Dưới đây là bài viết dựa trên kinh nghiệm thực tiễn hơn một năm qua trợ giúp cộng đồng Việt Nam ở Ukraina chống Covid-19 trong Nhóm Tương trợ Người Việt Ukraina. Đây chỉ là thông tin cho mọi người tham khảo, không phải tài liệu chẩn đoán và chữa bệnh.
1/ ĐẶC ĐIỂM
• Trước hết, virus Covid làn sóng thứ III này vô cùng độc. Ở Ukraina hiện nay số ca nhiễm mới hàng ngày tương đương với số ca nhiễm mới của thời đỉnh điểm làn sóng thứ II (vào tháng 10-11/2020), nhưng số ca tử vong hàng ngày hiện nay cao gấp 2,5 lần.
• Trong cộng đồng Việt Nam số ca nặng, bị viêm phổi ở mức trên 40% khá phổ biến, trong khi ở làn sóng thứ II thì 25% được coi là rất nặng và hiếm rồi.
• Ai mà có bệnh nền là rất khó khăn với nó và nguy cở tử vong rất cao: tiểu đường, huyết áp cao-thấp, tim mạch, phổi, đặc biệt là các bạn làm việc trong môi trường không khí độc hại như thợ hàn, thợ khò sơn,…
• Đợt này dịch lan rất nhanh. Tuy khoảng 1/2 dân số Ukraina (và cả cộng đồng VN) đã ốm qua, nghĩa là đã có kháng thể, nhưng con số nhiễm hàng ngày ở những lúc đỉnh điểm trong cộng đồng Việt Nam cao hơn đợt II nhiều.
• Nếu dịch vào nhà ai thì vợ chồng, con cái, ông bà bị dính hết. Nhưng trẻ em thì bị nhẹ, khoảng 5-7 ngày là khỏi, thanh niên thì 10-12. Mức độ lây nhiễm của nó thật là kinh khủng. Nhiều người giữ gìn rất cẩn thận vẫn bị dính bệnh.
• Cứ dính Covid là sau đó bị viêm phổi. Trước đây người khoẻ chống được nên ko bị viêm phổi, bây giờ cứ dương tính là mấy ngày sau hầu hết đều bị cả, kể cả các bạn trẻ và những người có tập thể thao.
• Viêm phổi lần này lan rất nhanh. Cứ khoảng 4 ngày từ khi có triệu chứng là phổi bắt đầu chớm bị viêm. 7 ngày là đã nhiễm 25% rồi.
• Tôi thấy các bác sĩ chữa Covid lần này họ rất quan tâm đến vấn đề các cục máu đông do hậu quả của Covid. Trước đây trong cả thời gian điều trị họ chỉ cho đi xét nghiệm D-Dimer (xác định mức độ các hạt máu đông) 1-2 lần, bây giờ phải xét nghiệm đến 3-4 lần.
• Cái đáng sợ nhất của con Covid hiện nay là nó tạo cho bệnh nhân một cảm giác sắp khỏi bệnh. Thường thì người nhiễm virus có các triệu chứng rất thông thường, sau đó sốt 2-4 ngày. Tiếp đó nhiệt độ giảm xuống, chỉ quẩn quanh ở mức 37. Người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn vì ko sốt cao nữa, cũng ko ho nhiều lắm. Lúc đó bệnh nhân tưởng bệnh đã suy giảm. Nhiều người lại nghĩ rằng mình ko bị Covid mà chỉ bị cúm virus thường. Sau đấy cứ thấy người nó hơi mệt mệt. Đo độ ô xy vẫn ở mức bình thường, trên 95. Các bệnh nhân đều tiêm hoặc ít nhiều uống kháng sinh nên cho là mình bị mệt do nguyên nhân thuốc.
Thế rồi mỗi ngày cứ thấy mệt hơn, ho nhiều và sâu hơn. Sau chừng 1 tuần đến 10 ngày (kể từ khi hạ nhiệt) đi kiểm tra thì phổi đã bị Covid ăn mất 25-50% rồi. Nhiều ca thấy sốt lại. Lần này thấy sốt cao hơn. Bắt đầu thấy khó thở, tức ngực, đau phía sau lưng. Nặng hơn thì cảm thấy rát trong ngực, thấy hụt hơi, nói không thành lời. Da mặt vàng ra vì thiếu ô xy. Không ngủ được và không ăn được. Tinh thần hoảng loạn. Độ ô xy trong máu thụt giảm xuống mức ko bình thường (94-90), rồi xuống mức báo động (80) và thấp hơn nữa. Kết quả xét nghiệm D-Dimer rất xấu, độ máu đông trong huyết mạch tăng cao. Nguy cơ tử vong trở nên hiện hữu. Nếu chữa khỏi bệnh viêm phổi thì các bệnh hậu Covid, trong đó có vấn đề các cục máu đông trong huyết mạch cũng vô cùng nặng nề.
• Theo tôi thì đợt sốt 2-4 ngày đầu của bệnh nhân là sự phản ứng của cơ thể chống lại sự xâm nhập của virus. Còn đợt thứ hai, nhiệt độ tăng lên là do phổi bị viêm nhiễm do Covid.
