Tin Hội Doanh nghiệp

Hội Doanh nghiệp “Gặp mặt đầu Xuân Quý Mão 2023”

11:49 chiều | 31/01/2023

 

Ngày 29 tháng 1 vừa qua tại hội trường Đại sứ quán Việt Nam tại Romania, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Romania (HDN) đã tổ chức buổi “Gặp mặt đầu Xuân”.

 

 

Đến tham dự buổi gặp mặt, về phía Đại sứ quán có Đại sứ Đỗ Đức Thành, Bí thư thứ Nhất phụ trách Thương mại – chị Phạm Thị Thu Hà, Bí thư thứ Nhất phụ trách chính trị, ngoại giao – chị Hoàng Thị Phương Mai, Bí thư thứ Hai phụ trách lãnh sự, cộng đồng – anh Nguyễn Hữu Tuyến và toàn thể cán bộ nhân viên ĐSQ. Về phía các hội đoàn có anh Phạm Duy Hưng – Chủ tịch Hội Người Việt, anh Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch Hội Đồng hương Thanh hóa cùng toàn thể hội viện Hội Doanh nghiệp và một số bà con trong công đồng quan tâm đến những thay đổi luật của Romania từ 01.01.2023 liên quan đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp Việt nam.

 

Chủ tịch HDN Nguyễn Văn Tới chủ trì buổi tọa đàm.

 

Đại sứ Đỗ Đức Thành phát biểu mở đầu buổi tọa đàm. Đại sứ chúc mừng năm mới Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Romania, toàn thể các hội viên và những người tham dự.

 

Đại sứ cho rằng Cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam tại Romania tương đối thành đạt, có vị trí trong xã hội. Việc tổ chức các buổi tọa đàm, cùng nhau trao đổi thông tin để dự đoán trước những thay đổi nhằm thích ứng với tình hình mới, tận dụng cơ hội là hết sức cần thiết. Đại sứ hy vọng các diễn giả sẽ tập trung vào một số nội dung sau:

– Cung cấp những thông tin mới nhất về môi trường kinh doanh, khuôn khổ chính sách của Romania liên quan trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp, đồng thời cùng trao đổi, tìm ra những giải pháp hợp lý để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tại Romania.

– Cụ thể như những thay đổi năm 2023 trong chính sách về thuế, nhất là chế độ thuế cho doanh nghiệp siêu nhỏ, các quy định mới về tăng lương cơ bản cho người lao động, cải cách thủ tục hành chính, áp dụng hóa đơn điện tử…

– Làm rõ những thách thức đang đặt ra trong kinh tế và xã hội Romania sau một năm 2022 đầy biến động, với chiến sự tại Ucraina, khủng hoảng năng lượng và lương thực, lạm phát cao… với nguy cơ suy thoái toàn cầu.

– Những yêu cầu thích ứng với các điều kiện khắt khe của EU về phát triển kinh tế Xanh, bảo vệ môi trường, cạnh tranh lành mạnh, chống lao động cưỡng bức, “tiêu chuẩn xã hội” trong xuất nhập khẩu hàng hóa, khi mà Romania đang tích cực đẩy nhanh tiến trình hội nhập sâu rộng vào EU.

– Làm gì để tranh thủ mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Romania, được đẩy mạnh trên các lĩnh vực như trao đổi đoàn các cấp, giáo dục, du lịch, lao động…; phát huy hết tiềm năng hợp tác thương mại giữa hai nước hiện chưa được khai thác đầy đủ.

– Làm sao để tranh thủ cơ hội do EVFTA đem lại, hoặc dự báo trước những khó khăn trở ngại có thể gặp phải khi áp dụng giảm quan thuế (bằng 0) theo lộ trình đối với giao lưu thương mại…

– Làm gì để góp phần duy trì, thúc đẩy hợp tác lao động giữa hai nước – hiện đang có dấu hiệu chững lại do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do tình trạng bỏ trốn của công nhân, sự cạnh tranh từ các quốc gia khác như Bangladesh, Nepal (chấp nhận mức lương rẻ)… và phía bạn siết chặt quy trình cấp visa cho lao động ta. Ngoài ra còn phải nói đếni tình trạng rượu chè, cờ bạc, tội phạm có tổ chức… vẫn diễn ra theo chiều hướng phức tạp, gây khó khăn cho công tác bảo hộ công dân, cũng như gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Đồng thời, ĐSQ xin lắng nghe các đề xuất về cơ chế phối hợp hiệu quả để có thể hỗ trợ doanh nghiệp thông qua Thương vụ Việt Nam tại Romania.

 

Đại sứ chúc buổi tọa đàm bổ ích và thành công.

 

Chị Phạm Thị Thu Hà, Bí thư thứ Nhất phụ trách Thương mại chia xẻ về tình hình kinh tế Việt Nam và Romania, định hướng chính sách, phương hướng thúc đẩy trao đổi thương mại song phương trong thời gian tới.

 

Anh Lê Đức Hóa, Cựu Hội trưởng HDN phát biểu về vấn đề xuất khẩu lao động Việt nam vào thị trường Romania.

Anh Lê Đức Hóa nêu rõ các điểm mạnh và yếu của lao động Việt Nam và đưa ra các biện pháp khắc phục.

