Aerobic là các hoạt động thể dục với cường độ trung bình trong khoảng thời gian dài. Aerobic nghĩa là “có oxy” bởi nó liên quan đến quá trình huy động và sử dụng oxy trong quá trình trao đổi năng lượng của cơ bắp.
Aerobic còn gọi là thể dục thẩm mỹ, được hiểu là tập hợp nhiều bài tập với các chuyển động cơ thể, bước chân theo nhạc với sự bắt nhịp của giáo viên hướng dẫn. Loại hình thể dục thẩm mỹ này trở nên rất phổ biến tại Mỹ cùng với phong trào sản xuất các video hoặc các chương trình truyền hình của Jane Fonda và Richard Simmons về phương pháp tập thể dục thẩm mỹ trong thập niên 1980.
Lịch sử ra đời
Cả thuật ngữ “Aerobic” lẫn phương pháp tập luyện môn này đều do Kenneth H. Cooper – nhà vật lý trị liệu của Không lực Hoa Kỳ – phát triển. Năm 1969, ông xuất bản cuốn sách “Aerobic” công bố những nghiên cứu về các chương trình tập luyện mang tính khoa học bao gồm các phương pháp như chạy bộ, đi bộ, bơi lội và đạp xe.
Cuốn sách này nhanh chóng trở nên nổi tiếng và phương pháp tập luyện của ông cũng bắt đầu được áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, thuyết này của ông bị phản đối gay gắt bởi những người chủ trương tập luyện tăng cường sức khỏe và cân nặng (anaerobic).
Hai loại hình thể dục này khác nhau bởi quá trình và cường độ tập luyện cũng như quan điểm về quá trình phát sinh năng lượng trong các cơ. Thông thường trong quá trình tập luyện Aerobic, glycogen bị phân hủy và chuyển hóa thành gluco, tuy nhiên nếu chất này bị thiếu hụt thì lại xảy ra sự trao đổi chất béo. Quá trình trao đổi chất béo diễn ra chậm và đi kèm với nó là sự suy giảm về mức độ hoạt động.
Ngược lại, các bài tập anaerobic lại liên quan đến quá trình khởi động, hoặc tập luyện quá sức đột ngột, trong đó glycogen hoặc đường bị tiêu hao mà không cần oxy, và vì thế ảnh hưởng tới hiệu quả tập luyện rất nhiều.
Ưu điểm của Aerobic
Có rất nhiều cách để tập luyện Aerobic. Về cơ bản, bài tập Aerobic là các vận động cường độ thấp và trung bình trong một khoảng thời gian dài. Chạy đường dài là một ví dụ, tuy nhiên, chạy nước rút lại không được coi là một bài tập Aerobic. Chơi tennis đơn với hoạt động liên tục cũng được coi là một hình thức Aerobic, trong khi đó, đánh golf và chơi tennis đôi với nhiều quãng nghỉ thường xuyên lại không phải là Aerobic.
Các tác dụng căn bản của bài tập Aerobic:
– Tăng cường các cơ liên quan tới quá trình hô hấp.
– Tăng cường và làm khỏe cơ tim.
– Làm tăng các tế bào hồng cầu, tạo điều kiện cho oxy được cung cấp đến toàn bộ cơ thể.
Tóm lại, các bài tập aerobic khiến chúng ta khỏe mạnh và dẻo dai hơn, hạn chế các nguy cơ bệnh tật liên quan đến vấn đề tim mạch. Hơn nữa, các bài tập Aerobic cường độ cao như chạy bộ hoặc nhảy dây có thể khuyến khích sự phát triển của xương, ngăn ngừa bệnh loãng xương ở cả nam giới và phụ nữ.
Ngoài những lợi ích về mặt sức khỏe, Aerobic cũng mang lại những lợi ích khác:
– Làm tăng khả năng dự trữ năng lượng dạng phân tử như chất béo và cacbohydrat bên trong các cơ bắp, giúp làm tăng tính bền bỉ.
– Tăng cường khả năng tuần hoàn máu đến các cơ.
– Tăng khả năng đốt cháy chất béo trong quá trình tập luyện.
– Tăng cường tốc độ hồi phục cơ sau quá trình luyện tập cường độ cao.
Tác dụng của Aerobic là tác động tích cực đến hệ thống tuần hoàn và hô hấp (tim, phổi và mạch máu). Trong khi tập luyện các bài tập Aerobic, một lượng tối đa oxy được chuyển hóa trong các cơ bắp. Điều này rất có lợi cho cả các hoạt động của hệ thống tuần hoàn và hô hấp cũng như khả năng tách oxy và năng lượng rồi chuyển hóa chúng của hệ thống các cơ bắp.
Để xác định được khả năng tối đa của Aerobic, các chuyên gia vật lý trị liệu thường hướng dẫn các đối tượng của mình tập trên thiết bị chuyên dụng, trước tiên là đi bộ ở tốc độ thấp, rồi sau đó tăng dần cường độ với các quãng nghỉ được định trước.
Mức độ dẻo dai của hệ thống hô hấp, tim mạch càng lớn, lượng oxy cần thiết cho các cơ tham gia vào quá trình tập luyện càng nhiều và bài tập càng dài mà vẫn không khiến người tập kiệt sức. Khả năng Aerobic càng lớn thì mức độ phù hợp với Aerobic càng cao.
Nhược điểm
Đối với những nghề nghiệp đòi hỏi hoạt động thể lực chuyên nghiệp và tổng thể như vận động viên, cảnh sát, cứu hỏa… các bài tập Aerobic đơn lẻ là không cân bằng. Đặc biệt, các bài tập Aerobic thường ít tập trung vào sức mạnh cơ bắp, nhất là sức mạnh của các cơ phía trên thường bị lơ là. Một số người thường bị thương khi tập luyện một số dạng Aerobic nhất định và vì thế cần phải chọn những hình thức tập luyện ít gây chấn thương hơn.
Thực tế, Aerobic không làm tăng tỉ lệ trao đổi chất như nhiều hình thức tập luyện nặng khác, và vì thế, ít hiệu quả giảm béo. Tuy nhiên, hình thức tập luyện này thích hợp với những người ưa hoạt động thường xuyên, kéo dài và tiêu hao năng lượng. Ngoài ra, hoạt động trao đổi chất của mỗi cá nhân cũng được tăng cường sau khi tập Aerobic.
Tập Aerobic cũng làm giảm sự thèm ăn, ngon miệng ở những người bị mắc bệnh biếng ăn vì quá trình tập luyện làm tăng lượng axít béo và đường trong máu nhờ thúc đẩy các mô giải phóng năng lượng dự trữ. Ngoài ra, quá trình tập luyện cũng có thể bị ảnh hưởng vì bị thiếu các chất dinh dưỡng, ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả hoạt động.
*** Xem các bài tập Aerobic của Nguyễn Cao Kỳ Duyên
trong trang video “Đẹp và Khỏe”:
+ Aerobic: Thể dục thẩm mỹ của Nguyễn Cao Kỳ Duyên – phần 1
+ Aerobic: Thể dục thẩm mỹ của Nguyễn Cao Kỳ Duyên – phần 2
+ Aerobic: Thể dục thẩm mỹ của Nguyễn Cao Kỳ Duyên – phần 3
+ Aerobic: Thể dục thẩm mỹ của Nguyễn Cao Kỳ Duyên – phần 4
+ Aerobic: Thể dục thẩm mỹ của Nguyễn Cao Kỳ Duyên – phần 5
+ Aerobic: Thể dục thẩm mỹ của Nguyễn Cao Kỳ Duyên – phần 6
02/07/2012.
DQC (st)