân ta dẫm nhẹ lên mặt đất cát pha, đất mềm mại như nệm bông, xôm xốp như bột ủ dậy men. Con chim chiền chiện vắng mặt đã lâu, nay vút lên cao chới với say hót ca trên đồng ruộng bao la đón chào ngày xuân đến.

Pơ Lang về nhà thăm mẹ vào một ngày như thế. Cô vượt nhanh qua cánh đồng chiêm trũng. Cô rất vui. Được về thăm mẹ Đước ngày này là niềm vui bất tận của Pơ Lang. Nhất là lúc này, ánh mặt trời đã bắt đầu tỏa chiếu khắp nơi, làng quê cô không còn u ám nữa. Ngôi nhà của mẹ nằm ở rìa làng, ở phía sau ngôi làng dài và đông dân lắm. Pơ Lang xốc lại quần áo; cái túi dết màu lá ngụy trang của bố năm nào như trĩu xuống khiến mỗi bước đi cứ bịn rịn với đường làng. Pơ Lang hồi hộp lắm. Cô sắp về đến nhà rồi. Lần đầu tiên xa mẹ lại xa tới một năm, nay được về lại, cô mừng ríu rít. Con chó mực tíu tít vẫy đuôi, nó không hề sủa mà chỉ rít lên khe khẻ mỗi bận có người thân trở lại nhà. Cứ xem cái đuôi nó múa tít là nó mừng bà chủ nhỏ tới mức nào. Cô do dự rụt rè bước tới bậu cửa vào nhà. Cô rón rén nhìn quanh xem mẹ đang ở đâu trong cái không gian bé nhỏ, nửa tối nửa sáng do cái cửa sổ bé xíu phía sau cứ đóng hờ suốt bao ngày.

– Ai đấy! Mẹ Đước chầm chậm hỏi và không có ý chờ câu trả lời. Mẹ quờ quạng tìm cái gậy tre cũ kỹ đã nhẵn thín ở đoạn tay cầm, huơ huơ trong vô vọng. 
– Pơ Lang đấy con, đúng Pơ Lang rồi, cha tổ cô về nhà với Mẹ mà con chơi trò trốn tìm như ngày xưa bé bỏng vậy con. Lại đây đi, lại đây với Mẹ nào! Linh tính mách bảo tao là mày về thăm mẹ mà, đúng rồi. Đêm qua tao không ngủ, mơ màng thấy con về đấy. Thôi đừng trốn tìm nữa, lại đây đi Pơ Lang!

Pơ Lang không thể chần chừ nữa, cô lao đến ôm chầm lấy mẹ. Nước mắt chảy dài tràn trên gò má ướt nóng. 
– Mẹ, mẹ tài thật. Con núp sau cửa mà Mẹ vẫn nhận ra con. Mẹ nhìn thấy con sao? Mắt mẹ sáng lên rồi, sáng lên thật rồi. Ôi mẹ, con hạnh phúc quá đi! 
– Cha tỉ cô, mắt mẹ sáng lên làm sao được. Nhưng mẹ nhìn thấy con đấy, mẹ ngửi thấy mùi Pơ Lang của mẹ; mẹ nhận ra bước chân con, nhận ra hơi thở của con gái mẹ đấy. Mẹ gọi con đấy thôi. Con trốn mẹ làm sao được! 
– Đang nghỉ giữa kỳ mẹ ạ. Trường cho nghỉ 15 ngày về ăn Tết đấy. Con vui quá. Được về gặp mẹ là con mừng lắm, chẳng còn nghĩ gì đến Tết nữa. Thế chị Du đi đâu hả mẹ, sao chị ấy lại vắng vào giờ này? 
– Nó về qua nhà và tiện ra chợ sắm chút đồ ăn. Mấy ngày nay nó không đi chợ nên thức ăn đã hết. Chốc lát, chị Du con sẽ về ngay đấy mà, nhanh thôi. Chị Du là con bà dì xa của Mẹ tôi. Chị lỡ thì, ở vậy nuôi đứa con trai ngoài giá thú. Mẹ thích tính sởi lởi của chị Du nên mời gọi chị về ở cho vui, có gì ăn nấy rồi cuối tháng cho chị chút tiền mỗi lần lĩnh tiền trợ cấp thương binh của mẹ. Hai dì cháu nương tựa vào nhau sống qua ngày.

