Bạn đọc viết

BĐV – Chị Đương – Truyện ngắn của Phạm Quang Thu

5:49 chiều | 28/02/2013

 

Chẳng ai biết chị Đương về lại Làng này năm nào, chỉ biết là sau 1976, sau ngày Hòa Bình lập lại và cả thôn tôi ai cũng thích nghe bài hát Mùa Xuân Đầu tiên của Văn Cao. Người ta thích cái câu Gà gáy trưa trên sông và là bởi vì Làng tôi nằm cạnh một con sông và suốt đời nghe tiếng gà gáy ban trưa. Ở Quê tôi, người ta còn tin nhiều điều bí ẩn. Ai đó có gà mái tập gáy là chuyện không vui, chắc con gái đang tính chuyện trai lơ và thế nào cũng lại nghe bao chuyện về cái bụng mang dạ chửa không chồng. Bây giờ ai cũng nói được là không chồng mà chửa mới ngoan chứ ngày xưa, nghe ai đó không chồng mà chửa, cả làng tôi cứ sôi lên như sắp động đất đến nơi rồi. Rồi mấy tay thợ đào đất lại kháo nhau sắp được làm công vì nhà có Gái chửa phải đào đắp cho Làng gần 30 mét dài đường bao, coi như chịu phạt. Chứ chuyện cạo trọc đầu bôi vôi thả sông người chửa hoang thì tôi chưa thấy bao giờ.

Chị Đương về làng ai cũng vui, ai cũng quý chị. Cái dáng cao lớn trên mét bảy, nặng những 83 kg có thừa của chị là chuyện xưa nay hiếm ở miền quê gió Lào rát bỏng này. Chị cao lớn nhưng không thô kệch mà mềm mại, dáng rất Tây nữa là khác. Có mấy tay trai tý choắt thì cứ nhìn theo mà tung ra bao tin đồn đại rằng con mẹ Đương là kết quả của một cuộc chạy giặc bất thành của bà Hồng Mão năm 1947, khi Pháp đổ bộ lên Quỳnh Lưu rồi tràn vào Diễn Châu cướp bóc. Chị Đương lớn lên vô tư như cây đa, cây gạo ở Làng tôi. Người ta hay đàm tiếu chị nhưng phải nói là phái mày râu ai cũng muốn ngắm chị cho thỏa cơn cả thèm tò mò và không thiếu đi sự dung tục trong ánh mắt. Những ngày cả Làng làm thủy lợi, vắng bóng chị Đương là năng suất giảm đi rõ rệt. Ai cũng thích cái áo trắng mỏng ôm gọn lấy tấm lưng trắng mềm mại và to lớn, dư sức dẽo dai của chị. Mỗi lần chị cúi xuống, ngẩng lên, khối anh chết lặng đi vì cặp Núi đôi của chị, tròn trịa, nở nang, cứ nâng lên hạ xuống nhịp nhàng theo nhịp cúi, ngẩng, lắm gợi cảm cả thèm cho bao kẻ trai mới lớn. Người ta thích chị Đương là bởi chị sống chan hòa. Cái miệng chị lúc nào cũng tươi, rất tự nhiên nhưng hơi điệu khi nói về yêu đương và chọc ghẹo trai làng. Rồi anh cả Cương gầy tóp thế nào, bé con lại lọt vào mắt xanh của chị. Chị ừ và cho cưới liền tay. Cả xóm tíu tít hai ngày vì đám cưới rất đơn sơ của chị. Ai cũng tức anh ách và cho là chị kích hoạt cơn giận dỗi của nhóm con trai đang nhìn theo chị với sự thèm khát mỗi ngày.

Chị đi làm thủy lợi với hai bàn tay không, không xẻng, không rổ, không mai. Bắp chân trần dài, trắng tròn như 2 búp sợi căng cứng cứ loang loáng, loang loáng cuốn hút bắt mắt vô cùng. Chị lao vào bốc, khiêng, vác, kéo cho cả đội và ai cũng phải dè nể về khả năng đảm đương bốc vác không biết mệt của chị. Chị Đương không thèm để ý những lời ong tiếng ve đàm tiếu cặp đôi vợ chồng nhà chị. Có tiếng hò khan đục của nhóm Tân Đoài: 
– Hò ơi hò, chồng người đánh giặc sông Lô; mà chồng em ngồi bếp nướng ngô cháy quần, này. Hò ơi hò!.

