Ngày 11.09.1993, vào lúc 15 giờ, tại trụ sở ĐSQ Việt Nam tại Rumani, số nhà 15 Austrului, quận 3, Bucaret, HỘI NGƯỜI VIỆT NAM TẠI RUMANI đã được thành lập với 15 thành viên mà hầu hết đã từng học tập tại đất nước này. Ông Đoàn Minh Tuấn được bầu làm Chủ tịch, ông Phạm Minh Dũng và ông Nguyễn Huy Chính làm Phó Chủ tịch.
Đến nay HỘI NGƯỜI VIỆT NAM TẠI RUMANI đã tròn 30 tuổi. Ngay từ những ngày đầu hình thành Hội Người Việt, Đại sứ Nguyễn Ngọc Sinh, Tham tán Công sứ Trần Xuân Đảm, Tham tán Thương mại Phạm Quang Thu và phụ trách Lãnh sự Phạm Minh Chính cùng các cán bộ Đại sứ quán đã đồng lòng và nhiệt tình giúp đỡ bà con cộng đồng bước đầu lập nghiệp ở đất khách quê người.
Thực ra, từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, cộng đồng người Việt Nam đã hiện diện trên đất nước tươi đẹp này. Họ là lưu học sinh có học bổng toàn phần do nhà nước Rumani cấp với số lượng đỉnh điểm vào những năm đầu thập niên 70 lên tới trên 1.000 người. Nhận nuôi nấng, chăm lo đào tạo những chàng trai cô gái trẻ Việt Nam mà họ coi như con em mình thành những người tài giỏi, đó là cách giúp đỡ hiệu quả tuyệt vời mà nhà nước và nhân dân Rumani đã dành cho nhân dân Việt Nam. Trong số những con người Việt Nam ưu tú đi đầu này đã có nhiều người thành đạt, giữ chức vụ cao trong nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, dầu khí, giáo dục đào tạo, y tế, xây dựng, kiến trúc, nghệ thuật, v.v… của Việt Nam. Đó là thời kỳ vàng son của mối quan hệ Hữu nghị Việt-Ru. Và chính quan hệ tốt đẹp và bền lâu này, tuy có lúc trầm lúc bổng, được vun đắp qua hơn bảy thập niên, đã là nền tảng vững chắc cho hoạt động của Cộng đồng Người Việt tại Rumani trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Sau gần 20 năm vắng bóng người Việt (từ cuối thập niên 70 đến đầu thập niên 90 nhà nước Rumani ngưng cấp học bống vì lý do tài chính), người Việt lại xuất hiện trên đất nước Rumani với vai trò và hình ảnh khác: LẬP NGHIỆP.
Nếu trước đây trong mắt người Rumani từ cấp lãnh đạo đến đân thường, người Việt dễ thương, hiền lành, chịu thương chịu khó, cần cù phấn đấu vươn lên trong học tập, thì giờ đây người Rumani lại nhìn thấy họ với những chiếc kimono, áo phông, áo xoa bày bán trong các cửa hàng “bỏ mối” hoặc cầm tay rao bán tại những nơi nhiều người qua lại. Đó là cách người Việt khởi nghiệp tại đây. Họ nhận những gói hàng, sau đó là những kiện hàng gửi qua đường hàng không rồi đem bỏ mối cho các cửa hàng của người Rumani hoặc tự mình đứng cầm tay chào bán ngoài đường. Tuy rất “du kích” và “nguyên thủy”, song lại khá hiệu quả và họ đã đặt những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp lâu dài và bền vững trên đất nước tươi đẹp này.
Nắm bắt được tình hình kinh tế Rumani lúc đó đang trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi từ kinh tế bao cấp sang cơ chế thị trường, thiếu thốn hàng hóa tiêu dùng, các thành viên của hội đã thành lập các công ty Trách nhiệm hữu hạn để nhập khẩu hàng may mặc, giày dép… sản xuất từ Việt nam. Thu nhập khá dần lên, bà con thuê thêm người lao động Rumani cùng làm, tạo mạng lưới bán lẻ di động, tiện cho người tiêu dùng và thực sự hiệu quả trong kinh doanh lúc đó.
