Bài viết về Romania & Cộng đồng người Việt

BV – Chuyện tình dưới chân Carpati

2:13 chiều | 24/10/2018

 

Tiến sĩ Quân thở phào nhẹ nhõm khi cảnh sắc của rừng núi đã tràn nhập trong mắt ông. 9 h sáng cuối hè, ở chân dãy Carpati (Carpaths) thiên nhiên vẫn còn ngái ngủ trong làn sương mỏng. Lá cây bắt đầu chín và đang ngả màu. Hôm nay là ngày du lịch khám phá của Hội thảo quốc tế về Địa chất liên quan đến dãy Carpati mà ông với tư cách là thành viên Viện Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cùng một nhóm các nhà địa chất quốc tế đứng ra tổ chức tại Tarnów, Ba Lan. Một ngày dã ngoại thật tuyệt vời tại dãy núi Tatras, cao nhất trong vòng cung Carpati và là biên giới tự nhiên giữa Slovakia và Ba Lan.

Quân hít một hơi thật sâu và lim dim mắt tự thưởng thức sự ngọt ngào của cảm giác được tách khỏi lo toan thường nhật. Những chuyến đi khảo sát thực địa, có thể gian khổ và thiếu thốn tiện nghi nhưng bao giờ cũng đem lại cho ông cảm giác sảng khoái và bay bổng như bước vào một cuộc phiêu lưu mới. Cảm xúc lâng lâng thích thú hòa với hương vị của núi rừng khiến ông chuyếnh choáng. Là người say mê thiên nhiên hoang dã Quân chỉ thấy thực sự được sống khi xa rời ồn ào phố xá. Điều này thật khó giải thích, khi thời trai trẻ ông thường tự hào là người thành phố, người Hà Nội chính gốc. Và cả hiện tại cũng vậy.

Quân đi nhiều. Ông đã lang thang có nhẽ đến trên 60 nước trên thế giới. Từ Carpati đến Alps từ Ural đến Kavkaz, từ Hoàng Liên Sơn đến Himalaya, và rồi Andes đến Cordillera v.v. Đôi khi trong những cuộc trà dư tửu hậu Quân thao thao bất tuyệt về những nơi từng đặt chân đến và thường nhận được cái nhìn thán phục pha chút ghen tị của mọi người, điều đó thường kèm theo câu hỏi đầy ẩn ý của những gã đàn ông phóng túng: ”- Vậy ông biết đàn bà của bao nhiêu nước rồi?”

Ô tô dừng lại ở điểm tập kết và từ đây cho đến tối, chỉ có thể đi bộ. Mỗi người đều phải mang theo đồ ăn, nước uống và thiết bị làm việc. 

Đúng là buổi sáng có khác, các nhà địa chất hăm hở leo núi và chốc chốc dừng lại tại các điểm lộ. Họ chăm chú nghe giới thiệu, quan sát, sờ mó, chụp hình, ghi chép. Dãy Carpati từ lâu đã trở thành quen thuộc và thậm chí thân thiết với Quân. Những năm tháng là sinh viên khoa Địa chất Trường Tổng hợp Bucuresti, Rumani, trong những kỳ đi thực địa với ba lô trên vai cùng máy đo đạc, ông cùng các bạn đã lang thang trên vòng cung Carpati để thực tập địa chất khu vực. Đây là Hệ thống sơn mạch lớn thứ 2 ở châu Âu, trải rộng nhất ở vùng Transylvania của Romania. Ôi thời sinh viên mới tươi đẹp và mơ mộng làm sao!

Khi cả đoàn đến khúc quanh đầu nguồn của một dòng sông nhỏ với cảnh sắc tuyệt đẹp cũng là lúc đến giờ nghỉ trưa và dùng bữa. Sông mùa này không nhiều nước, nhưng trong vắt và hiền hòa. Những tảng đá cổ kính, bằng phẳng được dòng nước có thể từ triệu năm bào mòn trở thành những bàn ăn và ghế nghỉ ngơi. Quân cũng chọn 1 tảng đá có một lớp thảm rêu mịn xung quanh có cát trắng và những viên đá cuội trắng được rửa sạch tinh khôi. Ông lấy gói thức ăn yêu thích mang theo, món chips and fish và thong thả “sai 5 quân”. Bình thường ông là người khá ồn ào, nổi bật giữa đám đông với những câu chuyện tếu táo thu thập trong những chuyến đi thực địa, nhưng hôm nay…

Ông ngẩng lên và bắt gặp ánh nhìn của cô kỹ sư trẻ mà ông đã bất chợt chú ý đến từ đầu cuộc hội thảo. Cô bé chỉ cỡ tuổi con ông. Chắc chắn cô là người lai Âu-Á. Cô đang ngồi cùng 3 người trẻ tuổi khác trên tảng đá phía tay trái ông, hơi mạo hiểm một chút, nhưng bóng của cô in xuống nước trong suốt một cách lạ lùng.

