Bài viết về Romania & Cộng đồng người Việt

BV – Điểm khác nhau trong giáo dục trẻ em giữa Việt Nam và Romania

6:30 sáng | 17/05/2021

 

Con cháu người Việt sống ở Romania chủ yếu học ở trường Ru. Nền giáo dục nơi đây giống như tất cả mọi nơi, đều là sự kết hợp thống nhất giữa Nhà trường, Gia đình và Xã hội. Thế nhưng quan điểm giáo dục gia đình của người Việt vẫn còn những điểm khác biệt nên ít nhiều sẽ có sự “lạc nhịp” đáng tiếc! Vì thế tôi xin được chia sẻ những quan sát của bản thân về điều này. Chỉ là những ý kiến từ góc nhìn cá nhân, rất mong được sự góp ý của mọi người, mục đích để có được sự “cộng hưởng” tích cực cho tương lai (quá khứ thì không thể thay đổi, tất nhiên!)
 
Điểm khác biệt đầu tiên, đó chính là quan niệm về con cái. Người Ru cho rằng con cái là kết quả tình yêu của bố mẹ, nhưng việc chúng đến với thế giới này “thế nào” và “ra sao” lại do Chúa quyết định (hầu hết dân Ru đều theo đạo Thiên chúa). Vậy nên họ đón nhận con cái đến với mình rất nhẹ nhàng, với tất cả sự khác biệt mà Chúa trời sinh ra. Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dưỡng, bảo vệ con đến 18 tuổi, cho con cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, hoàn thiện tính cách thiện lương của mình, sống một cuộc đời ý nghĩa để khi kết thúc, sẽ lại trở về bên Chúa!
 
Còn đối với người Việt, chúng ta vẫn tin “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính”, nhưng lại coi con cái là sự tiếp diễn cuộc sống của bố mẹ, nên sẽ phải hoàn thành giấc mơ của bố mẹ, mà đôi khi năng lực, tính cách của chúng hoàn toàn khác biệt. Điều này vô tình sẽ gây áp lực cho cả gia đình, dẫn đến những hệ lụy không đáng có!
 
Chính vì quan niệm con cái có cuộc đời riêng, có ước mơ riêng, nên người Ru, ngay từ lúc con còn nhỏ đã cho bé tiếp xúc, hòa nhập sớm với môi trường xã hội, giúp con hiểu rõ bản chất cuộc sống từ những điều nhỏ nhặt nhất, góp nhặt thành nền tảng vững chắc. Việc học hành ở trường là chuẩn mực, phù hợp với lứa tuổi, với kinh nghiệm của người học, giúp các em tự khám phá cuộc sống theo tính cách và khả năng riêng (autoinvatare).
 
Tôi rất ấn tượng với câu nói ngắn gọn của một giáo viên Chủ nhiệm trong lần họp phụ huynh đầu tiên, rằng chúng ta sẽ còn ngồi lại với nhau rất nhiều lần, cho tới khi các cháu biết sử dụng thành thạo 3 từ :”cảm ơn”, “xin lỗi” và “tha thứ”.
 
Có một điểm đặc biệt, các giáo viên trường Ru chỉ có 1 nhiệm vụ duy nhất là dạy (cách học, cách làm người), mặc dù lương của giáo viên vẫn còn thấp. Nhưng giống như tất cả các ngành khác, tuy chật vật nhưng họ vẫn chỉ sống với đồng lương của mình nên rất yên tâm với nghề. Vì thế phụ huynh ở Ru hoàn toàn tin tưởng và hợp tác tích cực với Nhà trường. Các buổi tham quan, dã ngoại được tổ chức thường xuyên với mục đích học đi đôi với hành, phụ huynh nên để ý!
 
 

 
Ở Ru, học hết lớp 8 là bắt buộc. Sau đó các em có thể tiếp tục vào các trường nghề, các trường chuyên về các lĩnh vực khoa học khác nhau, hoặc dừng lại… Để hiểu biết chắc chắn về cuộc sống, việc phản biện sẽ được khuyến khích đối với trẻ, nên câu người Ru nghe nhiều nhất ở trẻ em sẽ là “Tại sao?” (de ce?).
 

