Bài thơ của bạn tôi ra đời năm 1967 tại Rumani. So với anh (tác giả bài thơ) thì lúc đó nhận thức của tôi như đứa trẻ con. Một năm sau, sau khi bài thơ ra đời (năm 1968), tôi mới có dịp được đọc bài thơ này, nhưng cũng đọc trong tình trạng dấm dúi, chuyền tay nhau mà thôi. Vì đơn giản, tác giả của nó (anh Khổng Văn Đương) đã cho ra lò nhiều bài thơ mà không được các cán bộ quản lí lưu học sinh Vietnam tại Rumani thời đó chấp nhận.
Bài thơ đã có tuổi đời hơn 50 năm, nhưng nó vẫn đi cùng năm tháng.
Xin được đăng lại bài thơ này để hầu các bạn độc giả yêu quý :
CÔ GÁI SI GAN
Tôi gặp em dưới gầm cầu hoang phế,
Áo quần dơ, cọng rơm cỏ bám đầy;
Đôi chân thô không bit tất không dày
Cùng một đoàn người Si gan đầy bụi!
Cả thế gian khinh Si gan như hủi,
Lánh xa em và sợ tởm kinh người
Họ coi em như loài chuột loài dơi,
Em vô định cùng dân mình trôi giạt!
Tôi đi qua bỗng thình lình em hát,
Giọng hát buồn mà đầy lửa bên trong.
Tiếng hát em bay vút giữa tầng không,
Nghe não nùng quặn vào tim nhức nhối.
Lạ lùng hơn tôi còn đang bối rối,
Đã thấy em cùng lũ bạn đứng dồn,
Nhảy vòng quanh một điệu nhảy kinh hồn
Và miệng hát một khúc ca bi tráng!
Người nhạc công đeo phong cầm đứng dạng,
Kéo một bài rộn rã cả cầu thang,
Lũ trẻ con tóc xém gầy trơ xương,
Cũng theo nhịp đập tay chân rối rít!
Tôi còn hiểu người Si gan quá ít,
Họ lang thang ngày tháng lấy gì ăn
Và một điều ai cũng phải băn khoăn
Xây xã hội người Si gan có hưởng?
Tôi xin hỏi những người chung lý tưởng,
Người Si gan một dân tộc hát ca,
Cũng là người do Thượng Đế sinh ra.
Sao không được bình quyền trong xã hội?
Bao câu hỏi như những lời luận tội,
Hàng trăm năm không ai chịu trả lời
Người Si gan phải tự đứng lên thôi,
Đòi bình đẳng và đòi quyền dân tộc!
Em sẽ đứng ở trung tâm cơn lốc,
Cuốn phăng đi nghèo đói và bần cùng.
Đập tan tành áp bức và bất công,
Em lại cùng dân tộc em ca hát.
Em trở lại dòng nước mưa tươi mát
Làm trong lành bầu không khí xung quanh.
Tôi nhìn em, đôi mắt sáng long lanh
Trong vũ điệu ” NGƯỜI SI GAN” rực lửa!
Em không hát bài ca bi tráng nữa,
Không còn buồn nhảy dưới mố cầu hoang.
Sau màn nhung trong ánh sáng huy hoàng,
Em xin đẹp như Bà Hoàng Xứ Mộng!
Tôi tin đây không chỉ là ước vọng,
Một ngày mai cuộc Cách mạng Si gan,
Sẽ bừng lên triệu khuôn mặt hân hoan:
Đón ánh sáng của VĂN MINH NHÂN LOẠI!
Bucaret, tháng 02/1967.
Khổng Văn Đương
Bucaret, 21/09/2018.
GS. Nguyễn Mạnh Huyền chia sẻ.