Bài diễn văn bất hủ của STEVE JOBS – ceo APPLE tại lễ tốt nghiệp ở Đại học STANFORD năm 2005.
Những lời phát biểu tại lễ tốt nghiệp ở Đại học Stanford năm 2005 về thân thế, sự nghiệp, tình yêu và sự mất mát của Steve Jobs trở thành một trong những bài diễn văn để đời và đáng nhớ nhất trong lịch sử nhân loại.
Steve Jobs đã qua đời vào sáng 5/10/2011, khiến cả thế giới sửng sốt và tiếc nuối. Ông là người kín tiếng, gần như không bao giờ nói về đời tư và cuộc trò chuyện cởi mở nhất có lẽ là bài phát biểu dưới đây:
Steve Jobs – một biểu tượng công nghệ của thế giới.
“Tôi rất vinh dự có mặt trong lễ trao bằng tốt nghiệp của các bạn hôm nay tại một trong những trường đại học uy tín nhất thế giới. Tôi chưa bao giờ có bằng đại học. Phải thú nhận đây là lần tôi tiếp cận gần nhất với một buổi tốt nghiệp. Tôi muốn kể cho các bạn ba câu chuyện về cuộc đời tôi. Không có gì nhiều nhặn. Chỉ là ba câu chuyện.
Chuyện thứ nhất là về việc kết nối các dấu chấm (kết nối các sự kiện)
Tôi bỏ trường Reed College ngay sau 6 tháng đầu, nhưng sau đó lại đăng ký học thêm 18 tháng nữa trước khi thực sự rời trường. Vậy, vì sao tôi bỏ học?
Mọi chuyện như đã định sẵn từ trước khi tôi sinh ra. Mẹ đẻ tôi là một sinh viên, bà chưa kết hôn và quyết định gửi tôi làm con nuôi. Bà nghĩ rằng tôi cần được nuôi dưỡng bởi những người đã tốt nghiệp đại học nên sắp đặt để trao tôi cho một vợ chồng luật sư ngay trong ngày sinh. Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi vào phút chót bởi họ muốn nhận một bé gái hơn là tôi.
Vì thế, cha mẹ nuôi của tôi, khi đó đang nằm trong danh sách xếp hàng, đã nhận được một cú điện thoại vào nửa đêm rằng: “Chúng tôi có một đứa con trai không mong đợi, ông bà có muốn chăm sóc nó không?” và họ trả lời: “Tất nhiên rồi”. Mẹ đẻ tôi sau đó phát hiện ra mẹ nuôi tôi chưa bao giờ tốt nghiệp đại học còn cha tôi thậm chí chưa tốt nghiệp phổ thông trung học. Bà từ chối ký vào giấy tờ trao nhận và chỉ đồng ý vài tháng sau đó khi bố mẹ hứa rằng ngày nào đó tôi sẽ vào đại học.
Sau đó 17 năm, tôi thực sự đã vào đại học. Nhưng tôi ngây thơ chọn ngôi trường đắt đỏ gần như Đại học Stanford vậy. Toàn bộ số tiền tiết kiệm của bố mẹ tôi phải dồn vào trả học phí cho tôi. Sau 6 tháng, tôi thấy việc đó không hề hiệu quả. Tôi không có ý niệm về những gì muốn làm trong cuộc đời mình và cũng không hiểu trường đại học sẽ giúp tôi nhận ra điều đó như thế nào. Tại đó, tôi tiêu hết tiền mà cha mẹ tiết kiệm cả đời. Vì vậy tôi ra đi với niềm tin rằng mọi việc rồi sẽ ổn cả. Đó là khoảnh khắc đáng sợ, nhưng khi nhìn lại, đấy lại là một trong những quyết định sáng suốt nhất của tôi. Tôi bắt đầu bỏ những môn học bắt buộc mà tôi không thấy hứng thú và chỉ đăng ký học môn tôi quan tâm.
Tôi không có suất trong ký túc, nên tôi ngủ trên sàn nhà của bạn bè, đem đổi vỏ chai nước ngọt lấy 5 cent để mua đồ ăn và đi bộ vài km vào tối chủ nhật để có một bữa ăn ngon mỗi tuần tại trại Hare Krishna. Những gì tôi muốn nói là sau này tôi nhận ra việc cố gắng theo đuổi niềm đam mê và thỏa mãn sự tò mò của mình là vô giá.
Tôi sẽ kể cho các bạn một ví dụ: Đại học Reed khi đó có lẽ là trường tốt nhất dạy về nghệ thuật viết chữ đẹp ở Mỹ. Khắp khuôn viên là các tấm áp-phích, tranh vẽ với những dòng chữ viết tay tuyệt đep. Vì tôi đã bỏ học, tôi quyết định chỉ đăng ký vào lớp dạy viết chữ để tìm hiểu họ làm điều đó thế nào. Tôi học cách biến hóa với nét bút, về khoảng cách giữa các chữ, về nét nghiêng, nét đậm. Đây là môn học nghệ thuật và mang tính lịch sử mà khoa học không thể nắm bắt được và tôi thấy nó thật kỳ diệu.
Những thứ này khi đó dường như chẳng có chút ứng dụng thực tế nào trong cuộc đời tôi. Nhưng 10 năm sau, khi chúng tôi thiết kế máy Macintosh, mọi thứ như trở lại trong tôi. Và chúng tôi đưa nó vào trong Mac. Đó là máy tính đầu tiên có các font chữ đẹp. Nếu tôi không bỏ học chỉ để theo một khóa duy nhất đó, máy Mac sẽ không bao giờ được trang bị nhiều kiểu chữ hoặc có được sự cân xứng về khoảng cách các chữ như vậy (sau này Windows đã sao chép lại). Nếu tôi không bỏ học, tôi có lẽ sẽ không bao giờ tham gia lớp nghệ thuật viết chữ và máy tính có lẽ không có được hệ thống chữ phong phú như hiện nay.
Tất nhiên, chúng ta không thể kết nối các dấu ấn tương lai, bạn chỉ có thể móc nối chúng khi nhìn lại quá khứ. Vậy hãy tin rằng các dấu chấm, các sự kiện trong cuộc đời bạn về mặt này hay mặt khác sẽ ảnh hưởng đến tương lai của bạn. Bạn phải có niềm tin vào một thứ gì đó – sự can đảm, số phận, cuộc đời, định mệnh hay bất cứ điều gì – cách nghĩ đó đã tạo nên những sự khác biệt trong cuộc đời tôi.
Câu chuyện thứ hai là về tình yêu và sự mất mát
Tôi may mắn khi đã nhận ra những gì tôi yêu quý ngay từ khi còn trẻ. Woz (Steve Wozniak) cùng tôi sáng lập Apple tại garage của bố mẹ khi tôi mới 20 tuổi. Chúng tôi làm việc miệt mài trong 10 năm và phát triển từ một cái nhà xe thành một công ty trị giá 2 tỷ USD với 4.000 nhân viên. Chúng tôi cho ra đời thành quả sáng tạo – Macintosh – khi tôi mới bước sang tuổi 30.
Sau đó, tôi bị sa thải. Sao bạn lại có thể bị sa thải tại ngay công ty mà bạn lập ra? Apple đã thuê một người mà tôi nghĩ là đủ tài năng để điều hành công ty với mình và năm đầu tiên, mọi thứ đã diễn ra tốt đẹp. Nhưng sau đó, tầm nhìn về tương lai của chúng tôi khác nhau và không thể hợp nhất. Khi đó, ban lãnh đạo đứng về phía ông ấy. Ở tuổi 30, tôi phải ra đi. Những gì tôi theo đuổi cả đời đã biến mất, nó đã bị phá hủy.
Tôi không biết phải làm gì trong những tháng tiếp theo. Tôi cảm thấy như mình đã đánh rơi mất cây gậy trong cuộc chơi khi người ta vừa trao nó cho tôi. Tôi đã gặp David Packard và Bob Noyce, cố gắng xin lỗi vì đã làm mọi chuyện trở nên tồi tệ. Tôi còn nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Nhưng mọi thứ bắt đầu kéo tôi trở lại. Tôi vẫn yêu những gì tôi làm. Bước ngoặt tại Apple không thay đổi con người tôi. Tôi bị từ chối, nhưng tôi vẫn còn yêu. Vì thế tôi quyết định làm lại từ đầu.
Khi đó tôi đã không nhận ra, nhưng hóa ra bị sa thải lại là điều tốt nhất dành cho tôi. Sức ép duy trì sự thành công đã được thay thế bằng tinh thần nhẹ nhàng của người mới bắt đầu lại và không chắc về những gì sẽ diễn ra. Nó giải phóng tôi để bước vào giai đoạn sáng tạo nhất cuộc đời.
Trong năm năm tiếp theo, tôi thành lập NeXT và một công ty khác mang tên Pixar và phải lòng một người phụ nữ tuyệt vời, người trở thành vợ tôi sau này. Pixar tạo ra bộ phim từ đồ họa máy tính đầu tiên trên thế giới – Toy Story và hiện là xưởng phim hoạt hình thành công nhất toàn cầu. Apple mua lại NeXT, tôi trở lại và công nghệ tôi phát triển ở NeXT là trọng tâm trong cuộc phục hưng Apple. Tôi và vợ Laurene cũng có một cuộc sống gia đình tuyệt vời.
Steve Jobs tại NeXT sau khi bị Apple sa thải.
Tôi khá chắc chắn rằng những điều trên sẽ không xảy ra nếu tôi không bị Apple sa thải. Nó như một liều thuốc đắng và kinh khủng, nhưng bệnh nhân cần nó. Đôi khi cuộc đời sẽ giáng một viên gạch vào đầu bạn. Đừng mất niềm tin. Tôi hiểu thứ duy nhất khiến tôi vững vàng chính là niềm đam mê. Bạn phải tìm ra bạn yêu cái gì. Nó đúng cho công việc và cho cả những người thân yêu của bạn. Công việc chiếm phần lớn cuộc đời và cách duy nhất để thực sự hài lòng là làm những gì bạn tin nó sẽ trở nên tuyệt vời. Và cách duy nhất có công việc tuyệt vời là yêu những gì bạn làm. Nếu chưa nhận ra, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng dừng lại. Như mọi mối quan hệ trong cuộc đời, nó sẽ trở nên ngày càng tốt đẹp hơn qua từng năm.