Dưới con mắt của Tiến sĩ Quân cô gái đẹp một cách khác thường . Mái tóc đen óng ả dài ngang lưng, cặp mắt xanh màu lá và đôi môi tròn trịa với làn môi trên hơi cong cùng khuôn mặt trái xoan khiến Quân có cảm giác rất thân quen, tựa như đã nhìn thấy, hoặc từng gặp ai đó có những nét hao hao tương tự. Phải rồi, có lẽ cô gái có nét giống tranh vẽ Đức mẹ đồng trinh của các họa sĩ châu Âu thời Phục hưng, hoặc, có thể lắm, có nhiều nét hao hao giống chính mẹ của ông thời trẻ. Những người đẹp thường có nét giống nhau. Nhưng Quân không dám ngắm cô gái lâu. Ông có cảm giác cô cũng đang để ý đến mình.

Ngồi nghỉ vài phút sau khi ăn, Quân đang định di chuyển đến đám bạn bè quốc tế cùng trang lứa lố nhố đứng ngồi trên một dãy đá phía thượng nguồn đang ra hiệu gọi ông, nhưng bất chợt cô gái trẻ đã tiến đến trước mặt Quân.

Cô làm quen hơi lúng túng rồi hỏi luôn:

– Thưa Tiến sĩ, ngài là người Việt Nam?

– Vâng.

– Tôi có một chuyện muốn thưa với ngài được không ạ? Cô tự giới thiệu cô là Virginia, kỹ sư địa chất, trợ giảng đại học, quốc tịch Đức, gốc Rumani.

Một phút chững lại, Quân toan reo lên, nhưng rồi ông tự kìm lại, vui vẻ hỏi lại bằng tiếng Anh:

– Sao em lại chọn nghề này? – Ông xưng hô như cách vẫn xưng hô với sinh viên. Cô gái hơi sững lại và câu trả lời cũng đầy bất ngờ:

– Vì cha em cũng là người từng học ngành này” – Cô gái hơi nhíu cặp lông mày màu hạt dẻ: – Thưa thày em nói thế này hơi đường đột, nhưng thật ra với em đây là một dịp hiếm hoi, biết đâu… Cô do dự giây phút rồi nói luôn một hơi, tựa như không còn muốn níu giữ nữa. Thưa thầy, cha đẻ em là người Việt Nam…

Quân đứng như trời trồng, ông rùng mình, nhìn thẳng vào mặt cô gái. 
– Em bạo dạn nói thế vì biết đâu qua thầy có thể hỏi thăm được tin tức về cha em vì ông là người cùng nghề với thầy. 

May quá Quân đã kịp bước qua mấy tảng đá lên bờ, ông kịp tựa vào một thân cây to gần đấy. 

– Cha em tên gì? 

– Mẹ em nói cha tên Nam. Cô phát âm rất sõi. Đương nhiên Quân nghĩ, trong tiếng Rumani, từ ”n–am”, đọc giống hệt, có nghĩa là tôi không có…không có…, một cảm giác cay đắng khó tả trào lên lòng Quân. Ông bất chợt hỏi dồn, chẳng còn giữ được vẻ dè dặt, lịch thiệp:
– Vậy tên họ của mẹ em là gì? Em sinh năm nào?

Một thoáng bối rối lướt qua khuôn mặt cô.

– Dạ mẹ em tên Ioana Safer. Em sinh năm 1980 ạ. Cô đột ngột nói thêm. Mẹ con em đã nhiều lần hỏi thăm tin tức về cha, nhưng được những người có trách nhiệm phía Việt Nam cho biết là không có ai tên như vậy ạ. Cô mở điện thoại đưa cho Quân:” Đây là chân dung của cha em do mẹ vẽ thời hai người yêu nhau”. 