 

Chị Hoàng Thị Phương Mai, Bí thư thứ Nhất phụ trách chính trị, ngoại giao nói: Việt Nam hiện vẫn là một trong những nước đưa nhiều lao động sang làm việc tại Romania, tuy nhiên số lượng lao động Việt Nam được cấp giấy phép lao động tại Romania trong năm 2022 giảm tương đối mạnh. Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, trong đó có việc phía Romania siết chặt việc cấp visa làm việc, các nước như Nepal, Bangladesh, Ấn Độ đẩy mạnh việc đưa lao động sang Romania. Ngoài ra, tình trạng lao động Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, vi phạm luật pháp sở tại, vi phạm hợp đồng lao động, vượt biên bất hợp pháp… tăng lên, có nhiều dấu hiệu phức tạp cũng góp phần làm giảm uy tín và làm sai lệch hình ảnh của người lao động Việt Nam trong mắt chủ sử dụng Romania. Đại sứ quán đã áp dụng cơ chế phối hợp ba bên (giữa chủ sử dụng lao động, lao động và công ty phái cử) trong việc hỗ trợ giải quyết tranh chấp giữa chủ sử dụng lao động và người lao động – đã chứng minh được tính hiệu quả trên thực tế. Hiện Đại sứ quán đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ quản của Romania và Việt Nam, các công ty phái cử lao động nhằm cải thiện tình trạng sụt giảm lao động và nâng cao chất lượng của lao động Việt Nam tại Romania.

 

Anh Đăng Xuân Lộc, Phó Chủ tịch HDN trình bày cơ hội gia nhập Schegen của Romania, những thuận lợi và khó khăn cho người Việt Nam trong vấn đề này, đồng thời nêu lên tầm quan trọng của khối Schengen trong các quyền tự do đi lại, lợi ích kinh tế, cải thiện an ninh. Schegen nhắm đến mục đích di chuyển thường xuyên và ở lại ngắn hạn, tối đa 90 ngày (trong giai đoạn180 ngày) tại một quốc gia trong khối.

 

Anh Đăng Xuân Lộc giải thích sự khác nhau giữa EU, Schengen và Eurozone. Romania gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 1 tháng 1 năm 2007.

 

Anh Cao Minh Anh, Phó Chủ tịch HDN trình bầy những thay đổi chính về thuế, luật cho doanh nghiệp trong năm 2023.

 

Anh Cao Minh Anh nêu rõ:

1/ Hệ thống hóa đơn điện tử (e-factura) và e-transport là bắt buộc đối với doanh nghiệp có hợp đồng với chính phủ (Business to Government -B2G), doanh nghiệp với doanh nghiệp (Business to Business – B2B ) – đối với hàng hóa nằm trong nhóm khả năng trốn thuế cao.

2/ Lương cơ bản tăng từ 2550 lei đến 3000 lei

– Mức lương tối thiểu cho nhân viên sẽ được tăng từ ngày 01 tháng 01 năm 2023, từ 2550 lei lên 3000 lei. Đối với các công ty về xây dựng, lương tối thiều sẽ là 4000 lei.

– Mức thuế phải đóng cho nhà nước của người lao động bao gồm: Bảo hiểm xã hội là 700 lei, Bảo hiểm y tế là 280 lei, thuế thu nhập cá nhân là 122 lei. Vậy tổng mức thuế mà người lao động phải đóng cho nhà nước là 1102 lei.

– Tổng thuế phải đóng cho nhà nước của cả người lao động và chủ lao động là 1165 lei

– Với người lao động nhận lương cơ bản, sau khi trừ thuế lương nhận tay của người lao động là 1898 lei.

3/ Bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 năm 2023, thuế suất đối với cổ tức được chia/chi trả giữa các cổ đông của công ty tại Romania tăng từ 5% lên 8%.

4/ Thay đổi định nghĩa về doanh nghiệp nhỏ (microprindere).

5/ Điều chỉnh thuế TVA đối với một số hàng hóa, dịch vụ.

– Dịch vụ nhà hàng, ăn uống, khách sạn: từ 5% lên 9%.

– Từ ngày 1 tháng 1 năm 2023, chủ sở hữu có thu nhập từ việc cho thuê nhà ở, ngoài mục đích du lịch, sẽ phải trả 10% thuế thu nhập trên toàn bộ giá trị cho thuê.

6/ Chương trình vốn không hoàn lại đối với doanh nghiệp dịch vụ và thương mại.

7/ Chương trình hỗ trợ vay vốn cho doanh nghiệp.

 

Anh Trần Huy Khánh nhấn mạnh sự khác nhau giữa thuế sử dụng và thuế dịch vụ. Ví dụ: khi cho công ty thuê căn hộ (tài sản tư) thì thuế tài sản sẽ thay đổi thành thuế dịch vụ (cao hơn)

 

Anh Nguyễn Ngọc Minh hỏi về vấn đề lao động ngắn hạn sang dài hạn và điều kiện để được ở lại làm việc hợp pháp tại Romania. Vấn đề anh nêu ra đã được mọi người giải đáp rõ ràng.

 

*

 

Anh Phạm Minh Dũng, Cựu Hội trưởng HDN không tham gia buổi tọa đàm được vì lý do sức khỏe. Đại sứ Đỗ Đức Thành cùng mọi người gửi lời chúc sức khỏe anh. Chúc anh chóng bình phục để cùng sát cánh đưa HDN phát triển mạnh mẽ không ngừng.

 

*** Clip:

 

Trong bầu không khí vui vẻ, đầm ấm, mọi người thưởng thức những món ăn do chính tay các hội viên thể hiện.

 

 

 

Bucharest, 31/01/2023.
DQC (tổng hợp)

 

 

 

 

 

Liên kết website