Bài viết về Romania & Cộng đồng người Việt

BV – Một ngày với người Việt ở Bucharest

9:21 sáng | 12/08/2016

 

 Ngồi trên chuyến tàu trở về Bucharest từ Sinaia, nơi tôi đến giảng bài cho một hội nghị quốc tế về Công nghệ Thông tin, tôi cứ băn khoăn không biết làm thế nào để có thể tiếp xúc với cộng đồng người Việt ở đây. Tôi đã biết về cộng đồng người Việt ở nhiều nước châu Âu, nhưng về cuộc sống của người Việt ở Rumani thì hầu như không biết gì cả. Theo gợi ý của bà xã, tôi liền viết mail cho anh Lê Xuân Lâm. Rất may anh Lâm đã phản ứng rất kịp thời. Mặc dù không quen ai ở Bucharest nhưng anh Lâm đã nhờ anh Lê Thiết Hùng giới thiệu cho tôi anh Lê Xuân Lắng, đồng hương và là bạn học cấp 3 của anh, là cựu sinh viên Rumani. Tôi gọi điện cho anh Lắng và có ngay một cuộc hẹn vào lúc 9.30 sáng hôm sau để đi thăm trung tâm buôn bán của bà con người Việt ở Buc (cách người Việt ở đây gọi tắt tên của thành phố Bucharest).

Sáng hôm sau đến khách sạn đón chúng tôi cùng đi với anh Lắng còn có chị Nguyễn Thị Thanh Bình, đồng hương Quảng Bình của tôi. Chị Bình thực ra là quê Quảng Trị nhưng sinh ra ở Quảng Bình nên tôi cứ nhận vơ như vậy. Gặp được một đồng hương ở Buc quả là điều may mắn. Sau khi rời Việt Nam đầu những năm 90 của thế kỷ trước, chị Bình cũng đã từng ở Ba Lan vài năm rồi mới chuyển sang sinh sống ở đây. Chị Bình cho chúng tôi biết hiện ở Rumani có khoảng 500 người Việt đang làm ăn buôn bán, chủ yếu ở Bucharest, và khoảng 300 người nữa là xuất khẩu lao động và du học sinh.

Trung tâm thương mại, nơi phần lớn người Việt ở Rumani kinh doanh, có tên là Dragonul Rosu (tiếng Rumani nghĩa là Rồng Đỏ), chỉ cách trung tâm thủ đô Bucharest hơn 10 km. Trung tâm có 9 hala với tổng cộng hơn 4000 quầy bán hàng. Người Việt có hơn 100 quầy ở đây.

Chúng tôi đến đúng vào sáng thứ 7 nên Trung tâm không đông khách.

Anh Phạm Văn Tấn, quê Hải Phòng, chủ quầy đầu tiên chúng tôi đến thăm, mời chúng tôi uống cốc chè xanh và nói về hình thức buôn bán của bà con ở đây. Anh Tấn nói giá thuê quầy phụ thuộc vào vị trí của hala, dao động từ 500 EUR đến 2500 EUR. Bà con chủ yếu bán hàng nhập từ Việt Nam và Trung Quốc. Người Việt ở đây đều là chủ các công ty gia đình, thuê người Rumani làm công nhân. Không có tình trạng người Việt đi làm thuê (ví dụ chở hàng bằng wózek) như ở Ba Lan.

Anh Bạch Quốc Cường (quê Nghệ An), với phong cách rất thoải mái và yên tâm với công việc của mình, nói cho chúng tôi biết về tình hình an ninh rất tốt của Trung tâm nói chung và ở Buc nói riêng. Theo anh Cường trong Trung tâm không có các tệ nạn như nghiện hút, lừa đảo hay ăn cắp. Nhà nước Rumani, với hệ thống an ninh tương đối dày đặc, đã làm rất tốt việc giữ trật tự trong các thành phố. Cuộc sống của người Việt nhờ vậy nói chung rất bình yên. Có thể nói 99% người Việt sống ở đây là hợp pháp và có thẻ định cư lâu dài. Khoảng 10% đã có quốc tịch Rumani.

Anh Dương Tuấn Hùng, chủ một quầy khác, chỉ bán quần bò Thái, là một người đã từng ở Tiệp, sau đó qua Hung, và dừng lại xây tổ ấm ở đất nước này. Anh Hùng cho chúng tôi biết vẫn rất nhớ Budapest, nhưng chọn Buc vì sự ổn định của việc làm ăn, mặc dù năm ngoái đã có một cuộc kiểm tra lớn về thuế và hải quan ở Trung tâm này. Một số công ty người Việt vẫn phải đang trong thời gian giải quyết các cáo buộc về trốn thuế.

Chị Phạm Thị Lan, thành viên Ban Chấp hành Hội người Việt ở Rumani, cho chúng tôi biết việc xù nợ của các chủ quầy với các chủ hàng là không bao giờ xảy ra. Không những thế, có sự tương trợ lẫn nhau về kinh tế giữa người Việt với nhau ở đây. Người cho vay nợ hầu như không bao giờ phải dùng biện pháp mạnh để đòi nếu nợ để lâu quá. Dường như có một sự tin tưởng lẫn nhau rất lớn giữa những người Việt đang làm ăn ở xứ này.

