Bài viết về Romania & Cộng đồng người Việt

BV – Trẻ em với tiếng mẹ đẻ

10:46 chiều | 20/01/2021

 

Nhà tôi ở cạnh công viên. Bloc tôi ở rất nhiều gia đình trẻ có con nhỏ sinh sống. Dần dần tôi biết người Romania nuôi dạy con chủ yếu trong thời gian ở ngoài căn hộ gia đình.

Lúc em bé được vài tuần tuổi, ngày 2, 3 lần sáng, chiều, tối được bố, mẹ đưa đi dạo chơi ngoài trời, chỉ trừ những hôm thời tiết quá khắc nghiệt. Tôi đã nhìn thấy rất nhiều những em bé ngủ ngon lành trong xe nôi, những em bé lẫm chẫm tập đi trong công viên, đã từng nghe những người mẹ nhỏ nhẹ nói với con đừng ngắt lá, hoa vì cây sẽ đau đấy! Cũng đã từng thấy người mẹ khi con vấp ngã vẫn kiên nhẫn khích lệ  để con tự đứng lên đi: con hãy nói với cái cây kia đi, nói tôi là 1 cậu bé (cô bé) dũng cảm, tôi sẽ không khóc, bạn chỉ có 1 chân nên bạn chỉ đứng vững, tôi có 2 chân nên sẽ không ngã nữa, tôi còn biết đi kia mà…

Cách đây vài tuần, tình cờ khi đọc được những dòng tự sự đầu năm của một người em, là 1 giáo viên dạy văn ở quê nhà, em có nhắc đến bài thơ của cụ Nguyễn Khuyến, nhắc tới lời dạy của người cha, cũng là thầy giáo dạy văn của tôi 3 năm cuối cấp. Tôi chợt nhận ra rằng, thì ra tình yêu thương ở bất kỳ nơi đâu trên trái đất này đều giống nhau, đều được nuôi dưỡng và bắt đầu từ những gì thực tế, gần gũi nhất! Nếu 1 em bé đã biết đến niềm đau của 1 chiếc lá, hẳn khi lớn lên, em chẳng thể nào thờ ơ trước nỗi đau của cha mẹ, nỗi buồn của người thân. Nếu 1 em nhỏ biết đặt lòng nhân vào 1 cái cây ven đường, biết ơn từ sự cống hiến của 1 cái cây tưởng chừng như vô tri vô giác, thì khi lớn lên, học được những kiến thức toán, lý, hóa, sinh… chắc chắn em sẽ không làm và cũng không dửng dưng trước những điều bất nhân, sai trái!

Cạnh nhà tôi ở Bucuresti là 1 cô giáo, cháu nội của bà cùng tuổi với con gái tôi nên 2 cháu lúc nhỏ thường chơi với nhau. Đã nhiều lần cùng ngồi với bà để canh chừng 2 đứa nhỏ, cũng phải mất nhiều thời gian tôi đã hiểu từ bà ấy, rằng vị kỷ là bản năng của tất cả các sinh vật sống, nhưng với con người từ nhỏ đến 18 tuổi, sự ích kỷ ấy sẽ được làm mờ đi vì được cha mẹ, xã hội nuôi dưỡng và bảo vệ. Thay vào đó, lòng vị tha sẽ được làm đầy trong tâm hồn bằng thực tế cuộc sống, để khi trưởng thành, NGƯỜI sẽ khác CON ở chỗ: lòng vị kỷ được nổi lên trên tình yêu thương với muôn loài, sẽ bớt đi sự tham lam, ganh ghét đố kỵ, bớt đi mầm mống của mọi đau khổ.

Năm nay, Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam tại Romania tròn 10 tuổi. Những gì có được từ hoạt động của CLB, mấy ngày này đã được mọi người nhắc đến với tất cả sự tôn trọng, với những việc làm cụ thể, những cái tên thân thương! Riêng tôi muốn nói thêm về việc duy trì dạy tiếng Việt và các hoạt động tập thể cho các cháu nhỏ trong cộng đồng. Đây là việc làm có ý nghĩa! Bởi chỉ từ những bài thơ, bài hát, thậm chí chỉ những danh từ rất Việt, sẽ có lúc làm cho cuộc sống mỗi gia đình chúng ta ấm áp lên rất nhiều!

Các con tôi giờ đã lớn, đã đi làm việc và học hành ở xa, bình thường chúng nói chuyện với bố mẹ bằng tiếng Việt nhưng tin nhắn toàn viết bằng tiếng Romania cho nhanh! Nhưng vào dịp Sinh nhật hay Lễ, Tết, các cháu sẽ viết những lời chúc cẩn thận chỉ bằng tiếng Việt, hoặc khi có mâu thuẫn, các cháu sẽ là người viết lời hòa giải rất Việt cho bố mẹ. Bởi theo các cháu, chỉ có bằng Tiếng Việt mới chuyển chính xác tình cảm chân thành ấy đến đúng… địa chỉ!

 

 

 

 

 

Việc này, gia đình tôi xin gửi lời cám ơn đến các cô, các bác đã dạy cháu qua các lớp học tiếng Việt vào các dịp hè hằng năm mà dấu ấn nhiều nhất là Ban chấp hành CLB Phụ nữ Việt Nam. Đặc biệt xin gửi lời cám ơn chân thành đến chị Lê Việt Liên, phu nhân cựu đại sứ VN tại Romania Nguyễn Quang Chiến , Cộng đồng người Việt ở đây ai cũng thấy rõ tâm huyết của anh chị trong việc duy trì, phát triển dạy tiếng Việt, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc Việt cho cộng đồng bằng những việc làm thiết thực, ngay cả khi anh chị đã hết nhiệm kỳ từ nhiều năm.

Xin chúc tất cả mọi người một năm mới với nhiều niềm vui!

  

Bucharest, 20/01/2021.

Thái Hằng

 

 

 

 

 

Liên kết website