Gia đình - Giáo dục

GĐGD – Ganh ghét và đố kỵ

3:40 chiều | 03/08/2013

 

Chuyện kể một nhà buôn nọ rất sùng đạo. Mặc dầu vất vả làm ăn nhưng anh ta không bao giờ bỏ việc khấn vái với thần thánh. Gặp kỳ cạnh tranh gay gắt trong công việc, anh ta càng gia tăng lời khẩn cầu gấp bội.

 

 

Động lòng trắc ẩn, một hôm thần tiên hiện ra với anh và nói: 
– Thấy nhà ngươi thành tâm cầu xin nên ta không nỡ chối từ. Thôi bây giờ cứ cho ta biết ngươi muốn gì, ta sẽ ban cho… và đồng thời để tỏ cho nhân gian biết lòng quảng đại của ta thì hễ ban cho ngươi điều chi, ta cũng ban cho đồng nghiệp hay hàng xóm của ngươi như thế… và có khi gấp đôi luôn.

Nghe thần phán, lòng anh thương gia chuyển từ vui mừng hân hoan qua sầu buồn lo lắng. Anh tự nhủ: 
– Nếu bây giờ mình xin một chiếc Lexus thì mấy đứa bạn… chúng nó sẽ được hai chiếc. Thế thì không được! Nhưng nếu mình xin cho được trúng số 5 triệu thì mấy nhà hàng xóm… họ sẽ được tới 10 triệu. Thế lại càng không được! Còn nếu xin cho có vợ đẹp con khôn thì coi chừng đồng nghiệp sẽ có vợ đẹp gấp đôi vợ mình, con khôn gấp đôi con mình… Đó là chưa nói tới chuyện chúng nó được hai vợ, trong khi mình chỉ có một… Thời buổi cạnh tranh như thế này thì phải làm sao cho hơn người chứ. Nhưng xin như thế thì làm sao mà hơn được.

Chàng thương gia nhíu mày đắn đo. Một lát sau, chợt anh reo lên như vừa tìm ra điều gì thú vị. Anh đến quì xuống và thưa với thần: 
– Lạy ngài, xin vui lòng cho tôi cụt một chân.

Quả là một lời khẩn cầu quái lạ! Không xin cho mình được may mắn vì sợ người khác nổi vượt hơn mình mà lại xin cho mình rủi ro để kẻ khác sẽ bị tổn hại nhiều hơn. Chính tính chất đố kỵ, ghen tương, so bì kia đã là mầm mống của bao chia rẽ, bè phái, tranh chấp, phân ly, giận hờn, đui chột trong cộng đồng nhân loại. Lắm người chẳng chịu nhường bước ai, điều gì của mình cũng đúng hơn, đẹp hơn, tốt hơn, và như thế kẻ khác tất phải sai hơn, xấu hơn, và dở hơn.

 

03/08/2013.
DQC (st)

 

 

 

 

 

Liên kết website