Thứ 5 (28.05.2015), đúng 5 ngày sau Đại hội lần thứ 3 (23.05.2015), Hội Doanh Nghiệp Việt nam tại Rumani được sự hỗ trợ của Hội Người Việt đã tổ chức Hội thảo đầu tiên trong lịch sử tồn tại của cộng đồng, với chủ đề rất “nóng”: Làm gì để tồn tại trong cơn bão quét tài chính (truy thu thuế TVA)?
Hội thảo diễn ra đúng vào lúc mọi người đang hoang mang lo lắng trước việc trên 30 công ty của người Hoa, Thổ và Việt bị cơ quan chống gian lận thương mại kiểm tra và đòi nợ thuế TVA lên đến hàng triệu EURO đối với một công ty. Như gãi đúng chỗ ngứa, mặc dù không kỳ vọng sẽ tìm được câu trả lời cho câu hỏi trên, số người đến dự vẫn khá đông, trong đó có một số người rất ít khi tham dự hội họp. Điều đặc biệt ấn tượng là không khí thảo luận rất sôi nổi và xoáy vào những vấn đề rất thiết thực.
Đầu tiên là vấn đề hội nhập vào xã hội sở tại: Muốn tồn tại phải hội nhập, muốn hội nhập phải học tiếng Ru, trên cơ sở đó mới nắm được pháp luật, chính sách, văn hóa, phong tục tập quán… Ông Trần Đình Trúc đã ra thông báo sẽ mở lớp học tiếng Ru miễn phí cho bà con vào chủ nhật hàng tuần.
Ông Pham Minh Dũng nhấn mạnh chiến dịch truy thu thuế TVA và tình hình căng thẳng trong xã hội Ru từ tầng lớp chính trị gia đến dân thường, đã ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống toàn bộ xã hội chứ không chỉ đối với người nước ngoài.
Ông Trần Đình Trúc cho biết Rumani đang muốn theo khuôn khổ của EU nên bắt đầu siết chặt về mọi mặt từ chống tham nhũng đến kiểm tra tài chính và truy thuế TVA. Nhà nước có biện pháp rất cứng rắn kể cả việc “phạt” đến mức “tận diệt”. Tuy các biện pháp khắt khe này có đem về cho nhà nước nguồn thu đáng kể, song nó lại làm giảm sút trông thấy các hoạt động kinh doanh của toàn bộ xã hội. Một quang cảnh điu hiu bao trùm lên Trung tâm thương mại vào loại lớn nhất nước Ru – chợ Dragonul Rosu. Dường như Nhà nước Rumani quá vội vàng trong việc bê nguyên xi những gì các nước EU khác phải mất 40-50 năm mới làm được vào Rumani mà không cần qua giai đoạn chuyển tiếp. Điều này tất nhiên gây ra cú sốc quá lớn. Chí ít là các doanh nghiệp đang hoạt động ở Trung tâm thương mại Dragonul Rosu đang ở trong tình trạng bế tắc: Nhà nhập khẩu bế tắc, nhà phân phối bế tắc…, một dây chuyền bế tắc.
Ông Đặng Xuân Lộc nói về nhập khẩu, sau khi trình bày một vài “thủ pháp”, ông nhấn mạnh nút thắt đầu tiên trong chuỗi bế tắc là giá nhập khẩu bị khai quá thấp so với giá thực, vấn đề mấu chốt bây giờ là tìm cách nhập khẩu sao cho giá khai báo gần với giá sẽ bán ra.
Ông Nguyễn Văn Tới muốn biết những điểm mới về pháp luật và vấn đề khai báo lương của nhân công (angajati).
Cuộc thảo luận mỗi lúc một “bốc”. Không xin phép chủ tọa, Hội thảo chuyển dần sang trao đổi tay đôi tay ba, nghĩa là rất hồn nhiên và sôi nổi. Rồi nhiều vấn đề rất cụ thể và sát sườn được đặt ra và thảo luận rất chi tiết, như trả nợ nước ngoài, treo công ty, giải thể và thanh lý công ty.
Dẫu không đề ra giải pháp cụ thể nhưng Hội thảo đã giúp thay đổi nhận thức về cách thức làm ăn của các doanh nghiệp, giải đáp một số thắc mắc, mở ra một kênh trao đổi thông tin bổ ích và mọi người đã thấy rõ là cần phải tiếp tục nhiều hội thảo hơn nữa. Hội thảo này cũng đã gửi đi một tín hiệu đáng mừng: Hội Doanh Nghiệp Việt Nam tại Rumani bắt đầu có sức sống mới. Mọi người đã cảm nhận được sự cân thiết của nó, và đặc biệt đang hình thành một phong cách hoạt động NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM.
Bucaret, 30.5.2015
Trần Đình Trúc