Nhiều thông tin đường đột và dồn dập như vậy dội vào khiến Quân đứng sững lại. Vị giáo sư bình thường tỏ là người rất can trường đột nhiên như rúm người lại. Một làn sóng mạnh mẽ dâng lên trong lồng ngực làm ông nghẹt thở và đôi mắt tựa như có làn khói đen bao phủ. Nhưng may quá mọi chuyện chỉ thoáng qua trong vài giây khi Virginia cũng như đang chìm vào kỷ niệm. Ông chống tay dựa hẳn vào vách núi.
– Ừ… ờ… 

Đúng lúc đó, đưa mắt hướng ra xa Quân thấy mấy đồng nghiệp cùng vị giáo sư dẫn đường đang ra hiệu cho mọi người tiến đến điểm khảo sát mới. Giờ nghỉ ăn trưa đã kết thúc.

Quay sang cô gái Quân nói như thở hắt ra:

– Em cứ tiếp tục làm việc cùng nhóm, tôi có việc cần trao đổi với Giáo sư Mickiewicz, cuối giờ sẽ nói chuyện sau nhé”.

Quân không còn một chút tâm trí nào cho công việc. Câu chuyện của Virginia đã thổi bùng trong ông một ngọn lửa ký ức tưởng đã nguội lạnh. Hóa ra mọi sự việc đều để lại dấu vết và có lẽ chúng ta đều phải đối mặt với sự thật, và trả giá, không phải ở kiếp sau mà chính trong cuộc sống hiện tại.

Quân thấy chân tay run rẩy, như muốn khụy xuống, ông ngồi xuống một thảm có sạch, khuất nhiều tầm nhìn. ”Chẳng lẽ ta lại có một đứa con gái với Ioana”. Đây là điều Quân không ngờ tới và không bao giờ nghĩ tới.

Đó là vào đợt đi thực địa trong kỳ nghỉ hè năm thứ 4, chuẩn bị viết luận văn tốt nghiệp Đại học. Lần đó Quân đi một mình tới Harghita (tên một vùng ở Ru-ma-ni), nơi có nhiều dấu tích của núi lửa.

Một sáng Quân đang lúi húi xem xét một số mẫu đá gần bìa rừng thì gặp một nhóm học sinh vừa tốt nghiệp Phổ thông trung học vào rừng chơi. Các em xúm lại làm quen với Quân và xem anh làm việc. Quân thao thao thuyết giảng những hiểu biết của anh về vùng này làm bọn trẻ cứ há hốc mồm nghe và thán phục anh, một người ngoại quốc mà am hiểu về sự đa dạng cấu tạo địa hình dãy núi Carpati-quê hương chúng đến vậy. Hơn thế nữa, chỉ quan sát đất đá ở đây mà đọc được cả lịch sử phát triển của trái đất.

Rồi cũng đến lúc các em nhanh chóng tỏa ra leo trèo, cắm trại. Khoảng 4 h chiều anh thấy bọn trẻ đi ra bìa rừng, một học sinh nam đang cắm cúi cõng một đứa con gái. Anh ra hiệu chúng dừng lại và được biết trong lúc leo núi cô gái bị ngã bong gân, rất đau nên phải đưa về không ở lại dự lửa trại được. Quân nhanh chóng đưa ba lô có một số mẫu vật cho cậu học sinh rồi giúp cõng em nữ sinh. Tuy là người Châu Á nhưng Quân là người đàn ông trưởng thành, cao lớn, khỏe mạnh và dẻo dai nên vẫn ăn đứt cậu nam sinh Châu Âu non choẹt kia.  Cứ thế cả nhóm thay nhau cõng Ioana tới bến xe buýt và đưa thẳng vào bệnh viện.

Thời gian này Quân được bố trí ăn ở tại ký túc xá trường PTTH địa phương, tình cờ rất gần nhà Ioana. Thế là tối tối, khi công việc đã kết thúc và tràn đầy năng lượng, Quân sang nhà Ioana, ngồi chơi trong khu vườn ngào ngạt mùi hoa Tử Đinh Hương. Thật ra anh hoàn toàn không nghĩ đến việc chinh phục cô gái. Đơn giản là ở một thị trấn nhỏ xa các bạn đồng môn này Quân chẳng biết làm gì khi rỗi dãi. Anh say mê với giải bóng đá World cup mùa hè năm đó và cùng xem với gia đình Ioana.

