Tin Hội Doanh nghiệp

Tình hình về xuất khẩu lao động Việt Nam vào Romania

11:53 chiều | 02/02/2023

 

Kính thưa ngài Đại Sứ Đỗ Đức Thành

Kính thưa ông Chủ tịch Hội Doanh nghiệp người Việt Nam tại Romania Nguyễn Văn Tới cùng toàn thể các quý vị có mặt ngày hôm nay.

Tôi rất vinh dự được nói về một số vấn đề liên quan đến xuất khẩu lao động Việt Nam vào thị trường Romania.

 

 

Sau cuộc cách mạng năm 1989, Romania đã bỏ nền kinh tế bao cấp và chuyển sang nền kinh tế thị trường, cho phép các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Romania đã gia nhập Liên Minh Châu Âu (EU) vào tháng 1 năm 2007. Sau khi trở thành thành viên của EU, do có luật là công dân EU được quyền làm việc ở bất kỳ nước nào trong EU, Romania lại là một trong những nước có mức lương thấp nên đã mất đi khá nhiều lưc lượng lao động lành nghề bên cạnh nhân tố lão hóa của dân số.

Ví dụ năm 2017, khoảng 71.130 lao động di tản từ Romania sang Tây Âu, 49.600 lão hóa, vậy Romania mất đi khoảng 120.730 lao động. Vấn đề thiếu lao động cho nền kinh tế Romania mỗi năm một tăng lên. Romania bắt buộc phải tìm kiếm lao động ở những nước nằm ngoài EU để thay thế như lao động từ các nước Việt Nam, Nepal, Bangladesh, Ấn Độ …v.v…

1/ Điểm mạnh của lao động Việt Nam:

Cần cù, chịu khó, nhanh nhẹn, linh hoạt, học nghề nhanh.

2/ Điểm yếu của lao động Việt Nam:

– Chấp hành kỷ luật lao động kém, không hiểu biết luật pháp, sống tùy tiện không giữ vệ sinh nơi ở, tay nghề không cao. Một số không ít đem cả những thói quen cờ bạc, rượu chè, tệ nạn đến Romania, gây ra mâu thuẫn dẫn đến phạm tội hình sự, ảnh hưởng đến hình ảnh chung của người lao động Việt Nam ở nước sở tại.

– Do mức lương chung của người lao động ở thị trường Romania thấp so với các nước Tây Âu và các nước gần Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, nên việc tuyển chọn lao động Việt Nam cho thị trường Romania cũng rất khó khăn.

– Hiện tượng nguy hiểm nhất là trong hai năm vừa qua là tỷ lệ lao động Việt Nam trốn đi bất hợp pháp sang các nước Tây Âu tăng cao trên 50%, có những đơn hàng lên đến 100%, gây mất lòng tin cho chủ sử dụng lao động (sdlđ), và hiện nay họ đang hướng về lao động từ Nepal, Bangladesh …v.v…

3/ Biện pháp khắc phục:

– Đề nghị ĐSQ chuyển thông tin về các cơ quan quản lý trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (xklđ) vào thị trường Romania, đề ra các biện pháp để lấy lại lòng tin của chủ sdlđ .

– Tổ chức các trung tâm dạy nghề trong nước, nhất là các nghề hàn, cơ khí, mộc, xây dựng, chế biến thực phẩm, dịch vụ du lịch, đầu bếp, phụ bếp, nội trợ gia đình. Có chứng chỉ đào tạo bài bản, có tay nghề cao chắc chắn sẽ được tuyển dụng qua phỏng vấn. Nếu người lao động không có điều kiện kinh tế để học nghề thì chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ.

– Phải có các biện pháp kỷ luật sử lý những người lợi dụng đơn hàng sang Romania để vượt biên bất hợp pháp, gây mất uy tín với chủ sdlđ và hậu quả là mất thị trường Romania.

– Các trang mạng của Hội Người Việt tại Romania phải chặn những thông tin, bình luận sai lệch về điều kiện làm việc tại Romania, để không gây hoang mang cho những lao động muốn vào thị trường Romania làm việc.

– ĐSQ cố gắng kết hợp với các tổ chức chính quyền Romania cấp tỉnh để thực hiện hội thảo chủ đề về tuyển dụng lao động Việt Nam cho thị trường Romania, lấy lại niềm tin và tạo cơ hội lấy thêm những đơn hàng mới. Nếu cần kinh phí thì kêu gọi những doanh nghiệp trong lĩnh vực hoạt động đóng góp thêm. Làm lợi cho đất nước, hạch toán chi phí rõ ràng thì không sợ gì hết!

– Cộng đồng người Việt tại Romania nên tổ chức một vài doanh nghiệp hoạt động dịch vụ tư vấn, làm thủ tục pháp lý cho cộng đồng và nhất là cho đội ngũ công nhân người Việt, bảo đảm quyền lợi cho họ.

Trên đây chỉ là một số đóng góp ý kiến của tôi về lĩnh vực xklđ Việt Nam vào thị trường Romania. Xin cám ơn sự chú ý của các quý vị.

 

Bucharest, 29/01/2023.
Lê Đức Hóa
(Cựu Hội trưởng Hội Doanh nghiệp Việt nam tại Romania).

 

 

 

 

 

Liên kết website