Tin tức - Sự kiện

TTSK – Cách nhận biết mình đã bị viêm phổi do Covid hay chưa? Viêm bao nhiêu %?

10:25 sáng | 25/04/2021
 
 

Bài viết dựa trên kinh nghiệm đúc kết được trong suốt hơn một năm tham gia vào công việc trợ giúp Cộng đồng Việt Nam tại Ukraina chữa bệnh Covid trong Nhóm Tương trợ Người Việt Ukraina, chỉ phục vụ mục đích cung cấp thông tin cho mọi người tham khảo chứ không phải để chẩn đoán và điều trị bệnh.

Trong chữa bệnh Covid thì người ta chữa chứng viêm phổi do Coronavirus gây ra và các bệnh về Cục máu đông là chủ yếu.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể người bệnh, qua một thời gian ngắn virus sẽ tập trung vào phổi và tấn công bộ phận cơ thể này, gây nên tình trạng viêm phổi cấp tính, tạo nguy cơ tử vong. Chính vì vậy mà việc ngăn chặn sự phát triển và chữa khỏi bệnh viêm phổi là việc tối quan trọng. Để làm việc này hiệu quả nhất là cần phải sớm xác định được phổi của bệnh nhân đã bị viêm do Covid chưa. Nếu bị viêm thì ở mức độ nào, bao nhiêu %?

 

1/ CÁC BIỂU HIỆN CỦA VIÊM PHỔI DO COVID VÀ HIỆN TƯỢNG “KHỎI BỆNH GIẢ”

Theo kinh nghiệm của tôi thì bệnh nhân bị viêm phổi có các triệu chứng sau đây:

•  Mệt trong người, dần dần chuyển thành rất mệt, mệt lả, mất giọng. Khi bệnh nặng thì cảm thấy mình không thể bước được chân đi nữa, cảm thấy sức lực của mình nó cứ cạn dần, cạn dần và đi đến chỗ hụt hơi.

•  Từ ho nhẹ đến ho nhiều, có người ho như máy nổ. Chủ yếu là ho sâu, ho khan, không ra đờm. Có bệnh nhân ban đầu hầu như ko ho.

•  Ban đầu có thể là ko sốt, có thể là sốt ở mức xung quanh mức 37 độ. Sau khoảng 1 tuần thì sốt cao hơn, có người chỉ sốt đến 37,5 độ.

•  Từ bình thường chuyển sang tức thở, khó thở. Độ ô xy trong máu ban đầu ở mức 95-98, khi bị viêm phổi nặng thì giảm xuống 94-90, rồi xuống 89-80 và thấp hơn nữa. Để xác định độ oxy trong máu thì dùng máy đo nồng độ oxy kẹp đầu ngón tay, bán ở các hiệu thuốc.

 

 

•  Dần dần thấy khó chịu trong ngực, tức ngực, đau ngực, đau phía sau lưng, có cảm giác như có một cục gì nằng nặng trong ngực mình. Nếu bị nặng thì thấy nóng rát trong ngực.

•  Ban đầu cảm thấy bình thường, nhưng càng ngày càng thấy thiếu oxy, nếu dùng máy trợ thở thì thấy dễ chịu.

•  Da mặt và mắt vàng dần ra do thiếu oxy.

•  Đầu óc từ tỉnh táo trở nên rối loạn.

– Xin lưu ý mọi người là như trong bài trước tôi đã viết, rất hay gặp các ca bệnh sau khi sốt vài hôm rồi thấy ko sốt nữa, nhiệt độ quẩn quanh mức 37 độ C, không thấy ho, chỉ thấy người mệt mệt… tạo cho mình cảm giác bệnh đã suy giảm giả tạo. Một tuần sau đi chụp CT thì phổi đã viêm 25-40%.

– Chính vì vậy bệnh nhân phải rất thận trọng, luôn tự theo dõi phổi mình xem nó thay đổi thế nào? Tự đặt câu hỏi tại sao mình lại bị mệt và mất sức như thế? Đối chiếu xem có giống các biểu hiện ở trên không?

