Tin Hội Doanh nghiệp

Bão quét TVA

4:30 chiều | 20/03/2015

 

BÃO QUÉT TVA

 

Dù quá muộn, cuối cùng chính quyền Rumani cũng đã ra tay để cứu vãn nền tài chính đang suy giảm nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là thất thu thuế, chủ yếu là thuế TVA (thuế giá trị gia tăng).

Thuế TVA lần đầu tiên được áp dụng ở Pháp năm 1954. Đến nay, hầu hết các nước trên thế giới đều thu thuế TVA, cao nhất là 25% ở Thụy Điển ( 24% ở Ru, 10%-20% ở Việt nam). Thuế TVA là nguồn thu rất lớn, nếu không muốn nói lớn nhất, đến 45% nguồn thu ngân sách.Thuế TVA là một loại thuế thu gián tiếp, đánh vào người tiêu thụ cuối cùng, mặc dù chủ thể nộp thuế cho nhà nước là các doanh nghiệp. Hàng ngày, mọi người dân, mọi công ty, mọi tổ chức, mọi cơ quan đều phải chịu thuế 24% giá trị của bất cứ hàng hóa nào mà họ tiêu thụ. Từ lúc tìm cách ra khỏi bụng mẹ, rồi bú mớm, miếng ăn, thức uống, may mặc, giày dép, đi lại, giải trí cho đến hít thở không khí hay cuối cùng là chui xuống mồ… đều phải chịu thuế TVA. Song đã hàng chục năm nay, nhà nước chịu thất thu nghiêm trọng thuế TVA. Tổng giá trị sản phẩm quốc nội GDP của Rumani năm 2014 là 202 Tỉ USD, TVA chiếm 90 tỉ USD. Đó là trên lý thuyết, trên thực tế thất thu TVA là rất lớn, hàng trăm tỉ USD. Tại sao? Quá một nửa số doanh nghiệp đã lợi dụng các khe hở trong quản lý tài chính để không nộp thuế TVA mà họ đã thu của người tiêu thụ. Việc này đã diễn ra hàng chục năm nay, đến nỗi đã thành lẽ đương nhiên, không thể làm khác được. Các cơ quan quản lý tài chính, một mặt thiếu nhân sự do giảm thiểu bộ máy, mặc khác nạn tham nhũng đã thành bệnh kinh niên, nên gần như “nhắm mắt làm ngơ”, và tình trạng thất thu thuế TVA đã trở nên rất nghiêm trọng. Bắt buộc phải mở chiến dịch truy thu thuế TVA, tôi gọi là cơn BÃO QUÉT TVA bởi tầm ảnh hưởng của nó đối với các doanh nghiệp và cộng đồng.

Chiến dịch đã bắt đầu hơn một năm nay và có sức tàn phá ngày một lớn hơn. Đầu tiên là bão quét vào các nhà nhập khẩu. Các nhà nhập khẩu thường khai báo giá hàng rất thấp ở hải quan để nộp thuế ít. Khi bán hàng tất nhiên với giá thực, cao hơn giá nhập rất nhiều, vì vậy họ không thể viết hóa đơn bán ra với giá thực vì như thế họ lại phải nộp thuế cao. Khi khách hàng đòi hóa đơn bán ra thì họ buộc phải ghi giá gần với giá khai ở Hải Quan. Như thế thì người mua không thể chấp nhận vì thực tế họ trả tiền với giá cao hơn nhiều.Nhưng người mua vẫn cần hàng vì họ thường là nhà phân phối bán buôn, đành phải mua không có hóa đơn. Sau đó mỗi bên tự xử lý (gian lận thương mại) theo cách riêng của mình. Nhà nhập khẩu, một mặt bán buôn cho nhà phân phối không có hóa đơn bán ra với giá rất cao so với giá khai HQ, măt khác lại viết các hóa đơn bán ra “khống”, nghĩa là người mua là công ty có đủ tư cách song lại chẳng bao giờ mua hàng của nhà nhập khẩu. Như vậy nhà nhập khẩu phạm pháp hai lần: một là bán hàng với giá cao hơn khai báo HQ mà không viết hóa đơn, hai là viết các hóa đơn khống cho các „khách hàng” chưa bao giờ mua hàng của mình. Nhà phân phối mua hàng của nhà nhập khẩu không có hóa đơn lại phải mua các hóa đơn trắng rồi tạo ra đầu vào cho phù hợp với giá thực bán ra cho người mua. Như vậy nhà phân phối cũng hai lần phạm pháp: một là mua hàng không có hóa đơn ( số hàng này sẽ bị tịch thu nếu nhà chức trách phát hiện), hai là ngụy tạo các đầu vào dởm. Tình trạng này đã diễn ra hàng chục năm nay, giờ đây mới có biện pháp, như thế là quá trễ.

