Bến Đời chờ
“ Sao không là bến nhớ,
Sao không là bến mơ?
Người ra đi, đi mãi
Bến mang tên Đời chờ
Bến sông xưa mãi đó
Thương đau một khúc sông
Để chiều chiều xuống bến
Bao góa phụ mất chồng
Chiến tranh nhuốm màu đen
Lên khăn và lên áo
Bao người chị của tôi
Cô đơn đời cơm cháo!
Lẻ loi chiều đi dạo
U buồn cả nếp nhà
Suốt một đời tần tảo
Không tiếng trẻ oa oa!
Nghe tiếng con gọi mẹ,
Nghe tiếng nhạc cưới mừng
Chị tôi buồn héo hắt
Lệ chảy dài rưng rưng
Các anh ngã xuống rồi
Lá thư nhà viết dở
Nước mắt người vợ hiền
Chảy dài theo thương nhớ
Tổ quốc mãi ghi công
Những con người thầm lặng
Bến Đời chờ bãi sông
Mang cái tên quà tặng
Những kẻ mang bom đạn
Tàn phá Quê hương tôi
Làm sao hủy diệt nổi
Bến Đời chờ, Quê ơi!
Hà Nội, 27/4/2013
Phạm Quang Thu
*****
Mẹ và con
Trên đường đi nhà trẻ
Mẹ đèo bé trên xe
Bé ngoan nhìn cờ đỏ
Tung bay reo trong gió
Hỏi mẹ là ngày gì
Mà phố phường vui thế?
Mẹ cười, ngoái nhìn bé
Ngây thơ thật đáng yêu
Mẹ bảo rằng con ơi:
– Hôm nay ngày kỷ niệm
Miền Nam giải phóng rồi
Lá cờ bay muôn nơi
Đã đổi đời con đó
Cờ cho con con thỏ
Với cả bác mặt trời
Cả cỗ xe con chơi
Và một chân trời rộng
Mãi tận các vì sao
Đêm đêm con vẫn ngắm…
Nhìn bông hồng tươi thắm
Bé bỗng nhoẻn miệng cười
Xa tít tận chân trời
Ông mặt trời hửng nắng.
(Kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam- 30/4)
Bucharest, tháng 4/2013
Bùi Quang Minh
*****
Nhớ Mai
Quanh năm em khoác màu đen
Nào quần, nào áo, khăn len một mầu
Bờ vai nõn biến đi đâu
Lúc nào em cũng khoác màu sẫm, đen
Không là ngại béo kém duyên
Em tôi đã chọn màu đêm ẩn mình
Khổ là càng ẩn càng xinh
Càng thêm lúng liếng, càng tình, càng yêu
Má hồng, bạn hữu thường trêu
Chắc nhà em có quá nhiều giỗ đây
Kìa em nhựa sống tràn đầy
Hoàng hôn mà nắng như ngày mai lên
Có an tâm, có bình yên!
Đau thương, mất mát về bên em rồi
Cho hay con nước đầy vơi
Hồ kia đã lấp còn nơi dạt dào?
Khai sông mở bến kênh đào
Để em tôi vẫn Xuân trào tuổi xanh!
Thương em, biết phận mà đành
Chẳng mơ hái nhụy bẻ cành em đau
Biết là gần được bao lâu
Biết là thời cuộc bể dâu khó lường
Biết là ngày nhớ đêm thương
Biết là cuộc sống lắm chương nhiều hồi
Áo em đen tím ngát trời
Em làm anh tím một đời thương vay
Tại sao em mặc bao ngày
Cái màu sẫm tím đắng cay với đời!
Mỗi lần xa nhớ em ơi!
Thương em lắm lắm, mà thôi lặng nhìn!
Biết em đã khắc vào tim
Tên người Liệt sỹ lặng im dưới mồ!
Tháng 4/ 2013 Hà Nội
Phạm Quang Thu
*****
Chiến thắng 30.4.1975 đã kết thúc vẻ vang. Đây là cuộc kháng chiến chống Mỹ lâu dài nhất, gian khổ nhất và cũng vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Các thế hệ cha anh đã đổ bao xương máu cùng dân tộc dành độc lập tự do để ngày nay chúng ta được sống trong hòa bình. Vì vậy chúng ta hãy đoàn kết đồng lòng và tích cực lao động sáng tạo để lập nên những thành tựu mới trong sự nghiệp xây dựng đất nước, làm sao cho đất nước ta càng ngày càng đàng hoàng hơn to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong muốn.
Là người Việt Nam ai cũng hiểu ngày 30.4 hàng năm là ngày kỷ niệm thắng lợi lịch sử trọng đại, ngày mà đất nước ta được hoàn toàn thống nhất, hai miền Nam Bắc được nối liền một dải từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, ngày mà bao gia đình chiến sĩ chúng ta được vui vẻ xum vầy, cả dân tộc được cùng hát vang bài ca chiến thắng.
