Tin Cộng đồng

Quá trình hình thành và phát triển của CĐNVro giai đoạn 1996-2000

8:40 chiều | 10/10/2012

 

GIAI ĐOẠN 1996-2000

 

Tham tán Phạm Văn Gia, Bí thư thứ nhất, Lãnh sự Lê Đình Đệ, dưới sự chỉ đạo của Đại sứ Trần Xuân Đảm đã cùng Ban chấp hành Hội tiếp tục đề ra những biện pháp tốt để củng cố khối đoàn kết trong Cộng đồng, đẩy lùi mọi khuynh hướng tự do, vô kỷ luật trong hàng ngũ Cộng đồng. Cơ quan Đại sứ quán luôn quan tâm giúp đỡ ban chấp hành Hội và Hội cộng đồng Người Việt Nam luôn hướng về Cơ quan Đại sứ quán với ý thức xây dựng và bảo vệ an ninh nội bộ, an ninh Cơ quan, tất cả cùng hướng về đất nước quê hương Việt Nam, tôn trọng luật pháp sở tại.

Những năm 1997-1998, tại các nước Đông Nam Á đã xẩy ra cuộc khủng hoảng tài chính khu vực và nước bị thiệt hại nhiều nhất là Thái Lan. Đây được coi là một bài học kinh nghiệm đắt giá đối với tất cả các nước có nền kinh tế mở và lôi kéo đầu tư nước ngoài thiếu kiểm soát. Việt Nam đứng vững trong cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, tiếp tục công cuộc hội nhập kinh tế thế giới với quyết tâm cao. Việt Nam có uy tín đối với các nhà đầu tư nước ngoài ở thời điểm đó.

Tháng 9 năm 1997, Rumani cử Đoàn cấp cao sang dự Hội nghị Francophonie lần thứ 7. Tổng thống Emil Constantinescu đã thăm chính thức Việt Nam, ông tham dự ký kết hợp tác kinh tế và văn hóa giữa Việt nam và Rumani trong đó có Hiệp định xử lý nợ tổng thể của Việt Nam đối với Rumani.

Cuộc đi thăm Việt Nam năm đó của Tổng thống Emil Constantinescu đã hâm nóng tình hữu nghị giữa hai nước. Cộng đồng Việt Nam tại Rumani nhờ đó cũng được phát triển mạnh hơn. Chợ Europa mở rộng và tiếp đến là chợ Niro đã tạo điều kiện cho việc mở rộng nguồn hàng nhập khẩu giá rẻ vào Rumani. Anh chị em cộng đồng mua thêm nhiều quầy hàng tại chợ, mở thêm nhiều Công ty xuất nhập khẩu trách nhiệm hữu hạn, điều động thêm người thân và bà con sang Rumani, gọi thêm bạn bè ở các nước láng giềng gia nhập vào lực lượng bán buôn và bán lẻ.

Khi nhìn lại gần 20 năm tồn tại và phát triển của Cộng đồng người Việt Nam tại Rumani, những năm 1997-2000 là những năm số lượng người gia nhập Cộng đồng ổn định nhất và cao nhất.

Các mặt hàng quần len mùa đông, pijama, sơ mi các loại, áo phông rẻ tiền, giầy thể thao, dép đi biển, mũ cói đan, mây tre đan, văn phòng phẩm sản xuất tại Việt Nam đã được giới tiêu dùng bình dân Rumani quen thuộc. Những năm khó khăn đó, người dân Rumani không thể quên một số mặt hàng tiêu dùng hàng ngày của Việt Nam được Cộng đồng người Việt mang sang Rumani với khối lượng lớn.

Nhân dân Rumani rất ngạc nhiên trước nguồn hàng đến từ Việt Nam, một đất nước xa xôi, đã từng được Rumani viện trợ và giúp đỡ nhiều trong chiến tranh những năm bảy mươi, tám mươi của Thế kỷ 20, nay đã có hàng hóa dồi dào đủ xuất khẩu với khối lượng lớn sang thị trường Rumani. Song song với việc Nhà nước Việt Nam hoàn thành trả các khoản nợ Rumani trong chiến tranh, các Công ty trách nhiệm hữu hạn của Rumani với chủ nhân là người Việt đã đưa sang Rumani đủ loại hàng hóa tiêu dùng với giá phải chăng, hợp túi tiền của họ. Nhân dân Rumani tỏ rỏ cảm tình và có ý khuyến khích các Công ty người Việt. Nhờ có lực lượng sinh viên Việt nam đã từng tốt nghiệp tại Rumani mà các doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua khó khăn về ngôn ngữ, học hỏi thêm tiếng Rumani đáp ứng giao dịch thông thường ở chợ và trong sinh hoạt hàng ngày, họ dần hội nhập vào xã hội Rumani với sự cố gắng, hoàn toàn không khiên cưỡng mà hứng thú với tốc độ quen biết ngôn ngữ, phong tục tập quán địa phương.

Phải thừa nhận Ban chấp hành Hội trong những năm đầu đã rất nhiệt huyết và chân thành với công tác xây dựng Hội, đặc biệt là các ông Phạm Minh Dũng, hội trưởng hội Người Việt 2 giai đoạn liên tiếp 1995- 1997 và 1997-1998, ông Trần Đình Trúc giai đoạn 1998-1999 và 1999-2000. Ông Hoàng Trung Du làm hội trưởng hội Doanh nghiệp giai đoạn 1995-1998, và hội trưởng hội Người Việt giai đoạn 2000-2001. Phong trào cho con em học tiếng Việt trong mùa hè, động viên con em theo học tại các trường quốc lập và dân lập của Rumani đã mở ra nhiều hướng phấn đấu cho các gia đình người Việt tại Rumani. Cho đến nay, đại đa số các gia đình người Việt đều đã có người giỏi tiếng Rumani, người này giúp đỡ người kia cùng chung sống trong bầu không khí anh em, cộng đồng, đồng hương, họ hàng, gia đình và cùng hội nhập sâu rộng vào xã hội Rumani hiện tại.