Bố mẹ Ioana thoạt đầu cũng giữ khoảng cách nhưng rồi Quân cuốn hút họ bằng tình yêu của chàng kỹ sư địa chất tương lai dành cho nghề nghiệp và cho cả đất nước Việt Nam xa xôi của anh mà họ không có nhiều hiểu biết. Từ đó họ để đôi trẻ tương đối tự do, thỉnh thoảng đi xem phim hoặc ra quán bar trong thị trấn mà không ngăn cản gì.

Nhưng Quân không mong đợi tình yêu. Anh không muốn vướng vào những rắc rối tình cảm và tự ngăn chặn nó từ trong tiềm thức. Trong đầu Quân vẫn còn tươi mới những vết hằn bi kịch yêu đương giữa sinh viên người Việt Nam với nhau hoặc tệ hơn nữa là giữa sinh viên Việt Nam với người nước ngoài do các anh chị năm trên kể lại. Họ thường bị chính anh chị em mình, những cán bộ cùng đơn vị bí mật theo dõi, ngăn cản, báo cáo lên Đại sứ quán. Nhẹ thì kỷ luật cảnh cáo, nặng thì đưa về nước. Có sinh viên từng bị trói chân trói tay, nhét thìa vào miệng và vu cho là bị tâm thần để đưa về nước cũng vì dính vào yêu đương. 

“Bao người đang đổ máu trong cuộc chiến đấu để giành lại độc lập tự do cho đất nước cho dân tộc, các anh các chị được Đảng và nhà nước ưu tiên cử đi học nước ngoài thì nhiệm vụ ưu tiên là phải học tốt để mang kiến thức về phục vụ tổ quốc”. Những lời nhắc nhở đó Quân từng nghe nhiều lần từ những cán bộ Đại sứ quán và các anh chị năm trên.

Những năm Quân sang học tập chuyện yêu đương giữa sinh viên Việt Nam với nhau không còn bị cấm, nhưng có một luật bất thành văn đó là cấm yêu người nước ngoài. Vả lại, với Quân, giữa tổ quốc, gia đình và tình yêu nam nữ thì đương nhiên anh sẽ chọn Tổ quốc. Hơn nữa, văn hóa giữa Việt Nam và Châu Âu khác xa nhau. Ru-ma-ni tuy là nước nghèo ở Châu Âu nhưng chắc chắn các cô gái sẽ khó chấp nhận hình ảnh một cuộc sống trong căn nhà, hoặc chung cư tồi tàn, thiếu đủ thứ tiện nghi tối thiểu với chàng kỹ sư địa chất đi làm bằng chiếc xe đạp có khi không phanh không chuông.

Nhưng con gái Châu Âu mới hấp dẫn các chàng trai Việt làm sao. Mà có ai lái được con tim. Trái tim có lý lẽ của riêng nó mà lý trí không phải lúc nào cũng can thiệp được.

Hồi đó trong bọn sinh viên Việt Nam học ở Ru-ma-ni cứ lưu truyền bài thơ đẫm nước mắt “Em đi tìm anh trên bán đảo Ban-căng” không rõ tác giả là ai. Anh thuộc lòng toàn bộ bài thơ dài đó nhưng tâm đắc nhất đoạn này:
“Hỡi trái đất rộng làm chi bát ngát
Cho loài người chia biên giới thế gian
Cho sa mạc nổi bùng cơn bão cát
Cho tình anh chưa bén đã lụi tàn?”

Nghe đâu ”nàng thơ“, cô gái Ru-ma-ni đó đã bị phát bệnh tâm thần một thời gian. Cô đã đi lang thang khắp nơi để tìm chàng trai ngoại quốc đã khơi dậy trong cô ngọn lửa tình yêu đầu đời mãnh liệt như vậy. Thế nên, dẫm lên vết chân người trước làm gì? 

Hồi đó, mặc dù đang ở độ tuổi thanh xuân tươi đẹp, nhưng Quân cũng như phần lớn sinh viên Việt Nam khác ngoài việc chú tâm vào học hành dường như chỉ mải nghịch ngợm. Ngay cả lũ con gái vốn được cho là biết yêu sớm hơn con trai mà nhiều cô cũng chẳng có lấy một mảnh tình vắt vai suốt 5-6 năm học. Chính vì vậy những lúc tếu táo bọn con trai mách nhau: có kết bạn với cô Tây nào thì cứ khai tên là Nam nhé (N-am dạng viết tắt của nu-am trong tiếng Rumani được dịch là: ”tôi không có…”). 