Cả nhóm đang bị kích thích khoái chí động chạm chị Đương, ghen, chế diễu cái dáng vóc èo uột không hề tương thích của lão Cương chồng chị. Và họ cứ nghĩ chị Đương sẽ tức lắm. Nhưng không, chị Đương rất cởi mở, hò đáp trả cay cú ngay: 
– Hò ơi hò, mặc chồng người đi ngược về xuôi, chồng em ngồi bếp đầu b. chấm tro nè, hò ơi hò!.

Và cả túm con trai hè nhau cười ngất, bất ngờ với sự đáo để của chị Đương. Có tiếng nói vút lên: 
– Khiếp chưa con mẹ Đương dám quảng cáo trò xấu dây tốt củ cho lão Cương ốm o đấy. Súng ống có dài lắm mới chấm được tro, phải không các cậu…

Cả nhóm cười vang.

 

Những ngày hòa bình xây dựng Quê hương mới ai dè lại qua hàng nhanh thế. Sau tháng 6 năm 1966, làng tôi không còn bình yên nữa. Bom nổ, đạn rung, lửa cháy đêm ngày và cái chết diễn ra như cơm bữa, đến nỗi chẳng còn ai có đủ nước mắt để khóc người thân; họ im lặng dấu căm thù giặc Mỹ trong đôi mắt ráo hoảnh chai lỳ để lo mai táng cho bà con xấu số. Ai cũng thương cảm chị Đương, đảm đương việc nhà, việc xã, không hề than vãn điều gì và ngay việc cưới xin đã ngót hai năm mà chị chưa lần bụng mang dạ chửa. Ai cũng nói là anh Đương quá yếu ớt để đạt được cái mong ước làm cha. Kìm nén nổi đau thương mất mẹ vì trúng bom Mỹ, chị dồn sức làm hết phần việc mình và bao thêm nhiều công việc của Phụ nữ thôn xã. Rồi năm 1970 đã đến. Năm 1970 có phong trào Thanh niên xung phong đi tiền tuyến phục vụ bộ đội diệt thù. Hôm đó là một ngày trung tuần tháng 9, cả làng vừa làm xong lễ giỗ đầu Hồ Chủ Tịch, cả làng cũng vừa đau buồn tiễn biệt hai Liệt sỹ con em của Làng vừa tử trận.

Chị Đương bước chậm về nhà, lòng rối bời bao cảm xúc. Chị nói với anh Đương: 
– Anh này, em nghĩ kỹ lắm rồi, nay thì em nói để anh biết và ủng hộ em đi thanh niên xung phong vào Quảng Trị đợt này. Nhà ta phải có người đóng góp cho trận tuyến diệt thù chứ anh. Anh đau ốm thế, cả làng không nỡ cử anh đi bộ đội, còn em, em khỏe mạnh thế này, cứ lầm lũi ở nhà em không chịu nổi.

Nói rồi, chị Đương rút vội mùi xoa lau chặn hai dòng nước mắt đang chảy tràn xuống má. Anh Đương ngồi chết lặng trước ngọn đèn dầu leo lét. Anh không nói gì. Mãi sau mới thốt lên:
– Em đi vì dân vì nước, ai cản em được. Cả Làng cùng dồn sức cho tiền tuyến đó thôi. Em ở nhà, anh được chăm nom lắm, nhưng anh cũng sỹ diện với bạn bè. Người ta cứ hò vè nướng ngô cháy quần, anh đau lắm mà không làm sao được.

