Kính thưa ông Trần Xuân Thủy – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước
CHXHCN Việt Nam tại Romania,
Kính thưa các vị đại biểu,
Kính thưa các anh chị em hội viên.
Cách đây gần 8 năm cũng vào những ngày cuối cùng của tháng 11 và cũng tại địa điểm này, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Romania (Hội DNVN tại Romania) của chúng ta đã được sáng lập với sự ủng hộ và giúp đỡ rất nhiệt tình của các cán bộ đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Romania cùng với các thành viên của hội.
Trước hết cho phép tôi thay mặt Ban Chấp hành Hội DNVN tại Romania nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn ông Trần Xuân Thuỷ – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Romania, ông Trần Quang Việt, tham tán chính trị – phụ trách cộng đồng và ông Lê Ngọc Thi, tham tán kinh tế, đã quan tâm dành thời gian đến tham dự cuộc họp và tôi chắc chắn rằng các vị sẽ đóng góp cho chúng ta nhiều ý kiến quý báu.
Tôi cũng xin nhiệt liệt chào mừng các hội viên trong hội và các vị khách mời, anh chị em trong cộng đồng người Việt đã đến dự và đóng góp công sức chuẩn bị cho cuộc họp ngày hôm nay.
Được sự ủng hộ to lớn của Đại sứ quán và sự khích lệ của cộng đồng doanh nghiệp, từ 26 hội viên chúng ta đã thành lập Hội doanh nghiệp Việt nam tại Romania. Với mục đích liên kết, quần tụ các doanh nghiệp vào một tổ chức quy củ, gắn kết trong hoạt động kinh doanh, tạo cơ hội, tạo sân chơi, tạo môi trường trao đổi thông tin và kinh nghiệm giữa các hội viên trong hội và giữa hội viên trong hội với các doanh nghiệp Việt Nam tại Việt Nam và tại khắp nơi trên thế giới cũng như với doanh nghiệp Romania.
Sau kỳ đại hội lần thứ 2 diễn ra 4 năm trước đây, hội đã phải chấp nhận giảm đi 4 hội viên và chỉ còn lại 22 hội viên (do có sự biến cố với ông Cựu Chủ Tịch và 3 hội viện nòng cốt). Ngoài ra, chúng ta cũng đã phải dành nhiều thời gian, công sức để giữ vững hình ảnh của Hội DNVN tại Romania trước báo trí và cơ quan điều tra của địa phương. Đến nay, sự cố vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ và chúng ta đều hiểu rằng luật pháp Romania có áp dụng chính sách “giả định vô tội” tức là chưa có phán quyết buộc tội cuối cùng thì bị cáo vẫn được coi là vô tội.
Với cơ chế tổ chức thu nhỏ, Ban chấp hành khoá 2 còn lại có 3 người nhưng chúng ta vẫn cố gắng tham gia đầy đủ các cuộc Hội thảo của Đại sứ quán để làm nhịp cầu nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Romania, bắt nhịp cùng sánh bước với các Hội DNVN tại châu Âu trong mọi hoạt động, mọi nỗ lực tìm kiếm giải pháp chung cho DNVN tại châu Âu.
Để đánh giá hoạt động của hội, chúng ta cùng xem lại bối cảnh chung của 3 năm qua. Bối cảnh chung giai đoạn 2011-2014.
I .Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Romania:
Sau một giai đoạn dài khủng hoảng kinh tế, nhà nước Romania đã phải ra các biện pháp khắt khe xiết chặt việc chi tiêu như giảm lương 25% trong khối viên chức, nghỉ phép không lương, giảm lương hưu 15%. Với doanh nghiệp tăng TVA từ 19% lên 24%, năm 2012 là năm đầu tiên khi nền kinh tế đang từ âm chuyển sang dương
Và tiếp đó trong năm 2013 Romania đạt mức GDP tương đương năm 2008, kết thúc thời kỳ suy giảm kinh tế ở quốc gia Đông Âu này. Theo thống kê đến hiện nay, năm 2014 GDP của Romania đạt được mức cao nhất tính từ sau năm 1989, tăng lên 3,2% so với giai đoạn này của năm trước tiến đến bậc tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khối EU của quý 3 năm nay.
