Khi hoa đào, hoa mai bừng nở cũng là lúc người nhà mong nhận được một tin vui từ nơi xa xứ, đợi cả năm trời để mong nghe câu “Tết này con sẽ về”.
Đây là thời điểm gia đình được toàn tụ, quây quần bên nhau. Nhưng đối với những người con xa xứ, Tết là lúc nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ lại ùa về, là lúc phải quặn lòng khi lại một lần nữa phải thất hứa với gia đình qua điện thoại bằng câu “Tết nay con không về được”. Mỗi người mỗi cảnh vì có nhiều lý do khác nhau nên không thu xếp về ăn một cái Tết ấm áp cùng gia đình tại quê nhà được. Đầu giây bên kia, dù lòng nặng trĩu vẫn cố gồng lên để che đi sự thất vọng, khuyên “Con cố gắng làm ăn/học tập, Tết sau về cũng được mà”. Những câu nói này rất quen thuộc, hầu như năm nào cũng được lặp lại và chỉ có ai đi xa hay người chờ đợi mới thấu hiểu được thôi.
Những ngày cuối năm đang trôi qua thật nhanh, một năm mới tràn đầy sự bất ngờ đang kề tới. Đây là thời điểm các con phố rực rỡ những hoa đào, hoa mai khoe nhau bừng nở, những đứa trẻ ngây thơ chạy khắp phố khoe những bộ áo mới, mọi nẻo đường nhộn nhịp tiếng cười và sự phấn khởi. Phố xá được trang trí đèn màu và kèm theo những lời chúc Tết trên các băng rôn. Khắp nơi như đang được khoác lên mình bộ áo mới để đón chào mùa Xuân… Đấy là một chút ký ức của tôi về cái Tết cuối cùng ở Việt Nam.
Lúc ấy tôi là một cô bé 7 tuổi ngây thơ như những đứa trẻ cùng lứa tuổi, chưa nhận thức được nhiều chuyện, chỉ biết Tết đến là vui, là được mẹ mua cho quần áo đẹp, là được nhận thật nhiều lì xì. Giá như lúc ấy tôi biết được đó là cái Tết cuối thì chắc chắn tôi đã trân trọng nó từng giây, từng phút rồi. Tết là lúc mọi người gạt hết công việc sang một bên và sum vầy bên gia đình. Hồi đấy, vì công việc của bố mẹ mà đôi khi cả nhà tôi không về quê trước Giao Thừa để quấn quít bên nồi bánh chưng đón Tết cùng ông bà được. Vì vậy, thứ vui nhất chính là khi bố mua cành đào, cây quất về và cả nhà cùng nhau trang trí. Dù lúc đó trời có lạnh đến chừng nào đi nữa, nhưng trong lòng tôi ấm áp lắm và tôi chắc đó là điều kỳ diệu nhất của Tết Nguyên Đán.
Giờ khắc Giao Thừa kề tới, bố mẹ tôi nhanh chóng kết thúc những khâu chuẩn bị để thắp hương. Và cuối cùng, khi năm mới sang, là giây phút tôi mong đợi nhất. Lúc đó điều tôi mong ước đơn giản lắm. Tôi chỉ mong mặc quần áo đẹp và đi cùng bố mẹ chúc Tết họ hàng và nhận được thật nhiều lì xì. Cầm những bao lì xì đỏ rực trong tay mà tôi nhảy cẫng lên, vui không thể nào tả nổi. Sau khi nhận được những bao lì xì, mấy anh chị họ cùng tôi đua nhau xem ai nhận được nhiều hơn ai. Những chuyện này kể ra có vẻ nhỏ nhặt và bình thường lắm, nhưng đối với tôi nó là cả ký ức vô cùng quý giá mà tôi rất thèm được trải nghiệm thêm một lần nữa. Tôi nhớ những lúc được ngồi cùng bàn ăn với cả gia đình, nhớ mùi bánh chưng thơm phức của ông bà, nhớ những nụ cười thoải mái của mọi người khi ngồi trò chuyện với nhau và nhớ lắm những giây phút anh chị em tôi tranh cãi với nhau dù chỉ vì mấy cái bánh, cái kẹo.
