Tin tức - Sự kiện

TTSK – Tình hình kinh tế Việt Nam-Romania và trao đổi thương mại song phương

3:30 chiều | 01/02/2023

 

I/ Tình hình kinh tế Romania

Mặc dù chịu tác dộng bất lợi từ bất ổn địa chính trị trong khu vực, giá cả hàng hóa, lạm phát gia tăng tại Romania tăng cao ở mức 16% trong tháng 11/2022, trong đó giá cả thực phẩm tăng cao nhất ở mức 20%, tiếp đến là các sản phẩm phi thực phẩm tăng 14%, và dịch vụ tăng 8%,  nhưng nhìn chung tình hình kinh tế Romania trong 11 tháng tăng trưởng ổn định so với các nước trong khu vực và thế giới. GDP đạt 200 tỷ Euro, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng kim ngạch ngoại thương 11 tháng của Romania đạt 201tỷ Euro, tăng 28%. Giá trị thương mại nội khối của Romania với EU là 115 tỷ Euro. Trong đó xuất khẩu sang EU đạt 49 tỷ Euro và nhập khẩu từ khối là 66 tỷ Euro, chiếm tỷ lệ tương ứng 72% tổng xuất khẩu và 58% tổng nhập khẩu của cả nước.

Đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động 11 tháng là 143.828 tăng 3%. Số lượng người thất nghiệp là 450 nghìn người chiếm 5% tổng lực lượng lao động.

 

II/ Tình hình kinh tế Việt Nam

Kinh tế năm 2022 của Việt Nam được đánh giá tăng trưởng khả quan với mức tăng GDP đạt 8,02%  đạt 409 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2022  đạt 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.

Năm 2022, cả nước có 208,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 30,3% so với năm trước. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 143,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 19,5%.

● Về thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam:

Năm 2022, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 27,7 tỷ USD, giảm 11% so với năm trước. Tuy nhiên, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5%. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Đến cuối năm 2022, cả nước có 35.895 dự án FDI còn hiệu lức với số vốn đăng ký trên 435,2 tỷ USD và Romania có 4 dự án đầu tư tại Việt Nam với số vốn 1,38 triệu USD, đứng thứ 92/139 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

● Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài:

Năm 2022 có 109 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 426,6 triệu USD, tăng 4,3% so với năm trước. Đến tháng 11/2022, Việt Nam đã có 1.604 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam trên 21,68 tỷ USD.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (32,1%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,9%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,6%); Cam-pu-chia (13,6%); Vê-nê-zuê-la (8,4%).

● Về xuất nhập khẩu hàng hóa

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa là 371,8 tỷ USD, tăng 10,6% và nhập khẩu là 360,6 tỷ USD, tăng 8,4%. Năm 2022, Việt Nam xuất siêu 11,2 tỷ USD, tăng 7,9 tỷ USD so với năm 2021.

Trong năm 2022 có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu. Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,5%.

● Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 109,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 119,3 tỷ USD.

 

III/ Trao đổi thương mại Việt Nam – Rumani

Theo số liệu hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam – Romania năm 2022 đạt 425 triệu USD, tăng 14,8%. Trong đó xuất khẩu đạt 322 triệu USD, tăng 52,6%, nhập khẩu đạt 102 triệu USD, giảm 35,4%. Thặng dư thương mại đạt 219 triệu USD. Việt Nam đứng thứ 38 trong số các đối tác thương mại của Romania và đứng thứ 22 trong số các nước xuất khẩu vào Romania với thị phần 1,5%.

