Bài viết về Romania & Cộng đồng người Việt

BV – Ba ngày với Đại sứ Đỗ Đức Thành

2:04 chiều | 12/06/2024

 

Lần đầu tiên tôi đến thăm nước Roumanie với mặc định trong đầu, rằng Roumanie vẫn còn là một trong những nước Đông Âu tôi từng biết lúc còn trẻ. Tôi đi chỉ với ý định đáp lại tấm chân tình của Đại sứ Đỗ Đức Thành, người đã từng hết lòng đi cùng vụ kiện chất độc da cam khi mới bắt đầu. Trong ba ngày, Đại sứ mà Việt kiều gọi trịnh trọng là “ngài Đại sứ“ đã làm tài xế đưa tôi đi thăm và giới thiệu Bucarest với những tòa lâu đài cổ xưa kiến trúc rất độc đáo, với tòa quốc hội nguy nga, lộng lẫy do Ceaucescou để lại, với những ngôi nhà đẹp hoang phế ngay giữa lòng thủ đô của những người bỏ đi sau chính biến cùng những khu vực mới xây hiện đại, với những con đường rất đẹp, rất rộng trong lòng thủ đô nhưng vẫn bị ách tắc giao thông và bị ngập khi trời mưa lớn làm tôi nhớ quá những con đường của xứ tôi.

Ba ngày ở Roumanie, Đại sứ đã cho tôi tiếp xúc với những người con xa xứ và giúp cho tôi hiểu hơn những tấm lòng.

Vừa đáp máy bay, Đại sứ đã đưa tôi đến thẳng cơ quan, bề ngoài trông có vẻ đồ sộ như một lâu đài nhưng vì là lâu đài cũ nên bên trong có nhiều hư hỏng đau đầu cho việc sửa chữa. Và bất ngờ tôi gặp ngay một số các cô gái xinh đẹp đang hồn nhiên tập múa. Không biết tôi là ai, nhưng các cô cũng đã hồn nhiên chào mừng, hồn nhiên khen tôi trẻ hơn tuổi, hồn nhiên mời tôi cùng múa. Tôi mới biết, các cô ở mọi lứa tuổi hợp thành Câu lạc bộ Phụ nữ tại Bucarest, hàng tuần tập hợp nhau lại sinh hoạt, vui chơi, nhảy múa… để gắn kết với nhau trong cuộc sống xa quê, bất kể làm nghề gì để sinh sống, bất kể sự cạnh tranh có thể có trong nghề nghiệp. Thật ra việc làm này không dễ chút nào nếu không có một tấm lòng.

 

 

Tôi ngồi nhìn các cô múa mà thầm thương những người tổ chức, quý sự tận tâm của Đại sứ đã biến ngôi nhà của tòa Đại sứ thành ngôi nhà chung của mọi người, cho các cháu đến học tiếng Việt vào mùa hè một tuần hai lần, cho mọi người đến thắp nhang bác Hồ, tổ chức các ngày lễ lớn để không quên cội nguồn. Ngôi nhà chung, ba tiếng ấy, hôm sau, tôi được nghe nhiều lần từ những người tôi gặp.

Chia tay với Đại sứ để về khách sạn, tôi thấy cần thay đổi mục tiêu viếng thăm Bucarest. Thay vì thăm phong cảnh, tôi thăm con người và gặp được con người, tôi muốn góp thêm một tiếng nói để trong nước hiểu hơn những người con xa quê. Tôi xin Đại sứ cho tôi được gặp trong ngày thứ hai những thành viên của Hội các doanh nhân Việt kiều tại Roumanie mà mình hay gọi tắt là Ru.

 

 

Tôi may mắn được dự và được nghe các anh chị trong Hội doanh nghiệp nói về công việc của mình, về những khó khăn sau covid, về con đường sinh sống chính đáng trên đất bạn đã trở thành đất tá túc của mình, về việc cần liên kết với nhau và với các Hiệp hội ở các nước châu Âu. Tôi thật xúc động khi anh Lam, Chủ tịch của Hội doanh nghiệp nói rằng: rất khó lấy hàng từ Việt Nam nhưng khi có thể hợp tác thì rất vui vì góp phần làm cho công nhân bên nhà có việc làm. Vui lắm, anh Lam lặp lại nhiều lần, giọng hơi nghẹn.

