Kính thưa Đoàn Chủ tịch Hội nghị,
Thưa các vị đại biểu,
Tôi rất vinh dự chuyển tới Hội nghị lời chúc mừng nhiệt liệt nhất của Cộng đồng người Việt Nam tại Rumani và bày tỏ sự tin tưởng sâu sắc của chúng tôi vào kết quả tốt đẹp của hội nghị, vào những định hướng quan trọng, đáp ứng sự mong đợi của các hội đoàn người Việt trên toàn thế giới.
Cộng đồng người Việt Nam tại Rumani có những nét đặc thù không giống những cộng đồng khác. Tại khu vực Đông Âu, nó được hình thành muộn nhất (vào những năm 1993-1995), có số lượng ít nhất (chỉ chưa đầy 500 người). Đặc biệt đây là một cộng đồng trẻ, năng động tập hợp xung quanh Hội người Việt Nam, Hội Doanh nghiệp và Câu Lạc Bộ Phụ nữ. 20 năm qua, cộng đồng đã không ngừng được củng cố cả về tổ chức và phương thức hoạt động. Những sinh hoạt thường xuyên và phong phú do Hội tổ chức vừa có ý nghĩa giáo dục sâu sắc ý thức dân tộc, hướng về cội nguồn, vừa tạo ra bầu không khí sôi nổi của một tập thể đang vươn lên đảm đương vai trò cầu nối của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai dân tộc Việt – Ru.
Với tinh thần đó, xuất phát từ những việc làm cụ thể của mình trong những năm qua, chúng tôi xin trình bày một số suy nghĩ về chủ đề gìn giữ bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, đặc biệt là việc duy trì dạy tiếng Việt cho các cháu thuộc thế hệ hai, thế hệ ba.
I/ Giáo dục con cái – những bức xúc trong việc dạy và học tiếng Việt
1. Giữ được tiếng mẹ đẻ cho con trẻ ở nơi đất khách quê người là một việc khó. Không ít phụ huynh đã phải chấp nhận sự thật phũ phàng là con cháu mình không biết tiếng Việt.
a) Cản trở lớn nhất, theo tôi, không phải do con cháu chúng ta không có ý thức, lười biếng, mà chính là do phụ huynh thiếu quan tâm và thiếu quyết tâm. Có lẽ ai cũng thấy việc cho con mình học tiếng Việt là quan trọng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau (và đa số là chính đáng), chúng ta đã không đủ nghị lực và quyết tâm tạo điều kiện cho trẻ làm việc đó. “Em rất tiếc là đã lãng đi việc học tiếng Việt của cháu. Lúc đó, vì công chuyện làm ăn, vợ chồng lại không biết tiếng Ru nên cần cháu phiên dịch. Vì thế, chỉ chú trọng tiếng Ru. Vả lại, đi làm suốt ngày, giao cháu cho bà Tây, tối về đã mệt, chẳng có lúc nào nói tiếng Việt với cháu. Đến bây giờ lớn rồi, nó ngại học lớp thấp vì xấu hổ” . Lời tâm sự trên khiến ta nao lòng, nó lộ rõ nỗi buồn, lo và bất lực của những người làm cha, làm mẹ.
b) Để con cháu nói được tiếng Việt trong môi trường sở tại quả là rất khó. Có phụ huynh tỏ ra rất kiên quyết, buộc con cái phải nói tiếng Việt trong gia đình, nhưng cũng không đạt hiệu quả cao, vì cứ sểnh ra không nhắc thì chúng lại nói “tiếng Tây”, và rồi trẻ con chỉ thích nói với nhau, chứ ít chuyện để nói với cha mẹ: thế hệ khác nhau thì các mối quan tâm cũng khác! Ngay cả đối với các cháu được theo học các lớp tiếng Việt cũng vậy. Học với thầy được vài giờ trong một tuần, nếu không thực hành liên tục thì “chữ thầy lại trả thầy”. Rốt cuộc, chủ đề bức xúc luôn mang tính thời sự của các bậc phụ huynh là con cái vẫn không sử dụng được tiếng Việt như mình mong muốn!
