Tin tức - Sự kiện

TTSK – Kinh tế-Thương mại Rumani 06 tháng đầu năm 2019

8:11 chiều | 23/10/2019

 

I. TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG NƯỚC SỞ TẠI NHỮNG THÁNG ĐẦU NĂM 2019

 

 1/ Tình hình chính trị, xã hội nước sở tại: 

Mặc dù phải tập trung nguồn lực để đảm đương trọng trách Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu (European Council) 06 tháng đầu năm 2019, song tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của Rumani những tháng đầu năm 2019 vẫn luôn tiềm ẩn những rủi ro, bất ổn khó lường do căng thẳng giữa liên minh cầm quyền PSD – ALDE  với các đảng phái đối lập mà nguyên nhân trực tiếp là tình trạng tiếp tục đối đầu căng thẳng giữa Tổng thống Klaus Iohannis và Thủ tướng Viorica Dancila.

Ngày 26/05/2019, cùng với các nước thành viên EU khác, 51,07% cử tri Rumani đã tham gia bỏ phiếu để chọn 32 ghế đại diện cho nước này tại Nghị viện Châu Âu cho nhiệm kỳ 2019 – 2024. Kết quả chính thức cho thấy Đảng Tự do Quốc gia (PNL) – đảng đối lập lớn nhất đã giành được sự ủng hộ mạnh mẽ trong nước với 26,71% tỷ lệ phiếu bầu trong khi liên minh đối lập non trẻ – Liên Minh 2020 (USR + PLUS) gồm Liên minh Cứu quốc Rumani (USR) và Đảng PLUS của cựu Thủ tướng Dacian Ciolos giành được sự ủng hộ của cử tri các thành phố lớn và cộng đồng người Rumani sinh sống và làm việc tại nước ngoài (Diaspora) với 21,49% số phiếu. Đảng cầm quyền Dân chủ Xã hội (PSD) về thứ hai và chỉ giành được 22,85% số phiếu, giảm so với 45% số phiếu mà Đảng này giành được trong cuộc bầu cử Quốc hội của Rumani vào tháng 12 năm 2016 trong khi số phiếu ủng hộ đối tác liên minh của PSD là Liên Minh Dân chủ, Tự do Châu Âu (ALDE) tụt xuống dưới ngưỡng 5% (4,18%) và sẽ không có ghế tại Nghị viện Châu Âu. Cử tri trừng phạt PSD và ALDE do những hành động chống lại EU và các giá trị của EU cũng như hàng loạt những thay đổi trong lĩnh vực tư pháp làm suy yếu cuộc chiến chống tham nhũng tại Rumani.

Song song với cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu tại Rumani ngày 26/05/2019, một cuộc trưng cầu dân ý chống lại những nỗ lực nhằm thay đổi hệ thống luật pháp của liên minh cầm quyền do Tổng thống Klaus Ionhannis khởi xướng cũng đã được tổ chức trong cùng thời điểm. Đa số người dân tham gia trưng cầu dân ý phản đối liên minh cầm quyền sửa đổi luật tư pháp và luật hình sự thông qua việc trả lời câu hỏi “đồng ý” hay “không đồng ý” với việc cấm Chính phủ ân xá hoặc giảm án cho những người bị kết án tham nhũng và sửa đổi luật pháp thông qua ban hành các sắc lệnh khẩn cấp (emergency ordinance). Cuộc trưng cầu dân ý đã kết thúc thắng lợi với số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu đạt tới 41,3% trong khi chỉ cần có 30% số cử tri tham dự thì đã có hiệu lực pháp lý. Số cử tri ủng hộ việc cấm Chính phủ ân xá hoặc giảm án cho những người bị kết án tham nhũng và sửa đổi luật pháp thông qua ban hành các sắc lệnh khẩn cấp (emergency ordinance) đạt tới trên 81% số phiếu trong khi số phiếu phản đối và không hợp lệ chỉ chiếm 13,5% và 5%. Kết quả này là đòn chí mạng giáng vào liên minh cầm quyền và giúp nâng cao uy tín của Tổng thống Klau Iohannis – người được cho là sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong 05 năm tới khi cuộc bầu cử Tổng thống Rumani sẽ được tổ chức vào cuối năm nay.

