Bài viết về Romania & Cộng đồng người Việt

BV – Việc chọn trường, chọn lớp và học thêm tại các trường học ở Romania

11:01 chiều | 28/02/2021

 

Hằng năm, vào khoảng cuối tháng 2, tôi thường được 1 vài người hỏi về việc nộp hồ sơ vào lớp 0 (vỡ lòng) cho các cháu trong cộng đồng ở Bucuresti. Thật ra tôi không có kinh nghiệm nhiều trong chuyện này vì các con đã lớn và thời trước cũng khác, nhưng có thể do mọi người thấy tôi quan tâm đến giáo dục Romania nên vẫn bị hỏi. Theo tìm hiểu, thấy có 1 số điểm lưu ý về việc chọn trường, chọn lớp và học thêm nên tôi viết ra đây, các bố mẹ tham khảo nhé.

Ở Bucuresti hiện nay, bắt đầu từ lớp 0, các trường chỉ nhận học sinh theo khu vực (nhà ở) quy định, vì thế bố mẹ muốn chọn trường cho con phải để ý đến quy định này vì hầu như không có ngoại lệ. Như đã nói, nội dung các bài học cho học sinh nhỏ tuổi ở Romania được gắn chặt chẽ với thực tế cuộc sống và trải nghiệm thực của các cháu, nên việc nhận hồ sơ theo khu vực là bắt buộc, bởi những học sinh lớn lên ở chung cư cao tầng sẽ có kinh nghiệm khác với các bé ở nhà trệt.vv…Do Romania còn nghèo nên các lớp lớn hơn vẫn nặng dạy về lý thuyết.

Khi nộp hồ sơ, các bố mẹ có thể yêu cầu luôn vào lớp có giáo viên mình muốn. Việc này người nhận hồ sơ sẽ giúp đỡ công khai. Nếu lớp hết chỗ (tối đa 22 em), có thể yêu cầu giáo viên có tính cách tương tự (hướng nội, hướng ngoại…). Theo cô giáo cũ của con gái tôi cho biết, do thế hệ bố mẹ là người nước ngoài nên việc tiếp xúc với xã hội Romania có phần hạn chế, giáo viên có tính cách hướng ngoại sẽ tốt hơn cho các bé người Việt.

 

 

Mọi người đều đã biết, tốt nghiệp Mẫu giáo ở Romania, gần như tất cả các bé đều được nhận một “tấm bằng tốt nghiệp” theo tài năng, sở thích như <Nhà Toán học tý hon>, <Họa sỹ nhí> , <Ca sỹ nhí> .vv… , những Diploma vẽ tay này rất quan trọng để các bố mẹ chọn cho con 1 môn học thêm phù hợp. Điều đáng nói là nếu em bé nào ngay từ nhỏ đã rất dạn dĩ thì sẽ thoải mái bộc lộ khả năng, sở thích cá nhân, do đó các giáo viên sẽ nhìn thấy rõ hơn thiên hướng của các bé từ sớm. Trên địa bàn Bucuresti có rất nhiều không gian vui chơi cho trẻ em, rất nhiều ghế ngồi tại các nơi công cộng để người già, trẻ em dừng chân, giao lưu, tiếp xúc xã hội, hẳn mọi người đã nhận ra sự liên quan.

 

 

Không như ở Việt Nam, ở đây cấm dạy thêm các môn học ở trường. Mà nếu cho dạy thêm chắc cũng không ai học vì các môn học ở trường rất dễ, thường gắn liền với những sinh hoạt hằng ngày nên hầu như học sinh nào cũng hiểu. Điều này các bố mẹ không nên lo lắng, mà ngược lại việc các bài học đơn giản sẽ làm các bé vui vẻ, tự tin, học đâu biết chắc đấy, ai cũng giống nhau nên sẽ không có cạnh tranh, sự ích kỷ bản năng sẽ giảm thiểu. Môn học thêm ở đây thuộc về sở thích như nghệ thuật, thể thao… Hầu như các trường đều mở rất nhiều lớp học thêm như vẽ, nhạc, múa, võ, bóng đá, bóng rổ. vv… Việc ghi tên vào các lớp này là tự do, nên các bố mẹ cứ vào website của các trường tìm hiểu sao cho thuận lợi, không nhất thiết phải ở trường bé theo học.

 

 

Theo kinh nghiệm của bản thân, các lớp này ở các trường công sẽ có học phí rất rẻ và chất lượng cũng rất tốt. Ngoài ra cũng có nhiều trung tâm tư nhân, dĩ nhiên là cơ sở vật chất tốt hơn nhưng phí cũng sẽ cao hơn. Cho các bé học thêm các môn phù hợp với sở thích càng sớm, bố mẹ, thầy cô và chính bản thân bé sẽ nhận ra thiên hướng cá nhân kịp thời, từ đó bé sẽ có nhu cầu với 1 môn học nhất định. Khi đã xác định, bố mẹ hãy đầu tư sách vở, thời gian, và thậm chí là cả thầy cô giáo cho những môn học này.

 

 

Có rất nhiều các cuộc thi ở mọi lĩnh vực để các bé thi thố như Kanguru, Acshimet, Olympic… ở môn Toán và nhiều môn học khác. Khi đã có đam mê ở một môn học nhất định, các bé sẽ có động lực tự tìm tòi khám phá. Việc dạy thêm của giáo viên cũng chỉ giúp bé định hướng tự học, nên hầu như các giáo viên sẽ không giải bài tập mẫu hay nhận xét bài của học sinh, mà khéo léo để các em cùng trình độ thảo luận với nhau.

Đây là 1 điểm rất khác với cách dạy học thường thấy của người Việt bây giờ (ngày xưa ông cha ta đã từng dạy: “học Thầy không tày học Bạn”), nên các bố mẹ đừng than phiền rằng các thầy cô Romania “lười” nhé! Theo như tôi được biết, cách dạy này rất hay ở chỗ, nếu 1 học sinh không làm được bài mà bạn mình làm được, em chỉ cảm thấy mình chưa đủ cố gắng mà thôi. Việc thảo luận giữa các em cũng vậy, sẽ cho các em có cách nhìn tổng quát và cách làm việc nhóm chứ không cảm thấy bị áp đặt hoặc “giấu tài”.

 

 

Một điểm lưu ý nữa là giáo dục của Romania đề cao sự gắn kết gia đình, xã hội và gắn kết với cuộc sống thực tiễn, nên ngoài chương trình học ở trường sẽ có rất nhiều cuộc tham quan, dã ngoại và các kỳ nghỉ để các em đi nghỉ cùng gia đình. Ngay từ đầu năm học, mỗi trường đều có lịch cụ thể nên các bố mẹ nhớ tìm hiểu để sắp xếp cho phù hợp. Năm nay do Covid nên có thể sẽ tạm thời thay đổi. Tôi đã nghe rất nhiều lời phàn nàn từ bạn bè ở đây rằng trường Romania chưa học đã nghỉ, học thì ít mà chơi thì nhiều, … Các bố mẹ yên tâm đi! Các kiến thức ở trường chỉ như hạt cát, miễn là con em mình có đam mê và đi đúng hướng. Nền giáo dục Romania tuy chưa phát triển được như Mỹ, Anh và 1 số nước khác nhưng cũng đủ mở ra nhiều cơ hội cho tất cả. Con em chúng ta trong cộng đồng thế hệ đầu đã chứng minh rồi đấy ạ!

 

Bucharest, 28/02/2021.

Thái Hằng

 

 

 

 

 

Liên kết website