c) Chúng ta đang đứng trước một viễn cảnh bế tắc truyền thông và giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình: cha mẹ nói con không hiểu, con nói cha mẹ càng không hiểu, và rộng hơn nữa là trong đại gia đình, dòng tộc. Từ đó, các mối quan hệ dần dần bị thu hẹp lại: mọi người chỉ nói với nhau ở mức tối thiểu, khi rất cần thiết mà thôi. Ngôn ngữ là chiếc cầu nối giữa các thế hệ với nhau ngày càng trở nên mong manh. Năm tháng trôi đi, và cùng với thời gian, cái gốc Việt ở giới trẻ cũng dần mai một, càng không nói tới những hiểu biết về đất nước tổ tiên của mình; những cách ứng xử theo truyền thống phương Đông nhanh chóng bị thế chỗ bởi phong cách sống Tây, “dân chủ” tới mức hồn nhiên, không biết cả đến khái niệm lễ phép, chào mời …
d) Ai cũng biết rằng việc kết hợp giữa nhà trường và gia đình là vô cùng quan trọng. Nếu bé được cô giáo dạy ở lớp, khi về nhà lại được cha mẹ nhắc nhở, kiểm tra và kèm cặp thêm thì sẽ rất mau tiến bộ. Nhưng việc dạy con cái còn mang ý nghĩa cao xa hơn thế. Bố mẹ chính là những người thầy đầu tiên của con trẻ – “Dạy con từ thủa còn thơ”.
Các nhà tâm lý xác định ba cách dạy trẻ như sau: Thông qua cách cư xử hay, đẹp của cha mẹ (vì trẻ sẽ bắt chước) ; Qua các trò chơi (vì trẻ hiếu động) ; Bằng cách kể chuyện (vì trẻ có trí tưởng tượng phong phú) kèm thêm thưởng-phạt hợp lý (đúng lúc, đúng việc). Theo họ, nhân cách con người hình thành chủ yếu từ khi sinh ra đến khi 8 tuổi. Đây cũng chính là giai đoạn trẻ dễ tiếp thu, học hỏi cái mới nhất, là “cửa sổ cơ hội” để trẻ được quan tâm giáo dục, chăm sóc và phát huy hết tiềm năng trong tương lai.
Rất tiếc là ở nước ngoài, do hoàn cảnh bắt buộc, nhiều khi chúng ta lại phó thác con cái ở độ tuổi này cho các cô trông trẻ hoặc các bà không có những kiến thức giáo dục sư phạm cần thiết. Ở Rumani, đa phần trẻ được giao cho các bà Tây chăm sóc suốt từ tuổi… đến tuổi…. ; các đợt nghỉ hè, nghỉ đông thậm chí cũng gửi con về nhà bà Tây ; đến mức các cháu thích ăn món tây hơn cả cơm ta, tâm sự với bà Tây dễ hơn cả với người nhà của mình. Vì vậy, để giữ mối truyền thông giữa các thành viên trong gia đình, dù có bận rộn lo kế sinh nhai, cha mẹ cũng nên dành thời gian giáo dục con cái về cội nguồn, về đạo lý, về tập tục của tổ tiên ông bà để trẻ không bị bỡ ngỡ, thậm chí hiểu sai khi tiếp xúc với con người và văn hóa mẹ đẻ.
II/ Thực tế dạy học tiếng Việt trong cộng đồng tại Rumani
Đảng và Nhà nước ta luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ bản sắc dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Một trong những biện pháp ưu tiên hàng đầu là tổ chức dạy cho trẻ em đọc thông viết thạo tiếng Việt, hiểu biết sâu sắc hơn về cội nguồn, thêm tự hào và gắn bó với quê hương.
Quán triệt chủ trương đó, Hội người Việt Nam luôn coi đây là một trong nhiệm vụ trọng tâm của công tác cộng đồng. Lớp học tiếng Việt do Hội người Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán tổ chức vào dịp hè hàng năm ngày các được cải thiện, từ cơ sở vật chất đến chất lượng giảng dạy, có bổ xung các hoạt động ngoại khóa lý thú, bổ ích. Khoá đông nhất là hè 2009 gồm 35 cháu, chia làm 4 lớp theo các lứa tuổi từ lớp 1 đến lớp 4, tổ chức vào tất cả các buổi chiều trong tuần tại trụ sở Đại sứ quán. Kết quả học tập của học sinh được đánh giá thường xuyên để kịp thời khen thưởng động viên.