 

2/CÁC PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH VIÊM PHỔI VÀ MỨC ĐỘ VIÊM PHỔI

Để xác định chính xác phổi có bị viêm hay không và mức độ viêm như thế nào thì chỉ có bác sỹ mới làm được. Bằng các phương pháp sau:

•  Bác sỹ dùng ống nghe để lắng nghe phổi. Những bác sỹ có kinh nghiệm, họ sẽ xác định được phổi đã bị viêm chưa, và mức độ viêm thế nào. Tuy nhiên, con Covid làn sóng thứ III này nó gây nên một thứ viêm phổi “êm dịu”, nên việc xác định chính xác tình trạng viêm phổi bằng ống nghe là rất khó khăn.

•  Chụp Roentgen (X-quang). Đây là phương pháp cũ, cho độ chính xác không cao. Tuy nhiên chụp X-quang vẫn được sử dụng rộng rãi trong các bệnh viện công chữa Covid ở Ukraina vì giá thành rẻ (100 grn) và cho kết quả nhanh.

•  Chụp CT (chụp cắt lớp vi tính). Đây là phương pháp hiện đại cho kết quả chính xác, đang được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm phổi. CT cho chúng ta biết chính xác tình trạng của phổi và tim, viêm bao nhiêu %, viêm ở những khu vực nào, đã hình thành các ổ viêm phổi chưa, đã có tình trạng “kính mờ”, tình trạng đọng các ổ nước hay chưa,…

 

3/ BAO GIỜ THÌ ĐI CHỤP CT?

Xác định đã bị viêm phổi hay chưa và bị viêm bao nhiêu % càng sớm càng tốt, bởi trên cơ sở đó bác sỹ mới lên được phác đồ điều trị bệnh viêm phổi. Chưa có kết quả chụp CT thì thường là họ cho mình đi chụp, có kết quả rồi mới kê đơn thuốc để điều trị tích cực.

• Đối với người già, người yếu, sức đề kháng kém,… thì khoảng 4 (+2) ngày (kể từ ngày có triệu chứng rõ rệt) thì nên đi chụp CT. Những người có sốt liên tục, những người bị ho nhiều, những người đã xuất hiện các triệu chứng viêm phổi do Covid nói ở trên thì cũng nên đi chụp CT vào thời điểm này.

• Những người mạnh khoẻ, trẻ, sức đề kháng tốt thì nên đi chụp muộn hơn, vào khoảng ngày thứ 6 (+2).

• Còn các bệnh nhân sau 8 ngày mà chụp CT cho kết quả không bị viêm thì phần lớn sẽ ko bị viêm phổi nữa.

• Trong trường hợp đã bị viêm phổi mà bệnh nhân ra đường bị trúng gió, vẫn tiếp tục đi chợ bị lạnh, nhà không đủ ấm, tắm xong bị lạnh thì sau đó phổi sẽ bị rất nặng. Tuy nhiên, nếu trời ấm áp, không có gió, có mặt trời thì đi dạo một chút không sao cả. Căn hộ nên thông hai lần/ngày.

• Nếu mọi người tính toán được chính xác ngày đi chụp CT thì mức viêm phổi chỉ ở dưới 10%. Với mức viêm phổi đó thì chỉ cần bác sỹ ở phòng khám tư nhân kê đơn và theo dõi thường xuyên, chữa khoảng 15 ngày là khỏi.

 

Thay cho phần kết:

Cho phép tôi lại nhắc lại chuyện này. Một bác sỹ chữa Covid-19 rất uy tín đã dặn chúng tôi một điều rất đơn giản: “Với bệnh nhân bị viêm phổi do covid, thì một ngày là vô cùng quý báu đối với sức khoẻ và tính mạng của họ”.

 
(Chan Vu)
 
 
 

Bucharest, 25/04/2021.
DQC (st)

 

 

 

 

 

 

Liên kết website