 

Khai trương CLB Văn hóa 8.3.1997 

 

Phong trào Văn thể của Cộng đồng dần hình thành và phát triển. Các cuộc đấu bóng bàn, bóng chuyền, bóng đá, tenis đã diễn ra sôi nổi trong các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc. Phong trào viết báo, làm thơ đăng trên trang báo Đất Việt cũng được mở ra trong giai đoạn này, báo động viên khuyến khích anh chị em cộng đồng cùng mưu sinh, cùng sống lành mạnh, hợp pháp và cùng hướng về Tổ quốc Việt Nam.

 

Thể thao Cộng đồng  1997-1998

 

 

 

 

 

Thể thao Asian hè 1999

 

 

 

Cộng đồng người Việt Nam tại Rumani đã phát triển đúng hướng. Đất nước Rumani tươi đẹp luôn hấp dẫn các gia đình doanh nghiệp Việt nam tại đây. Khuynh hướng coi Rumani là quê hương thứ 2, sống ổn định và lâu dài nhiều thế hệ tại đây đang được củng cố và phát triển vững chắc.

Đã có nhiều gia đình người Việt Nam có con em học tập đạt kết quả xuất sắc, khá giỏi tại các Trường quốc lập và dân lập tại Rumani càng làm nức lòng bà con cô bác Cộng đồng người Việt. Phong trào gửi con em đi học ở Anh, Pháp, Mỹ cũng tăng lên. Tinh thần hiếu học của Cộng đồng người Việt được khắc họa rõ nét trong những năm qua.

 

Trường ISB (15.9.1997)

 

Một trong những Chủ tịch Hội để lại ấn tượng đẹp trong lòng bà con Cộng đồng là ông Hoàng Trung Du. Ông Du từng là lưu học sinh, Tiến sỹ Toán học tốt nghiệp tại Rumani những năm 1968-1976. Nhờ có kinh nghiệm trong quá trình học tập và làm việc tại Rumani, ông đã thành lập được một đội ngũ các Hội viên chuyên tâm với công tác Hội, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội và hướng công tác Hội đặc biệt chú ý tới việc khuyến khích động viên mọi người tìm hiểu Luật pháp sở tại, học tiếng Rumani và động viên các gia đình gửi con em đến trường Rumani.

Phong trào “ Mùa hè xanh”, “Vui Tết Trung Thu và tổng kết công tác hè”; Phát phần thưởng cho học sinh giỏi là con em của Cộng đồng được tổ chức đều đặn cuối hè hằng năm. Có năm, Hội còn quyên góp tiền mời cô giáo từ Việt Nam sang Rumani dạy học hè cho các cháu. Những việc làm trên của Hội luôn có sự giúp đỡ và động viên của Cơ quan Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani.

 

Một số hình ảnh của đoàn Văn hóa (1998), 

Hội hữu nghị Việt-Ru (2000) sang thăm Rumania.

 

 

 

 

 

 

Cộng đồng người Việt tại Rumani trao tiền quyên góp ủng hộ đất nước 

(tại Mặt trận TQVN ngày 15.12.1999)

 

Ngày 31 tháng 12 năm 2000, Việt nam hoàn thành việc xử lý nợ trước 1989 cho Rumani. Phía Rumani đánh giá cao sự cố gắng và tinh thần trả nợ sòng phẳng của phía Việt Nam. Quan hệ hai nước thêm nồng ấm. Rumani bước sang giai đoạn phấn đấu hội nhập EU; Việt Nam bước tiếp trên trường đàm phán gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới). Cộng đồng người Việt Nam tại Rumani bước sang năm thứ 7 kể từ ngày thành lập. Trong chặng đường này, Cộng đồng đã dần hình thành và vươn tới sự ổn định tổ chức có kiểm soát. Thực tế, Cộng đồng gặp không ít khó khăn do các mảng thành viên hình thành tự phát và hòa nhập dần. Đã có không ít trường hợp vi phạm kỹ luật và được Cộng đồng xử lý nghiêm minh. Cùng thời gian, các thành viên Cộng đồng ngày thêm ý thức được uy tín Cộng đồng có ảnh hưởng tới quyền lợi trực tiếp của gia đình họ, bản thân cá nhân họ và vì vậy tính tổ chức, chấp hành luật pháp dần được nâng lên rõ rệt. 

Có rất nhiều gia đình Việt –Ru; Ru- Việt hình thành trong quá trình chung sống và họ đã trở thành những hạt nhân thúc đẩy sự hòa hợp và hội nhập quốc tế một cách rõ ràng.

Cộng đồng Việt Nam luôn yêu thương và tôn trọng các gia đình Việt- Ru, Ru-Việt, coi đó là thành quả của sự đoàn kết yêu thương, đùm bọc quốc tế và thực tế hai dân tộc đã đón nhận rất nhiều con dâu, con rể thân yêu cùng hòa nhập vào gia đình chung hữu nghị và hợp tác.
 

(còn nữa)

 

Bucarest, tháng 10 năm 2012
Phạm Quang Thu
(Nguyên Tham tán Thương mại Việt Nam tại Rumani)

 

Hình ảnh: DQC

( Xem hình ảnh tại đây)

 

 

 

 

Liên kết website