Đến lớp đâu chỉ học chữ, các em còn được học làm bánh, cắt hoa làm thiếp về tặng cha mẹ, học hát, học múa, đọc thơ, tập thể dục, chơi các trò chơi dân gian do các anh chị Tình nguyện viên hướng dẫn, đi thăm trang trại chăn nuôi… Đi học tiếng Việt mà được học thêm nhiều thứ như thế nên nhiều em còn đòi bố mẹ đưa đến lớp dù không phải ngày học của lớp mình. Ở lớp Bé, các em đua nhau xung phong phát biểu để nhận được những tấm phiếu Bé ngoan, còn ở lớp Lớn, em nào cũng cố gắng tập đọc, tập viết và có nhiều em còn xin thêm cả vở Viết chữ đẹp để về nhà luyện.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn, trở ngại và đã rút ra những kinh nghiệm sau :
a) Muốn tổ chức thành công các lớp dạy tiếng Việt, cần hội tụ đủ một số điều kiện cơ bản sau đây:
– Thống nhất về quan điểm và kế hoạch trong cộng đồng mà Hội có vai trò quyết định. Trước hết các thành viên cộng đồng, và nhất là BCH Hội phải sớm có kế hoạch chuẩn bị địa điểm, sách vở, tài liệu giảng dạy, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, lên chương trình giảng dạy cụ thể ; thuyết phục được các vị phụ huynh và các cháu tự nguyện tham gia đóng góp các nguồn nhân lực, vật lực; huy động được các tổ chức, hiệp hội hoặc các nhóm hội viên khác (như thanh niên trong cộng đồng và sinh viên) tham gia hỗ trợ, cử ba thành viên đặc trách về các hoạt động hè cho các cháu, trong đó có lớp tiếng Việt.
– Đội ngũ giáo viên nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm cao. Không có giáo viên chuyên trách, chúng tôi chủ trương phải dựa vào sức mình, tận dụng mọi cơ hội và khả năng hiện có để dạy, nhưng vẫn đảm bảo quy trình sư phạm, nội dung và chất lượng giảng dạy. Được Đại sứ quán ủng hộ, chúng tôi đã vận động các Phu nhân cán bộ Sứ quán đảm nhiệm công việc lên lớp. Đặc biệt từ hai năm nay, Câu Lạc Bộ Phụ nữ Việt Nam tại Rumani đã cử 3 hội viên – những người ít nhiều có kinh nghiệm giảng dạy- đảm nhận việc dạy các cháu, giúp tháo gỡ được một vấn đề nan giải của Hội từ nhiều năm nay: không có giáo viên dạy tiếng Việt.
– Huy động tối đa sự tham gia đóng góp của các tổ chức và cá nhân trong cộng đồng. Các hội viên đã đưa ra những ý tưởng hay về tổ chức lớp, bố trí phương tiện đưa đón các cháu, tổ chức các sinh hoạt văn thể song song với học tiếng Việt, mở Câu lạc bộ thanh thiếu niên sinh hoạt vào thứ Bảy hàng tuần trong dịp hè. Trên thực tế, chúng tôi đã khai thác được nhiều nguồn lực khác nhau: các giáo viên có Đội Thanh niên tình nguyện gồm khoảng hai chục thanh niên giúp đỡ hướng dẫn luyện đọc, viết và quản lý học sinh trong giờ ra chơi, có một Ban phụ huynh học sinh cùng lo công việc tổ chức, sách vở, đồ dùng học tập và giảng dạy cho học trò và cô giáo.
– Có được sự chỉ đạo chặt chẽ, động viên và hỗ trợ của Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là của Đại sứ quán. Trong hoàn cảnh chúng tôi còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, ĐSQ VN tại Rumani đã thực sự là chỗ dựa cho cộng đồng trong công tác dạy tiếng Việt, hết lòng quan tâm giúp đỡ, mở rộng cửa cho các lớp học và các hoạt động ngoại khóa, văn thể cho các cháu. Hàng năm, ĐSQ đã cùng BCH Hội và giáo viên bàn bạc thống nhất về nội dung kế hoạch mở lớp, phương pháp giảng dạy, xây dựng giáo án, cũng như mọi công việc liên quan tới tổ chức lớp.