Về chính trị, từ cuối năm 2012 với sự ủng hộ của Liên minh Xã hội Tự do (USL), ông Victor Ponta thủ lĩnh của đảng Dân chủ Xã hội (PSD) lên làm thủ tướng, quyền lực của bộ máy nhà nước cũng tạm thời cân đối lại. Chính sách của đảng Dân chủ Xã hội có nhiều quan tâm đến tầng lớp thấp và trung bình của xã hội. Tình hình xã hội ổn định.
Nhưng xét lại cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, chúng ta còn thấy chính trường vẫn còn nhiều sóng gió dẫn đến các các cuộc khủng khoảng chính trị. Nhiều vụ điều tra bắt giữ trong bộ máy chính phủ, giới nghị viện và kể cả các cơ quan tối cao của Bộ tư pháp như:
– Viện công tố chống tội phạm có tổ chức và chống khủng bố (DIICOT).
– Viện Kiểm sát Chống tham nhũng (DNA).
Bối cảnh chính hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng thiếu tin tưởng của dân vào chính phủ, đồng thời sự thiếu ổn định bền vững của bộ máy ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường kinh doanh và giới kinh doanh vừa và nhỏ mà các anh chị em chúng ta đang hoạt động tại thị trường này.
II. Tình hình kinh tế Việt Nam:
A/ Tình hình chung:
Năm 2011, sau khi thay đổi một số nhân sự chủ chốt về kinh tế, đặc biệt là các bộ trưởng. Trong giai đoạn này, lạm phát Việt Nam tăng rất cao. Nghị quyết số 11 được Chính phủ đưa ra thắt chặt tiền tệ, nhằm mục tiêu giảm lạm phát. Theo đó, lãi suất ngân hàng tăng rất cao, các doanh nghiệp bị hạn chế cho vay. Trong năm 2011, nhiều phân tích kinh tế trong nước cho rằng Nghị quyết 11 đã phát huy tác dụng, là liều thuốc chữa lạm phát hữu hiệu.
Tuy nhiên, sang năm 2012, do ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân, trong đó có một phần từ Nghị quyết 11 đã thắt chặt mức cung tiền, nền kinh tế Việt Nam lâm vào tình thế rất khó khăn, trong đó nổi bật là nợ xấu ngân hàng và hàng tồn kho tăng cao, thị trường Bất động sản và Chứng khoán suy thoái, đặc biệt là thị trường bất động sản đóng băng, trong khi dư nợ lĩnh vực này có thể tới 50 tỷ USD. Một số lượng lớn các doanh nghiệp phá sản. Đa số các doanh nghiệp lâm vào khó khăn.
Tính chung hai năm 2011 và 2012 thì tổng số doanh nghiệp rời khỏi thị trường bằng 20 năm trước đó. Và trong số gần 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động thì tỷ lệ thua lỗ cũng rất cao. Nợ xấu của toàn nền kinh tế tăng cao và tăng nhanh đe doạ sự ổn định của nền kinh tế. Tổng nợ công theo định nghĩa quốc tế vào cuối năm 2011 đã là 128.9 tỷ USD bằng 106% GDP (121.7 tỷ USD), trong đó nợ nước ngoài bằng 38,9% GDP. Điều tích cự là cán cân thương mại trong giai đoạn này đã khởi sắc khi mức nhập siêu đã giảm dần, và năm 2012 là năm đầu tiên Việt Nam xuất siêu kể từ năm 1992.
Hiện nay tình hình kinh tế chính trị cũng đã ổn định và có những dấu hiệu đi lên sau khi sự kiện tranh chấp với Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa gây nhiều sự chú ý của xã hội đã lắng xuống.
