Bài viết về Romania & Cộng đồng người Việt

BV – Giáo dục trong trường học: Tự nguyện hay Ép buộc?

5:35 chiều | 15/03/2021

 

Mấy tuần trước, tôi có viết về việc nộp hồ sơ cho các bạn nhỏ vào lớp 0 ở Bucharest, việc học thêm cho con em trong cộng đồng. Sau đó thì được 1 số các bố mẹ trẻ phản biện, đại loại như: còn trẻ thì phải học nhiều hơn chơi, “có công mài sắt có ngày nên kim”, tại sao nền giáo dục Romania lại khuyến khích chơi nhiều hơn học? Trẻ con mà không ép học, để chúng tự do thì liệu có “đi đến nơi, về đến chốn”, vì chẳng có đứa trẻ nào thích học cả? Tại sao giáo dục Romania cấm dạy thêm về Toán, tiếng Romania… mà chỉ cho dạy thêm, học thêm rất nhiều các môn năng khiếu nghệ thuật, thể thao và gần như bảo trợ hoạt động này ở các trường công, nhưng lại không có bất cứ 1 lớp dạy thêm về văn hóa cho những học sinh có nhu cầu?

Thật ra đây cũng là băn khoăn của chính tôi từ nhiều năm trước nên hôm nay sẽ chia sẻ lại. Trước hết để mọi người dễ hiểu, tôi xin đưa 1 trường hợp cụ thể của người Việt mình. Cách đây không lâu, báo chí Việt nam có đưa tin về 1 em bé 5 tuổi do học theo trò chơi thắt cổ trong phim hoạt trình trên youtube nên đã thiệt mạng. Đau lòng hơn sự việc này đã được gia đình phát hiện 1 lần trước đó không lâu và đã cứu kịp thời (và chắc chắn cũng đã được răn dạy nặng nhẹ không ít).

Rõ ràng đây là sai lầm của người lớn. Nếu sự việc này xảy ra ở Romania, họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vậy vấn đề nằm ở đâu, bởi họ đã từng phát hiện và giảng giải, răn đe? Vấn đề chính là ở chỗ người lớn đã đưa 1 bài học quá sức hiểu biết của bé. Với kinh nghiệm của 1 đứa bé 5, 6 tuổi đầu, “chết” chỉ là 1 sự thay thế: cún cưng chết, em có thể chơi với cún nhà hàng xóm, hoặc khóc lóc quá bố mẹ sẽ mua con khác… , thậm chí nếu bố mẹ không may bị chết, những đứa trẻ ở độ tuổi này cũng dễ bị dỗ dành bởi 1 món quà, 1 thứ đồ chơi hấp dẫn của người thân … Xót xa hơn, còn có những em bé hồn nhiên cười nói ngay trong đám tang của chính bố mẹ mình.

 

 

Qua việc này ai cũng đã nhận thấy là học về khái niệm nguy hiểm dẫn tới việc đau với bé thì dễ, bởi “đau” là kinh nghiệm bé đã từng. Còn việc học khái niệm nguy hiểm dẫn tới “cái chết” với 1 đứa bé là “hên, xui” bởi bé không thể nào hiểu thấu đáo. Và để 1 video độc hại lọt vào tầm mắt của 1 đứa trẻ ở độ tuổi “học theo, bắt chước” đã dẫn tới hậu quả đau lòng như thế.

Tương tự, trong lĩnh vực giáo dục, việc đưa 1 nội dung học tập vượt quá kinh nghiệm thực tế sẽ làm cho người học hiểu không đúng bản chất, học vẹt dẫn tới cho ra đời những tiến sỹ “giấy”. Đó cũng chính là lí do ở 1 vài nơi nào đó, những phát minh, sáng tạo nhiều hơn thuộc về người nông dân, công nhân-những người tiếp xúc trực tiếp với công việc thường ngày, còn giáo sư, tiến sĩ giấy được gọi với những cái tên khác.

Để khắc phục những hạn chế của việc giáo dục “chay”, lý thuyết xa rời với thực tế, nền giáo dục Romania đã có nhiều đổi mới . Chương trình học ở các lớp nhỏ được gắn liền với những trải nghiệm thực tế của học sinh nên nội dung đơn giản, dễ hiểu và được áp dụng ngay vào cuộc sống hằng ngày. Hầu như học sinh từ các lớp 1 đến lớp 4 ở Romania đều nhận điểm cao như nhau, nên các bé đến trường với tâm thế vui vẻ, đoàn kết, không hề có áp lực hay so sánh, chia rẽ.