Tuy nhiên, phải năng động và linh hoạt tùy theo điều kiện cụ thể của mỗi nơi, chứ không thể áp dụng một cách máy móc những giáo trình hoặc phương pháp theo hướng dẫn. Ở đây, tôi chỉ nêu hai ví dụ, như việc xem xét các tiêu chí để phân loại và xếp lớp cho các cháu, hoặc tiêu chí chọn lựa và soạn giáo án cho phù hợp trên cơ sở các loại giáo trình hiện có.
b) Đặc biệt chú trọng duy trì thực hành tiếng Việt bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong lớp phải nói tiếng Việt đã đành, nhưng một khi các cháu bước chân vào khuôn viên Sứ quán là đã phải nói tiếng Việt; về nhà cũng như vậy đối với cha mẹ và những người thân trong gia đình. Đặc thù sinh hoạt cộng đồng theo “xóm” ở Rumani tạo điều kiện dễ dàng để mọi người giúp các cháu thực hành tiếng Việt. Chỉ cần người lớn phối hợp với nhau đặt ra “kỷ luật” và giữ cho thật nghiêm, có động viên khen thưởng kịp thời là các cháu sẽ dần dần đi vào nề nếp.
Một trong những biện pháp có hiệu qủa nhất là nếu có điều kiện, nên cho các cháu về Việt Nam sinh hoạt hè hay nghỉ Tết cùng họ hàng, anh chị em để bồi dưỡng nâng cao các khả năng nghe nói, thực hành tiếng để nhanh chóng nắm bắt được những kiến thức ngôn ngữ cơ sở của tiếng mẹ đẻ.
Bên cạnh đó, các chương trình truyền hình trên VTV4 và sách vở tiếng Việt dành cho thiếu nhi, nhi đồng là nguồn đề tài vô tận trợ giúp trẻ học và thực hành tiếng mẹ đẻ, bồi bổ kiến thức văn hóa Việt cho các cháu nhằm duy trì bản sắc dân tộc cho thế hệ tương lai. Gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách và sự phát triển của các em thành những người tốt, có tài và có đức.
c) Tổ chức thường xuyên các hoạt động văn hóa, thể thao, tham quan… thu hút sự tham gia của các cháu, giúp các cháu gắn bó hơn với cộng đồng và quê hương, phát triển các sinh hoạt lành mạnh trong cộng đồng và hướng tâm tư tình cảm, ý chí phấn đấu, xây dựng quê hương đất nước của các em cùng hoà nhập vào thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam trong nước. Trại Hè thanh niên Việt kiều hàng năm do UBVNVNONN tổ chức là một trong những hoạt động có hiệu qủa nhất để giáo dục ý thức dân tộc và tạo động cơ tích cực học tiếng Việt cho thế hệ trẻ.
Được sự hỗ trợ của Đại sứ quán, chúng tôi đã tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ của thanh thiếu niên hàng tuần trong dịp Hè với những hình thức phong phú và hấp dẫn. Có thể kể ở đây trường hợp xóm Colentina đã tự làm ra đầu sư tử và tập luyện ròng rã một tháng trời để biểu diễn điệu múa lân đêm Trung Thu cho các cháu nhi đồng năm 2010, hoặc Trại hè thanh thiếu niên, thi trang trí lều trại với các chủ đề “Non sông Việt Nam”, “Dân tộc Việt Nam” và “Chúng em xây dựng đất nước” cùng các hoạt động giao lưu thể thao và văn nghệ do Hội người Việt tổ chức hè năm 2011.
Kiến nghị:
Chúng tôi xin nêu một số kiến nghị sau đây để các cơ quan chức năng trong nước xem xét, với mong muốn phong trào dạy và học tiếng Việt sẽ được củng cố và ngày càng phát triển, đáp ứng sự trông đợi của cộng đồng người Việt ở mọi nơi trên thế giới.
