Kiến thức - Kinh doanh

KT&KD – Những câu chuyện ngắn trong kinh doanh

11:17 chiều | 18/09/2011

 

Những câu chuyện kinh doanh và bài học rút ra.  

***

 

Jing và Chuan

 

Chuan và Jing cùng làm việc trong một công ty sau khi tốt nghiệp. Cả hai cùng làm việc rất chăm chỉ. Sau đó vài năm, ông chủ tăng lương cho Jing còn Chuan thì vẫn giữ như cũ.

Một hôm, Chuan quyết định sẽ không thể tiếp tục hơn nữa, đưa đơn xin nghỉ cho ông chủ và phàn nàn với ông rằng ông đã không đánh giá người làm việc chăm chỉ mà chỉ coi trọng những người hay nịnh hót ông.

Ông chủ biết Chuan là người làm việc chăm chỉ nhiều năm qua. Để giúp Chuan nhận ra sự khác nhau giữa anh ta và Jing, ông chủ bảo anh ta ra ngoài chợ và hỏi thông tin về dưa hấu: Ông chủ muốn biết bao nhiêu tiền một ký dưa. Chuan nhận lời ra chợ và quay về bảo với ông chủ là 12$ một ký. Ông chủ bảo Chuan là: “Tôi sẽ hỏi Jing tương tự như hỏi anh”.

Jing ra chợ về và nói với ông chủ: “12$ một ký dưa, 100$ mười ký. Người bán dưa đã kiểm kê 340 quả. Trên bàn còn 158 quả, mỗi quả khoảng 15 ký được mang từ miền Nam về cách đây hai ngày. Chúng vẫn còn tươi và đỏ, chất lượng tốt”.

Chuan đã bị ấn tượng bởi những gì Jing nói và nhận ra sự khác nhau giữa anh ta và Jing. Anh ta quyết định sẽ không nộp đơn xin nghỉ việc nữa và học hỏi Jing.

 

Bạn thân mến! Một người thành công hơn là người biết quan sát nhiều hơn, nghĩ nhiều và hiểu sâu hơn. Cùng một vấn đề, người thành công hơn sẽ nhìn thấu đáo hơn về sự kiện, thậm chí tiên liệu được những tình huống có thể xảy ra tại một thời điểm trong tương lai, trong khi bạn chỉ nhìn vào mỗi ngày hôm nay. Sự khác biệt là như vậy đó. Trong học tập, làm việc…cũng như vậy thôi, nếu chịu khó luyện rèn, đào sâu suy nghĩ cộng thêm cả yếu tố sáng tạo nữa, không một trở ngại nào có thể ngăn cản bạn trên bước đường tiến tới thành công.

 

=*=*=

 

Bài học sâu sắc

 

Tiến sĩ Vương An là một nhân vật được ca ngợi trong giới kinh doanh Mỹ. Anh ta bắt đầu với 600 đôla, mà bây giờ số vốn kinh doanh đã lên đến hàng tỷ.

Bài học lớn nhất ảnh hưởng tới cả đời anh ta là khi còn 6 tuổi. Một hôm, Vương An ra ngoài nhà chơi, lúc đi qua một cây lớn thì bỗng có gì rơi vào đầu. Cậu bé An giơ tay ra tóm lấy, thì ra là tổ chim. Sợ cứt chim làm bẩn quần áo, cậu ta vội vứt tổ chim xuống đất, thấy một con chim sẻ lăn ra kêu chíp chíp. Cậu ta thích quá, quyết định mang nó về nuôi, thế là đem theo cả tổ chim về nhà.

Về tới cửa nhà, bỗng Vương An nhớ ra rằng, mẹ không cho phép nuôi động vật nhỏ trong nhà. Cậu nhẹ nhàng đặt con chim sẻ ngoài cửa, rồi vội vào xin phép mẹ. Do cậu bé cứ khẩn nài mãi, người mẹ mới phá lệ, đồng ý với yêu cầu của con trai.

Vương An phấn khởi chạy ra cửa, thì không ngờ chẳng thấy chim sẻ đâu nữa, chỉ có con mèo đen đang còn liếm mép ở đó. Hoá ra khi cậu vào xin mẹ, thì con chim sẻ non đã bị mèo đen ăn gọn rồi! Vì việc này mà Vương An buồn rất lâu.

 

Bài học kinh doanh: Khi thấy sự việc đã đúng thì quyết không do dự, cần phải lập tức có hành động phù hợp. 

 

=*=*=

 

Tiết kiệm ánh sáng mặt trời

 

Một công ty kinh doanh quốc tế nổi tiếng tuyển nhân viên nghiệp vụ với mức lương vô cùng hấp dẫn. Có rất nhiều người đến xin thi tuyển. Trong số đó có một ứng viên trẻ tuổi có điều kiện rất tốt, tốt nghiệp ở một trường đại học danh tiếng, lại có kinh nghiệm làm việc ba năm ở một công ty nước ngoài. Vì vậy khi đứng trước ban tuyển dụng, anh tỏ ra rất tự tin. Vị chủ khảo bắt đầu hỏi anh: 
– Công việc cụ thể của anh khi ở công ty nước ngoài là gì? 
– Tôi nghiên cứu trồng rau xanh. 
– Vậy theo anh, đối với một nhân viên nghiệp vụ thì khách hàng quan trọng hay sản phẩm quan trọng?