 

 

Việc học sẽ trở nên hấp dẫn, cần thiết bởi đó cũng chính là việc học làm người, học để hiểu đúng sự thật, để hòa nhập nhuần nhuyễn và tác động tích cực với cuộc sống. Lên các lớp cao hơn, đòi hỏi những bài học muốn mang tính thực tế cần phải có kinh phí để làm thí nghiệm, thực nghiệm, do Romania còn nghèo nên có hạn chế hơn, nhưng vẫn được quan tâm phát triển phù hợp với xu thế tiến bộ từ các cơ quan có trách nhiệm.

 

 

Tôi có đứa cháu, hồi bé 6, 7 tháng tuổi khi “lèo nhèo” đã khóc theo 1 điệu rất lạ, hỏi ra mới biết cháu ỉ ôi theo điệu 1 bài hát mà mẹ cháu hay nghe. Lớn lên tý nữa, cháu thuộc và hát rất hay nhiều bài hát mà với người lớn như tôi có học cả năm cũng ko thể. Điều này được giải thích là cháu có tài năng bẩm sinh (do cấu trúc đặc biệt của bộ não).

Người Romania rất coi trọng những talent dạng này của trẻ và dựa vào những biểu hiện ban đầu ấy để chọn cho bé 1 môn năng khiếu phù hợp. Trong quá trình học môn năng khiếu, bé sẽ được phát hiện, phát triển khả năng đặc biệt của mình. Đến 1 thời điểm nào đó cô giáo, bố mẹ, và bản thân bé sẽ nhận ra rằng với khả năng đó, bé sẽ phù hợp với 1 môn học nhất định và đầu tư theo hướng đó. Với khả năng thiên phú của bé, nếu được phát hiện và đào tạo đúng hướng thì sau này hiệu quả công việc của bé tốt hơn nhiều so với những bạn bình thường là điều đương nhiên, hay ít ra cũng chọn được công việc yêu thích, phù hợp.

 

 

Nếu để ý, mọi người sẽ thấy trẻ em ở các nước phát triển đều giỏi ở 1 môn nghệ thuật, thể thao nào đó. Ngoài mục đích khám phá và phát triển năng khiếu cá nhân, việc này cũng sẽ giúp rất nhiều trong việc giảm stress, nâng cao chất lượng cuộc sống sau này.

Với quan điểm giáo dục hiện đại, giáo dục gắn liền với thực tiễn, tôn trọng sự khác biệt, nền giáo đã và đang trên đường tiếp cận với các nền giáo dục phát triển trên thế giới. Và sách giáo khoa ở đây chính là 1 tài liệu tự học chuẩn mẫu, ngoài bộ sách do trường học quy định. Giáo viên khuyến khích học sinh tìm hiểu ở các sách tham khảo khác nếu các em có say mê. Các loại sách này rất đa dạng và rất dễ tìm thấy ở các quầy sách dọc các bến Metrou ở Bucuresti. Khi học sinh đã có đam mê với 1 môn học, việc tìm giáo viên để hỗ trợ là không khó, và cũng có rất nhiều cuộc thi để các bé có cùng sở thích thi thố, tìm hiểu, cạnh tranh trong cùng lĩnh vực.

 

 

Cùng với việc tôn trọng khả năng, sở thích của từng cá nhân, nền giáo dục Romania đang hướng thế hệ trẻ đến cuộc sống văn minh, đến sự thật, phù hợp với sự phát triển của quy luật tự nhiên và nền tảng đạo đức con người. Sự thật là duy nhất, hiển nhiên và được kiểm chứng bởi thực tế hiện tại nên không một người thầy nào hay một tư tưởng nào có thể đại diện cho sự thật ấy.

Cá nhân tôi, do có 2 con được học trong quá trình đổi mới giáo dục của Romania nên rất nể phục những thành tựu đã đạt được của họ. Vì thế tôi cũng đã rất quan tâm đến công cuộc đổi mới giáo dục của Việt nam trong thời gian qua. Qua báo chí và mạng xã hội cũng phần nào hiểu nguyên nhân sâu xa của những bê bối trong giáo dục nước nhà . Hy vọng vì tương lai của đất nước, tương lai của chính con cháu chúng ta, nền giáo dục Việt nam trong giai đoạn tiếp theo sẽ có những chuyển biến tích cực.

 

15/3/2021.
Thái Hằng

 

 

 

 

 

Liên kết website