Tin tức - Sự kiện

TTSK – Romania và Bulgaria gia nhập một phần khối Schengen

11:11 sáng | 31/03/2024

 

Romania và Bulgaria gia nhập một phần khối đi lại tự do Schengen với việc bỏ kiểm soát biên giới đường không và đường biển, sau 13 năm chờ đợi.

 

 

Chính phủ Romania cho biết các quy định của Schengen sẽ áp dụng cho 4 cảng biển và 17 sân bay, trong đó có sân bay Otopeni gần thủ đô Bucharest, đóng vai trò là trung tâm lớn nhất cho các chuyến bay Schengen. Các nguồn nhân lực, trong đó có cảnh sát biên giới và nhân viên nhập cư sẽ được triển khai đến các sân bay để “hỗ trợ hành khách và phát hiện những người muốn rời Romania theo cách bất hợp pháp”. Việc kiểm tra ngẫu nhiên sẽ được thực hiện để phát hiện người mang giấy tờ giả và chống nạn buôn người.

Romania và Bulgaria hy vọng sẽ hội nhập hoàn toàn vào Schengen cuối năm nay, nhưng Áo cho đến nay chỉ nhượng bộ ở các tuyến đường hàng không và đường biển. Các tuyến đường bộ ở Bulgaria và Romania chưa được đưa vào do lo ngại sẽ tạo điều kiện cho những người di cư ngoài EU dễ dàng vào các quốc gia khác trong khối.

 

Du khách đi cạnh các biển báo mới được lắp đặt quy định khu vực Schengen và không thuộc Schengen tại sân bay lớn nhất Romania, Henri Coanda, rạng sáng 31/3. Ảnh: AFP

Được thành lập năm 1985, khu vực Schengen cho phép hơn 400 triệu người đi lại tự do mà không cần kiểm soát biên giới nội bộ. Với sự gia nhập của Romania và Bulgaria, khu vực Schengen hiện bao gồm 29 thành viên, trong đó có 25 trong tổng số 27 quốc gia thành viên EU, cùng với Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein.

Romania và Bulgaria là hai quốc gia thành viên EU duy nhất không được hưởng đầy đủ lợi ích của Schengen. Croatia, quốc gia gia nhập EU sau hai nước, đã được chấp nhận hoàn toàn vào khu vực Schengen hồi tháng 1/2023.

“Những nỗ lực của chúng tôi nhằm gia nhập Schengen ở biên giới đất liền đang tiếp tục ở nhiều kênh ngoại giao”, Bộ trưởng Nội vụ Romania Catalin Predoiu nói.

Các tài xế xe tải Romania hối thúc chính phủ nhanh chóng đạt được điều này để giải quyết tình trạng xếp hàng dài mà họ đang phải đối mặt. Liên minh vận tải đường bộ chính của Romania cho biết thời gian chờ đợi trung bình ở biên giới với Hungary là 16 giờ. Các hãng vận tải Romania ghi nhận thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm vì chờ đợi quá lâu ở biên giới.

Các doanh nghiệp Bulgaria cũng bày tỏ thất vọng khi quy định tự do đi lại chưa được áp dụng cho đường bộ. Họ chỉ ra rằng “chỉ 3% hàng hóa của Bulgaria được vận chuyển bằng đường hàng không và đường biển, 97% còn lại bằng đường bộ”.

 

Vị trí Bulgaria và Romania trong khối Schengen. Đồ họa: WEF

 

Romania và Bulgaria gia nhập một phần khối Schengen sẽ mang lại sự tự do đi lại và thúc đẩy các cơ hội du lịch và kinh doanh trong khối. Công dân, người có quyền cư trú và người có visa Schengen sẽ được tự do đi lại giữa 29 nước thành viên, thay vì 27 nước như trước đây. Thời gian lưu trú lên đến 3 tháng trong mỗi 6 tháng tại một quốc gia.

Việc mở rộng thêm 2 thành viên mới này cũng sẽ giúp quốc tịch và quyền thường trú của các nước thành viên trở nên có giá trị hơn nữa. Châu Âu vốn đã là địa điểm được quan tâm bởi nhiều nhà đầu tư quốc tế, sẽ càng trở nên có sức hút hơn.

 

* Dưới đây là danh sách 29 quốc gia trong Khu vực Schengen từ ngày 31 tháng 3 năm 2024:

– Áo
– Bỉ
– Bulgaria
– Croatia
– Cộng hòa Séc
– Đan mạch
– Estonia
– Phần Lan
– Pháp
– Đức
– Hy Lạp
– Hungary
– Iceland
– Ý
– Latvia
– Liechtenstein
– Litva
– Luxembourg
– Malta
– Hà Lan
– Na Uy
– Ba Lan
– Bồ Đào Nha
– Romania
– Slovakia
– Slovenia
– Tây ban nha
– Thụy Điển
– Thụy sĩ

 

 

Bucharest, 31/03/2024.

DQC (st)

 

 

 

Liên kết website