Anh thanh niên suy nghĩ một lúc rồi nói: 
– Tôi nghĩ khách hàng là quan trọng. 
Chủ khảo nhìn anh ta một lần nữa rồi hỏi: 
– Anh nghiên cứu rau xanh thì cũng biết là trong các loại rau, cây đuôi chồn chủ yếu được xuất khẩu sang Nhật. Trước đây tiêu thụ rất tốt, sản xuất bao nhiêu thì tiêu thụ bấy nhiêu. Nhưng mấy năm trở lại đây, các công ty nước ngoài lại không đặt hàng nữa. Theo anh là vì sao? 
– Vì rau không tốt! 
– Anh thử nói xem vì sao lại không tốt. 
– Ừm…Người thanh niên dừng lại trong giây lát rồi tiếp tục – Vì chất lượng không tốt. 
Chủ khảo nhìn lại anh ta rồi nói: 
– Tôi dám khẳng định là anh chưa từng ra ruộng rau!

Người thanh niên nhìn vị chủ khảo, im lặng trong ba mươi giây, không tỏ vẻ đồng ý hay phản đối phán đoán vừa rồi, mà hỏi lại: 
– Ngài có thể nói là tại sao ngài lại biết tôi chưa từng ra ruộng rau được không? 
– Nếu anh đã từng đến ruộng rau thì anh phải biết tại sao rau lại không tốt. Thời gian thu hoạch cây đuôi chồn tốt nhất là trong vòng trên dưới mười ngày. Lúc đó cây đang xanh tươi nhất và cũng ngon nhất, thu hoạch sớm cũng không được, mà muộn cũng không được. Sau đó, phải để dưới đất phơi nắng một ngày, ngày hôm sau lại lật lên và phơi tiếp một ngày nữa để nước trong rau bốc hơi hết. Xong xuôi, sẽ bó rau thành từng bó và đóng gói. Khi sử dụng chỉ cần nhúng rau vào nước một chút là được. Nhưng bây giờ, để tiết kiệm thời gian và bán được nhiều hàng, người nông dân sau khi lấy rau về không phơi nắng nữa, mà chất rau vào lò sấy. Như vậy chỉ cần có hai tiếng là rau đã khô. Cách gia công này khiến rau nhìn bề ngoài không thay đổi, nhưng khi ăn, dù có ngâm thế nào cũng vẫn cứ dai và cứng như là rau đã già, không thể ăn được. Các công ty nước ngoài sau khi phát hiện đã cảnh cáo chúng ta một lần, rồi hai lần mà tình hình vẫn không có gì tiến triển, nên họ mới quyết định không đặt hàng nữa.

Anh thanh niên nghe xong, cúi đầu xấu hổ: 
– Đúng là tôi chưa từng đi đến đơn vị sản xuất nên không biết được chuyện ngài vừa nói.

Anh thanh niên lòng đầy tiếc nuối bước ra khỏi trụ sở công ty. Anh ta là ứng viên có nhiều triển vọng nhất, nhưng cuối cùng lại không được lựa chọn. Kết quả này chúng ta đã biết ngay sau khi ra khỏi phòng thi. Anh biết rất rõ rằng, một công ty kinh doanh quốc tế nổi tiếng như vậy sẽ không bao giờ tuyển dụng một nhân viên, tuy có kinh nghiệm làm viêc ba năm nhưng toàn đi ăn nhậu, bù khú với khách hàng, mà không hề bước chân xuống thực địa như anh. Anh cũng giống như những người nông dân muốn có nhiều cây đuôi chồn kia, muốn tiết kiệm hai ngày phơi nắng, nhưng cuối cùng chính họ hoá ra lại bị…”phơi áo”.

 

Bài học kinh doanh: Kinh nghiệm không hẳn là đồng nghĩa với năng lực. Năng lực chỉ thuộc về những người chăm chỉ làm việc và biết suy nghĩ trước sau thật thấu đáo.

 

=*=*=

 

Câu chuyện về dao cạo Gasmen

 

Công ty dao cạo Gasmen được thành lập sau Gillet tới 20 năm. Khi đó Gillet đã rất nổi tiếng trên thị trường. Vậy Gasmen làm thế nào để xâm nhập thị trường một cách an toàn trước đối thủ quá mạnh như vậy? Các nhà nghiên cứu thị trường của Gasmen phát hiện, Gillet có một nhược điểm mọi người chưa ai để ý tới, nhất là những người quen dùng dao cạo Gillet. Đó là lưỡi dao của Gillet chỉ sử dụng được với bàn cạo Gillet mà thôi. Như vậy, vô hình chung đã giới hạn khả năng tiêu thụ của Gillet.

Trong khi đó, ngoài nước Mỹ, theo Gasmen nhận định, xã hội luôn xuất hiện các tầng lớp tiêu dùng mới nên nhu cầu chắc chắn sẽ ngày càng biến đổi đa dạng, hơn nữa tính tiện dụng chắn chắn sẽ được người tiêu dùng tín nhiệm. Sau một thời gian nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị, nhân lực, cuối cùng Gasmen đã chế tạo được lưỡi dao đồng thời dùng được với bàn cạo của Gasmen, Gillet và bàn cạo an toàn của nhiều nước khác. Điều này khiến tình hình tiêu thụ của Gillet tụt dốc nghiêm trọng. Gasmen nhờ đó vươn lên, chiếm được chỗ đứng trong thị trường.

 

Như vậy để thành công, người kinh doanh không chỉ cần phải biết cách thỏa mãn nhu cầu của thị trường mà còn phải liên tục tạo ra những nhu cầu mới, dựa trên những đặc điểm tiềm ẩn mang tính quy luật của khách hàng, có như vậy mới không ngừng mở rộng cơ hội kinh doanh.

 

 

18/09/2011.

DQC(st)

 

 

 

 

 

Liên kết website