Pơ Lang an tâm lắm khi xa quê lên tỉnh học cao đẳng kế toán chuyên ngành. Khóa 1989-1990 được coi là khóa đầu của Trường Cao đẳng. Pơ Lang ôm ghì mẹ vào lòng. Nước mắt lả chả ướt đẫm bờ vai mẹ tự lúc nào, không hay biết. Hai mẹ con cứ thế ôm lấy nhau lâu lắm, dường như im lặng mới diễn tả hết nỗi nhớ mong của hai mẹ con dành cho nhau trong suốt một năm qua. Bà Đước đưa bàn tay khô cứng lên vuốt vuốt mái tóc con, bà lần mò mãi trên khuôn mặt con và cứ mân mê cặp lông mày dài dày đen của Pơ Lang. Bà tự hào lắm, yêu lắm khuôn mặt con và bao giờ cũng vậy bà thầm khấn cầu cho con gái mạnh giỏi bằng người. Bà biết Pơ Lang của bà rất đẹp, đặc biệt là đôi mắt lá răm, lông mày lá liễu không lẫn vào đâu cho được. Bà thầm nói rằng khuôn mặt chữ điền, cặp mắt nó là giống bố Rô như đúc. Sao bố con nó giống nhau đến vậy. Ngày mắt bà còn tỏ, mỗi lần ngắm khuôn mặt con là bà lại nhớ tới người đã khuất. Người đó là bố Rô của Pơ Lang đấy. Anh ấy mất rồi, mất ở một bệnh viện tiền phương mãi tận phía Nam, thuộc địa bàn Bù Gia Mập, điểm cuối của con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Anh mất khi chưa nhìn thấy mặt con và cũng chỉ kịp dặn lại bà là nếu còn sống, hai mẹ con nhớ một lần tìm về Thái Bình thăm bên nội. Bà đau đáu mãi lời dặn ấy…

Những năm 1971-1972, chiến trường miền Nam vô cùng ác liệt. Là đội trưởng một đơn vị Thanh niên xung phong chốt giữ đoạn đường miền Tây Đắk Lắk, chị Đước bận rộn tối ngày với tuyến đường xung yếu. Bom rền đạn nổ suốt ngày. Đơn vị Thanh niên xung phong của Đước lại rất thân với cánh lái xe thuộc các sư đoàn 470, 471 thuộc Đoàn 559 Trường Sơn. Tuần đôi lần xe anh qua, tuần đôi lần họ gặp nhau giao kết. Rồi một lần đoàn xe 470 bị lộ, máy bay AC 130 của Mỹ lao xuống ném bom. Suốt chặng đường dài hàng chục cây số, khói lửa mịt mù. Cậy thế đông và áp đảo trên không, lại ở khu vực lưới phòng không của ta quá mỏng, máy bay AC 130 của Mỹ cứ thế tung hoành. Chúng bay thấp và dùng bom chùm, bom sát thương truy kích đoàn xe vận tải suốt từ tám giờ tối tới khuya. – Đước, Đước ơi, em cho quân cứu Đoàn xe anh với. Cháy hết hàng rồi em ạ. Bom lửa đang thiêu trụi từng xe kia kìa. Nhanh lên, nhanh lên! Tiếng đạn súng máy từ máy bay trực thăng rít lên từng hồi. Bom bi nổ lộp bộp như ngô rang trên mặt đường đất đá. Những chiếc xe chở xăng dầu của sư đoàn đã thành đuốc sống. Mấy xe chở đạn lao vào các hẽm núi đá gặp may chưa bén lửa. Cảnh tượng đoạn đường thật hãi hùng. Chúng thả pháo sáng suốt chiều dài đoạn đường quanh khúc khuỷu. Các đơn vị phòng không đã anh dũng đánh trả máy bay địch nhưng không thể xua đuổi chúng. Chúng như lũ kền kền ngửi thấy mùi xác chết, bâu kín thung lũng nhiều giờ. Bộ đội và thanh niên xung phong thương vong nhiều quá. Đội của Đước không thể cáng hết thương binh ra khỏi trận địa khốc liệt này. Mãi tới khuya, khuya lắm, lũ kền kền sắt không còn thấy bất cứ gì chuyển động và khi pháo sáng đã tắt lịm chúng mới lui xa. Có tiếng khóc nấc của mấy cô Thanh niên xung phong nhận ra đồng đội của mình đã chết, xác bị vùi lấp bởi đất đá và cành cây ven rừng. Tất cả đã được mai táng khẩn trương cạnh con đường chiến lược. Tăng bạt cá nhân đã thay quan tài ôm ấp các liệt sỹ trong lòng đất mẹ thiêng liêng. Những lọ thuốc pênêxilin được dùng để gói mảnh giấy ghi tên tuổi, quê quán, ngày mất của từng người rồi dãy mộ chí được vun lên nhanh chóng.