Mặc dù cảnh giác cao Quân vẫn bị hút hồn bởi vẻ tươi mát của thiếu nữ mới lớn và vẻ hồn nhiên pha chút hoang dại, như thiên nhiên của Ioana, như rừng núi nơi đây, những thứ đã ngấm vào anh tự bao giờ. Ioana có làn tóc màu hạt dẻ và mắt màu xanh lá nổi bật trên làn da trắng mịn. Nàng đang chuẩn bị vào trường Đại học Mỹ thuật Brasov, cách Bucuresti vài trăm cây số.

Thỉnh thoảng Ioana đi cùng Quân trong các cuộc khảo sát thực địa. Nàng vẽ những bức tranh phong cảnh trong khi Quân lúi húi thu thập các mẫu vật. Quân say mê giảng giải cho Ioana qua những mẫu đá thu thập được về cấu trúc của vỏ trái đất, giải mã lịch sử trái đất.

Như một phát hiện, một hôm Ioana đột nhiên bảo Quân: “Anh say mê ngành địa chất như vậy, hẳn anh cũng là người biết yêu”. Lúc đó Quân chưa liên tưởng xa xôi. Anh chưa bao giờ có tình yêu thật sự. Đúng ra mới chỉ có những ấn tượng non nớt thoáng qua đầu đời. Họ cùng đi dạo chơi buổi tối, xem phim, khiêu vũ, ngồi quán bar.

”Mọi chuyện rồi sẽ đi đến đâu đây?” Nhiều khi Quân tự hỏi và muốn lảng tránh Ioana nhưng kỳ lạ là cứ hôm trước không gặp là hôm sau cả hai lại như nhựa dính vào nhau. Mà vừa ở bên nhau rồi, quay đi một bước đã lại thấy nhớ.

Một hôm nàng nói:

– Tiếc quá em đã đăng ký học ở Brasov, bây giờ em muốn học ở Bucuresti để được gần anh.

Quân nâng đôi bàn tay thon nhỏ của Ioana và lần đầu tiên trong cuộc đời anh hôn tay của một thiếu nữ. Anh thì thầm:

– Anh chỉ còn 1 năm học cuối cùng rồi về Việt Nam mà. Mắt Ioana sẫm lại gần như màu đen và Quân nhìn thấy ngấn nước trong đôi mắt trong vắt ấy. Cho đến khi đó, họ chưa bao giờ tỏ tình với nhau.

“Làm sao có thể sống mà không yêu được nhỉ?” Nhất là đang trẻ trung mười chín đôi mươi như vậy? Sau này khi đã nếm mùi yêu đương, Quân luôn luôn tự hỏi như vậy. Ông tin rằng ngay cả trong những cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong lịch sử loài người, đối mặt với các chết từng giây từng phút con người vẫn có thể yêu. Ép con người vào những khuôn mẫu cứng nhắc bao giờ cũng là ấu trĩ và xuẩn ngốc, nhất là khi nó lại đi ngược lại với bản năng sinh tồn và cái giá phải trả là không thể tính đếm được.

Thời gian trôi thật nhanh. 2 tháng hè đã cạn. Thời gian bên nhau chỉ còn tính bằng ngày, thậm chí bằng giờ, Quân thấy hoảng sợ. Lần đầu tiên trong cuộc đời, có thể vậy lắm, khuôn mặt vốn ngời sáng bởi nụ cười luôn tươi tắn của anh nhuốm màu tư lự. Anh cầm tay Ioana, rồi chợt ôm cô thật chặt vào lòng:

– Anh phải xa em rồi, có thể là mãi mãi ”.

– Tại sao lại là mãi mãi? Cặp mắt màu lá của Ioana nhòa lệ.

– Anh phải về Việt Nam. Dù bây giờ đã hòa bình, nhưng cuộc sống ở đất nước anh còn rất nhiều khó khăn và văn hóa của chúng ta có rất nhiều khác biệt. Chẳng có gì chắc chắn là anh sẽ có cơ hội quay trở lại Ru-ma-ni.

– Em không biết sau này thế nào, và cũng không cần biết, chỉ biết rằng lúc này em yêu anh! Ioana tiếp lời chẳng một chút đắn đo.