Bất thình lình, chị cúi gập người xuống ôm chầm lấy anh mà hôn, hôn như chưa bao giờ được hôn như thế. Chị mơn man đôi môi anh, khỏa lấp bao sự e dè và cứ thế hôn sâu mãi. Mãi lâu sau đó, anh Đương mới cựa quậy được và nói với chị như nói một mình: 
– Anh biết tuần sau em đi rồi. Lần này đi đông đấy chứ em, làng ta có đến mươi người, xã ta có đến cả dăm chục chứ ít gì. Chắc sắp đánh nhau to lắm đó.
– Thế em đi, anh và mẹ có nhớ em không?
– Em đừng nói nữa, hỏi làm gì câu đó, anh nhớ em quay quắt ngay từ hôm nay rồi Đương ạ. Mấy hôm nay anh không ngủ mà em chẳng biết. Đêm cựa quậy nhiều sợ phiền em, chứ anh cứ muốn đánh thức em mà nói với em nhiều lắm.

 

Rồi ngày tiễn biệt chị Đương nhanh đến. Từ sáng sớm mọi người trong làng đã tề tựu về gốc đa ở Đình Làng để tạm biệt nhóm Thanh niên xung phong đi B đợt này. Chắc chắn là đi Quảng Trị rồi. Ác liệt lắm, xương máu lắm đấy bà con ạ. Các tốp thanh niên trong làng lần lượt bắt tay bà con cô bác rồi vẫy chào người thân, lên nhanh trên xe đang chờ sẵn ở trước đình.Chị Đương không nói gì. Chị lầm lì hẳn. Chị ôm lấy mẹ chồng rồi xin lỗi mẹ không ở lại chăm sóc những ngày già cả của bà. Bất chợt, chị lao đến anh Cương, không nói lời nào, cứ thế mà ôm lấy anh, siết mãi. 
– Em đi rồi, anh ở nhà lo cho mẹ, cho em trai (chưa học hết phổ thông). Em sẽ chăm thư về nhà. Em thương anh lắm. Anh gắng lên nha!

Sức vóc nhỏ thó của anh Cương bị kiềm tỏa trọn gói trong gọng kìm của đôi tay chị. Anh trào nước mắt chào vợ khi Đương buông chồng, đi hết từng nhóm người này đến nhóm người khác ra tiễn biệt chị và nhóm thanh niên đi B hôm ấy. Buổi tiễn chia tay diễn ra chóng vánh và đầy cảm động. Mọi người về hết, người ta vẫn thấy anh Cương đứng vậy, giơ tay huơ huơ mãi như không muốn vuột rời hình bóng chị Đương.

Sau mười lăm ngày vừa đi ô tô, đi bộ, vượt đèo, chị Đương về Đại đội Thanh niên xung phong số 71, tiểu đoàn 347, đóng quân ở vùng thượng nguồn sông Thạch hãn Quảng trị, và thuộc Đoàn 559 khi xưa. Chị được nghỉ ngơi 2 ngày sau đó đi học các điều lệnh, ra hiệu, báo thông đường mà trách nhiệm Đại đội Thanh niên Xung phong phải thực hiện tốt trong chiến dịch sắp tới. Cả Đại đội ai cũng ngưỡng mộ chiều cao và độ cao lớn của chị. Đã có rất nhiều chiến sỹ Trung đoàn hậu cần 559 đóng cạnh dò la làm quen và muốn kết nghĩa anh em với chị. Chị Đương âm thầm chịu trận khi có quá nhiều thư tay và tín hiệu mong muốn được làm thân. Với tính cách cởi mở, hòa đồng, chị Đương nhanh chóng chiếm được cảm tình của Đơn vị và các Đoàn quân qua lại tập kết ở khu vực Thượng nguồn Thạch hãn.

Vào đây, chị Đương lạ lắm. Lạ từ chỗ ăn ở, sinh hoạt hàng ngày, lạ từ nơi tắm táp đến nơi làm lán. Nhưng công việc dồn dập và chuyển thương hàng ngày nhiều quá khiến đêm đến là chị thiếp đi trong giấc ngủ khuya và cũng chẳng kịp nhớ nhà, nhớ Mẹ, nhớ anh Cương và bà con làng xóm. Tinh mơ là đã nghe đạn pháo nổ rền vang, dữ dội. Bom nổ rung trời rung đất, cây đổ ngổn ngang, núi đồi đất đỏ cháy đen nham nhở vì bom đạn. Chiến dịch đang mở ra rộng lớn, chị Đương biết thế và quyết tâm bám việc, hoàn thành từng sự vụ trong ngày.

Mùa hè đỏ lửa 1972 bắt đầu. Ta và địch trong thế chen cài da cáo lần lượt đụng độ nhau và những cuộc chiến khốc liệt liên tiếp xẩy ra. Địch dùng pháo hạm, máy bay ném bom. Quân ta thương vong nhiều vô kể. Chị Đương được bố trí vào đơn vị dẫn đường bộ đội qua sông, tiếp cận dần với địch và tiến nhanh về phía Đông Nam tiêu diệt địch ở chung quanh thành cổ. Chị Đương có tài bơi lội từ bé nên lại được bố trí tổ bơi, dìu bộ binh qua sông. Khúc vượt không rộng nhưng sâu và có nước xoáy. Người không biết bơi rơi xuống vực là thương vong gần như chắc chắn. Bộ đội của ta còn trẻ lắm, cỡ 18 đôi mươi nhiều lắm. Có nhiều anh xuống nước sâu còn sợ khiếp vía, gọi mẹ ơi như thể ở nhà. Chị Đương thương lính vô cùng. Mỗi bận dìu giúp lính qua sông, trong lòng chị lại trào lên tình yêu thương vô hạn. Họ chỉ ở tuổi em trai chị, thậm chí trẻ hơn nhiều. Sáng dìu các em qua sông, chiều đã lại đưa cáng qua sông với thi thể các em đã bị bom đạn băm nát, máu me be bét. Chị Đương không cầm lòng nổi. Những phút giây chiến trường im tiếng súng, có tiếng lích chích của mấy con chim lạ, bé teo trong lùm cây gần đó, chị Đương cồn cào nhớ anh Cương, nhớ cái làng nghèo cạnh ngã ba Phủ Diễn. Nhất là những ngày đầu, khi mới đến nơi tập kết, chị thường khóc thầm về đêm. Bao kỷ niệm với quê hương trỗi dậy, chị không nén được yêu thương, cứ mong chiến trường chóng im tiếng súng, có hòa bình để chị mau về thăm lại quê nhà. Thế rồi loáng cái đã có tiếng máy bay lượn rít, tiếng pháo bầy, tiếng nổ chói tai của đạn cối, khói bốc lên mù mịt. Có tiếng thét của Đại đội trưởng Thân: 
– Địch lấn chiếm và đang trườn lên phía đông của Đồi, tất cả chuẩn bị. Đồng chí Đương dẫn tiểu đội dẫn đường đưa nhanh bộ đội qua sông kịp bổ sung cho các đơn vị bạn. Nhanh lên!

Chị Đương hối hả thốc lại mảnh dù và cái ba lô mỏng dính, chị chạy như bay về đoạn sông sâu nơi quân ta đang tập kết chuẩn bị vượt sông, bất chấp hỏa lực địch đang bắn xối xả. Chúng cứ nhằm mặt nước sông mà bắn, không cần ngắm, không cần chần chừ và bọn nó đã gây ra rất nhiều sát thương cho bộ đội vượt sông ngày đó. Chị Đương cứ thế bơi, vòng đi vòng lại nhiều lần, tay khoác tay dìu, chị đưa được rất nhiều tân binh vượt sông đoạn hiểm. Chị nhớ như in đêm dìu mấy anh qua sông, quê mỗi người một nơi nhưng cùng chung độ tuổi, những Tân, Phú, Hợi, Lương, Triều, chẳng biết đứa nào quê mãi đâu, nhưng chắc không xa quê Phủ Diễn của chị. Có tiếng động cơ máy bay bay rất sát mặt sông, những tiếng nổ chói tai liên tiếp và sau đó là pháo sáng sáng rực mặt sông sâu. Tiếng súng máy địch bắn pằng pằng cả tràng dài từ máy bay trực thăng nghe chát chúa. Lính tên Tân vòng tay qua cổ chị, nó níu trĩu cả vai, chân cứ nhoai nhoai nhưng không nổi được trên mặt nước. Nó thì thầm vào tai chị: 
– Chị Đương ơi, đằng nào chúng em cũng chết. Chị cho chúng em sờ vào ti chị chút cho chúng em còn biết mùi đời. Nhỡ ra nay mai chết, bọn em chỉ mới biết mỗi ti mẹ thôi chị ạ, chưa kịp quen thân với cô nào cả.

Chị Đương chau mày nhưng rồi ôn tồn nói: 
– Nhớ gắng bơi, khoát tay mạnh vào sẽ nổi. Tao cho phép chúng mày sờ vùng trên thôi nhé, đứa nào láu cá sờ bụng dưới là tao cho chìm ngay đấy. 
– Chúng em không dám đâu chị ạ. Được thế này là phúc đức lắm rồi, chẳng dám tham. Nay mai hòa bình, bọn em sẽ theo địa chỉ lần về quê tìm chị mà cảm ơn chị đấy. Nhưng chị đừng nói cho ai biết chúng em thèm nhá.

Nói rồi, chị lại khoát tay, rẽ nước băng đi, kéo theo mấy anh lính trẻ đang bám vào vai, vào cây chuối, đoạn luồng được cột chặt vào người chị mà qua sông hôm đó. Đến bờ, chị Đương quay lại nói với Tân: 
– Đã hẹn là nhớ về thăm chị, cho chị cà phê hạt đấy nha. Đứa nào nuốt lời hứa là không được với chị Đương nhé!…

 

Chị Đương ngồi trên bậu cửa, nhìn về hướng Tây nam, nơi đó có vùng Thượng nguồn Thạch hãn, con sông chảy qua Thành Quảng Trị. Những vui buồn xa xôi vụt hiện về. Cái đài Radio bé teo của chị mua ngày nào nay vẫn đang dùng tốt. “Cỏ non thành cổ một màu xanh non tơ; có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ; Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi một thuở. . . khi chồng con không trở về. . . Cỏ non xanh tơ xin chớ vô tình với người hy sinh trên mảnh đất quê mình. . . .
– Ngọc Anh hát bài này hay quá chú ạ. Mỗi lần nghe bài hát mà tôi không sao cầm được nước mắt. Những thằng Tân, Phú , Hợi, Lương, Triều v.v. . . không thấy tìm tôi cảm ơn như đã hẹn. Chúng nó chắc chết cả rồi, tội nghiệp, trẻ quá, chưa biết tí ti mùi đời. . .Nói rồi chị ôm mặt khóc nấc.

 Ngót nghét đã trên 40 năm, chị Đương lần nhẩm lại. Cái tuổi sáu bảy đang sắp đáo rồi. Tôi vô tình hỏi chị: 
– Vậy các cháu đã trưởng thành chưa hở chị? 
– Chị không có con chú ạ. Ngày cưới anh Cương vì thương anh ấy con liệt sỹ, còi cọc nhưng thật thà, thương người. Sau đận 1972, chị bị thương khá nặng ở vùng xương chậu, sức khỏe sút nhiều. Trở về nhà, biết được mẹ anh Cương đã mất ít năm sau khi chị vào chiến trường. Anh Cương ở lại một mình trong căn nhà cũ nát. Chẳng có chút gì mới cả. Mà lấy tiền đâu ra chú. Chị mở lò rượu quê, trước nữa có cái bán mua, sau nữa có hèm( bã) nuôi lợn năm hai lứa. Cuộc sồng tùng tiệm qua ngày…

Gió heo may đã thổi về Phủ Diễn mấy hôm nay. Không khí lạnh nhưng khô, dễ chịu. Tôi đến chào chị Đương lên đường đi công tác. Chị vui đưa tay cho tôi bắt và dặn nhớ về Làng chăm hơn.

Tình yêu quê hương trong tôi nổ bùng, giục giã tôi phải làm gì cho quê hương mình, làm gì để giúp đỡ thêm cho những người như chị Đương yêu quý của tôi, người mà cả xóm vẫn thường gọi Đương Tây để trêu chọc yêu thương chị./. 

 

Phủ Diễn, Diễn Châu cuối tháng 2/2013
Phạm Quang Thu

 

 

 

 

 

Liên kết website