Bài viết về Romania & Cộng đồng người Việt

BV – Chuyện kể về Romania (phần 2)

6:14 chiều | 20/02/2013

 

Tôi ở thủ đô Bucuresti được vài ngày thì bắt đầu chuyến dã ngoại đến cánh cung Transylvania ở vùng núi Carpat. Dãy núi này là dãy núi dài thứ 2 ở châu Âu, sau dãy Alps, và được mệnh danh là Alps của vùng Đông Âu, bắt đầu từ nước kéo dài đến Romania và kết thúc ở vùng giáp đồng bằng sông Danube. Khu vực thung lũng Prahova rộng lớn có cảnh quan thơ mộng, yên bình, trù phú. Có rất nhiều lâu đài nổi tiếng ở vùng này như Cung vua Peles, Cung hoàng hậu ở Sinaia… Và đặc biệt là lâu đài Bran gắn với truyền thuyết về bá tước Dracula hút máu người.

Mấy anh chị em chúng tôi lái xe từ thủ đô Bucu và theo lộ trình thông thường khi tới với vùng núi Transylvania, là làm một tour đúng nghĩa: Bucu – Sinaia – Bran – Brasov – Brasov Poisana – Sinaia – Bucu.

Sau đêm ngủ tại Sinaia – khu trượt tuyết và nghỉ đông nổi tiếng của Romania, chúng tôi đến với Bran. Lũ em họ của tôi cũng chưa từng đến đó, tối hôm trước cả bọn đã háo hức bàn tán. Bọn em bé đang học tiểu học thì ré lên khi các anh chị tán chuyện về con quỷ đội lốt bá tước. Chúng tôi cũng tưởng tượng ra những cầu thang ngầm, những lối đi tối tăm ngóc ngách, những đường hầm bí ẩn, những cái bẫy sập và những cánh cửa nặng nề đầy những nút bấm bất ngờ. Ai nấy trèo lên giường với tâm trạng hồi hộp xen lẫn nỗi sợ và cả sự ly kỳ nữa.

Chúng tôi ăn một bữa sáng no nê với sữa tươi, các loạt hạt, bánh mì mới và hoa quả tươi rồi lên đường. Bầu trời trĩu nặng mây đen, cả bọn đều chán nản trước cảnh vật u ám. Rồi một trận mưa rào ào tới khi chúng tôi đến gần Bran, và mặt trời lại ló ra rạng rỡ. Cây lá ánh lên màu xanh ngọc, nắng tưng bừng rải khắp nơi. Sau đoạn đường núi ngoằn ngoèo leo dốc, chúng tôi dừng lại trên đỉnh dốc và chụp ảnh toàn cảnh thung lũng phía dưới. Lúc trước hai bên đường đều là rừng thông xanh thẫm với những ngọn tháp im lìm in lên nền trời, giờ đây cả một cảnh tượng êm đềm trải ra trước mắt chúng tôi. Những thảm cỏ xanh rợn pha màu vàng tươi, những đụn rơm vàng óng xen cùng những đụn cỏ nâu vàng lốm đốm trên dải cỏ. Phong cảnh đặc trưng của vùng thung lũng Prahova đã và vẫn là nguồn cảm hứng bất tận của bao họa sĩ. Chúng tôi thở hít không khí mát lạnh sau cơn mưa, mùi lá cây, mùi nắng mới trộn cùng mùi đất ngai ngái khiến chúng tôi hết cơn nôn nao vì những đường cua gắt vừa rồi khi leo dốc. Và cả bọn khoan khoái chui vào xe để xuống núi và chuẩn bị chiêm ngưỡng lâu đài Dracula.

Gần đến lâu đài, trời đã nắng to trở lại, cảnh vật hai bên đường hết sức sống động, những villa đẹp đẽ cổ kính, những ngôi nhà mái gỗ thẫm màu, dân địa phương mặc quần áo truyền thống náo nhiệt đi lại trên đường. Mũi tên chỉ Bran Castle hướng lên trên núi, và thấp thoáng giữa những ngọn thông hình tháp, mái ngói đỏ và bức tường trắng kiểu Địa Trung Hải của lâu đài Bran hiện ra. Chúng tôi tìm chỗ đậu xe giữa ken dày rừng xe hơi các loại, và háo hức leo núi.

Lâu đài Bran do người vùng Brasov xây dựng từ thế kỷ 14 như một pháo đài nhằm chống lại quân Thổ. Lâu đài này được cho là thuộc về Bá tước Dracula do ông ta đã từng ở đây một thời gian dài và dùng lâu đài này để phòng vệ quân Thổ cũng như là nơi giam giữ các tù binh người Thổ và là nơi hành hình tù binh.