Thất bại của liên minh cầm quyền PSD – ALDE trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu và Trưng cầu dân ý ngày 26/05 cũng như mức án 3,5 năm tù giam của tòa án tối cao Rumani về tội danh tham nhũng dành cho Chủ tịch Hạ viện kiêm chủ tịch đảng PSD Liviu Dragnea vào ngày 27/05/2019 (chỉ một ngày sau bầu cử Nghị viện châu Âu) là những chỉ dấu báo hiệu sự bất ổn trên chính trường Rumani trong thời gian tới.

Mặc dù tình hình chính trị Rumani luôn trong tình trạng đối đầu căng với không ít rủi ro, bất ổn, song Rumani dưới sự lãnh đạo của liên minh cầm quyền PSD – ALDE mà cụ thể là chính phủ do Thủ tướng Viorica Dancila đứng đầu đã hoàn thành tốt vai trò chủ tịch luân phiên Hội đồng Châu Âu (European Council) trong 06 tháng đầu năm 2019. Trong đó không thể không nhắc đến những đóng góp tích cực của Chính phủ này trong việc thúc đẩy quan hệ song phương với Việt nam cũng như việc ký kết EVFTA tại Hà nội ngày 30/06 vừa qua.

Vào ngày 26/8, Chủ tịch đảng ALDE kiêm chủ tịch Thương viện Rumani Calin Popescu-Tariceanu tuyên bố rút khỏi liên minh cầm quyền với PSD để thành lập liên minh với đảng Pro Romania của cựu Thủ tướng Victor Ponta và chỉ thị cho 04 bộ trưởng của ALDE trong nội các của Thủ tướng Dancila phải từ chức. Tuy nhiên, chỉ có 03 bộ trưởng thực hiện quyết định này gồm Bộ trưởng năng lượng Anton Anton, Bộ trưởng Môi trường Gratiela Gavrilescu, Bộ trưởng phụ trách quan hệ với Quốc hội Viorel Ilie còn Bộ trưởng ngoại giao mới được bổ nhiệm – Ramona Manescu tuyên bố sẽ tiếp tục sát cánh cùng Thủ tướng Dancila. Sau đó Chủ tịch đảng ALDE Calin Popescu Tariceanu  cũng từ chức Chủ tịch Thương viện.  

Tình hình chính trị của Rumani thực sự rơi vào trạng thái bất ổn khi Quốc hội Rumani, theo đề nghị của phe đối lập đứng đầu là PNL được hậu thuẫn bởi Tổng thống Klaus Iohannis, đã tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của Thủ tưởng Dancila  vào ngày 10/10 vừa qua. Với kết quả 238 phiếu ủng hộ – vượt 05 phiếu so với yêu cầu tối thiểu (233), cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lần này đã đặt dấu chấm hết cho chính phủ đương nhiệm của Thủ tướng Dancila. Tuy nhiên chính phủ đương nhiệm sẽ tiếp tục tạm thời điều hành đất nước (interim government) trong thời gian chờ thành lập chính phủ mới. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 5 năm 2012 và là lần thứ hai trong vòng 30 năm qua, phe đối lập đã thành công trong việc lật đổ chính phủ bằng bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Tổng thống Iohannis và các đảng PNL (National Liberal Party) và liên minh USR (Save Romania Union) & PLUS đều ủng hộ tiến hành bầu của quốc hội sớm (Theo quy định, bầu cử quốc hội Rumani sẽ được tiến hành vào tháng 12/2020). Tuy nhiên, theo Hiến pháp Rumani, bầu cử Quốc hội sớm chỉ được tiến hành khi Tổng thống tuyên bố giải tán Quốc hội sau khi Quốc hội trong hai lần liên tiếp không ủng hộ việc thành lập chính phủ mới do Tổng thống đề cử trong vòng 60 ngày.