B/ Tình hình buôn bán trong các trung tâm thương mại tại Bucharest:
Theo chúng ta đều biết cộng đồng DNVN tại Romania mà trong đó phần lớn hội viên HDN chúng ta đều vẫn tập trung kinh doanh tại trung tâm Europa-Dragon Rosu.
Năm 2011 với sự phối hợp đầu tư lớn của một số doanh nghiệp mạnh của Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, đề án China Town thất bại ngay sau khi mở cửa. Mặc dù chủ đầu tư đã bỏ ra rất nhiều tiền của và sức lực vào lĩnh vực Quan hệ công chúng và Tiếp thị.
Sau đó dự án Magazinul Universal Dragon Rosu cũng đã phải đóng cửa sau vài tháng hoạt động vì không có khách, dù chủ đầu tư có khả năng kinh tế rất mạnh để hỗ trợ lâu dài.
Vậy, Trung tâm thương mại Dragon – Europa có triển vọng làm ăn kinh doanh như thế nào? Đó là một câu hỏi chung mà cả Ban chấp hành hội và các anh chị em trong HDN đều rất quan tâm, và đây cũng là một vấn đề quan trọng để chúng ta cùng bàn lại trong cuộc họp này.
C/ Các hoạt động của Hội Doanh nghiệp:
1- Công tác thông tin tuyên truyền:
BCH hội đã cho triển khai thiết kế và cho ra đời trang web của Hội nhằm trao đổi thông tin, tạo sân chơi cho anh em hội viên, làm nơi liên lạc, giao lưu với các hội doanh nghiệp khác tại các nước châu Âu. Hiện nay trang web đang hoạt động và là nơi quảng bá hình ảnh của hội. Vừa qua BCH cũng đã có thêm trang Facebook để chúng ta tiện liên lạc trao đổi thông tin với nhau hơn.
2- Các hoạt động giao lưu với doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu và trong nước:
– Tháng 10.2011: Đoàn đại biểu của Hội tham gia Chương trình gặp gỡ Doanh nhân Việt Nam ở trong và ngoài nước, được tổ chức tại Việt Nam
– Tháng 09.2012: Đoàn đại biểu của Hội tham gia Hội nghị người VN ở nước ngoài lần thứ 2.
– Tháng 09.2012: Đoàn đại biểu của Hội tham gia Diễn đàn DNVK Châu Âu lần thứ 6 tại Praha.
– Tháng 08.2013: Đoàn đại biểu của Hội tham gia Chương trình gặp gỡ Doanh nhân Việt Nam ở trong và ngoài nước lần 2, được tổ chức tại Đà Lạt.
– Tháng 09.2013: Đoàn đại biểu của Hội tham gia Diễn dàn Doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu lần thứ 7 ở Kharkov, Ucraina.
– Tháng 05.2014: Đoàn đại biểu của Hội tham gia Diễn đàn doanh nhân Việt kiều Đông Âu tại Sofia.
– Tháng 08.2014: Đoàn đại biểu của Hội tham gia Diễn đàn DNVK Châu Âu lần thứ 8 tại Roma.
3- Các hoạt động khác:
Hội doanh nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với hội người Việt trong các hoạt động của cộng đồng như việc đóng góp kinh phí trong các buổi giao lưu, tổ chức Tết, trại hè cho các em nhỏ. Nhiều đợt trích quỹ ủng hộ đồng bào bị thiên tai bão lụt trong nước, ủng hộ dân Romania vùng bị bão lụt.
Thưa quý vị, như chúng ta thấy Hội doanh nghiệp cũng đã làm được một số việc nhất định, ví dụ như tham gia đầy đủ các Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều tại châu Âu. Song bên cạnh đó còn có những mảng trống, còn nhiều việc chúng ta chưa làm được. Tôi sẽ dành phần này để trình bày trong phần phương hướng hoạt động của hội nhiệm kỳ tiếp theo.
Xin trân thành cảm ơn sự theo dõi của các quý vị và mong nhận được nhiều ý kiến bổ sung.
Bucharest, 21.12.2014
Chủ tịch HDNVN tại Romania
Đặng Xuân Lộc