Chúng tôi phải leo men theo sườn núi, đường đi rất đẹp, âm u bởi rừng cây um tùm phía trên đầu. Tường đá trắng của lâu đài ngày một hiện dần trước mắt. Lâu đài có tường cao đến 60m, vị thế rất hiểm trở. Thật không dễ mà chụp được một tấm ảnh chính diện hoặc toàn cảnh lâu đài, do vị trí cheo leo bên vách núi, bao quanh 3 phía là rừng rậm với những cây cổ thụ lâu đời. Đến thế kỷ 18, lâu đài thuộc sở hữu của Hoàng hậu Marie. Bà là người sưu tập đồ gỗ và sứ, vì vậy đã biến lâu đài thành một viện bảo tàng những đồ gỗ và sứ cổ, rất hiếm quý. Và một phần của bộ sưu tập cũng là đồ dùng của hoàng gia vẫn còn được cất giữ tại đây và trưng bày cho du khách tham quan.

Chúng tôi cũng nối theo hàng người dài xếp trước và leo lên cửa chính bằng lối cầu thang rất hẹp, chỉ đi được 1 người, lần lượt xem các phòng trong lâu đài nối với nhau bằng những hành lang hẹp, cũng chỉ đi được người một. Các bức tường dày bằng đá vẫn y nguyên như từ thế kỷ 15, từ thời kỳ trị vì của Vlad III hay còn được gọi là Vlad Tepes hoặc Dracula. Ánh sáng tự nhiên trong các phòng rất yếu, chúng tôi buộc phải dùng flash để chụp ảnh nội thất trong phòng. Giường gỗ, rèm cửa, các bức bình phong bằng gỗ, bằng sứ, bàn, ghế, tủ, các lọ gốm cỡ đại cùng với những bộ sưu tập vũ khí hay các bộ nữ trang của Hoàng hậu Marie vẫn được sắp xếp theo ý thích của bà và trong tình trạng bảo quản rất tốt.

Tôi đặc biệt ấn tượng với những cánh cửa bằng gỗ dày nặng với những nẹp cửa bằng gang cực kỳ chắc chắn. Và còn những hành lang hẹp mà tối, còn những bao lơn ngoài trời chạy quanh một cái sân nhỏ giữa lâu đài. Khách du lịch ai nấy đều cúi người xuống một cái giếng cổ, có từ khi xây dựng lâu đài với các chữ Latin bên miệng giếng. Không biết các dòng chữ ấy có liên quan với dòng chữ được in lên tường trong cái sân hẹp, hay dòng chữ in cầu kỳ ở phần tường bên ngoài lâu đài, rồi cả hàng chữ trên mỗi lối cửa ra vào hay không. Đứng trên một hành lang có cửa sổ nhìn ra toàn cảnh thung lũng, chúng tôi đều thán phục người xưa chọn vị trí hiểm trở để xây lâu đài cũng đồng thời là pháo đài này. Chỉ có một con đường độc đạo rất hẹp lại chênh vênh để lên đến lâu đài. Các ô cửa sổ đồng thời là lỗ châu mai được bố trí tinh vi, người ở phía dưới khó mà phát hiện ra được. Người ở trong lâu đài có thể quan sát một vùng rộng lớn dưới xa. Các phòng ốc cũng được thiết kế tối giản và thuận tiện cho một lâu đài – pháo đài.

Chúng tôi tìm đến một chapel nhà nguyện nhỏ bên trong lâu đài. Những dòng chữ Latin khắc ngoằn ngoèo trên tường đá, nhìn chapel u buồn đứng lặng ở một góc sân lâu đài, khách đến thăm chắc hẳn đều có những suy nghĩ khác nhau. Nhưng ai nấy trong chúng tôi đều ngạc nhiên và có phần hơi thất vọng vì lâu đài không hề rùng rợn như tưởng tượng trước. Ánh sáng tự nhiên chan hoà ùa vào khắp các hành lang, bao lơn; những mảnh sân rực nắng và một màu xanh ngát phía dưới thung lũng khi nhìn từ cửa sổ lâu đài. Những cầu thang hẹp mà tối trong lâu đài cũng không có vẻ gì rùng rợn mà khiến người ta có cảm nhận đây thực sự là một pháo đài. Nhà vệ sinh còn rất đẹp, nội thất trang nhã và sang trọng, mang phong cách của người Dacian.

Chúng tôi ra bên ngoài khu bán hàng lưu niệm, các đồ lưu niệm với mặt nạ rỉ máu, bàn tay nghều ngoào… và nhất là một chàng trai đi cà khoeo, mặc quần áo theo lối cổ, mặt bôi màu máu đọng ở mép, tay lăm lăm búa đi tìm nạn nhân, mới khiến chúng tôi sực nhớ rằng mình đang ở mảnh đất của huyền thoại Dracula.

(Toet)

 

20/02/2013.

(Nguồn: phuot.com)

DQC (st)

 

 

 

 

Liên kết website