Bạn đọc viết

BĐV – Tuổi thơ quá dài – Truyện ngắn của Phạm Quang Thu

5:51 chiều | 29/05/2013

 

Lê Na ngồi thơ thẩn trên triền dốc đê sông Hồng cạnh con đường Nghi Tàm – Cầu Thăng Long. Đây là nơi yêu thích nhất của em. Chỉ cần chạy vù cái là đã về ngôi nhà xây theo kiểu biệt thự của gia đình em thuộc vùng Tứ Liên, Hồ Tây – Hà Nội.

Đàn bò trên chục con đang ăn cỏ dưới bãi. Nắng nóng đã bắt đầu trải lụa vàng hoe, phủ vàng cả đàn gia súc béo quay. Lê Na thích lân la lại gần đàn bò, nghe tiếng gặm cỏ soàn soạt, những cái lưỡi hồng của bò vơ cỏ ngon lành đẩy vào miệng khiến Lê Na tò mò, ngắm mãi. Trời nắng và bắt đầu nóng dần trên 30 oC. Đàn bò ngoan hiền nhởn nhơ gặm cỏ. Bãi cỏ xanh mướt ngon lành trải dài theo triền đê miên man mãi. Có nhiều hôm Lê Na còn chạy vù về hướng ngã ba đường Thanh niên – Nghi Tàm để mân mê các hình tranh gốm chạy mãi về hướng dốc Hàng Than – Cầu Long Biên đẹp lắm. Lê Na thích thú lắm. Mấy bữa nay mẹ vắng nhà, nên Lê Na được tự do hơn. Tháng trước mẹ Đỗ Quyên được ở nhà làm bài cho Hội thảo Khoa học của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, mẹ cấm Lê Na không được ra khỏi cổng nhà. Mẹ nói Lê Na không được đi xa nguy hiểm lắm. Nhưng Lê Na không thích mẹ Đỗ Quyên. Mẹ hay đánh đòn Lê Na bằng thước kẻ và hay cho bài giáo dục khắt khe, khó chịu lắm. Có hôm mẹ còn dúi dúi ngón tay trỏ vào trán Lê Na mắng mỏ. Chỉ ba Thân là thương Lê Na nhất. Ba bảo Lê Na lớn rồi, đi xa cũng được nhưng phải về nhà đúng hẹn và không được xuống lòng đường giao thông nguy hiểm. Được ra khỏi cổng nhà, Lê Na chạy như bay về hướng bờ đê. Những hôm tinh mơ sáng, Lê Na nhìn ngắm không chán những hạt sương xám bạc, trông như những hạt ngọc long lanh đậu trên từng lá cỏ, cành hoa ở ven đường đất nhỏ.

Lê Na chọn chỗ ngồi ở bờ dốc cao, đôi chân trần trắng hồng ướt át, lộ ra dưới viền váy màu xanh nhạt. Lê Na ngắm mãi bàn chân. Bàn chân trần nõn có nhiều vết phồng rộp, mọng nước. Lê Na dùng một ngọn cỏ châm châm vào vết rộp. Đã bắt đầu thấy đau nhức, một giọt máu hồng nhạt chảy ra ở vết loét trợt gần kẻ ngón bàn chân phải. Lê Na nhắm nghiền mắt, miệng kêu khe khẽ: ah đau, rồi ngồi thừ ra nhìn cánh đồng trước mặt đang co nhỏ dần do nhiều dự án nhà ở đang mọc lên san sát. Mới năm ngoái, ngồi ở triền dốc này, Lê Na còn nhìn thấy màu xanh của lúa, của hoa, nay màu xanh đó đang xa dần và gần như sắp biến khỏi khu vực triền đê. Ôi chao, làng Tứ Liên của em đẹp quá, cứ như một bài thơ nằm nghiêng dọc theo dòng sông Hồng sâu hoắm đang cuộn chảy. Chắc em mãi gắn bó với Tứ Liên tuyệt đẹp và đang hiện đại dần thêm nhờ vô số các biệt thự, nhà hàng với nhiều kiểu dáng Tây Âu rất đẹp…

– Lê Na, Lê Na ơi, về đi con! 
– Vâng ạ, con ở đây này, con thích ở đây cơ! 
– Không được. Ba sắp đi công tác, con về với cô Liên nhé. Con ở đây một mình là không có được. Mẹ mà biết thì mẹ rầy la cả hai ba con mình đấy. Đi đi con, về nhanh con.