Ngày 15/10, Tổng thống Iohannis đã chỉ định lãnh tụ của PNL Ludovic Orban đứng ra thành lập chính phủ mới. Song khả năng chính phủ do PNL thành lập sẽ khó nhận được sự ủng hộ của do số nghị sỹ của đảng này và USR-PLUS hiện chỉ chiếm chưa tới 1/3 tại quốc hội trong khi các đảng phái khác dù ủng hộ cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do PNL khởi xướng lại không ủng hộ chính phủ do PNL điều hành. Vì vậy, chính trường Rumani trong thời gian tới sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của nước này khi mà cuộc bầu cử Tổng thống đang đến gần (10/11/2019) và việc đề cử cao ủy của Rumani tại Hội đồng EU (European Council) vẫn còn chưa hoàn tất (Rumania đã đề cử hai lần và đều bị từ chối).

Bên cạnh những bất ổn về chính trị, Rumani cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động do lượng người Rumani bỏ ra sinh sống và làm việc tại các nước EU ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Để khắc phụ tình trạng thiếu hụt lao động trong nước, Rumani tăng cường nhập khẩu lao động nước ngoài. Theo thông báo của Bộ Lao động Romani, vào ngày 27/08/2019 Chính phủ Rumani đã phê chuẩn hạn ngạch cho phép tiếp nhận thêm 10.000 lao động nước ngoài vào làm việc tại Rumani nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước. Bộ Lao động giải thích rằng quyết định cấp hạn ngạch bổ xung được thông qua sau khi số lượng giấy phép lao động được cấp trong 08 tháng đầu năm 2019 tăng 165% so với số giấy phép được cấp trong 06 tháng đầu năm 2018.

Từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 23 tháng 8 năm 2019, đã có 19.173 đơn xin cấp giấy phép lao động (work permits) được đăng ký. Trong đó 16.540 giấy phép đã được cấp, 818 trường hợp bị từ chối và 1.815 trường hợp đang được xem xét.

Chỉ tính riêng 06 tháng đầu năm 2019, Rumani đã tiếp nhận hơn 11.000 lao động đến từ các nước ngoài khu vực EU. Theo Cơ quan Tổng Thanh tra Nhập cư Rumani (IGI), hầu hết số lao động này đến từ Việt nam (hơn 2.000) và đa phần còn lại đến từ Cộng hòa Moldova, Sri Lanka, Nepal và Ấn độ.

Số lao động nhập cư được tiếp nhận vào thị trường lao động Rumani đã tăng từ 15.000 năm 2018 lên tới 20.000 năm 2019. Do nhu cầu cao của thị trường lao động, Chính phủ Rumani dự kiến tăng hạn ngạch (quota) giấy phép lao động lên 30.000 cho năm 2019.

 

2.Tình hình kinh tế Rumani 06 tháng đầu năm 2019: 

Việc Chính phủ thông qua sắc lệnh khẩn cấp (Emergency Ordinance) gây tranh cãi OUG 114/2018 (còn được gọi là “Greed Tax”) vào ngày 21/12/2018 và có hiệu lực từ 01/01/2019 mà theo giới ngân hàng và doanh nghiệp sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng lạm phát. Theo Sắc lệnh này, mức thuế đánh vào tài sản ngân hàng (bank assets) sẽ là 0,3%/quý (1,2%/năm) dựa trên biên độ dao động lãi suất liên ngân hàng (ROBOR; mức thuế đánh vào doanh thu của các công ty năng lượng là 2% và các công ty viễn thông là 3% (mức cũ là 0,4%) và khống chế giá trần mặt hàng gas bán ra của các nhà sản xuất trong nước ở mức 68 RON/Mwh trong 03 năm kể từ 2019 (trong khi mức giá giao dịch tự do trên thị trường hiện là 95 RON/MWh).