• Vì đặc điểm tạo cảm giác sắp khỏi bệnh, nên Covid làn sóng thứ III này nó có thể giết chết các bệnh nhân cao tuổi, vì những người này thường có những yếu điểm:
– bảo thủ, ko chịu đi test, ko chịu đi chụp phổi.
– lười biếng, nhất là khi bị ốm thì mệt mỏi, mất ngủ, ko ăn được, sợ gió, nên ngại ko muốn đến bệnh viện để khám bệnh, tiêm thuốc. Một số người lại trốn ko muốn đi nằm viện chữa bệnh.
– thiếu hiểu biết, thiếu thông tin, hoặc là cho mình cái gì cũng biết, tự chữa bệnh, hoặc là tìm một bác sĩ tư nào đó rồi phó mặc cho người ta mà không biết được khả năng của bác sĩ đó thế nào.
– hay giấu bệnh, sợ người khác biết, cuối cùng là ko ai giúp cho việc phát hiện và điều trị bệnh.
Theo tôi hiểu thì phổi của người cao tuổi rất dễ bị Covid xâm nhập và quá trình viêm nhanh hơn rất nhiều so với người trẻ tuổi.
2/ CÁCH KHẮC PHỤC
• Kinh nghiệm cho thấy rằng, nếu ta phát hiện kịp thời, khi mức viêm phổi đang còn ở dưới 10%, và ngay lập tức được tiêm kháng sinh liều cao và thuốc chống đông máu thì các bệnh nhân đều khỏi bệnh sau khoảng 15 ngày. Nếu phát hiện muộn hơn, khi nó đã ở mức 10-20% thì phức tạp rồi. 30% là nặng, 40% là rất nặng. Nếu để cho viêm phổi lên đến mức trên 50% thì rất nguy hiểm đến tính mạng.
• Vì thế, mấu chốt của việc khắc phục bệnh viêm phổi Covid-19 làn sóng III là phát hiện thật sớm, khi phổi mới chớm bị viêm, tức là ở mức dưới 10% và kịp thời điều trị.
Kinh nghiệm cho thấy rằng:
• Tính từ ngày có triệu chứng bệnh, có sốt thì với những người yếu là 4 (+2) ngày, phổi đã viêm ở mức 5%.
– Có những người khoẻ thì đến 7-8 ngày phổi mới chớm bị viêm.
– Thường thì qua 8 ngày mà phổi ko bị viêm thì bệnh nhân đó sẽ qua bệnh dễ dàng.
• Từ đó ta hãy tự xác định xem vào ngày thứ mấy thì nên đi chụp CT phổi (chụp cắt lớp vi tính phổi). Ko nên đi chụp sớm quá, khi đó phổi chưa bị viêm, mấy hôm sau nó mới viêm, ko chụp lại được, vì qua 3 tháng sau mới được chụp CT lần tiếp theo.
– Nếu chụp muộn quá thì phổi đã bị viêm rộng, bệnh nặng hơn, sẽ khó chữa.
• Khi đã xác định được mức độ viêm phổi thì ngay lập tức phải đến bác sĩ điều trị, cho họ xem và chỉ định tiêm, truyền thuốc kháng sinh và thuốc chống đông máu. Không được để đến ngày hôm sau.
– Nếu bị nặng ở mức trên 25% thì tốt nhất là xin nhập viện nhà nước chữa Covid.
• Tôi thấy các bác sĩ chữa Covid hiện nay ở các phòng khám-bệnh viện tư, nếu cứ bị viêm phổi là họ chỉ định đơn thuốc cho tiêm, truyền kháng sinh nặng và thuốc chống đông máu.
• Nếu đã xác định được mức độ viêm phổi thì cứ 3 ngày nên đến bác sĩ nghe phổi và khám lại một lần, để họ xác định xem sau 3 ngày bệnh tình phát triển thế nào, có cần thay thuốc không. Ko nên để đến 5-7 ngày, hết đợt tiêm kháng sinh mới đến khám lại. Vì trong thời gian đó bệnh có thể nặng hơn, có biến chứng mà bác sĩ không biết.
• Nếu thấy bệnh ko thuyên chuyển thì nên đến bác sĩ khác. Thấy nặng là phải nhập viện.
• Đối với các người trên 60 tuổi, những bệnh nhân có các loại bệnh nền nói trên thì quan trọng nhất là ko được lười, không được chậm trễ, ko được giấu bệnh và trốn đi bệnh viện. Có bất cứ triệu chứng gì thì hãy nhanh chóng đi test PCR và tính ngày để đi chụp CT phổi.
Thay cho phần kết:
Một bác sỹ chữa Covid-19 dặn chúng tôi một điều rất đơn giản: “Với bệnh nhân bị viêm phổi Covid thì một ngày là vô cùng quý báu đối với sức khoẻ và tính mạng của họ”. Mong mọi người thấu hiểu điều này.
(Chan Vu)
Bucharest, 24/04/2021.
DQC (st)