Trời ơi, Quân đâu phải sắt đá. Anh đã hôn đến nghẹt thở đôi môi mềm mại và ngọt ngào 18 tuổi. Trong khi Quân vẫn tỉnh táo và chừng mực thì Ioana yêu say đắm.

Tuy cách xa nhau đến mấy trăm km nhưng kỳ nghỉ nào Ioana cũng đến gặp Quân. Họ thường hẹn gặp nhau cách khu ký túc xá nơi Quân ở mấy bến tàu điện. Ioana thường nói với anh: “Em muốn nói cho cả thế giới này biết rằng em yêu anh, rằng em yêu anh biết bao nhiêu”. Đáp lại sự nồng nhiệt của cô gái, Quân thường kiệm lời, ít bày tỏ tình cảm, nhưng Ioana nói: ”- Em có anh dù chỉ một ngày cũng là đủ, nhưng em không trói buộc anh. Em yêu anh bất kể anh có yêu em hay không. Anh là người tự do. Nhiều lúc Quân phải tự hỏi:” Mình có tự do không nhỉ. Sự trói buộc ngọt ngào của tình yêu mới đáng sợ làm sao”.

Năm cuối, thời gian như lũ cuốn. Thoắt đã tới kỳ nghỉ đông. Mới sáng ra, khi vừa vén rèm che cửa sổ, Quân đã giật mình nhìn thấy Ioana. Em đứng đó tự bao giờ, tóc lả tả những bông tuyết.
– Ioana, trời ơi sao em không về nhà nghỉ mà đến đây…Quân chưa kịp nói hết lời thì im bặt vì thấy mắt Ioana nhòa lệ, rồi cô lảo đảo chạy đi, ngã khụy xuống vì vướng phải bụi cây, chiếc ba lô to tướng đè lên người. Quân vội nhảy phắt qua cửa sổ nhào đến nâng Ioana dậy, bế cô qua cửa sổ vào trong phòng.

Suốt kỳ nghỉ anh giấu Ioana trong phòng của Mihai và Radu, hai bạn học người Rumani về nghỉ đông cùng gia đình, nhưng không hề đi xa hơn những nụ hôn dành cho cô.

Ioana hỏi:

– Anh không muốn em thuộc về anh sao?

– Muốn chứ, nhưng anh không thể

– Tại sao?

– Tại vì anh sẽ không thể cùng em đi suốt cuộc đời. Anh muốn giữ cho em.

Quân cũng bật khóc khi nhìn thấy những giọt nước lóng lánh lóng lánh tràn ra từ cặp mắt màu xanh lá của Ioana lăn trên gò má rồi tới cằm.

Cứ thế hai đứa ôm nhau, vùi đầu vào ngực nhau khóc. Rất lâu sau Ioana nói:

– Anh thật tốt. Anh quả là người có lý chí bằng thép”. ”–Không, Quân nghĩ – mình không tốt đến thế, mình đã thúc thủ trước tương lai”.

Nhưng rồi cái gì phải đến đã đến. Những ngày cuối trước khi về nước, Quân đã lên nhà thăm Ioana. Đúng vào dịp bố mẹ nàng đi nghỉ hè còn Ioana cũng toan xuống Buc để chia tay Quân. Họ ào vào nhau như cơn lốc cho đến khi cả hai cùng kiệt sức. Họ đã yêu nhau một ngày cho cả phần còn lại của cuộc đời.

Cho đến khi đó Ioana vẫn chưa biết họ tên thật của anh. Sau này Quân thường tự sỉ vả mình:”Mày là một thằng hèn, một thằng khốn nạn”.

Về nước, nỗi nhớ Ioana cồn cào bị thay thế bằng bao lo toan, vất vả. Quân cho Ioana địa chỉ của cha anh ở cơ quan. Nhưng chẳng có tin gì của nàng dù anh có đôi lần viết thư.

Sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự Quân trở lại nghề của mình và nấn ná mãi không chịu xây dựng gia đình, đơn giản là ông luôn không thấy có hứng thú. Mặc dù Quân tuyệt nhiên không bao giờ muốn nhớ lại những năm tháng có Ioana ở bên, vì nó thường làm ông đau nhói bên ngực trái. Ông đã chôn chặt nó ở đáy lòng rồi.