Buổi trưa, tiếp chúng tôi tại một quán cơm bình dân trong Trung tâm, anh Phạm Duy Hưng, quyền Chủ tịch Hội người Việt ở Rumani và anh Bùi Doãn Hải, Chủ tich hội Thanh niên, nói với chúng tôi về các tổ chức của cộng đồng ta ở đây. Các anh cho biết tâm lý của bà con nói chung khá ổn định và yên tâm với công việc. Trong số họ rất ít là cựu sinh viên ở Rumani, mà chủ yếu là những người mới sang đây sau thời kỳ đổi mới. Thành phần trí thức cũng tương đối giống người Việt ở Ba Lan, khoảng 30% đã tốt nghiệp đại học. Phần lớn bà con đều có nhà riêng, chủ yếu ở các chung cư. Điều đặc biệt là không ai phải vay tiền ngân hàng để mua nhà. Cộng đồng tại Buc chia làm 3 khu theo đặc thù vị trí ở: khu Colentina, khu Teiul Doamnei và khu Mosilor. Sinh hoạt trong các khu rất an toàn và bình yên, có lẽ một phần nhờ việc ổn định cả về công việc kinh doanh lẫn địa vị pháp lý. Đây là một cộng đồng mang tính gia đình cao, rất đoàn kết và được đánh giá có tính ổn định nhất khu vực Đông Âu. Lãnh đạo Hội nói chung khá trẻ (trẻ hơn rất nhiều so với lãnh đạo Hội ở Ba Lan!). Nói chuyện với họ chúng tôi có cảm giác họ rất nhiệt tình với công việc và đầy những dự định cho tương lai.

Thế hệ thứ 2 của người Việt ở đây cũng có nhiều nét giống ở Ba Lan. Cái đầu tiên cần nói đến, đó là các con em người Việt học rất giỏi. Cháu Trần Bạch Hải, con của anh Trần Văn Lữ và chị Bạch Thị Hà đã tham gia đội tuyển Rumani và đã giành huy chương đồng trong kỳ thi Olimpic Toán quốc tế tại Colombia năm 2013. Em trai của cháu Hải là Trần Bạch Nguyên ( học sinh lớp 7) sinh năm 2003, là thành viên nhỏ tuổi nhất của đội tuyển Rumani giành được huy chương bạc của kỳ thi Toán trẻ vùng Bancang năm 2016. Nhiều cháu khác cũng rất xuất sắc trong các trường học của nước sở tại. Tuy nhiên, cũng giống như ở Ba Lan, nhiều phụ huynh hết sức cố gắng đầu tư cho con đi du học các nước Mỹ, Tây Âu với hy vọng sẽ có một tương lại tốt hơn. Trong số các cháu học đại học tại Rumani, có nhiều cháu cũng đã thành công trong con đường lập nghiệp ở đây. Tuy nhiên, vẫn có không ít các cháu không muốn đi theo con đường đó vì lương khởi điểm quá thấp (nói chung khoảng 200 EUR), mà chọn công ty của gia đình để lập nghiệp. Dạo qua các gian hàng của người Việt, có thể bắt gặp nhiều khuôn mặt rất trẻ đang làm việc.

Bucharest đang là mùa hè nóng nực, hôm chúng tôi đến nhiệt độ lên đến 38 độ C. Đi bộ ra phố vào buổi trưa quả là một điều khó khăn. Tôi đã đi qua thành phố này lần đầu tiên vào năm 1983 và sau 33 năm quay lại nhà ga phía Đông của thành phố, tôi có cảm giác nó không thay đổi. Mặc dù chỉ vào EU sau Ba Lan 3 năm, nhưng khó cảm nhận được ở đây một sự thay đổi chóng mặt về xây dựng như ở Ba Lan. Tuy nhiên điều làm chúng tôi rất ấn tượng là đường phố rất sạch sẽ, không có người ăn xin nhiều như ở Ba Lan. Giá cả nói chung thấp hơn nhiều so với Ba Lan.

 Buổi chiều muộn, ngồi ăn tối trong quán Bresvie với món mamaliga (bột tấm xay từ ngô) rất quen thuộc của người Rumani, chị Bình kể cho chúng tôi nghe về những thăng trầm trong cuộc đời kinh doanh của chị. Mắt chị thoáng buồn khi nói về những mất mát đã qua. Nhưng những gì chị đã đạt được rất đáng tự hào. Có lẽ trước khi có được sự ổn định và bình yên ở mảnh đất này, nhiều người Việt đã phải trải qua những năm tháng thăng trầm như vậy.

Chia tay Bucharest sáng chủ nhật để bay về Ba Lan, chúng tôi ấm lòng với những cái bắt tay rất chặt và với món xôi độn hạt ngô với hành phi khô giòn và trứng gà luộc mà chị Bình mang ra tận sân bay.

Hẹn Bucharest một lần khác quay trở lại.

 

Hala chính của Trung tâm Dragonul Rosu

 

Quầy hàng của chị Thái Thị Hằng (đứng ở bên trái)

 

Từ phải sang: Chị Nguyễn Thị Thanh Bình, anh Phạm Duy Hưng (Quyền Chủ tịch Hội Người Việt), anh Bùi Doãn Hải (Chủ tịch Hội Thanh niên), anh Lê Xuân Lắng và người viết bài này.

 

Bucharest, 07/08/2016.

Nguyễn Ngọc Thành

 

 

 

 

Liên kết website