Để tưởng nhớ và tri ân những anh giải phóng quân đã không tiếc tuổi xanh hy sinh xương máu, hiến dâng cuộc đời mình vì độc lập tự do và thống nhất đất nước, tôi xin có mấy vần thơ dưới đây kính tặng các anh để tri ân và tỏ lòng thành kính.
Anh Giải phóng quân
Đẹp sao anh giải phóng quân
Ra đi chiến đấu bao xuân chưa về
Gió mưa gian khổ trăm bề
Qua bao gềnh thác chẳng hề thở than
Ngày đêm vất vả gian nan
Anh cùng đồng đội vượt ngàn gian truân
Tháng năm khói lửa bao lần
Đánh tây diệt giặc cùng dân một lòng
Trường sơn gió hát chim ngân
Ánh trăng thao thức dẫn đường anh đi
Bước anh đi thật thần kỳ
Đồng bằng đồi núi xá chi đêm ngày
Mong sao đất nước đổi thay
Để anh về thấy cờ bay quảng trường
Em thì đêm vấn ngày vương
Mong anh giải phóng yêu thương trở về
Để em giữ trọn lời thề
Cùng anh gây dựng nơi quê hương mình!
Bucarest ngày 10/4/2013
Thủy Thi
*****
30 tháng 4 – Ngày ấy và Bây giờ…
Ngày 30 tháng 4 lại sắp đến rồi. Thời gian trôi sao quá nhanh. Nhanh đến nỗi tôi chưa kịp cảm nhận mọi thứ xung quanh. Nhớ ngày nào tôi còn là cô bé 14 tuổi, tay trong tay cùng lũ bạn theo đoàn người đi vẫy cờ hoa, hát ca vang trên khắp các đường phố Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Lăng Bác…
Vậy là 38 năm đã trôi qua. Hơn nửa đời người. Hôm nay đây, ở nơi xa này tôi lại nhớ về ngày ấy. Nhớ bầu không khí ấy. Nhớ cái cảm xúc kỳ diệu ấy. Tôi nhớ bạn bè. Không biết họ đang ở đâu? Còn hay mất? Nỗi bâng khuâng chợt thoáng qua…
Niềm vui lại ào đến. Giờ đây bên tôi có một đại gia đình, một Cộng đồng rất đỗi thân thương. Hai mươi năm qua tôi đã sống ở nơi đây. Vui có. Buồn có. Tôi vui vì được sống trong bầu không khí gia đình ấm cúng. Năm nào cũng vậy, khi tháng tư đến là hoa đào, hoa mận, hoa thủy tiên… nở rộ khắp vườn. Tôi thấy lâng lâng. Vào thời gian này Cộng đồng thường háo hức chuẩn bị cho ngày kỷ niệm 30 tháng 4 và mồng 1 tháng 5. Phong trào văn nghệ, luyện tập thể thao, bóng đá, bóng chuyền… diễn ra rất sôi nổi. Trước đây các thành viên phần lớn là những chàng trai, cô gái tóc đen thì nay phân nửa đã điểm bạc. Tuy nhiên cộng đồng đã được bổ xung một lực lượng trẻ em khá lớn. Khi ngày 30 tháng 4 đến, mọi người nô nức kéo nhau ra sân vận động để cổ vũ cho các đội bóng đá. Các cổ động viên nhí hò hét vang sân trong tiếng trống kèn inh ỏi. Ngày hôm sau, trên sân Sứ quán lại rộn rã tiếng nói cười, tiếng cổ vũ nhiệt tình cho các đội bóng chuyền, cầu lông…Các anh chị thanh niên thì tổ chức các trò chơi cho các em nhỏ như kéo co, cướp cờ, tung bóng…Khắp sân tỏa mùi thơm phức của các món thịt nướng, chả cá, phở, bún…Khu bếp cũng nhộn nhịp không kém.
Hôm nay là ngày mồng 8 tháng 4. Tôi ngồi đây và nhớ về quá khứ. Tôi chờ đợi…
Bucharest, 8.4.2013
DQC
***
Đến ngày 30 tháng 4 tôi cũng thường hay nghĩ về mái trường xưa, đến thầy cô , bạn bè và những người tôi yêu thương. Tôi ao ước cứ đến ngày đó chúng tôi sẽ trở về để tìm gặp nhau. Chẳng cần biết người này giàu sang hay người kia nghèo khó, người này là giáo sư tiến sĩ hay người kia là công nhân thợ mỏ…chỉ biết xích lại gần nhau không khoảng cách, và tạm quên đi cuộc sống trước mắt để tận hưởng những giây phút bình yên, trong sáng.
Bạn đừng thắc mắc tại sao tôi cứ hay nhớ về quá khứ, về những kỷ niệm. Có quá khứ mới có hôm nay, có hôm nay rồi sẽ có ngày mai.
Tôi vẫn may mắn được chứng kiến bầu không khí ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ba mươi tám năm trôi qua mà nước mắt vẫn rơi. Những người lính trước đây đã hy sinh để thống nhất đất nước thì nay là bảo vệ giang sơn không bị bọn Trung quốc lấn chiếm.
Âu châu, 29.4.2013
Bạn đọc