GIAI ĐOẠN 2001-2005
Sau năm 2000, phong trào Cộng đồng người Việt tại Rumani ngày một lên cao. Lãnh đạo Hội luôn hợp tác với Cơ quan Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani để động viên khuyến khích Cộng đồng tích cực tham gia các phong trào học ngoại ngữ, tìm hiểu luật pháp sở tại, rèn luyện sức khỏe, tìm hiểu về cơ chế kinh tế thị trường của Việt nam và Rumani thông qua các chương trình định kỳ tổ chức vui đón Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Một mặt thông qua các chương trình này để cải thiện cuộc sống tinh thần cho bà con Cộng đồng, mặt khác động viên bà con cô bác, anh chị em Cộng đồng hướng về quê hương, Tổ quốc, đóng góp quỹ giúp đỡ người nghèo, giúp đỡ các khu vực trong nước bị thiên tai, bão lũ tàn phá.
Tháng 2 năm 2002, Tổng thống đương nhiệm lúc bấy giờ của Rumani Ion Iliescu thăm chính thức Việt Nam. Ông đến Việt Nam sau Tết cổ truyền dân tộc của ta nên rất bất ngờ với thời kỳ lễ hội ở Hà Nội và các khu ngoại thành, làng quê Việt Nam. Điều bất ngờ nữa với Tổng thống Ion Iliescu là ông được mời đến nói chuyện với cựu lưu học sinh, sinh viên Việt Nam từng tốt nghiệp tại Rumani tại khách sạn Daewoo- Hà Nội. Tại đây, Tổng thống được hàng ngàn cựu lưu học sinh Việt Nam chào đón nồng nhiệt và ông lấy làm thích thú vô cùng khi được nghe những lời nói, bài phát biểu chào mừng ông và Đoàn bằng tiếng Rumani. Hội hữu nghị Việt Nam – Rumani ở Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thể hiện tình cảm nồng ấm của Nhân dân Việt Nam giành cho Đoàn cấp cao của Rumani sang thăm nước ta.
Đáp lại lời mời của phía Rumani, tháng 10 năm 2003, Đoàn Chủ tịch nước Trần Đức Lương chính thức thăm Rumani. Đây là lần thứ 2 Chủ tịch Trần Đức Lương thăm Rumani. Năm 1994 ông thăm Rumani ở cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ.
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Đức Lương tham Rumania năm 1994
Chủ tịch nước Trần Đức Lương và phu nhân thăm Rumani 10/2003.
Hội Cộng đồng người Việt nam tại Rumani sẽ không bao giờ quên tình cảm nồng nhiệt của phía Rumani giành cho Đoàn cấp cao Việt Nam. Phát biểu chào mừng Chủ tịch Trần Đức Lương tại Phủ Tổng thống Cotroceni- Bucarest, Tổng thống Ion Iliescu nói rất nhiều về những tình cảm tốt đẹp mà ông luôn có về Việt Nam nhất là sau chuyến đi thăm hữu nghị Việt Nam năm 2002 và ông mong muốn hai Bên có thể tin tưởng là Rumani sẽ là cửa ngỏ cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào châu Âu và Việt nam là cửa ngỏ cho hàng hóa xuất khẩu của Rumani vào Đông Nam Á. Hai nền kinh tế có thể hỗ trợ, bù đắp cho nhau thông qua trao đổi thương mại và hợp tác kinh tế nhiều mặt giữa hai nước.
Cuộc đi thăm của hai Đoàn cấp cao hai nước đã hâm nóng rất nhiều mối quan hệ kinh tế – thương mại Việt Nam – Rumani. Tinh thần của bà con Cộng đồng nói chung trong giai đoạn này là rất phấn khởi, vui mừng.
Các hoạt động của Đoàn cấp cao Việt nam ở thăm Rumani luôn được Cộng đồng người Việt ủng hộ tích cực, nhiệt thành. Còn nhớ Hội thảo tại Phòng thương mại và Công nghiệp Rumani số 2 đường Octavian Goga, quận 3 Bucarrest do Bạn tổ chức nhân dịp đón Đoàn ta đã có trên 350 doanh nghiệp lớn nhỏ từ khắp nơi Rumani về dự. Trong số đại diện doanh nghiệp hai nước, có tới 35 doanh nghiệp do người Việt Nam tại Rumani tới dự, phát biểu ý kiến tham vấn Hội thảo. Hội thảo nghe Bộ trưởng Trương Đình Tuyển nói về công cuộc hội nhập kinh tế của Việt Nam và công sức đóng góp của Việt Kiều hải ngoại đối với sự nghiệp phát triển quan hệ song biên và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt nam là lớn lao và cần được động viên giúp đỡ.
Nguyên Đại sứ Trần Xuân Đảm đã tham gia Đoàn cấp cao Việt Nam. Nhắc đến ông, Cộng đồng luôn nhắc tới một con người cần cù, mẫn tiệp trong công việc và trong việc giúp đỡ Cộng đồng đi tới.
Cuối năm 2001, Hội người Việt Nam tại Rumani chào đón Đại sứ Lê Văn Toán. Ông và phu nhân đã cảm nhận ngay được niềm vui được công tác tại một nước Châu Âu có Cộng động người Việt biết đoàn kết và thương yêu giúp đỡ nhau chân tình mà trước đó ông chưa tường tận. Những năm 2001- 2004 luôn để lại trong lòng công chúng Cộng đồng Hội người Việt nhiều kỷ niệm nhiệt tình, hoạt động hội liên tục, tràn đầy tinh thần hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống sôi động hăng say lúc đó.
Tiếp đón đoàn của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam 7/2001.
Kỷ niệm Ngày Quốc Khánh 2/9/2004.