Với phần mềm quản lý tài chính mới, nhà chức trách dễ dàng phát hiện các gian lận thương mại nói trên, nhất là nó xảy ra khắp nơi và hàng ngày. Vấn đề là biện pháp nào có hiệu quả. Đầu tiên là siết chặt khâu cấp giấy phép thu TVA. Trước đây, sau khi cấp giấy phép kinh doanh, đương nhiên là cấp ngay giấy phép thu TVA nếu doanh nghiệp yêu cầu. Thế là rất nhiều công ty được thành lập chỉ để in các quyển hóa đơn để bán cho người cần đầu vào dởm. Giờ đây để đối phó với tình trạng này nhà chức trách xét duyệt rất chặt chẽ trước khi cấp phép thu thuế TVA, quá trình này cần nhiêu giấy tờ, nhiều kiểm tra và kéo dài thời gian, có khi đến 6 tháng vẫn chưa xong và nhiều trường hợp bị từ chối. Song tâm điểm của cơn bão quét này là tấn công vào các nhà nhập khẩu và nhà phần phối hàng nhập khẩu. Các cuộc kiểm tra tài chính diễn ra liên miên và có chủ điểm nhằm vào các đối tượng đã lên danh sách do lãnh dạo cấp cao chỉ định. Nhà chức trách đi thẳng vào các kho và cửa hàng của các nhà nhập khẩu và các nhà phân phối lớn, tịch thu toàn bộ hàng hóa, hoặc kẹp chì các kho và cửa hàng, sau đó truy thu TVA và phạt rất nặng.

Ai chịu ảnh hưởng nhiều nhất của cơn bão quét này? Trước tiên là các nhà nhập khẩu và các nhà phần phối. Kết quả đầu tiền là một lượng khá lớn tiền và hàng tịch thu đã được truy thu cho nhà nước và tất nhiên một phần không nhỏ lượng tiền cũng đã chui vào túi cá nhân, tuy lần này có “mỏng” hơn do quy mô rầm rộ và chính thống của chiến dịch. Song lợi bất cập hại: Giờ đây các nhà nhập khẩu đã chuyển hướng gần như 100% sang các cửa khẩu của Bulgaria, ở đó chính sách thuế quan cởi mở hơn, họ có thể lợi dụng để nộp thuế ít hơn và lại chuyển hàng về Ru như hàng hóa đã đánh thuế nội khối EU. Thế là Rumani thất thu thuế nhập khẩu trong có TVA, quang cảnh vắng vẻ đìu hiu ở cảng Constanta! Cơn bão quét TVA tuy có đem lại một số kết quả nhất định, song lại tạo ra một mớ “bòng bong” lợi bất cập hại và làm cho công việc kinh doanh giảm sút trông thấy. Điều đó đương nhiên ảnh hưởng lớn đến cộng đồng người Việt tại Rumani.

Việc gì cần đến đã đến, nhà chức trách Ru không thể nhắm mắt làm ngơ hoặc khoanh tay ngồi nhìn để việc thất thu thuế nặng nề đã kéo dài hàng chục năm nay, tiếp tục làm suy giảm nền tài chính vốn đã yếu kém. Phải ra tay, quá trễ rồi! Đó là thông điệp phát ra từ cơn bão quét TVA, tuy hiệu quá của nó còn phải bàn cãi. Dù gì đi nữa, cơn bão quét này cũng đã đặt cộng đồng người Việt trước câu hỏi: tiếp tục gian lận thương mại hay bắt đầu tính chuyện làm ăn nghiêm túc?

 

 

*****

 

ỨNG PHÓ VỚI BÃO QUÉT

 

Hàng năm, người Nhật phải ứng phó với hàng chục trận động đất có lúc đến 8-9 độ rister, có lúc còn đi kèm với sóng thần như năm 2011. Mỗi năm người Việt phải hứng chịu hàng chục trận bão có lúc đến cấp 9-10, và úng lụt, sạt lở đất, rồi hạn hán thi nhau tàn phá đất nước và con người vốn đã trải qua nhiều năm tháng chiến tranh tàn khốc. Mỗi nước đều kiên cường ứng phó với thiên tai địch họa để tồn tại và phát triển.