 Theo CNSP (National Commission for Strategy & Prognosis), GDP Rumani năm 2019 sẽ tăng ở mức 5,5% đạt 1.031 tỷ RON (217,5 tỷ Euro) và GDP đầu người đạt 11.233 Euro so với 202,9 tỷ Euro và 10.417 Euro của năm 2018. Song nhiều nhà phân tích dự bào rằng GDP Rumani năm 2019 sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 3% do áp dụng thuế mới với ngân hàng, năng lượng và viễn thông (Sắc lệnh khẩn cấp OUG 114/2018). Theo dự báo của ngân hàng Trung ương Rumani, lạm phát 2019 sẽ ở mức 4,2%. Còn theo dự báo của EC (European Council), tăng trưởng GDP của Rumani sẽ là 3,3% năm 2019 và 3,1% năm 2020, thâm hụt tài khoản vãng lai sẽ ở mức 5,2% năm 2019 và 5,3% vào năm 2020.

Theo số liệu của Viện Thống kê Quốc gia (INS), GDP của Rumani quý I năm 2019 tăng 5,0% so với cùng kỳ 2018 (seasonally adjusted : 5,1%)  và tăng 1,3% so với quý trước chủ yếu do tăng trưởng trong lĩnh vực ITC (+11%); chuyên môn, khoa học kỹ thuật (+9,6%); bán buôn, bán lẻ, hậu cần và HoReCa (+6,9%)  và xây dựng (+6,6%). Đây là mức cao nhất kể từ quý 4 năm 2017 và vượt mọi dự đoán trước đó. Tuy nhiên Rumani vẫn là nước nghèo thứ hai trong EU với mức GDP đầu người năm 2018 khoảng 10.400 Euro (chỉ trên Bulgaria).  Xuất khẩu quý I/2019 đạt  17,53 tỷ Euro (tăng 3,2% so với cùng kỳ 2018) và nhập khẩu đạt 21,18 tỷ Euro (tăng 7,4% so với cùng kỳ 2018); Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm 20% chỉ đạt 1,24 tỷ Euro so với 1,55 tỷ Euro của quý I/2018; Công nghiệp tăng 0,6% do nhu cầu giảm và lượng tồn kho tăng; Du lịch quốc tế quý I/2019 đạt 443.900 khách (giảm 7,7% so với 2018) với lượng khách chủ yếu đến từ Italy, Israel, Đức, Pháp. Du lịch trong nước tăng 9,7% đạt 1,87 triệu lượt người; Thâm hụt tài khoản vãng lai tăng 18% lên 1,21 tỷ Euro; Thâm hụt ngân sách quý I/2019 ở mức 5,5 tỷ RON (1,16 tỷ Euro) trong đó thu ngân sách tăng 12,5% đạt 74,7 tỷ RON (15,9 tỷ Euro) và chi ngân sách tăng 13,2% đạt 80,2 tỷ RON (17,06 tỷ Euro).

Bước sang quý II/2019, kinh tế Rumani tăng trưởng chậm lại với mức tăng trưởng GDP chỉ đạt 4,4% (Seansonally adjusted đạt 4,6%) so với mức tăng trưởng 5% của quý I/2019. Tăng trưởng GDP quý II/2019 chủ yếu do tăng trưởng trong các ngành xây dựng (21,1%); sửa chữa đồ gia dụng (9,9%); ITC (9%); bất động sản (5,9%) trong khi lĩnh vực công nghiệp vốn chiếm gần ¼ GDP lại giảm 0,7%; nông nghiệp giảm 1,7% và ngân hàng & bảo hiểm giảm 0,9%.

 

 

II. KINH TẾ, THƯƠNG MẠI RUMANI 06 THÁNG ĐẦU NĂM 2019

 

 1/ Chính sách kinh tế đối ngoại:    

– Tập trung chủ yếu vào trao đổi thương mại nội khối (Intra-EU Trade)

– Chú trọng phát triển quan hệ thương mại, đầu tư với Mỹ, Úc, Canada và các nước khác thuộc khu vực châu Âu.

 – Trong thời gian gần đây, chính phủ của liên minh cầm quyền ALDE-PSD có xu hướng thúc đẩy quan hệ với Trung quốc để thu hút nguồn vốn đầu tư.