Vận may đã sớm đến với cộng đồng người Việt: cuối năm 1994, chợ EUROPA, khu thương mại tổng hợp bán buôn và bán lẻ lớn nhất Rumani được thành lập. Hàng hóa bắt đầu được gửi sang bằng đường biển từ Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan hoặc bằng xe tir từ Ba Lan, Tiệp, Đức, Thổ,…
Người Việt nhanh chóng nắm bắt thời cơ, thuê hoặc mua các vị trí đắc địa. Công việc làm ăn phát triển bùng nổ. Người Việt từ Nga, Ucraina, Ba Lan, Tiệp và Việt Nam cũng bị sức hút của Chợ Europa. Chẳng mấy chốc cộng đồng người Việt từ 15 thành viên đã lên tới hơn 400.
Khu chợ Europa được xây dựng khá quy củ, sạch sẽ và văn minh, đã nhanh chóng phồn thịnh và rồi cũng đã rơi vào tầm ngắm của mafia Rumani. Vụ tai nạn nghi là có sắp xếp đã cướp đi sinh mạng của ông chủ chợ người Ru, được mọi người yêu mến và kính trọng.
Năm 2003, khu thương mại DRAGONUL ROSU không xa chợ Europa đã ra đời kịp thời thay thế chợ Europa. Kể từ đó, đại bộ phận người Việt đã có nơi kinh doanh khang trang, văn minh và hiện đại cùng với các cộng đồng dân cư khác. Tuy nhiên vì giá thuê cửa hàng đắt nên vẫn còn một ít bà con đeo bám chợ cũ đang trên đà bị dẹp bỏ, và đến năm 2017 thì bị dẹp bỏ hoàn toàn.
Thế rồi năm 2009 khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tràn đến Rumani. Giai đoạn khó khăn bắt đầu và ngày một trầm trọng cho đến nhiều năm sau. Khuynh hướng kinh doanh địa ốc sôi nổi một thời nay trầm lắng, báo hiệu một giai đoạn ngưng trệ của thị trường bất động sản ở Rumani và toàn Châu Âu. Kinh tế khó khăn, thất nghiệp và lạm phát.
Người Việt nói riêng và cộng đồng người nước ngoài nói chung còn phải đương đầu với cơn bão không biết bao giờ mới tan: ”Bão quét TVA”. Thuế TVA là nguồn thu rất lớn, nếu không muốn nói là lớn nhất, đến 45% nguồn thu ngân sách nhà nước. Tổng giá trị sản phẩm quốc nội GDP của Rumani năm 2014 là 202 tỉ USD, TVA chiếm 90 tỉ USD, đó là lý thuyết, trên thực tế thất thu TVA là rất lớn, đến hàng trăm tỉ USD. Nạn gian lận thương mại để trốn hoặc không nộp đủ thuế TVA và thuế thu nhập là căn bệnh trầm kha của nền kinh tế Rumani. Sau hàng chục năm “ngủ quên”, nhà chức trách mới bừng tỉnh và quyết tâm tạo nên cơn bão quét TVA, không khoan nhượng và không ngừng nghỉ. Tất nhiên không ít doanh nghiệp Việt Nam “dính chưởng”, bị phạt và tịch thu hàng hóa, niêm phong kho bãi, thiệt hại lên tới triệu Euro, vài ba trường hợp phải bỏ của chạy lấy người. Bão quét đã thu về cho ngân sách khoản tiền rất lớn, song lại tàn phá nền kinh tế ở góc độ khác: số doanh nghiệp kinh doanh giảm sút, giá cả hàng hóa tăng cao, sức mua giảm sút, đời sống nhân dân bị ảnh hưởng. Dù vậy, nhà nước không có lựa chọn nào khác.
