1. Học cách sống khôn ngoan với stress
Bạn thường phản ứng thế nào với áp lực cuộc sống? Hãy chấp nhận một thực tế rằng không thể loại bỏ tất cả stress, như thế ít ra bạn cũng thấy đỡ bức xúc hơn. Trên thực tế, stress – một khi được kiểm soát đúng – có thể mang lại cho ta động lực để phấn đấu. Nhưng nếu bạn xử lý nó không tốt, nó sẽ quay lại “quật ngã” bạn. Vậy vấn đề gây stress của bạn là gì? Liệu bạn có thể sẵn lòng loại bỏ chúng ra khỏi cuộc sống? Hãy tập “cư xử” khôn ngoan với stress bắt đầu bằng những câu hỏi trên. Một khi đã xác định là không thể triệt tiêu chúng, ít ra bạn cũng có thể thay đổi phản ứng của mình.
2. Đơn giản hóa mọi vấn đề
Bạn không cần thiết phải tỏ ra bận rộn từng giây mỗi phút trong ngày. Hãy tập thói quen nói “không” với những thứ mà bạn không muốn, hoặc không có thời gian để thực hiện (và đừng cảm thấy tội lỗi vì điều này). Thay vào đó, nên dành thời gian cho gia đình và bạn bè.
3. Vui chơi
Một khi bạn tự cho phép quỹ thời gian thư giãn của mình co hẹp, bạn sẽ thấy các mối quan hệ trở nên lỏng lẻo và có ngày phải gánh chịu hậu quả. Hãy tận dụng thời gian để vui chơi. Đọc sách, nằm bò ra sàn nhà và cùng chơi đồ Lego với đứa con yêu dấu, hoặc cùng xem một bộ phim yêu thích, trò chuyện vui vẻ với những thành viên khác trong gia đình. Và những lúc như thế, bạn phải thực sự để tâm vào đó. Hãy cho gia đình biết rằng họ quan trọng thế nào với bạn.
4. Chia sẻ khối lượng công việc
Vợ chồng và con cái – thậm chí cả trẻ nhỏ – cũng có thể hỗ trợ lẫn nhau trong công việc hằng ngày. Hãy bắt đầu bằng việc cùng ngồi xuống bên nhau và thoả thuận, phân công. Bạn thấy cái rèm cửa đã không được hút bụi một tháng? Có ai trong gia đình cũng quan tâm đến điều này? Nên giao cho các con công việc phù hợp với lứa tuổi để giúp trẻ phát triển sự tự tin. Việc chia sẻ công việc sẽ mang lại cho mỗi thành viên nhiều thời gian hơn và quan trọng là nó tạo ra sự gắn bó trong gia đình.
5. Bình tĩnh tháo gỡ các yêu cầu
Không ít lần bạn bị giằng co giữa nhiều trách nhiệm và cảm thấy mình không đủ để thoả mãn tất cả mọi yêu cầu. Khi đó, hãy tự hỏi bản thân “Cái gì thú vị và xứng đáng cho bạn và gia đình nhất?”. Đừng để ý tới những lựa chọn tốn thời gian quý báu mà lại vô bổ. Nên suy nghĩ và mong đợi khách quan về bản thân và người khác, đồng thời học cách thích nghi trong mọi tình huống.
6. Chăm sóc bản thân
Nên nhớ phải có sức khỏe tốt thì mới dễ dàng xử lý stress. Cần chú ý tới chế độ ăn uống cân bằng, bổ dưỡng, luyện tập đều đặn và nghỉ ngơi khi cơ thể cần.
7. Bỏ thói chần chừ
Khi có việc cần làm, hãy làm ngay. Sự lảng tránh đôi khi tốn nhiều sinh lực hơn là việc thực sự tiến hành. Thậm chí khi cảm thấy rất miễn cưỡng bắt đầu một dự án nào đó, bạn sẽ quên mất những lo ngại ban đầu một khi đã vào cuộc. Bí quyết ở đây là bắt đầu với những phần đơn giản nhất, rồi bạn sẽ thấy thoải mái để bước vào những phần gai góc hơn.
8. Học cách biết ơn và nhìn vào khía cạnh tích cực của cuộc sống
Bình lặng… nghĩ về cuộc sống xung quanh, bạn tự hỏi mình phải biết ơn điều gì? Hãy dành vài phút mỗi ngày để viết ra ít nhất 5 thứ mà bạn hiểu rằng cần cảm ơn. Đó là một cách hiệu quả để đánh giá có bao nhiêu việc đã diễn ra đi đúng hướng cuộc đời bạn.
9. Chịu trách nhiệm về chính mình
Khoảng 30% thời gian tỉnh táo trong cuộc đời của con người là dành cho các hoạt động thiết yếu thường ngày. Hãy theo dõi khi nào sinh lực của bạn tốt nhất và tồi tệ nhất. Theo dõi nhịp sinh học cơ thể để biết cách tối đa hóa các chu kỳ tự nhiên. Trước khi đi ngủ, hãy dành vài phút để nghĩ về hôm nay và hình dung tới ngày mai. Đừng quên liếc vào danh sách các mục tiêu chính của cuộc đời để ngày mai bạn sẽ không hành động lạc hướng.
Tóm lại, quá trình tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống diễn ra không có điểm dừng. Đơn giản là vì cuộc sống luôn thay đổi. Nên đánh giá thường xuyên con đường mà bạn đang đi. Bạn chỉ có một cuộc sống, đừng quên giữ bình tĩnh, kiên định, có ý thức phấn đấu cho ước mơ của mình.
09/04/2012
DQC (st)