Lê Na cúi đầu, ngoan ngoãn đi theo ba Thân. Mới mười ba tuổi, Lê Na đã ra dáng thiếu nữ lắm, có nét rất Tây nữa chứ. Da trắng, môi hồng, mắt đen nâu huyền bí. Riêng chỉ cái đầu là không phát triển. Ba Thân quay lại nắm tay con. Ba nhìn Lê Na hồi lâu rồi thầm thì: 
– Ba đi mấy hôm thôi. Chiều mẹ Đỗ Quyên đi dạy về sẽ có quà cho con nhé. Ah, hôm nay đã là trung tuần tháng Năm dương, gần đến sinh nhật thứ 13 của con rồi còn gì, vậy là con ba đã sắp tròn 13 rồi nhỉ. Ghê thật, thời gian trôi nhanh thế. Đi nhanh về nhà đi con, Ba đang vội. 
– Ứ, ba Thân đừng đi, ba ở nhà với con.

Một giọt nước mắt bất thần lăn tròn trên má nâu cháy của Thân. Anh ghì con vào vòng tay, đặt một chiếc hôn hờ lên trán con, rồi nói nhỏ: 
– Lê Na ơi, con ở nhà chơi ngoan nhé. Ba đi mấy hôm thôi, Ba về ngay ấy mà. Con ở nhà với cô Liên, cô Liên nấu cơm ngon lắm và rất yêu Lê Na của Ba. Cô Liên bảo cô ấy sẽ đưa con đi chơi dọc triền đê này nhưng đợi chiều mát đã, con đi bây giờ trời nắng nóng lắm.

Nói rồi, Thân rút chiếc khăn mùi xoa trong túi, lau nhẹ lên trán Lê Na. Mồ hôi lấm tấm trên trán con bé, nhưng nó không biết dùng khăn lau mặt, ai nói chỉ cười trừ, chỉ có cô Liên hay ba mẹ giúp lau mồ hôi cho Lê Na. Bọn trẻ Tứ Liên toàn con nhà giàu có, chúng không thích chơi với Lê Na, chúng nó hay trêu chọc Lê Na là con bệnh tự kỷ, đao dốt nát. Con điên điên…

Mỗi lần nghe bọn trẻ trêu chọc con, Đỗ Quên đau đớn, chị buồn thê thảm và rồi lại trút cơn cả giận lên đứa con vô tội. Từ ngày biết con tự kỷ, chị ở vậy nuôi con, thôi không sinh nở lần nào. Đỗ Quyên buồn bã nhìn Lê Na chơi tha thẩn một mình ở góc vườn. Thương con lắm mà không sao cải thiện được sức khỏe trí não cho con. Chị ân hận, dày vò, trách ông trời cho phận bạc…

…..

Năm 1986, Đỗ Quyên tròn 24 tuổi. Cô gặp Đặng Thân ở Moscow trong một chiều liên hoan văn hóa được tổ chức ở Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Nga, cạnh bến tàu điện ngầm Belaruskaia tuyệt đẹp. Chiều hè Moscow năm đó đã gắn kết hai người với nhau, anh kỹ sư kiến trúc học ở Saint Peterburg, chị kỹ sư thủy điện học ở Moscow và cả hai người kết hôn cuối năm 1986, năm Việt Nam mở cửa ra thế giới.

Đỗ Quyên yêu Đặng Thân vì anh đẹp trai, cởi mở và chơi ghi ta rất giỏi. Quê Đặng Thân ở mãi vùng nông thôn Quảng Ninh. Còn chị dân Hà Nội gốc, yêu âm nhạc và bị Đặng Thân cuốn hút vào những bản tình ca Nga trong tiếng ghi ta trầm lắng lãng mạn. Những bản nhạc Chiều ngoại ô Moscow, Chiều Hải cảng, Ka chiu sa, nhạc nền cho phim Ana Karenina, Khi đàn sếu bay qua, Người thứ 41, sông Đông êm đềm đều được Đặng Thân tiếp cận và chơi rất hay, mê đắm Đỗ Quyên lúc nào không biết.