Tuy vậy, ông đã trải qua rất nhiều cuộc phiêu lưu tình ái khi lang thang trong các cuộc thăm dò, nghiên cứu vỏ trái đất. Hễ người đàn bà nào lọt vào mắt là Quân cũng có được, dù đó chỉ là tình một đêm. Ông không có thói lừa dối phụ nữ, và không bao giờ nói câu: “Anh yêu em” nhưng vẫn thường được họ yêu lại. Những lúc không có đàn bà ông thường chìm vào rượu, như tựa vào đó để quên lãng. Và cùng với việc thưa dần những bóng hồng tần suất chìm vào rượu của Quân càng ngày càng chặt.

Vào thời điểm đi lại trong và ngoài nước trở nên dễ dàng Quân đã quay lại Ru-ma-ni. Ông đã tìm đến tận nhà cũ của Ioana. Nhưng chẳng ai biết gì về gia đình nàng nữa. Cả hàng rào Tử Đinh Hương cũng được thay bằng những thanh sắt. Có một bà già đã ở đó từ 40 năm cho biết gia đình nàng đã chuyển đi ở nơi khác sau thời gian ông về nước ít lâu. Ông tần ngần trước cổng nhà nàng. Thế là tắt mọi hy vọng. Không còn dấu vết nào để bám víu. Những năm gần đây ông thỉnh thoảng lại vào Facebook tìm kiếm. Có nhiều người trùng cả tên, họ nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy Ioana của ông.

Người sau này làm vợ Quân thường ca thán về sự hờ hững của ông. Có lần ông buột miệng úp mở: “Nếu đã không có được một người thì bao nhiêu người sau đó cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Từ sau câu chuyện với Virginia một cảm giác bất an bao phủ lấy Quân. Ông thấy như sốt nóng rồi lại rét run. Có lẽ ông bị choáng. Ông như thấy chỉ cần giơ tay ra là sẽ chạm vào Ioana và “con gái”. Ôi con gái ta! Con gái ta! Quân rên rỉ. Trời ơi mai đã là ngày kết thúc Hội thảo. Ông thấy mệt và muốn nghỉ. 

-Giáo sư mệt ạ? Ông có sao không? Một đồng nghiệp đang đi bên cạnh ông nhận ra vẻ bất thường của Quân vội hỏi?

-Cậu cứ mặc tôi, tôi ngồi đây một chút đợi nhóm sau tới rồi đi cùng cũng được. 

Trong nhóm sau đó có Virginia. Cô đi tới cùng nhóm của mình. Thấy Quân đang ngồi Virginia chạy lại lo lắng: Thầy có sao không ạ, để em gọi bác sĩ nhé? Quân xua tay: Tôi ổn mà. Nhưng Virginia đã đỡ Quân dậy và cùng đi với ông để kịp nhóm.

Cả đoàn dừng lại trước một vỉa đá lộ thiên nghe một giáo sư thuyết trình, nhưng Virginia hầu như không lắng nghe. Cô thì thào:

– Thầy nhớ câu chuyện em nói với thầy lúc sáng chứ?

Lấy hết can đảm Quân nói:

– Có thể tôi biết cha em.

– Thật thế ư, giọng Virginia như reo lên trong vắt. Cặp mắt xanh lá cùng khuôn mặt bừng sáng. 

– Vậy mẹ em bây giờ ở đâu? Quân hỏi mà thấy gần như nghẹt thở vì hồi hộp.

Đôi mắt màu lá sẫm tối lại và khuôn mặt đang hồng lên vì se lạnh của Virginia bỗng như bệch ra, cô buồn rầu nói:

– Mẹ em mất do bạo bệnh cách đây mấy năm.

Đất như sụt dưới chân Quân. Ông chúi người về phía trước, suýt ngã. Virgina kịp đỡ ông. Cô nói: Có lẽ thầy ốm thật rồi. Quân xua tay, không hiểu sao ông lại nói: “Thật tiếc, tôi muốn gặp mẹ em để hỏi thêm một số thông tin.

Từ khi đó Quân đi cùng cả đoàn như một cái bóng. Virginia muốn chuyện trò thêm nữa nhưng thấy Quân thốt nhiên lặng lẽ nên tần ngần trở lại nhóm của mình. 

Chiều đã xuống cả đoàn bắt đầu lục tục quay lại. Tối nay họ sẽ cùng dự tiệc chia tay để rồi mai ai nấy lại trở về với công việc thường nhật của mình.