 

 

Xưa nay, nghĩ về các anh chị em, bà con đi sinh sống ở các nước Đông Âu, tôi vẫn hay có mặc cảm là các bạn bỏ nước mà đi theo các cuộc chính biến và chỉ lo làm ăn. Lo làm ăn, điều đó là hiển nhiên, nhưng như các anh bày tỏ, trong thâm sâu, dù không nói ra, chưa ai quên mình mang trong người dòng máu Việt Nam. Vì không quên nên khi chợ ở Ba Lan bị cháy gây nhiều thiệt hại, các anh chị tại Roumanie đã quyên góp để gửi qua cho đồng bào của mình ở Ba lan một chút tấm lòng. Khi tôi kể về những thống khổ của nạn nhân da cam, các anh sẵn lòng góp phần mình để chia xẻ nỗi đau da cam với một câu nói chân thành: nếu trước covid thì có thể giúp nhiều lắm, bây giờ khó khăn nhưng Hội sẽ chung vai, góp sức.

 

 

Ngày thứ ba, trước khi ra sân bay về lại Pháp, tôi xin Đại sứ đưa tôi đi thăm ngôi chợ Dragon, nơi mà đa số các bạn sinh sống. Một ngôi chợ lớn hơn rất nhiều lần các chợ lớn của xứ mình, nhưng người bán thì đông, người mua thì lúc tôi đi thăm chợ có thể đếm trên đầu ngón tay. Sự cạnh tranh với các bạn hàng Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ gay gắt. Việc đánh hàng, nhập hàng gian nan, nhiều khi phải qua một nước thứ ba như Ba lan, Hà lan … kể cả các mặt hàng Việt nam như gạo ST25 cũng không đi được thẳng từ Việt Nam. Rồi khó khăn từ chính sách thuế, và mong muốn có thể đường đường chính chính làm ăn hợp pháp, các anh chị thấy Hội cần phải  hoạt động mạnh hơn. Cũng có nhiều người thành đạt, làm chủ nhiều nhà hàng, quán ăn nhưng phần đông các anh chị vẫn đang phải vật lộn với khó khăn để cho con có thể đi học và trưởng thành mà không quên tiếng của quê cha. Tôi hỏi một cô chủ sạp quần áo có ba con, cô nói, các cháu đi học trường Ru, nhưng cũng dự lớp học hè tiếng Việt tại Đại sứ quán và dù khó khăn, hàng năm vẫn cho con về Việt Nam.

Chỉ ba ngày ngắn ngủi, nhưng tôi đã học được nhiều bài học về lòng người, về những người con xa xứ, và về tấm lòng của Đại sứ Đỗ Đức Thành, người mà các anh chị Việt kiều Roumanie đều thương yêu bởi tính trung thực, hiền lành mà biết lo, biết giữ lời, gần gũi như người nhà với cộng đồng dù vẫn giữ đúng tư cách và thân phận của người đại diện cho đất nước mà kết nối, mà chăm lo và nhất là giữ cho lòng yêu đất nước không phai mặc cho các mối lo cơm áo gạo tiền.

Cám ơn Đại sứ Đỗ Đức Thành, tôi cũng xin được cám ơn Câu lạc bộ Phụ nữ và Hội doanh nhân đã giữ cho giềng mối Việt Nam trường tồn qua những hoạt động rất đời thường.

 

 

10/06/2024.
Trên máy bay về Paris.
LAM NGỌC

 

(*** Chia sẻ của bà Trần Tố Nga – nhà báo của Cơ quan Thông tin Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh tại Việt Nam. Cũng như hàng triệu nạn nhân khác ở Việt Nam, bà là nạn nhân bị nhiều di chứng do chất độc da cam/dioxin.)

 

 

 

 

Liên kết website