Người Nhật có cách ứng phó rất chủ động, họ có chiến lược và tầm nhìn xa hàng thế kỷ. Họ phải thay đổi tư duy để tìm ra các giải pháp công nghệ thích hợp, điển hình là trong kiến trúc và xây dựng để các công trình có thể chịu đựng được động đất và sóng thần.

Người Việt có cách nghĩ và cách làm riêng của mình. Họ rất giỏi trong giải pháp “tùy cơ ứng biến”. Không một dân tộc nào giỏi “tùy cơ ứng biến” bằng người Việt. Đó cũng là cái cách mà người Việt tồn tại được sau không biết bao nhiêu thiên tai và địch họa. Người ta ví người Việt như cây cỏ tranh, dù có chôn vùi dưới bao nhiêu tầng đất nó vẫn không chết, vẫn ngoi lên khỏi đất và xanh tươi. Song cái cách “tùy cơ ứng biến” của người Việt có chỗ yếu là ứng phó một cách bị động, nghĩa là có biến thì mới ứng phó, không chuẩn bị trước, không như người Nhật, họ chủ động , có chiến lược và tầm nhìn xa. Cái cách “tùy cơ ứng biến” giúp cây cỏ tranh tồn tại vĩnh hằng, nhưng không thể trở thành cây tùng cây bách được.

Cộng đồng người Việt tại Rumani đang phải ứng phó với cơn bão quét tài chính. Bằng cách nào? Cộng đồng người Việt tại Rumani hình thành đã được hơn 20 năm. Họ cũng đã ứng phó với nhiều “chiến dịch” càn quét của chính quyền. Họ đã ứng phó tốt theo kiểu “tùy cơ ứng biến” truyền thống và họ đã vượt qua tất cả. Nhưng giờ đây, tình hình đã khác , không thể dùng cách “khóc lóc”, “kể nghèo kể khổ”, “xin xỏ”, “vỗ dùi, nhét tiền vào túi” là xong. Các ngón bài tùy cơ ứng biến kiểu đó, giờ đây không còn hiệu lực nữa.

Vậy phải làm thế nào?

– Trước hết phải thay đổi cách suy nghĩ: phải tìm cách ứng phó với bão quét một cách chủ động, có tầm nhìn xa, nghĩa là phải học cách của người Nhật. Mỗi người, mỗi doanh nghiệp dù nhỏ hay lớn đều phải có “chiến lược”, nghĩa là phải có kế hoạch lâu dài, bài bản, không làm theo kiểu chụp dựt, ăn xổi ở thì.

Sống trên đất người ta thì phải đóng góp, chứ đừng nghĩ theo lối cũ là “ăn cả bã”, nghĩa là phải cân bằng giữa nghĩa vụ đóng góp và kiếm lời – phải tìm hiểu pháp luật, làm cái gì cũng nghĩ đến khía cạnh luật pháp, từ các loại thuế, trách nhiệm của doanh nghiệp và công dân đến luật lệ giao thông và quan hệ với hàng xóm láng giềng, kể cả việc nhỏ nhất tưởng chừng như vô hại. Chẳng hạn lái xe bị va quẹt nhẹ, đừng bỏ chạy,nếu không sẽ to chuyện, có khi còn dẫn đến án hình sự.

– Phải học tiếng Ru. Ai cũng thấy cần thiết nhưng trên thực tế ít người chịu họ. Người ta viện cớ không có thì giờ, nhưng lại có thâu đêm suốt sáng để đánh bài và điều quan trọng là người ta theo gương các đại gia giàu có mà vẫn không cần học tiếng.

– Đa dạng hóa nghành nghề, tìm hướng đi mới, nâng cao lợi nhuận nhờ vào sự khác biệt và sở trường của người Việt. Hiện nay đã có thành công bước đầu trong nghề nhà hàng ăn nhanh, sửa chữa điện thoại di động, nghề nail (làm móng). Nghề massage, spa, châm cứu, vật lý trị liệu, đông y là những nghề có tiềm năng đáng được quan tâm đầu tư. Ngành nông nghiệp của Rumani đã từng là thế mạnh của nền kinh tế, nay đang trong tình trạng hoang tàn, đây cũng là cơ hội đầu tư.

Sở hữu nòi giống “tùy cơ ứng biến”, nếu học theo gương người Nhật, người Việt sẽ thành công ở trong nước hay ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

 

Bucharest, 20.03.2015
Trần Đình Trúc

 

 

 

Liên kết website