Còn các doanh nghiệp thì sao? Nói riêng, người Việt nghĩ gì? Tiếp tục gian lận thương mại hay tính chuyện làm ăn nghiêm túc? Số ít người đã bỏ cuộc, khăn gói về nước, trong khi đại bộ phận vẫn bám trụ và một số bà con cũng đã mở ra những hướng kinh doanh mới như mở nhà hàng ăn nhanh hay làm nail.
“Nhập gia tùy tục”, người Việt vẫn bám rễ và sẽ mãi mãi tồn tại trên đất này, dần dần thích nghi với hoàn cảnh và tự mình chuyển hóa để trở thành những công dân tích cực góp phần xây dựng quê hương thứ hai giàu đẹp và văn minh.
Đất lành chim đậu, một hiện tượng mới có tính đột biến đã diễn ra bắt đầu từ năm 2008: tuyển dụng lao động Việt Nam. Từ thực tế thiếu hụt lao động vì nhiều người Rumani trong độ tuổi lao động đã sang các nước Tây Âu để làm việc với mức lương cao, các doanh nghiệp Rumani và nhà nước Rumani đã phải chọn giải pháp tuyển dụng lao động Việt Nam và Sri lanca.
Vào năm 2018 con số lao động Việt Nam làm việc tại Rumani đã tăng nhanh đến mức không thể ngờ: trên 3000 người. Sở dĩ như vậy là vì trong tiềm thức của người Rumani nói chung, đặc biệt của các cán bộ lãnh đạo trong hệ thống nhà nước, người Việt có những phẩm chất tốt đẹp như thân thiện dễ mến, cần cù, chịu khó, kỷ luật, thông minh sáng dạ và đoàn kết. Và một yếu tố nữa là họ chấp nhận mức lương thấp. Nhưng đồng tiền có hai mặt, một mặt hàng ngàn lao động Việt Nam ồ ạt đổ bộ vào đất nước chỉ có chưa tới hai mươi triệu dân này thực sự đã góp phần đáng kể giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động, nhưng mặt khác nó cũng đã mang lại không ít phiền toái cho các doanh nghiệp và xã hội Rumani. Cùng với những điều tốt đẹp, các chàng trai cô gái Việt cũng du nhập vào xã hội bản địa những thói hư tật xấu kể cả một số vấn nạn xã hội như nghiện hút, lô đề, cờ bạc, đĩ điếm, cho vay nặng lãi, sát phạt, băng đảng, đánh nhau, và kể cả giết nhau. Những điều này phần nào đã làm lu mờ và méo mó hình ảnh tốt đẹp về tuổi trẻ Việt Nam, nó đã in sâu trong tiềm thức người Rumani qua hơn bảy thập niên.
Một thí dụ đáng buồn và khó quên. Một xí nghiệp sản xuất lưới nhựa phục vụ cho ngành xây dựng đã tiếp nhận 11 chàng trai cô gái Việt rất trẻ và tràn đầy năng lượng với sự háo hức và kỳ vọng cao. Họ đã xây dựng một ký túc xá riêng biệt với tiện nghi khá ổn, có khả năng tiếp đón 30 công nhân. Ở cổng vào họ đã treo hai lá quốc kỳ Ru và Việt tượng trưng cho sự hợp tác tốt đẹp được kỳ vọng. Sau hơn một tháng hoạt động khá trơn tru, 7 người đã theo một đường dây buôn người bỏ trốn sang Cộng Hòa liên bang Đức. Xí nghiệp phải dừng hoạt động và hai lá cờ Ru Việt không còn tung bay trong gió nữa. Chủ xí nghiệp đâu biết được sự khác biệt giữa hai thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay và hơn bảy thập niên về trước. Điều phải đến đã đến: số lượng lao động Việt Nam đã và đang giảm đáng kể. Thay vào đó là lực lượng lao động từ Ấn Độ, Banglades, Srilanca, Pakistan và Nepal.