Romania đứng thứ 57/228 quốc gia có trao đổi thương mại với Việt Nam, chiếm 0,05% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Romania gồm máy móc thiết bị phụ tùng với giá trị 109,6 triệu USD, tăng 45%, xơ sợi đạt 24,5 triệu USD tăng 46,2%, hàng thủy sản đạt 24 triệu USD, tăng 115,5%, máy vi tính, sản phẩm điện tử đạt 11,6 triệu USD, tăng 60,5%, sản phẩm từ sắt thép đạt 9,2 triệu USD, tăng 69,4%, cà phê đạt 6,4 triệu USD, tăng 37,1%, Riêng mặt hàng điện thoại các loại đạt 3,2 triệu USD, giảm 29,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Romania gồm: thức ăn chăm nuôi đạt 7,6 triệu USD, tăng 14,4%, thiết bị điện và linh kiện điện tử đạt 6,9 triệu USD, tăng 300%; Dược phẩm đạt 6,3 triệu USD, tăng 7,4%; Sản phẩm len dạ đạt 4,7 triệu USD, tăng 284%; Sản phẩm đồ gỗ nội thất đạt 3,4 triệu USD, tăng 1,2%; Máy móc thiết bị phụ tùng đạt 3,2 triệu USD tăng 132,8%; sắt thép đạt 1,6 triệu USD, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2021.

 

IV/ Về những thay đổi chính sách của Romania

– Từ ngày 1/1/2023 Pháp lệnh số 16/2022 của Chính phủ (GO số 16/2022) có hiệu lực với các thay đổi thuế suất đối với cổ tức được phân phối/trả cho các pháp nhân Romania, cũng như đối với cá nhân không cư trú sẽ tăng từ 5% lên 8%.

– Luật số 170/2016 sửa đổi áp dụng từ ngày 1/1/2023. Theo đó, người nộp thuế thuộc quy định của Luật này là doanh nghiệp siêu nhỏ có mức thuế suất áp dụng 1%.

– Ngày 4 tháng 8 năm 2022, Chính phủ Romania đã ban hành Pháp lệnh số 18/2022 (GO 18/2022) thay thế quy định cũ về việc cấp phép hoạt động của các văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài tại Romania. Theo đó, thời hạn hoạt động tối thiểu của văn phòng đại diện 1 năm và có thể được gia hạn. Việc xin cấp phép, gia hạn, sửa đổi giấy phép đã cấp được thực hiện trên nền tảng trực tuyến.

 

V/ Về định hướng chính sách về xuất nhập khẩu trong thời gian tới

Với tư cách là thành viên EU, Romania sẽ thi hành các chính sách chung  của EU liên quan đến thúc đẩy phát triển công bằng và bền vững như:

● Về chứng chỉ carbon:

Ngày 13/12/2023, Liên minh châu Âu ra thông báo về thực hiện Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM), theo đó sẽ đánh thuế carbon đối với hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên mức độ phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất tại nước sở tại. Cơ chế điều chỉnh cacbon bước đầu được áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón. Các nhà nhập khẩu phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu, nếu lượng khí thải này vượt quá mức tiêu chuẩn của EU thì phải mua “chứng chỉ khí thải” theo mức giá cácbon hiện hành của EU.

● Về quy định chống lao động cưỡng bức:

Ngày 14/ 9/2022, Ủy ban Châu Âu đã  đưa ra đề  xuất quy định pháp lý về cấm tiếp thị hàng hóa được sản xuất bởi lao động cưỡng bức. Theo dự thảo, các quy tắc mới sẽ được áp dụng cho cả hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa được sản xuất tại Liên minh châu Âu.

Các cơ quan EU có thẩm quyền thực hiện thanh, kiểm tra cần thiết, kể cả ở các nước thứ ba, với điều kiện là các công ty và chính phủ nước thứ ba có liên quan được thông báo về kế hoạch kiểm tra và được sự nhất trí. Các công ty cần phải chuẩn bị cung cấp đầy đủ tài liệu chứng minh sản phẩm của mình phù hợp với quy định về chống lao động cưỡng bức. Cơ quan hải quan cũng có thể yêu cầu thông tin từ các nhà sản xuất và các công ty cần sẵn sàng cung cấp thông tin chi tiết về chuỗi cung ứng, các hoạt động giám sát và thẩm định của mình đối với vấn đề chống lao động cưỡng bức.

● Về chứng chỉ quản lý rừng bền vững

Ngày 6/12/2022, Nghị viện và Hội đồng Châu Âu đã đạt được thỏa thuận đối với đề xuất quy định về chuỗi cung ứng chống phá rừng.