– Đước, em mệt lắm rồi, để anh đưa em về Trại nhé.

Rô xốc dìu Đước về khu tập kết Trung đoàn. Trong gian hầm chữ A chật chội, hai người ôm lấy nhau ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Khi cả hai tỉnh dậy, đồng hồ đã chỉ ba rưởi sáng.

– Em về đây! Chị em bên lán Đội em chắc đi tìm em đấy. 
– Không đâu, hôm đêm sau khi mai táng anh em xong, anh nói với Lan là anh đưa em về nghỉ tạm ở lán Trung đoàn mà. Họ biết em mệt lắm và đang nghỉ ở đây đấy. Anh yêu em Đước ạ. Anh cứ ước ao có ngày được gần gụi em, thế mà đêm qua đã là sự thật rồi. Anh hạnh phúc lắm.

Cả hai ôm siết lấy nhau. Họ hôn nhau say đắm, bất chấp quần áo còn dính đầy bùn đất. Đêm đầu tiên trong đời hai người lại diễn ra ngay sau trận bom ác liệt này. 
– Em yêu anh lắm, anh Rô! Lúc nào em cũng lo cho anh. Bom đạn thế, nhỡ có mệnh hệ gì thì buồn đau quá. Tối qua, em khóc ngất tiếc thương đồng đội của anh và của em. Họ ra đi trẻ quá. Cầu mong sao hòa bình mau lập lại, anh về miền Trung với em nhé. Quê em cạnh biển khơi thích lắm. 
– Nhỡ chúng mình có con thì sao anh Rô? 
– Thì nuôi lớn cho nó ăn học đường hoàng chớ sao. Nếu sau này chúng mình có con, con trai do em đặt tên, còn con gái anh sẽ đặt tên nó là Pơ Lang đấy- Đặng Diễm Pơ Lang, nghe có được không? 
– Được quá đi chứ. Nhưng sao anh lại chọn cái tên Pơ Lang thế? 
– Thế em không thấy Pơ Lang đẹp hay sao? Mà cả tháng nay, anh không những ngắm Pơ Lang mà búp Pơ Lang còn nuôi các anh đấy nhé! Không có rau rừng thì hoa búp Pơ Lang là tuyệt vời lắm. 
– Ôi, em cũng không ngờ mình lại lạc vào thung lung này anh nhỉ, sao lắm hoa gạo thế, ừ mà mộc miên hay là Pơ Lang mới hay chứ nhỉ. Bà con Pa Cô ở đây gọi hoa gạo là Pơ Lang, hay và đẹp quá. Ôi, Pơ Lang, Pơ Lang!

Nói rồi Đước ôm lấy bụng mà âu yếm, mà chuyện trò. Chưa bao giờ Đước thấy mình đẹp và hạnh phúc hơn thế. 
– Máy bay, máy bay bay thấp lắm Đước ơi! Nằm xuống!

Rô chưa kịp hét hết lời, một chuỗi bom chùm đã nổ chat chúa ngay trên đỉnh đồi nơi có dãy hầm chữ A của Trung đoàn vận tải 470. Khói bụi nghi ngút hồi lâu. Đước ôm mặt thất thần chạy về lán Đội. Mọi người đang hối hả nhét quần áo vào các sọt để chuẩn bị sơ tán đi xa theo mệnh lệnh Lữ đoàn. Đước và Rô không kịp chào tạm biệt nhau, họ đi theo đơn vị mỗi người mỗi ngả. . .

Năm tháng sau bữa đó, xe Trung đoàn Rô đi qua Đắk Lắk. Anh gặp Đước. Anh không ngờ là mới mấy tháng qua mà bộ dạng Đước đã thay đổi hẵn. Da cô xanh tái, tóc rụng nhiều. Đôi mắt mệt mõi nhìn xa xăm.