Ba năm cuối trước khi bước sang tuổi 30, cộng đồng người Việt Nam tại Rumani đã phải trải qua một thử thách vô tiền khoáng hậu: đại dịch Covid-19. Hơn bất kỳ tai họa nào, đại dịch covid-19 đã tàn phá nặng nề thế giới không ngoại trừ một quốc gia nào. Sau hơn hai năm, toàn cầu đã ghi nhận 755 triệu ca nhiễm và 6,8 triệu ca tử vong. Riêng ở Rumani có 3.308.480 ca nhiễm và 67.374 ca tử vong. Còn ở Việt Nam có 11.620.264 ca nhiễm và 43.206 ca tử vong. Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động kinh khủng làm thay đổi thế giới trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, y tế, xã hội, quốc phòng,… Riêng về kinh tế, đại dịch Covid-19 đã gây ra hậu quả kinh tế sâu rộng bao gồm cuộc suy thoái toàn cầu lớn thứ hai trong lịch sử cận đại. Cộng đồng người Việt Nam tại Rumani đã kiên cường chống đỡ để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong quá trình phát triển của mình: trang trải các nhu cầu sinh hoạt và không có tổn thất về người. Đó là thành công quá tuyệt vời và rất đáng tự hào.
Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi thành lập Hội, số hội viên đã tăng lên nhanh chóng. Ngoài những người đã từng học đại học hoặc làm luận án tiến sỹ, sau nhiều năm bôn ba hành nghề nay quay lại làm ăn trên đất Rumani, nhiều người từ trong nước hoặc từ các nước khác sang, trong đó cũng có nhiều người là bác sỹ, kỹ sư, luật sư, giáo viên. Có thể nói tỷ lệ trí thức và biết tiếng Ru khá cao trong cộng đồng người Việt, những ngày đầu khoảng 10%, sau đó tăng dần cho đến nay là 20%. Đó là một mặt mạnh giúp cộng đồng người Việt hội nhập nhanh chóng và bám sâu vào xã hội bản địa.
Mặc dù đại bộ phận người Việt ở Ru xuất thân từ nghèo khó, nhưng khi cuộc sống khấm khá, họ đã quan tâm đến chất lượng cuộc sống. Nhiều người đã sớm mua căn hộ, mua hoặc xây vila theo lời dạy của ông bà “an cư lạc nghiệp”, chỉ còn số ít phải thuê căn hộ để ở. Các kỳ nghỉ biển, nghỉ núi, tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, du lịch các nước… được các gia đình hoặc Hội Người Việt tổ chức khá thường xuyên.
CÂU LẠC BỘ PHỤ NỮ VIỆT NAM TẠI RUMANI được thành lập vào ngày 22 tháng 1 năm 2011 nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Nó đã và đang tiếp tục đáp ứng sự trông đợi của bà con cộng đồng qua các hoạt động phong phú của mình. Đặc biệt, trang web “phunurovn.com” của CLB Phụ nữ Việt Nam tại Rumni là điểm sáng trong hoạt động của cộng đồng. Nó được đánh giá cao không chỉ trong cộng đồng Việt Nam tại Rumani mà còn được nhiều độc giả Việt Nam ở trong nước và nhiều nơi trên thế giới biết đến. Chúng ta không bao giờ quên tâm huyết và công sức của chị Dương Quỳnh Chi – người sáng lập và quản trị trang web này.
Việc kết hợp hoạt động giữa Hội Người Việt với các hội Doanh Nghiệp, CLB Phụ nữ, Hội Sinh viên, Hội Thanh niên, Hội Đồng hương Thanh Hóa… đã làm cho các hoạt động của cộng đồng người Việt thêm phong phú và hấp dẫn.