Kỷ niệm Ngày Quốc Khánh 2/9/2004.
Tiếp đón đoàn Doanh nghiệp Việt nam 27/2/2005.
Tiếp đón đoàn Doanh nghiệp Việt nam 27/2/2005.
Mảnh sân sau của Cơ quan Đại sứ quán ta hiện nay là sự kết hợp hài hòa giữa công sức của anh chị em trong Cơ quan Đại sứ quán với Hội người Việt tại Rumani tạo nên. Đã nhiều năm qua, mỗi lần tham gia thể dục thể thao trên mảnh sân xi măng vững chắc đó, trong tâm tưởng mọi người lại thầm nhớ về những ngày tháng khó quên.
Kỷ niệm hằn sâu trong trí nhớ của nhiều người chúng ta giai đoạn này còn có Lễ dâng hương tưởng nhớ vua Hùng đầu năm 2003 do Đại sứ quán long trọng tổ chức và bài phát biểu có sức lan tỏa lớn của Chủ tịch Hội lúc bấy giờ là anh Phạm Minh Dũng về tầm quan trọng lớn lao của tiếng Việt và việc đẩy mạnh phong trào học tiếng Việt trong hàng ngũ con em Cộng đồng người Việt tại Rumani. Có thể nói Lễ dâng hương vua Hùng nhân ngày giỗ tổ Hùng Vương năm đó đã trở thành buổi mít tinh đầy thuyết phục và cảm động về tình cảm của Cộng đồng người Việt xa xứ đối với tiếng nói ông cha. Trong lòng của mỗi người cộng đồng lúc đó như vang lên bài hát” Tình ca” đầy chất lãng mạn của Nhạc sỹ Phạm Duy một thuở:” Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời . . . người ơi”, khuấy động “hồn núi sông ngàn năm” của Cộng đồng người Việt.
Chúng ta biết là từ những năm 1993 đến 2005, những cái tên quen thuộc trong hàng ngũ lãnh đạo Hội người Việt tại Rumani là ông Đoàn Minh Tuấn (hội trưởng nhiệm kỳ 1993-1995), ông Phạm Minh Dũng (hội trưởng 5 nhiệm kỳ 1995-1997 / 1997-1998 / 2001-2002 / 2002-2004 / 2006-2007), ông Trần Đình Trúc (hội trưởng 2 nhiệm kỳ 1998-1999 / 1999-2000), Hoàng Trung Du (hội trưởng 2 nhiệm kỳ 2000-2001 / 2004-2006), Nguyễn Huy Chính. Ban chấp hành cũng thể hiện sự nhiệt tình năng nổ giúp cho các hoạt động của hội đạt hiệu quả tốt. Thực tế, như đã nói ở phần đầu họ đã giành được nhiều tình cảm gắn bó của Cộng đồng với Lãnh đạo Hội. Trước hết là ở các ông luôn toát lên tinh thần trách nhiệm với Cộng đồng và thứ nữa, họ là những người am hiểu tiếng Rumani sâu sắc, có giải thích cho Cộng đồng khá tường tận về Rumani và luật pháp Rumani đương đại. Thời gian có thể khỏa lấp nhiều chi tiết trong đời sống của mỗi thành viên Cộng đồng nhưng những buổi họp với nội dung thuyết trình về các khái niệm sơ đẳng về Luật thị thực, thuế quan, doanh nghiệp tại Rumani do anh chị em Lãnh đạo Hội tổ chức truyền giảng sẽ khó phai mờ trong ký ức mưu sinh của từng gia đình Hội viên.
Mùa Xuân năm 2005, Đại sứ Lê Mạnh Hùng tiếp nhiệm Đại sứ Lê Văn Toán. Giai đoạn 2005 về sau gắn nhiều kỷ niệm về văn hóa với Hội người Việt nam tại Rumani. Giỗ tổ Hùng vương tháng 4/ 2005 là một ngày hội vui tươi, đầy chất văn hóa tưởng niệm. Tháng 7 năm 2005, Việt nam và Rumani tổ chức Tuần văn hóa Việt Nam tại Rumani và Đoàn Nghệ thuật Việt Nam đã có nhiều đêm diễn đông khách Rumani, khách nước ngoài tại Nhà Văn hóa sinh viên ở phố Plevna sau trụ sở Khoa Luật của Trường Đại học Tổng hợp Bucarest.
Những “Ngày Văn hóa Việt nam tại Rumani” tháng 8/ 2005 là một chuỗi các hoạt động thành công và có sự đóng góp không nhỏ của Hôi Cộng đồng người Việt tại Rumani lúc đó. Những “ Ngày Văn hóa Việt Nam “ tháng 8/ 2005 khiến nhiều anh chị em Cộng đồng người Việt nhớ lại “ Những ngày ẩm thực Việt Nam” được tổ chức tại Khách sạn Hilton vào cuối năm 2003, cũng là một hoạt động làm dấy lên phong trào cùng tham gia hưởng ứng tích cực những ngày Việt Nam tại Rumani.
Phu nhân Đại sứ Lê Mạnh Hùng đã bỏ rất nhiều công sức dạy vũ đạo cho một số đông anh chị em Cộng đồng. Chính những buổi sinh hoạt tập vũ đạo là mầm mống phát sinh nhu cầu tham gia tổ chức các Chương trình sinh hoạt ngoài giờ của nhiều anh chị em Cộng đồng yêu văn hóa và sinh hoạt Cộng đồng, dần tiến tới sinh hoạt mang tính Câu lạc bộ của Cộng đồng người Việt tại Rumani sau này.
(còn nữa)
Bucarest, tháng 10 năm 2012
Phạm Quang Thu
(Nguyên Tham tán Thương mại Việt Nam tại Rumani)
Hình ảnh: DQC