Thời gian đã trôi qua thật nhanh kể từ ngày ấy, năm nay là năm thứ 10 tôi lại phải đón một cái Tết xa quê hương. Nói là Tết nhưng ở Rumani này cũng chỉ là ngày thường như mọi ngày khác, vẫn phải đi học bình thường, ít được ai chúc Tết ngoài những lời chúc của bạn bè trên Facebook. Tuy nhiên, sự háo hức khi đón chào Tết đến trong lòng tôi vẫn không hề kém. Tôi may mắn hơn các bạn du học sinh khác vì có bố, mẹ và các bác cùng định cư bên này. Vì vậy, Tết của tôi rất đầy đủ so với các bạn. Để có một cái Tết đầy đủ, ấm áp hơn, bố mẹ tôi cũng cố gắng làm mọi thứ có thể. Bố tôi mua lá chuối và tự gói bánh để mang đến chút không khí như Tết quê nhà, mẹ thì trưng bày trên bàn một hộp bánh kẹo và ít loại mứt tự làm. Nhìn ra bên ngoài cửa sổ, tuyết rơi và có lúc âm tới mười mấy độ, tiết trời lạnh lẽo nhưng lòng tôi đang ấm dần lên. Dù đã lớn, tôi vẫn được cùng em trai nhận lì xì từ bố mẹ và các bác. Em trai tôi sinh ra và lớn lên ở đây nên em chưa từng được đón một cái Tết đúng với ý nghĩa, cảm nhận được hơi ấm của Tết ở quê hương. Dù vậy, em vẫn vui khi được mặc bộ áo dài truyền thống và cũng hưng phấn khi cầm trên tay bao lì xì màu đỏ.
Mỗi năm kề Tết, Đại sứ quán Việt Nam lại háo hức tổ chức chương trình ca nhạc, giao lưu và liên hoan ẩm thực nhằm mục đích kết nối cộng đồng hơn nữa và tạo điều kiện cho các em nhỏ biết thêm về văn hóa quê nhà. Đây là dịp mà ai ai cũng mong đợi nhất trong năm. Dù có những năm chương trình không được tổ chức đúng ngày vì công việc của mọi người, nhưng điều này cũng không ảnh hưởng gì tới sự hào hứng của mọi người. Các em nhỏ hăng hái tham gia các tiết mục văn nghệ, dù hầu hết các em không nói sõi tiếng Việt nhưng vẫn cố gắng nhớ từng câu, từng chữ trong lời bài hát. Mỗi người góp một tay trong khâu chuẩn bị, người thì trang trí hội trường, người thì bày những món ăn truyền thống như là bánh chưng, giò, chả,… người thì bận rộn tập lại những tiết mục văn nghệ. Ai ai cũng bận, nhưng luôn rất vui. Không khí rộn ràng của Xuân quê hương như đang tràn ngập lúc đó.
Mọi nhà đều mong muốn cho con cháu mình tham gia các chương trình do Đại sứ quán tổ chức để các em hiểu thêm về các phong tục, truyền thống của Việt Nam mà ý thức gìn giữ và phát huy tới những thế hệ tiếp theo. Hầu hết học sinh, sinh viên ở Rumani hằng ngày đi học đều dùng tiếng sở tại và chỉ khi về nhà mới nói được vài câu tiếng mẹ đẻ với bố mẹ. Vì vậy, các chương trình tổ chức bởi Đại sứ quán và cộng đồng người Việt rất quan trọng đối với chúng tôi.
Chương trình bắt đầu bằng những lời chúc Tết của Đại sứ kèm theo những câu thơ gửi tới bà con. Những bài ca chúc Tết cất lên như xoa dịu nỗi nhớ nhà của những người con xa xứ. Không khí tưng bừng hơn khi các em nhỏ được nhận lì xì từ Đại sứ, các em líu lo trong những bộ áo dài truyền thống ngân nga mấy câu “Tết, Tết, Tết đến rồi…”. Không riêng gì các em nhỏ, người lớn cũng rất phấn khởi khi cùng nâng ly chúc Tết nhau và hô lên thật to “Chúc mừng Năm mới!”. Những món ăn được thưởng thức trong không khí vô cùng tưng bừng khi những tiếng hò reo theo các tiết mục văn nghệ vang lên. Chương trình kết thúc với phần mong đợi nhất – đó là quay xổ số lấy hên đầu năm. Phần thưởng ít cũng có, nhiều cũng có, nhưng điều quan trọng nhất là mọi người cảm nhận được ‘Xuân quê hương” vô cùng ấm áp bên nhau. Mọi u sầu của một năm qua tan biến, nỗi nhớ nhà cũng dần bị lãng quên.
Tết của những người con xa xứ tại Rumani vô cùng đơn giản nhưng không kém vui tươi. Điều quan trọng nhất là chương trình đã giúp cho những con người đến từ nhiều miền trên đất nước Việt Nam tại xứ người đoàn kết và chung tay làm ra điều kỳ diệu này. Chúc mọi người sang năm mới sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, gặp thật nhiều may mắn trong cuộc sống! Mong sang năm tới mọi người sẽ thực hiện được câu hứa hẹn với gia đình “Tết nay con sẽ về”.
Bucharest-Romania, những ngày giáp Tết Đinh Dậu 2017.
Minh Nguyệt