Dù số lượng không lớn, cộng đồng đã và đang duy trì nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ và thể thao khá sôi nổi. Các cuộc thi bóng bàn, bóng chuyền, bóng đá, tennis… đã diễn ra sôi nổi trong các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc. Phong trào viết báo, làm thơ đăng trên trang báo Đất Việt cũng được mở ra trong giai đoạn đầu, Đêm ca nhạc kỷ niệm sinh nhật Bác 19.05.2009, Đêm ca nhạc thế giới tuổi thơ 2009, cuộc thi cắm trại hè 2011, Đêm hội áo dài 2011, buổi giao lưu thắm đượm tình người xa xứ giữa cộng đồng người Việt ở Bucaret và hơn 500 công nhân Việt Nam ở nhà máy đóng tàu Mangalia, giao lưu giữa cộng đồng người Việt ở Rumani với cộng đồng người Việt ở Bulgari hay Tiệp, và mới đây, ngày 03.06.2023, tham gia Diễn Đàn Phụ Nữ Việt Nam lần đầu tại Châu Âu: <Thời Đại 4.0 – Phụ nữ giữ gìn giá trị Việt và Hội nhập ở nước ngoài>… đó là những dấu ấn trong hoạt động của cộng đồng người Việt.
Không chỉ chăm lo các hoạt động trong nội bộ cộng đồng, Hội người Việt còn quan tâm đến các hoạt động đối ngoại: quyên góp tiền ủng hộ nhân dân Nhật Bản khắc phục hậu quả động đất và sóng thần, quyên góp ủng hộ nhân dân bị lũ lụt tại các tỉnh miền Trung, gửi tiền trợ giúp nhân dân Rumani ở các vùng bị bão lụt, tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao trong cộng đồng ASEAN tại Rumani…
Đặc biệt, vừa qua bà con cộng đồng đã có nghĩa cử cao đẹp và đậm tình “bầu ơi thương lấy bí cùng” trong việc giúp đỡ bà con Việt kiều ở Ucraina di tản khỏi vùng chiến sự giữa Nga và Ucraina, quá cảnh Rumani để về Việt Nam. Đây thực sự là một CHIẾN DỊCH được tổ chức bài bản dưới sự chỉ đạo trực tiếp và sát sao của Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Đặng Trần Phong, huy động tối đa tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, sức của và sức người của bà con cộng đồng người Việt Nam tại Rumani. Kết quả thật mỹ mãn: chỉ trong vòng 13 ngày (từ 3-16/03/2022), tổ công tác đã hỗ trợ Đại sứ quán đưa gần 800 đồng bào tị nạn Ucraina về nước trên ba chuyến bay hồi hương ngày 7/3, 12/3 và 16/3. Cần nhấn mạnh là chiến dịch đã diễn ra trong điều kiện thời tiết lạnh giá -3 độ C, tổ hỗ trợ phải vượt quãng đường xa xôi, thức khuya dậy sớm chạy xe cả ngày lẫn đêm, sang tận Moldova để đón đồng bào tị nạn vể Bucarest, lo chỗ ăn chỗ ở, lo giải quyết thủ tục quá cảnh Moldova, nhập cảnh và xuất cảnh Rumani.
Không chỉ thành công về kinh tế, người Việt cũng đã trưởng thành về tri thức: họ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm kinh doanh, mạnh dạn mở ra những nghành nghề kinh doanh mới như vi tính, bất động sản, xây dựng, làm nail hay nhà hàng.
Hiện nay đã có gần 80 người Việt Nam nhập quốc tịch Rumani và con số này còn tiếp tục tăng. Người Việt quyết tâm hội nhập và bám rễ lâu dài. Đã có người trở thành luật sư, có người tham gia các đảng phái chính trị, đã có nhiều con em người Việt đạt thành tích cao trong học tập, đóng góp vào thành tích quốc gia của học sinh, sinh viên. Song không một ai từ bỏ quốc tịch Việt Nam, nghĩa là chúng ta hòa nhập nhưng không hòa tan, vẫn luôn hướng về cội nguồn, gìn giữ tiếng mẹ đẻ và văn hóa phong tục truyền thống Việt Nam. Lớp học tiếng Việt là một cố gắng rất đáng khích lệ.
Qua ba mươi năm phấn đấu gian khổ, người Việt đã thành công và đã trưởng thành: từ hai bàn tay trắng, tự mình xóa nghèo, vươn lên thành đại gia hoặc chuyên gia, có cuộc sống khấm khá, quan tâm đến chất lượng cuộc sống, không có người sống quá nghèo khó.