Quân sống trong một trạng thái bềnh bồng nửa hư nửa thực, nửa đau đớn nửa mừng vui. Một trạng thái dù sống cả đời cũng hiếm ai có cơ hội trải qua. Có lẽ một lần nữa tạo hóa lại chọn ông để thực nghiệm. Ioana đã chết! Nàng đã chết! Sao nàng lại có thể chết được nhỉ! Quân rên rỉ đớn đau. Có một cái gì đó đang cái bóp nghẹt lồng ngực của ông. Rồi lại chợt tỉnh: ”Từ trước đến giờ mày đã có thể sống một cuộc đời không có nàng, cơm không thiếu một bữa, đêm vẫn ngáy khò khò, thì tại sao phải đau khổ nhường này. ”Ioana đã cho ta đứa con gái. Ôi con gái ta mới tuyệt vời làm sao. Hẳn nàng đã giải thích lý do tại sao chúng ta phải xa cách, rằng tại sao con phải lớn lên mà không có cha bên cạnh…

Rồi ông lại thốt lên thành lời: Ioana đã chết rồi thì ta còn sống làm gì nữa. Thà để ta chết cho nàng được sống! Chính lúc này ông mới hiểu thế nào là yêu – chính vào lúc ông thấy cuộc đời không còn một ý nghĩa gì khi thiếu nàng trên đời. Cảm ơn Ioana, trăm ngàn lần cảm ơn nàng. Ngay cả khi chết đi rồi nàng vẫn làm cho ta biết thế nào là yêu.

Buổi tối hôm chia tay, như thường lệ Quân uống nhiều, nhưng không thấy ngon. Virginia đến từ biệt ông với vẻ lúng túng. Hình như con gái muốn nói điều gì đó ngoài những câu thông lệ. Hình như con căng thẳng. Hình như nó chờ đợi …Quân vẫn chưa tìm ra lời mở đầu cho câu chuyện của mình.

Ông gắng lấy giọng bình thản:

– Bao giờ em bay?

– Sáng mai 8h15 ạ.

– Địa chỉ liên lạc với thầy em có rồi. Và của em cũng ở trong trang thông tin điện tử.

– Let’s keep in touch. Em hy vọng sẽ sớm có thông tin về bố.

Thật ra lúc này lòng Quân rối như tơ vò. Có nên nói hết sự thật, ngay lúc này, ngay lập tức không? Nhưng…có quá đột ngột không? Phản ứng của Virginia sẽ như thế nào? Các đồng nghiệp và khách quốc tế, nếu biết, sẽ đón nhận tin này ra sao ? v.v… 

Cuộc chia tay dù bịn rịn nhưng cũng sớm kết thúc vì có nhiều người phải bay luôn trong đêm, trong lúc Quân vẫn chưa biết mình nên làm gì và trái tim ông cũng không cho ông được một giây thư giãn. Ông tự níu vào giải pháp: Ta sẽ liên lạc với Virginia và hẹn con đến Hà Nội, lúc đó cha con nhận nhau cũng chưa muộn. 

Ông trở về phòng tự nhủ đã tìm được cách giải quyết “tối ưu” như cách ông thường nói trên giảng đường. Mặc dù vậy Quân đã trải qua một đêm đầy những hồi ức trộn lẫn những suy đoán về tương lai.

Gần sáng ông trở dậy vì thấy người chợt vã mồ hôi đầm đìa sau ít phút chợp mắt. Quân muốn spune La revedere trước khi Virginia lên xe hơi ra sân bay, nhưng ông bỗng thấy mình yếu ớt đến mức khó có thể đi vững. Ông cố gắng lê đến bàn điện thoại, bấm nút. 

Khi xe cấp cứu đến và chiếc cáng được khiêng xuống phòng chờ, Quân đã chìm vào trạng thái nửa hôn mê. Ông lờ mờ nhận thấy một nhóm người lố nhố và dường như khuôn mặt của Virgina đang ghé sát vào mặt ông. Quân cố thều thào: “- Cha xin lỗi, Virginia, là cha đây mà”.

Nhưng Quân đâu biết những lời này chỉ vang lên trong đầu ông và chỉ ông nghe thấy./.

 

 

Hà Nội, nhân kỷ niệm chuyến thăm România 2018.

Truyện ngắn của Thy An

(Yêu quý tặng các anh chị em, bạn học lưu học sinh tại România)

 

 

 

Liên kết website