Bạn đọc viết

BĐV – Chất lượng cuộc sống

5:49 chiều | 15/01/2012

 

Kiếm tiền để làm gì? Đó là câu hỏi muôn thuở, song tìm ra câu trả lời và sống theo cách mình hiểu là vấn đề luôn sốt dẻo và rất đa dạng. Ngay đối với một người thì câu trả lời cũng khác nhau, thậm chí rất khác nhau, tùy theo hoàn cảnh sống và các giai đoạn khác nhau của đời người. Khi ở Việt nam thì mục đích kiếm tiền có khác với khi sống ở phương Tây tân tiến văn minh. Khi mới lập gia đình, sinh con đẻ cái, nhiều người phụ nữ chỉ biết chăm lo cho chồng cho con được sung sướng hạnh phúc, chẳng nghĩ gì đến bản thân mình, đến khi đã bước qua dốc bên kia của cuộc đời thì mới sực nhớ ra là mình cũng cần phải lo cho bản thân một chút, dù đã muộn màng. Ăn no mặc ấm rồi thì phải tính chuyện ăn ngon mặc đẹp, từ đó mới có văn hóa ẩm thực và nghệ thuật thời trang.Ẩm thực và thời trang lại luôn song hành với du lịch, khám phá và thưởng thức văn hóa nghệ thuật, nâng cao hiểu biết và bồi dưỡng sức khỏe, chăm lo đời sống tâm linh. Tựu trung lại, dù có khác nhau đến mức nào thì việc kiếm tiền cũng có chung một mục đích là làm cho chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Thật đơn giản, nhưng không phải ai cũng hiểu được và làm được đâu.

Hồi đi sơ tán ở Hà Đông, tôi sống trong nhà một cụ bà độc thân. Con cái cụ đi xa, làm ăn cũng khấm khá, gửi tiền về đều đặn. Cụ gom góp hết lại, đem dấu trên mái tranh và chẳng bao giờ đụng đến. Món ăn của cụ hằng ngày thật kham khổ, chỉ có mấy quả ổi xanh chấm muối ăn với cơm. Mà ổi xanh trong vườn của cụ thì không bao giờ hết. Nuôi con lợn, đàn gà, khi chúng lớn cụ đều đem bán, góp tiền, tiếp tục bổ sung vào cái kho bạc ở mái tranh nhà mình. Cụ quên ngày quên tháng, không hề đem tiền xuống coi. Bỗng một hôm, vừa đi dạy học về, tôi nghe cụ khóc than thảm thiết: “Thầy giáo ơi, thầy giáo, thầy có biết là tôi khổ đến mức nào không, tôi đau đến mức nào không?hu hu hu…”- “Có chuyện gì vậy hở cụ?”-“Trời hại tôi rồi, thầy xuống bếp mà xem, hu hu hu…”Tôi lặng người khi nhìn thấy những gói tiền vuông vắn, nhưng nhìn kỹ thì đã bị mối ăn nát bươm. Tôi bóc thử vài tờ ra xem thì chao ôi, tôi không tìm được lời nào để an ủi cụ. Đến con số chỉ định mệnh giá cũng không còn nhìn ra được. Làm sao bây giờ? Tôi chỉ còn biết đỡ cụ dậy, dìu vào giường để cụ nằm nghỉ. Hôm sau tôi ra bưu điện huyện, điện cho anh con cả đang làm ăn ở Hòa Bình về. Tất nhiên khoản tiền ấy chỉ còn mỗi một cách là đốt đi. Đó là thời chiến tranh xa xôi. Cuộc sống bây giờ đã khá hơn nhiều, song không phải ai cũng biết cách sử dụng đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi nước mắt của mình để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trước khi bàn về chất lượng cuộc sống, tôi muốn nói về tài sản của mỗi người, cơ sở để cải thiện chất lượng cuộc sống. Tài sản của một người bao gồm phần định giá được và phần không định giá được. Phần định giá được là tiền bạc, nhà cửa đất đai, vật nuôi cây trồng, phương tiện giao thông và đồ dùng. Phần không định giá được là vốn tri thức và kinh nghiệm sống, tình cảm gia đình và quan hệ xã hội, và quý giá nhất là sức khỏe. Cần lưu ý là khi ta nói không định giá được không có nghĩa là nó không có giá trị, mà là ngược lại nó là vô giá, nghĩa là không thể nào đo hết được giá trị của nó! Lại xin lạm dụng toán học một chút, ta biết phần định giá được, cho dù nó lớn đến đâu cũng là hữu hạn, còn phần không định giá được mới thật to lớn, nó là vô hạn. Cũng dính một chút đến toán học, theo quan niệm của tôi thì cả hai phần định giá được và không định giá được đều mang dấu dương lẫn dấu âm. Dấu dương là khi ta đạt được hay làm điều thiện, dấu âm là khi ta mất mát hay làm điều ác. Tuy nhiên âm dương ở đây cũng có phần khác với toán học thuần túy. Thí dụ, có lúc cho đi mà không hề mất, như đem tiền bạc để làm từ thiện thì không hề mất mà là được đấy chứ! Thu về những đồng tiền bất chính đâu phải là được mà là mất đấy chứ! Và đặc biệt là nhiều khi ta tiêu xài một phần tài sản, song tài sản của ta không hề bị hao hụt mà lại tăng lên! Sử dụng một cách hài hòa nguồn tài sản của mỗi người nhằm thỏa mãn các nhu cầu về vật chất, tinh thần và tâm linh để sống khỏe và sống tốt đó chính là tạo ra chất lượng cuộc sống.

Trên thực tế, rất khó tìm được sự hài hòa trong việc sử dụng hai phần tài sản của con người. Trong cuộc mưu sinh đầy gian lao vất vả, ta thường ít coi trọng phần thứ hai của tài sản. Ta cần chú ý đến phần này nhiều hơn nữa. Việc ra đời của CLB Phụ nữ VN tại RUMANI là một trong những giải pháp để cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng người Việt. Nếu ta tinh ý một chút thì thấy ngay là kể từ khi CLB ra đời, tài sản của mỗi thành viên CLB và những người liên quan đã từng bước tăng trưởng. Ngay bản thân tôi, không phải là thành viên CLB, cũng chẳng phải liên quan trực tiếp, thế mà tài sản của tôi cũng có phần khá lên. Đặc biệt, chuyến dã ngoại do CLB Phụ nữ vừa tổ chức là một minh chứng cho sự cải thiện chất lượng cuộc sống. Quả thực là “đi một đàng, học một sàng khôn”. Vừa ra khỏi Bucarest, ta thấy những máy bơm giữa cánh đồng, giống như “con cò mấp máy suốt đêm thâu”, ta chợt nhớ đến Hồ Xuân Hương chứ chưa biết đó là cái gì. Nhưng nhờ mấy anh chuyên gia dầu khí đi cùng xe giải thích ngọn nguồn từ lịch sử hình thành dầu khí đến cách khai thác, đặc biệt về ngành dầu khí VN rồi đến vấn đề tranh chấp biển Đông, thì thật là ta đã bổ sung vào tài sản của mỗi người “một sàng khôn” và “một bồ tình yêu quê hương đất nước”. Tham quan nhà thờ Curtea de Arges hay bảo tàng Colesti của một giòng họ trí thức yêu nước, ta hiểu biết thêm về lịch sử Rumani, ta khâm phục tài nghệ kiến trúc của người Ru, ta đồng cảm với nhân dân Rumani, một dân tộc có lịch sử bi hùng đẫm máu giống như dân tộc VN. Đứng trên đập thủy điện Vidracu ta nghĩ về đập thủy điện Hòa Bình hay đập thủy điện Sơn La. Ngày nay với công nghệ hiện đại và vốn khổng lồ ta đã có thể xây dựng được những đập thủy điện hoành tráng hơn nhiều so với đập Vidracu, song ta nên biết rằng vào những năm 1960 đây là đập lớn thứ năm của châu Âu và thứ chín của thế giới và đặc biệt để làm được nó người ta đã mất sáu năm và… 80 sinh mạng vì địa hình rất hiểm trở và phải đào và đổ bêton đến 42 km đường hầm xuyên qua các núi đá. Leo 1472 bậc thang để lên đến pháo đài Cetatea Poenari, nơi trấn giữ một thời của vị vương chúa Vlad Tepes (còn gọi là Dracula), người đã có những hình phạt vô cùng khắc nghiệt đối với những tội đồ, ta tưởng chừng như kiệt sức. Ngồi thở một lúc, dần lấy lại sức, ta đứng dậy phóng tầm mắt ra xa, ở độ cao 850m, trời mây non nước sao mà đẹp thế! Và như thăng thiên, ta có cảm giác xung mãn hơn bao giờ hết , muốn bay cao hơn nữa. Đến đây, tôi thiết nghĩ đã quá rõ ràng, không cần phải tính xem tài sản của mình đã tăng trưởng được bao nhiêu!

Để kết thúc, tôi xin nêu một “công thức toán học”.

TÀI SẢN = Tài Sản Định Giá Được + Tài Sản Không Định Giá Được 
= Thỏa Mãn Nhu Cầu Vật Chất+ Tình Cảm + Tâm Linh 
= Sống Khỏe + Sống Tốt 
= Chất Lượng Cuộc Sống.

 

Bucarest 02.07.2011
Trần Đình Trúc

 

 

 

 

 

 

Liên kết website