Được như thế, không thể không nhắc tới những con người đã đóng góp không ngừng nghỉ cho sự lớn mạnh của cộng đồng mà không hề nghĩ tới lợi ích cá nhân. Họ mất nhiều thời gian, công sức và tiền của thậm chí cả sự bình yên của gia đình để các hoạt động của cộng đồng được ngày càng phong phú và hiệu quả. Xin phép không nêu tên tuổi của những con người này bởi vì họ không muốn như vậy. Song nếu không là kẻ vô tình thì ta sẽ biết họ là ai.
Có được những thành quả rất đáng tự hào trong ba mươi năm qua cùng với tương lai tươi sáng đang chờ đón chúng ta, không thể không trân trọng và biết ơn sự lãnh đạo và quan tâm sâu sắc, giúp đỡ tận tình cả tinh thần lẫn vật chất của Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani.
Ba mươi năm nhìn lại, vui sướng và tự hào, ba mươi năm tới sẽ ra sao? Liệu người Việt Nam có còn thành công như trước đây hay không? Đặc biệt, con cháu chúng ta sẽ làm gì? Đó là câu hỏi hiện lên trong đầu của bất kỳ bà mẹ nào kể từ khi mang thai cho đến khi tỉnh lại sau lúc lâm bồn vượt cạn. Ở tuổi 30, đã trưởng thành và đủ chín chắn, chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta sẽ VƯỢT QUA CHÍNH MÌNH.
Thế nào là Vượt Ngưỡng hay vượt Qua Chính Mình?
Vượt Ngưỡng hay vượt Qua Chính Mình nghĩa là cố gắng làm quá một chút điều được phép làm mà không gánh chịu hậu quả xấu. Điều này rất quan trọng đối với tất cả chúng ta, vì không vượt qua chính mình chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được chúng ta có thể đi xa được bao nhiêu và chúng ta sẽ thực sự đạt được điều gì. Đây chính là cách người thành công đạt được mục đích của họ. Nếu bạn không vượt qua chính mình thì bạn sẽ chẳng bao giờ phát triển được bất kỳ loại sức mạnh nào của bản thân cả. Nếu bạn không vượt ngưỡng thì bạn cũng sẽ chẳng bao giờ học được hay khám phá điều gì mới mẻ cả. Vượt qua chính mình sẽ giúp bạn cải thiện phẩm giá của chính mình. Nó cũng sẽ giúp bạn hiểu được rằng bạn có thể vượt qua những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Nó còn cho bạn khả năng và sức mạnh để thử làm điều mới mẻ và nhận ra rằng thất bại chỉ là một cột mốc để hướng tới thành công.
Vậy cụ thể chúng ta sẽ làm gì?
Chúng ta sẽ làm điều chưa bao giờ làm và có thể chưa bao giờ nghĩ tới. Thậm chí nhiều người sẽ cho là không thể. Nhưng chúng tôi cho rằng KHÔNG GÌ LÀ KHÔNG THỂ! Đã từ lâu chúng tôi có một ước mơ: tại Bucaret sẽ có một trường cấp hai, cấp ba Chuyên Toán trong hệ thống giáo dục của nhà nước Rumani, do người Việt quản lý, và tốt nhất là một trường tư thục. Khả năng và biện pháp dẫn tới thành công của ý tưởng này dựa trên mấy nhân tố sau đây:
– Các nhân tố về năng lực khoa học và tổ chức quản trị
– Các nhân tố về năng lực tài chính
– Phương châm hành động: Chậm và chắc, sau đó mở rộng tùy khả năng.
Chúng tôi luôn hy vọng ước mơ này sẽ thành hiện thực.
05/08/2023.
Ban biên tập
Trần Đình Trúc
Phạm Minh Dũng
*** Xem Slideshow 30 năm hoạt động của Hội Người Việt Nam tại Rumani (11/09/1993-11/09/2023) tại ĐÂY: