Hôm nay chúng ta mừng tết Độc Lập 2/9, đó cũng là ngày giỗ Bác Hồ. Như đại bộ phận người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, gần 40 năm nay, năm nào tôi cũng tham gia mừng tết Độc Lập cùng với bà con cộng đồng. Lần này tôi rất hân hạnh được bày tỏ vài cảm tưởng về ngày Độc Lập, đúng hơn là sự quan tâm và ước mong của một tấm lòng Việt đối với sự phát triển của đất nước.
Vì sao người Việt, dù ở nơi đâu trên thế giới cũng đều nhớ về tết Độc Lập và Bác Hồ. Theo tôi đó chính là từ khát vọng Độc Lập Tự Do của một dân tộc đã nhiều lần sống dưới ách thống trị ngoại bang, có lúc hàng chục năm, hàng trăm năm thậm chí hang ngàn năm. Đối với dân tộc Việt Nam, không có khát vọng nào cháy bỏng bằng khát vọng Độc Lập Tự do. Vì vậy, sau khi đã giành được Độc Lập Tự Do 02/09/1945, nhân dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ nó bằng hai cuộc kháng chiến thần thánh và đã giành thắng lợi.
Ngày nay, dẫu đã có hòa bình, nền Độc Lập Tự Do của chúng ta vẫn đang bị đe dọa, và vẫn chưa toàn vẹn. Trung Quốc vẫn đang xâm chiếm một phần lãnh thổ Việt nam và tiếp tục lấn chiếm thêm nữa. Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc (đương nhiên khi đã lệ thuộc về kinh tế thì khó tránh được lệ thuộc về chính trị). Vì vậy, để có độc lập vững bền và toàn vẹn, không có cách nào khác là phải phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, đặc biệt về kinh tế.
Song chỉ có Độc Lập Tự Do thì chưa đủ, cần phải có dân chủ. Bác Hồ đã từng nói: Độc lập Tự do mà không có Dân Chủ thì chẳng có ý nghĩa gì. Dân Chủ có hai ý nghĩa: một mặt đó là quyền con người, mặt khác đó là thể chế. Khái niệm Dân Chủ lần đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ thứ VI trứơc CN ở Aten, Hylap. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, quyền lực của nhân dân được coi trọng. Dân Chủ là khát vọng của loài người. Cùng với sự phát triển của xã hội loài người, khái niệm Dân Chủ ngày càng phát triển và hoàn thiện. Chúng ta không thể bê nguyên xi thể chế dân chủ của một nước nào đó áp đặt vào Việt nam, song cũng không thể tự coi nền dân chủ XHCN của chúng ta là tuyệt vời nhất. Một thể chế Dân Chủ thích hợp là thể chế đem lại sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt.
Trong Hội nghị ngoại giao lần thứ 29 vừa rồi, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thừa nhận: Sự chênh lệch về phát triển giữa Việt Nam và các nước phát triển ngày càng lớn, thu nhập bình quân đầu người của Viêt Nam đứng thứ 103 so với thế giới, nghĩa là chúng ta đang tụt hậu. Vì vậy muốn phát triển thì phải cải các thể chế dân chủ: Cần phải có một thể chế dân chủ phù hợp để phát triển. Đáng mừng là đã có vài dấu hiệu đầu tiên về cải cách thể chế. Hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa cải cách thể chế để khơi dây mọi nguồn lực, mọi sự sáng tạo nhằm phát triển đất nước mạnh mẽ hơn nữa.
Kính chúc sức khỏe và thành đạt.
Bucaret, 28.08.2016
Trần Đình Trúc