– Em bị kỷ luật anh à. Không biết rồi sẽ như thế nào đây. Em có thai rồi. Lữ Đoàn kỷ luật và dáng chức em đấy. Em chưa cho họ biết tên bố đứa bé đâu. Chỉ có cái Lan là ngờ ngợ. nó hỏi thăm sức khỏe anh đấy. 
– Anh, anh có tội với em rồi Đước ơi! Anh đã làm em lâm vào hoàn cảnh này rồi. Mai anh phải đi B2, vào tít Bù Gia Mập em à, đâu mãi phía Tây Đồng Nai ấy. Thôi, có gì em tha thứ cho anh. Anh chỉ có mỗi cái túi dết ka ky Mỹ này thôi Đước ạ. Em cầm lấy mà dùng. Nó bền lắm đấy. 
– Anh an tâm đi, đằng nào cũng bị kỷ luật rồi. Em buồn vì kỷ luật nhưng em vui vì giữ giọt máu cho anh. Em yêu anh, Rô ạ. Anh đi cho mạnh khỏe nhé. Cho em thăm sức khỏe các anh Dũng, Sáng với. Hẹn nhau hòa bình nhé. Tháng sau em phải về địa phương rồi. Em chịu thiệt thòi cho vậy.

Đước chưa dứt lời, Rô đã ôm siết lấy Đước mà hôn. Hai người ôm nhau mãi tới chiều chạng vạng mới thôi. Đước hứa sẽ đặt tên con (nếu là con gái) đúng như anh dặn: Đặng Diễm Pơ Lang. Bóng Rô cao lớn trải một vệt dài trên sườn đồi cỏ cháy. Đước nhìn theo, đưa tay vẫy vẫy và chỉ vào cái bụng đang to lên từng ngày: của anh đấy! Anh đi khỏe nhé. Có gì em sẽ qua Thái Bình quê anh thăm mẹ và các em nữa nhé!

Hai người không ngờ rằng đó là bữa cuối cùng họ có nhau. Rô vào Bù Gia Mập được tháng thì hay tin Đước đã về quê miền Trung rồi. Anh buồn và ân hận lắm nhưng hy vọng sẽ có chút con, trai gái đều quý như vàng. . .Tuần sau đó, Đoàn xe anh đụng độ với một toán biệt kích dữ dằn. Rô hy sinh anh dũng lắm…

…..

– Ah, chị Du đã về, chị Du đã về mẹ ơi! Chị có mua quà cho em không đấy ! 
– Pơ Lang mới về đấy cháu, về từ hồi nào mà Dì không biết, không biết thì làm sao có quà được! Thôi, ăn tạm dóng mía này gọi là quà quê cháu nhé! 
– Tết đến thật rồi, bà con đi chợ mua sắm Tết đông đáo để. Phiên chợ ngày Tết ở quê vui quá. 
– Dạo này Nhà nước đã bắt đầu mở cửa có khác. Chẳng như ngày xưa đói nghèo xơ xác quá! Pơ Lang ơi, con mau ra lấy cuộn lá dong ra giếng rửa đi, nay mai rỗi việc là mẹ con ta ra Thái Bình đấy nhé! 
-Thế a mẹ, ra quê bố Rô à, ôi, con vui lắm. Bao năm rồi mà mẹ chẳng ra. 
– Thì bây giờ con mới đỗ đạt vào Trường, ít ra mẹ cũng phải có gì tự hào để dâng hương nói với bên Nội nhà con nữa chứ! 
– Vâng ạ! Con đi rửa lá dong cho mẹ nhé. Mẹ ơi, Tết này con tròn 18 đấy, mẹ có vui không?

Chị Đước không nói gì thêm, chị ghì chặt con gái vào lòng, hôn lên trán con tới tấp. Bao kỷ niệm như thác nước đổ về cuốn băng mọi suy tư chuẩn bị Tết. Tất cả chỉ còn là hình bóng anh Rô trong tâm trí chị lúc này. Chị mon men đến cạnh bàn thờ, tự tay đốt nén nhang thơm và sờ lên di ảnh anh do chị đặt vào khung từ ngày về quê năm ấy. Gió mùa Xuân phơ phất thổi. Bụi mía trước nhà đã lên lóng tím sẫm. Bao công sức bỏ ra nay mới có màu mật chín. Thế nào chị Đước cũng sẽ chọn hai cây to nhất mập nhất để cạnh bàn thờ anh Rô cho năm mới thêm ngọt ngào may mắn./.

 

Hà Nội, ngày 30 tháng 4 năm 2013.
Phạm Quang Thu

 

 

 

 

 

Liên kết website