 
Lên đến lớp 7, lớp 8, nhà trường sẽ chính thức dạy cho học sinh cách phản biện xã hội, vì thế các bố mẹ người Việt ko nên lo lắng! 🤣 Các đề tài phản biện rất đa dạng, từ 1 sự việc bắt gặp vô tình, 1 dòng tin báo chí, hay là 1 số quyết định của chính quyền…, các em sẽ được học phản biện một cách có văn hóa, có tri thức,và trước hết là từ 1 trái tim biết yêu thương. Đó là một trách nhiệm xã hội quan trọng mà người Việt chúng ta cần phải biết! (Tương tự như ở Việt Nam “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” vậy.)
 
Một điểm khác biệt nữa trong Nhà trường Ru là mỗi học kỳ sẽ có 1 vài tuần lễ “scoala altfel”. Đây là thời gianhọc sinh đến trường nhưng không học theo chương trình. Các em sẽ tự tổ chức học thêm, chơi, thảo luận, đóng phim, diễn hài… làm những gì mình muốn! Việc này có nhiều ý nghĩa nhưng ý nghĩa lớn nhất mà tôi được biết, đó là để các em tập làm quen với khái niệm: 1 hoạt động chính thức không chỉ do từ trên (lãnh đạo, giáo viên) quyết định, mà cũng có thể do từ dưới (nhân viên, học trò) quyết định, để tạo sự thoải mái, dân chủ, hay đơn giản chỉ là niềm vui của sự đoàn kết.
 
 
 
 
 
Về phần Xã hội, để góp phần thúc đẩy giáo dục, chính quyền Ru ngày càng tăng thêm những chính sách thiết thực. Trước khi ra đời, bé đã được nghỉ cùng mẹ 2 tháng, sau khi sinh xong người mẹ được nghỉ 2 năm. Thời gian này bé được hưởng gần 100eu/tháng tiền tã lót. Từ 2 tuổi cho đến 18 tuổi (nếu trên 18 tuổi còn học phổ thông thì vẫn được hưởng trợ cấp tiếp cho đến khi tốt nghiệp), các em được nhận khoảng 45eu tiền giấy bút (sách giáo khoa được phát). Đến trường còn có 1 bữa điểm tâm, nhiều địa phương còn có cả bữa ăn nóng. Gia đình khó khăn, học sinh học giỏi, hay học quá kém… cũng sẽ có những hỗ trợ từ nhà nước. Các khu vui chơi cho trẻ em luôn được làm mới, sửa sang, nâng cấp…
 
 
 
 
 
Bucuresti với khoảng 1,9 triệu dân, diện tích xấp xỉ 230 ngàn km2, nhưng có tới 45 công viên lớn nhỏ (lớn nhất trên 100ha). Ngoài ra còn có những sân chơi với nhiều trò chơi thông minh cho trẻ em giữa các tòa chung cư và rất nhiều ghế ngồi dưới các cây xanh trong công viên, dọc lối đi…
 
 
 
 
Người già, với kinh nghiệm sống và thời gian rảnh rỗi chính là lực lượng “giáo viên” đáng nể không chỉ cho trẻ nhỏ. Có lần, học trò là tôi chứng kiến 1 em nhỏ hỏi 1 cụ già tại sao thả lại con cá vừa câu được xuống hồ. Cụ già trả lời là vì con cá ấy còn nhỏ, còn chưa làm xong việc ăn rêu để làm sạch hồ mà Chúa giao nên phải thả cho nó làm xong nhiệm vụ !😍
 
 
 
 
Đất nước Romania nổi tiếng trên thế giới với Revolutie 1989, với Casa Poporului nguy nga. Nhưng với nhiều người dân Ru, họ không hề tự hào về điều đó mà hàng năm, họ vẫn đau với nỗi đau của gia đình những nạn nhân (đến nay vẫn chưa được an ủi), với tỷ lệ nghịch sự tương quan giữa Tòa nhà Quốc hội và giá trị tấm hộ chiếu Roman!
 
 
 
 
 
 
Và tôi biết, những người dân Romania yêu nước đang dần lấy lại niềm tin từ những sản phẩm romanesc, về quá trình định nghĩa lại giá trị của chữ “omul “(con người)!
 
 
 
Bucuresti, 17/05/2021.
Thái Hằng.

 

 

 

 

 

Liên kết website