a) Về đội ngũ giáo viên, phương pháp và tài liệu giảng dạy : Mặc dù các cơ quan chức năng trong nước như UBVNVNONN, Bộ Giáo dục, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều cố gắng đáp ứng yêu cầu dạy và học tiếng Việt ngày càng tăng của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng tình trạng dạy và học tiếng Việt ít nhiều còn mang tính chắp vá, chưa chính quy. Có những nơi vẫn còn phải dò dẫm cách làm, lúng túng về phương pháp, cần sự chỉ đạo thống nhất hoặc những tư vấn chuyên môn cần thiết từ trong nước về chương trình, phương pháp giảng dạy, giáo án giáo trình, sách giáo khoa, sách tham khảo, các công cụ sư phạm ngoại khóa … Sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng trong nước có vai trò rất quan trọng. Không những chúng tôi cần định hướng cụ thể về phương pháp giảng dạy, giáo cụ trực quan…, mà còn luôn mong được cung cấp các loại tài liệu sư phạm, giáo trình, sách giáo khoa, vở tập viết. Chi phí cho các tài liệu này cũng là đáng kể. Vì vậy có những lần đích thân ông Chủ tịch Hội của chúng tôi phải đảm đương việc mua và vận chuyển từ trong nước sang toàn bộ số sách giáo khoa và vở tập viết, cùng các giáo cụ trực quan khác.
Đội ngũ giáo viên là một bức xúc lớn. Có những nơi không đủ khả năng mời giáo viên chuyên nghiệp từ trong nước sang, phải chấp nhận làm theo kiểu được chăng hay chớ, dựa vào sự nhiệt tình vô tư của một vài thành viên trong cộng đồng ít nhiều có kiến thức sư phạm. Nên chăng cần xác định các khả năng chọn lựa giáo viên, hỗ trợ tìm giải pháp ổn định đội ngũ giáo viên về lâu dài cho các cộng đồng, song song với việc tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy giữa các giáo viên tại các nước trong khu vực ?
b) Về vai trò hỗ trợ của các phương tiện truyền thông, văn hóa: chúng tôi hy vọng rằng VTV4 sẽ cải thiện hơn nữa những chương trình giáo dục và văn hóa nghệ thuật, thể hiện ngày càng cao giá trị bản sắc dân tộc . Chúng tôi cũng kiến nghị các cơ quan thông tin tuyên truyền xây dựng thêm nhiều trang mạng giới thiệu về tiếng Việt, văn hóa Việt Nam vừa đảm bảo chất lượng sư phạm, vừa phù hợp với thị hiếu của giới trẻ ngày nay.
Ngoài việc giảng dạy tiếng Việt, duy trì bản sắc văn hóa cho thế hệ trẻ Việt Nam ở nước ngoài còn cần đến những giao lưu văn hóa, biểu diễn nghệ thuật bởi các đoàn trong nước sang. Những hoạt động này vừa thể hiện yêu cầu của công tác Ngoại giao văn hoá, vừa đáp ứng nhu cầu của bà con cộng đồng. Đó cũng là dịp để các cháu tiếp xúc, nâng cao hiểu biết và gắn bó hơn với nền văn hóa nghệ thuật dân tộc. Không nên quá thiên về tiêu chí ưu tiên vị thế hoặc tầm cỡ quốc gia, để tránh thiệt thòi cho cộng đồng tại các quốc gia nhỏ bé.
III/ Kết luận
Nước nhà đang trên đà phát triển và hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế. Các nước Đông – Tây đều đã, đang và muốn vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác, làm ăn. Các thế hệ Việt kiều ở mọi nơi trên thế giới cũng tìm đường trở về cội nguồn. Cơ hội của thế hệ trẻ là rất lớn.
Có tiếng Việt, có văn hóa Việt, con cháu chúng ta ở nước ngoài sẽ có thêm phương tiện để “vào đời” sau này. Biết tự hào về quê cha đất mẹ, các cháu sẽ là những vị sứ giả quảng bá hình ảnh quê hương Việt Nam của mình ra thế giới. Chúng sẽ biết hòa đồng vào mọi môi trường văn hóa mà vẫn không bị hòa tan, bởi đã mang trong mình bản sắc và văn hóa của nòi giống con Rồng cháu Tiên, với bề dày vài ngàn năm lịch sử.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. “Trồng người” ở nước ngoài đòi hỏi thêm nhiều thời gian, quyết tâm và trợ giúp của các cơ quan có liên quan trong nước.
Kính chúc các quý vị đại biểu sức khỏe, chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Xin cảm ơn.
09/2012.
Hoàng Thị Hiền
(Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ Việt nam tại Rumani)