 

 2/ Một số nét chính về kinh tế Rumani 06 tháng đầu năm 2019: 

Theo số liệu của Viện Thống kê Quốc gia Rumani, GDP 06 tháng đầu năm 2019 của Rumani tăng 4,7% so với cùng kỳ 2018 (Seasonally adjusted : 4,8%); xuất khẩu 06 tháng đạt 34,9 tỷ Euro (tăng 2,7% so với cùng kỳ 2018) và nhập khẩu đạt 42,6 tỷ Euro (tăng 5,7%) – Thâm hụt thương mại ở mức 7,7 tỷ Euro (tăng 21,8% so với cùng kỳ 2018). Cũng trong 06 tháng đầu năm 2019, đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2,3 tỷ Euro; Du lịch 06 tháng đạt 5,26 triệu khách (giảm 4,4% so với cùng kỳ 2018) trong đó khách quốc tế chỉ đạt 1,27 triệu khách (giảm 15,9%) và khách du lịch trong nước đạt 3,99 triệu (giảm 0,9%); Bán lẻ tăng 6,8% so với cùng kỳ 2018; Thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức 5,5 tỷ Euro (tăng 38,1% so với 2018).

Ngày 5/8/2019, Ngân hàng Trung ương Rumani công bố duy trì lãi suất cơ bản ở mức 2,5% nhằm bơm các khoản tín dụng ngắn hạn vào thị trường tiền tệ.

Chính phủ Rumani dự báo GDP 2019 sẽ tăng ở mức 5,5% trong khi theo dự báo của Ủy ban Châu Âu (European Commission), GDP của Rumani năm 2019 sẽ tăng trưởng ở mức 4% và đứng thứ tư trong EU. Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng trung ương Rumani, lạm phát năm 2019 sẽ ở mức 4,2%.

 

3/ Xuất – nhập khẩu hàng hóa: 

*** Tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu hàng hóa 06 tháng đầu năm 2019 đạt 77,511 tỷ Euro (+4,37% so với cùng kỳ 2018). Trong đó:

● Xuất khẩu: 34,893 tỷ Euro (+ 2,7% so với cùng kỳ 2018)
● Nhập khẩu: 42,617 tỷ Euro (+ 5,77% so với cùng kỳ 2018)
● Trade balance: – 7,724 tỷ Euro (+21,8% so với cùng kỳ 2018)

*** Ghi chú: kim ngạch trao đổi thương mại nội khối (Intra – EU Trade) chiếm gần 76%.

*** Thị trường chủ yếu: 

   

 

III.   QUAN HỆ THƯƠNG MẠI SONG PHƯƠNG VIỆT NAM – RUMANI 06 THÁNG ĐẦU NĂM 2019

 

 Thương mại hai chiều Việt Nam – Rumani: 

*** Theo số liệu của Tổng cục Ngoại thương Rumani, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Rumani – Việt nam 06 tháng đầu năm 2019 đạt : 119,095 triệu USD (+13,99%)  Trong đó:

● Xuất khẩu của Rumani sang Việt nam : 15,927 triệu USD (-18,7% so với cùng kỳ 2018)
● Nhập khẩu của Rumani từ Việt nam : 103,168 triệu USD (+21,53% so với cùng kỳ 2018)
● Trade Balance: – 87,241 triệu USD
 

 

a/ Xuất khẩu của Rumani sang Việt nam:

Xuất khẩu của Rumani sang Việt Nam 06 tháng đầu năm 2019 đạt 15,927 triệu USD (-18,7%).

*** Kim ngạch một số mặt hàng XK chính của Rumani 06 tháng 2019

 

b/ Nhập khẩu của Rumani từ Việt Nam:

 Nhập khẩu của Rumani từ Việt Nam 06 tháng đầu năm 2019 đạt 103,168 triệu USD (+21,53%).

*** Kim ngạch một số mặt hàng NK chính của Rumani 06 tháng 2019

 

 

Bucaret, 23/10/2019.

Hoàng Anh Dũng – Tham tán Thương mại ĐSQVN tại Rumani.

 

 

 

 

 

 

Liên kết website