Câu chuyện thứ ba là về cái chết.
Khi 17 tuổi, tôi đọc ở đâu đó rằng: “Nếu sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng, một ngày nào đó bạn sẽ đúng”. Điều đó gây ấn tượng với tôi và 33 năm qua, tôi nhìn vào gương mỗi sáng và hỏi: “Nếu hôm nay là ngày cuối của cuộc đời mình, mình có muốn làm những gì định làm hôm nay không?”. Nếu câu trả lời là “Không” kéo dài trong nhiều ngày, đó là lúc tôi biết tôi cần thay đổi.
Luôn nghĩ rằng mình sẽ sớm chết là công cụ quan trọng nhất giúp tôi tạo ra những quyết định lớn trong đời. Vì gần như mọi thứ, từ hy vọng, niềm tự hào, nỗi sợ hãi, tủi hộ hay thất bại, sẽ biến mất khi bạn phải đối mặt với cái chết, chỉ còn lại điều thực sự quan trọng với bạn. Nghĩ rằng mình sắp chết là cách tốt nhất tôi tránh rơi vào bẫy rằng tôi sẽ mất cái gì đó. Khi không còn gì nữa, chẳng có lý gì bạn không nghe theo lời mách bảo của trái tim.
Một năm trước, tôi biết mình bị ung thư. Tôi được chụp cắt lớp lúc 7h30 và nhìn thấy rõ khối u trong tuyến tụy. Tôi còn chẳng biết tuyến tụy là cái gì. Bác sĩ bảo tôi bệnh này không chữa được và tôi chỉ có thể sống thêm 3 đến 6 tháng nữa. Ông ấy khuyên tôi về nhà và sắp xếp lại công việc, cố gắng trò chuyện với bọn trẻ những điều mà tôi định nói với chúng trong 10 năm tới, nhưng giờ phải tâm sự trong vài tháng. Nói cách khác, hãy nói lời tạm biệt.
Tối hôm đó, tôi được kiểm tra sinh thiết. Họ đút một ống qua cổ họng tôi xuống dạ dày và ruột rồi đặt một cái kim vào tuyến tụy để lấy mẫu tế bào khối u. Tôi giữ thái độ bình thản, và vợ tôi, cũng có mặt lúc đó, kể với tôi rằng khi các bác sỹ xem các tế bào dưới kính hiển vi, họ đã reo lên khi phát hiện đây là trường hợp ung thư tuyến tụy hiếm hoi có thể chữa được bằng phẫu thuật. Tôi đã được phẫu thuật và bây giờ tôi đã khỏe lại.
Steve Jobs mất ngày 5/10
Đó là lần gần nhất tôi đối mặt với cái chết. Tôi hy vọng lần tiếp theo sẽ là vài thập kỷ nữa. Không ai muốn chết. Ngay cả người mong được lên thiên đường cũng không muốn chết để tới đó. Nhưng cái chết là đích đến mà chúng ta đều phải tới. Không ai thoát được nó. Cái chết như là phát minh hay nhất của sự sống. Nó là tác nhân thay đổi cuộc sống. Nó loại bỏ sự cũ kỹ (người già) để mở đường cho cái mới (lớp trẻ). Các bạn chính là thế hệ trẻ, nhưng ngày nào đó sẽ già đi và rời bỏ cuộc sống. Xin lỗi vì đã nói thẳng nhưng điều đó là sự thật.
Thời gian của bạn không nhiều, đừng lãng phí bằng cách sống cuộc đời của người khác. Đừng nghe những lời giáo điều, vì đó là suy nghĩ của người khác. Đừng để những quan điểm ồn ào lấn át tiếng nói bên trong bạn. Chúng biết bạn muốn gì. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu.
Khi tôi còn trẻ, có một cuốn sách thú vị là The Whole Earth Catalog (Cẩm nang thế giới). Nó giống như một cuốn kinh thánh, kim chỉ nam của thế hệ tôi. Tác giả Steward Brand tạo ra nó vào thập niên 60, trước thời máy tính cá nhân. Nội dung sách được soạn bằng máy đánh chữ, bằng kéo và bằng máy ảnh polaroid. Nó như Google trên giấy vậy. Ở bìa sau của cuốn sách có in ảnh một con đường trong ánh bình minh, bên dưới là dòng chữ: “Sống khát khao. Sống dại khờ”. Tôi luôn chúc điều đó cho chính mình. Hôm nay, các bạn tốt nghiệp và sắp bước vào cuộc đời mới, tôi cầu chúc điều đó cho các bạn.
“Hãy luôn khát khao. Hãy luôn dại khờ!>”
Châu An dịch
Xem video trong trang video “Kiến thức-Kinh doanh”:
Bài diễn văn bất hủ của Steve Jobs tại lễ tốt nghiệp ở Đại học Stanford 2005
09/11/2015.
DQC (st)