Khi các quy định mới có hiệu lực, tất cả các công ty có liên quan sẽ phải tiến hành thẩm định nghiêm ngặt khi xuất khẩu vào thị trường này các sản phẩm như: dầu cọ, đậu nành, cà phê, ca cao, thịt bò, sô-cô-la, gỗ và đồ nội thất. Danh sách các mặt hàng sẽ được xem xét và cập nhật thường xuyên, có tính đến dữ liệu mới về thay đổi mô hình rừng.

 

VI/ Về Hiệp định EVFTA

Hiệp định EVFTA, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. EVFTA được xây dựng dựa trên các nguyên tắc thương mai cân bằng giữa các đối tác, là lực đẩy quan trọng  thúc đẩy trao đổi thương mại 2 chiều. Trao đổi thương mại Việt Nam – EU năm 2021 đạt 57 tỉ đô la Mỹ, tăng 10% và năm 2022, đạt 62,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021.

Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ hiệp định tương đối cao, với số lượng chứng nhận xuất xứ EU 1 là hơn 8,1 tỉ đô la Mỹ, chiếm 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang EU.

Sau 3 năm đi vào thực hiện, theo lộ trình cam kết cắt giảm thuế quan, đến năm 2023 có thêm 630 dòng thuế trong biểu cam kết của EU được cắt giảm về 0. Hiện còn 867/9394 (tương đương 9,2%) số dòng thuế theo lộ trình cắt giảm trong vòng 2 và 4 năm tới. Đây là chủ yếu những dòng thuế nhạy cảm đối với các nhà sản xuất EU như cá nước lạnh, gia cầm, thịt chế biến, sản phẩm sữa, các sản phẩm len, dạ. Đối với các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam, đã có thêm 980 dòng thuế trong biểu thuế nhập khẩu của Việt Nam được cắt giảm về 0. Hiện còn 3854/9562 (tương đương 40,3%) số dòng thuế sẽ được tiếp tục cắt giảm theo lộ trình sau 5,7,9 và 10 năm từ khi Hiệp định có hiệu lực.

 

VII/ Thúc đẩy hợp tác trao đổi tương mại Việt Nam – Romania

Với tình hình kinh tế được đánh giá khả quan, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu mang tính bổ trợ lẫn nhau, cũng như những thuận lợi từ Hiệp định EVFTA, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và EU nói chung và Việt Nam với Romania nói riêng dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

Hiện các doanh nghiệp của Romania đang có nhu cầu nhập khẩu một số mặt hàng như sản phẩm nhựa, thủy sản, tôm đông lạnh, rứa đóng hộp và mong muốn xuất khẩu các mặt hàng như dược phẩm vào Việt Nam các doanh nghiệp quan tâm hợp tác với đối tác Romania, có thể liên hệ với Thương vụ để Thương vụ giới thiệu kết nối doanh nghiệp trao đổi trực tiếp với các đối tác.

Đồng thời, hiện tại, Việt Nam đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài, tăng sự hiện diện của hàng hóa thương hiệu Việt Nam tại các chuỗi siêu thị, Thương vụ hoan nghênh sự tham gia, ý kiến đề xuất của các doanh nghiệp trong thực hiện các đề án này.

Đại sứ Malaysia Tengku Mohamed Ariffin – Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại Bucharest trong bài phát biểu khai mạc đã nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò ngày càng lớn mạnh của ASEAN trong suốt 55 năm qua, bày tỏ hy vọng các Đại sứ quán ASEAN tại Romania sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, tăng cường hợp tác về chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa, nhằm góp phần vào việc xây dựng cộng đồng ASEAN ngày càng lớn mạnh, đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN và Romania nói riêng cũng như ASEAN và khu vực Balkan nói chung.

 

Bucharest, 29/01/2023.
Phạm Thị Thu Hà
(Bí thư thứ Nhất phụ trách Thương mại / ĐSQ Việt Nam tại Romania)

 

 

 

 

Liên kết website