– Chúng mình có con đi em, sao lâu thế! 
– Em đang bận lắm mà. Anh xem đấy, Đại học Bách khoa cử em đi Mỹ làm luận án Thạc sỹ về “Tương lai thủy điện ở Việt Nam” đó thôi. Anh thông cảm cho em nhé. Mà anh cũng nên nhận đề tài đi chứ. Em nghe đâu Sở Xây dựng Hà Nội cũng đang cử anh đi London làm luận án Thạc sỹ kiến trúc với đề tài “Môi trường kiến trúc đô thị hiện đại” mà. 
– Ừ, em nói vậy thì anh cũng báo tin cho em biết là anh đã nhận lời với tổ chức rồi. Anh đi London Anh em nhé.

Rồi thời gian cứ trôi, trôi nhanh, trôi vùn vụt. Mười bốn năm sau ngày cưới và ở tuổi 38 Đỗ Quyên mới sinh con. Tiếng khóc chào đời của con gái bé bỏng là niềm hy vọng lớn lao của chị. Chị soi gương hạnh phúc viên mãn. Cả hai cùng là Thạc sỹ ở Anh – Mỹ, cùng là cán bộ cấp Trưởng phòng chuyên môn uy tín. Đỗ Quyên cất tiếng hát khẽ “Bài ca Hy vọng” thuộc làu, nằm lòng của chị. Ừ nhỉ, bài hát sao hay thế, du dương quá. “Từng đôi chim bay đi, tiếng ca rộn ràng, cánh chim xao xuyến gió mùa Xuân…”…

Cái tên Lê Na được cả hai cùng mê mẩn, và họ hạnh phúc tràn đầy mỗi lần ôm nựng con yêu.

Lên ba tuổi, Lê Na lớn phổng hơn bọn trẻ đẻ cùng năm. Có điều Lê Na không biết nói. Nó chỉ ọ ọe và rất khó nhọc khi phát âm. Điều lạ hơn nữa là Lê Na không bao giờ ngồi yên. Nó xoay chân múa tay cả ngày không chán và đặc biệt ôm khư khư con búp bê Nga không rời, ngay cả khi buồn ngủ rã rời trên tay ba mẹ. Lớn thêm chút nữa, Lê Na bắt đầu có cuộc sống nội tâm kỳ dị. Nó chơi một mình, tha thẩn ở góc nhà và không hề quan tâm ba mẹ hay bất cứ ai đang ở đó. Đỗ Quyên đã bắt đầu phát hoảng và cô suy sụp hoàn toàn khi Bác sỹ chuyên khoa Nhi cho biết Lê Na đã mang mầm bệnh hiện đại, bệnh autism-tự kỷ trầm cảm nặng.

– Anh, anh làm gì đi chứ, con bệnh rồi. Anh cứ trơ trơ ra thế. Sao anh vô tâm quá vậy? 
– Thì anh đang ở bên mẹ con em thôi. Trơ trơ là thế nào, anh biết làm sao hơn bây giờ. 
– Sao ông trời nghiệt ngã với chúng mình vậy, anh Thân? Hay nhà anh có ai bị bệnh này không? Nhà em thì hoàn toàn khỏe mạnh mà. Anh nói đi, nói thực đi, nhà anh, nòi giống bên anh có ai bị bệnh này không? Khổ thân tôi, Trời ơi! Tôi làm sao bây giờ…

Đỗ Quyên vật vã nằm sóng soài xuống nền nhà hồi lâu. Đặng Thân đứng như trời trồng nhìn vợ tuyệt vọng. Cặp mắt bốc lửa, thất vọng đã nói lên nỗi đau cắt ruột của anh. Anh ôm Lê Na vào lòng, ghì con âu yếm rồi thầm thì: 
– Khổ thân con tôi. Ba làm sao bây giờ đây con. Nhẽ nào Lê Na yêu kiều của ba lại lâm vào nông nổi này hở con…

…..

Đỗ Quyên im lặng cả tuần. Chị nhìn ra cửa sổ mở ra sông Hồng. Sông Hồng mùa này cạn nước. Gió nồm nam ve vuốt rặng cau vua Tứ Liên, rung lên như tiếng hát “Từng đôi chim bay đi, tiếng ca rộn ràng…”. Đặng Thân đến bên Đỗ Quyên, Anh mân mê bờ vai mềm của vợ làm lành: 
– Thôi, em bình tĩnh lại đi, đừng đau buồn nhiều thế. Anh vừa đi họp ở Xã Đàn về, trường Xã Đàn có cả hàng trăm học sinh như con mình ấy chứ. Anh buồn lắm nhưng cũng được chia sẻ với mọi người. Thôi, em đừng giận anh mãi nhé. Bà Nội đang nhìn em buồn lắm. Bà khóc ròng đó thôi… Có rất nhiều người bảo vợ chồng ta có con quá muộn. Rồi cũng có người bảo em hiện đại quá đấy mà. Mười bốn năm sau ngày cưới mới chịu mang thai… 

