Nữ công - Gia chánh

NCGC – Cách pha nước chấm cho món ăn ngon

9:11 sáng | 21/09/2012

 

Bát nước chấm chiếm vị trí quan trọng trong ẩm thực Việt. Trong bữa ăn hàng ngày hay trên mâm cỗ của người Việt không thể thiếu bát nước chấm bởi có nhiều món ăn nếu không pha được nước chấm ngon sẽ làm uổng công nấu nướng của đầu bếp. Tạp chí Món ngon xin giới thiệu một số cách pha nước chấm để bạn phối hợp với các món ăn nhé!

 

1. Nước chấm gà luộc

 

Cách 1: Một thìa bột canh, nửa thìa hạt tiêu, ớt tươi, nửa quả chanh, một ít tiết gà luộc. Loại này để chấm thịt gà luộc hoặc thịt gà nướng, có thể cho thêm chút lá chanh thái chỉ. Đặc biệt, có thể cho thêm hành khô thái lát mỏng và một ít tiết gà luộc.

 

Chấm gà luộc bằng mắm là chính.

 

Cách 2: Một muỗng nước mắm ngon, 1/4 thìa mì chính, 1/4 thìa hạt tiêu, vài lát ớt mỏng, một ít tiết gà luộc. Loại nước chấm này rất phù hợp để ăn gà cùng cơm hoặc xôi trắng.

 

2. Nước chấm nem rán, chả, giò

 

 

Bát nước nem rán, chả, giò phải đủ mùi chua, cay, mặn, ngọt, vì vậy bát nước chấm nem rán không thể thiếu các gia vị như nước mắm, dấm hoặc chanh, đường, ớt, tỏi, tiêu. Gia vi là vậy nhưng tỷ lệ thế nào tùy vào có khẩu vị và loại nước mắm, dấm mà pha chế cho vừa phải.

Cụ thể như sau: 200ml nước lọc + 2,5 thìa súp đường + 3,5 thìa súp nước mắm + 3 thìa súp dấm+2 quả ớt cay, bỏ hạt, băm nhỏ + 1 nhánh tỏi băm + 1/4 thìa súp hạt tiêu xay hoặc 1 phần nước mắm + 3 đến 4 phần nước lọc + 1/4 phần đường + tỏi ớt băm nhỏ

Lưu ý: Nếu không có dấm có thể thay thế bằng chanh.

 

3. Nước chấm cá rán, thịt lợn luộc

 

 

Thông thường thì nước mắm sống được dọn chung với cá rán, thịt luộc, chả, giò… Miền Nam dùng cá trong món canh chua cá lóc với chén nước mắm sống dằm ớt tươi. Miền Trung ăn nước mắm ớt với rau luộc, làm gia vịt nêm cho món bún bò, đặc biệt còn dọn nước mắm tiêu với thịt đầu heo luộc, phèo non luộc,… Miền Bắc cũng dùng nước mắm sống với các loại thịt luộc hoặc cá rán, có khi thêm ớt, và vắt thêm chanh hay quất.

Pha nước mắm chấm cá rán, thịt lợn luộc ta nên ngâm ớt vào nước cốt chanh 15 phút mới đổ nước mắm ngon vào nếu hơi mặn thì thêm nước lọc, đường.

Cụ thể: 2 thìa súp nước mắm + tỏi, ớt băm nhỏ + 1/4 quả chanh vắt lấy nước.

 

4. Nước chấm cá hấp, cá luộc

 

 

Một thìa nước mắm ngon, một thìa dấm ngon, một thìa đường, ba thìa nước lọc, tỏi, ớt, gừng, thì là. Tỏi, ớt, gừng, rau thì là băm nhỏ. Pha nước mắm, dấm, đường, nước, điều chỉnh vị vừa ăn rồi mới cho tỏi, ớt, gừng, thìa là vào. So với nước chấm nem, nước chấm cá luộc mặn hơn vì cá hấp và luộc vị nhạt. Cũng có thể dùng vị chua của chanh để nước chấm thơm tự nhiên. Loại nước chấm này có thể phù hợp với các loại gỏi cá cuốn nướng.

 

5. Nước chấm thịt vịt luộc, thịt bê, cá nướng

 

Phù hợp với các món cá trê nướng hoặc chiên giòn, món thịt vịt luộc. Nước mắm gừng trong các món này là nước mắm nguyên chất, pha với đường, gừng giã nhuyễn và chút chanh. Nếu ăn với cá trê, thịt vịt cần pha thật đậm đà, không thêm nước, còn dùng chung với gỏi vịt hoặc để chấm với ốc, nghêu thì cần phải pha loãng với nước đun sôi để nguội, vị ngọt và chua dịu

 

 

Nước mắm me là món nước chấm đặc trưng của miền Nam. Chuẩn bị me vừa chín, cho me vào nước sôi, quấy đều, bỏ hạt và xơ. Sau đó cho tỏi, ớt, gừng băm nhuyễn vào nước me. Thêm đường và nước mắm vào. Trộn tất cả cho đều, nước chấm hơi sệt nhờ có cơm me. Nước mắm me được dùng với các món lươn như lươn chiên giòn, lươn om lá lốt hoặc các món cá kèo chiên giòn, món khô cá khoai nướng…

Cụ thể: 4,5 thìa súp nước mắm + 5 thìa súp đường + 1 thìa súp gừng gọt vỏ băm nhuyễn + 1-2 thìa cafe tỏi băm + 1-2 thìa súp nước lọc + ít nước chanh vắt cho hỗn hợp có vị chua nhẹ.

 

6. Nước chấm các món lẩu

 

Cách 1 (phù hợp để chấm hải sản): Nửa thìa gia vị, 1/4 thìa mì chính, 1/4 thìa muối trắng, mù tạt xanh, một chút hạt tiêu bột, chanh tươi, ớt tươi.

 

 

Cách 2: Hai thìa nước mắm, nửa thìa đường, 1/4 thìa sa tế, ớt tươi, tỏi thái lát, 1/2 quả chanh vắt lấy nước.

 

 

 

Cách 3: Bốn thìa xì dầu, nửa thìa đường, 1/4 thìa mì chính, tỏi ớt thái lát, hạt tiêu. Nếu không muốn vị tỏi quá nổi làm át mùi thơm của món ăn, tỏi chỉ nên thái lát thay vì băm nhỏ. Loại nước chấm này hợp với lẩu thập cẩm hoặc lẩu bò.

 

 

 

21/09/2012.

(Theo tapchimonngon)

DQC (st)

 

 

 

 

 

Liên kết website