Đỗ Quyên không nói câu nào. Chị bỏ vào phòng trong, nằm dài ra trên chiếc giường đệm lông êm ái. Chao ơi, ai biết được lòng người nằm trên đệm lông êm mà nhói tâm can đau ê ẩm khi nghĩ về tương lai con trẻ…

Biết vợ chưa nguôi ngoai đau đớn, Đặng Thân đi vào phòng buồng bên cạnh. Ừ phòng này dự tính để Lê Na ngủ riêng khi lớn đây. Anh tìm vuốt chơi đàn. Đã lâu lắm rồi, anh không thèm nhìn tới cây ghi ta yêu quý. Lòng dạ nào mà còn vuốt ve ghi ta nữa, ghi ta ơi!

Rồi anh kéo ngăn kéo tủ quần áo Đỗ Quyên để tìm chiếc khăn lau giây đàn anh thường để ở đó. Bất ngờ, anh lôi mạnh ngăn kéo sâu dài. Đập vào mắt anh là không biết bao nhiêu nhãn mác thuốc tránh thai, ngừa thai do vợ quen dùng. Đặng Thân tê tái: ah, ra thế, nó đây rồi. Chính nó làm cho Đỗ Quyên không dính bầu trong chừng ấy năm sau đêm tân hôn cuồng nhiệt.

Đặng Thân đọc khẽ: “ Khi muốn có thai, cần phải kiêng dùng trước sáu tháng”. Ừ, ai dám nói có thai Lê Na, Đỗ Quyên đã kiêng khem sáu tháng nhỉ và ai biết tác dụng của thuốc vẫn còn thấm sâu trong từng tế bào noãn trứng, trong từng tế bào tử cung của người phụ nữ. Thôi mà nói làm chi nữa. Nói ra bằng quá lên án Đỗ Quyên. Cũng vì niềm say cho khoa học và thăng tiến của cả hai vợ chồng ấy mà!!! Mà cũng chưa chắc đã là nguyên nhân chính. Biết đâu lại là gien trội lặn bất ngờ xuất hiện vào lúc đầu thai…

Ừ, trách trời khắt khe nhưng cũng trách mình nữa chứ. Ôi hóa chất độc, bao nhiêu bao nhiêu nữa cứ thẩm thấu vào cơ thể con người mỗi ngày. Chính con người đã tạo nên nó và tự nó giết mình. Ừ, thì suốt mười bốn năm sau kết hôn, vợ mình đã uống bao nhiêu thuốc tránh thai, bao nhiêu thuốc ngừa thai nhỉ??? Cô ấy yêu chồng, yêu bản thân, hãnh tiến và giám cả gan chống lại cái quá trình ra hoa kết trái mà ông Trời đã ban tặng cho người phụ nữ, cho cô ấy kia mà. Cô ấy đã thắng, đã có bằng Thạc sỹ cho cả hai, cả hai cùng có chức có quyền và cả hai đều nhiều tiền lắm của. Hậu quả cũng đã lộ diện rồi. Chỉ thương bà Nội ngày nào cũng hát “con cò bay lả bay la”, ngầm bảo bà đang thiết tha một đứa cháu nội vô cùng…

…..

Cô Liên giúp việc đã đứng cạnh Đặng Thân lúc nào không biết. Cô nói vô tư: 
– Bác Thân ơi, cái Lê Na nhà mình mà có đầu óc bình thường, chắc cô ấy… làm đau đầu không biết bao nhiêu trai làng Tứ Liên ở Hà Nội đâu nhỉ! Chà, Lê Na đẹp vậy… chỉ tiếc em nó cứ trẻ con mãi vậy, Bác à! 
– Thôi, cô Liên đã nấu cơm xong chưa mà mơ mộng vậy! 
– Rồi ạ, chỉ còn chờ Hai Bác và Lê Na thôi ạ! 

 

Hà nội, 29 tháng 5 năm 2013
Phạm Quang Thu

 

 

 

 

Liên kết website