Tin Hội Doanh nghiệp

Bài học rút ra từ “Cơn bão quét”

5:22 chiều | 14/11/2015

 

Từ một tháng nay, cơn bão quét tài chính bắt đầu cường độ đỉnh điểm và chưa biết bao giờ mới suy giảm. Song rút ra những bài học bổ ích là việc làm cấp thiết để học cách “sống chung với bão quét”.

 

Bài học đầu tiên: ý thức trách nhiệm và năng lực quản trị của chủ doanh nghiệp.

Vừa qua, ở Việt nam đã tổ chức diễn đàn năng lực quản trị của chủ doanh nghiệp trong khối ASEAN, Việt nam xếp vào hạng thấp nhất (hạng cao nhất về nhậu nhẹt – theo dl.Truc). Mang giòng máu Việt, người Việt nam đang sống tại Rumani cũng không thể là ngoại lệ: thiếu trách nhiệm và yếu kém về năng lực quản trị doanh nghiệp.

Đã hơn 20 năm hình thành cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Rumani, nhưng đến nay vẫn còn nhiều chủ doanh nghiệp, khi được hỏi về công việc của doanh nghiệp của mình thì hầu hết các câu trả lời là không biết cùng với nụ cười hồn nhiên. Trong ánh mắt và nụ cười hồn nhiên ấy tôi đọc được cả niềm “tự hào” (có thể tôi sai): tay không bắt giặc, tôi chẳng biết gì cả mà tôi vẫn kiếm ra tiền, thậm chí còn nhiều tiền hơn cả người biết nhiều. Tay không bắt giặc đã trở thành niềm tự hào, đến nỗi như một triết lý sống. Lịch sử Việt Nam đã có lúc người Việt phải đối đầu với sống và chết, và trong hoàn cảnh ấy người ta phải chiến đấu để tồn tại dù trong tay chẳng có gì. Nếu áp dụng “triết lý”tay không bắt giặc cho mọi thời đại thì đương nhiên phải lĩnh đủ hậu quả.

Hơn 20 năm, cộng đồng người Việt hình thành và phát triển khá thuận lợi trên đất Ru (không đâu trên thế giới lại thuận lợi như ở nơi này). Có lẽ điều này đã tạo nên tâm lý tay không bắt giặc, khiến cho các chủ doanh nghiệp không mấy quan tâm đến công việc quản trị doanh nghiệp và cũng không cần phải học hỏi điều gì cả.

Cần nhấn mạnh rằng cái thời tay không bắt giặc đang qua đi, nếu không thay đổi nhận thức thì sẽ thất bại. Phải có ý thức trách nhiệm và không ngừng học hỏi để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Thế thì phải làm gì?

Bài học vỡ lòng: các loại thuế cần nộp, vài điều sơ đẳng về đầu ra đầu vào, về factura, về tiền mặt, về địa điểm kinh doanh. Hãy bắt đầu tham gia vào công việc kế toán, không khoán trắng cho kế toán (những ai làm kế toán với tôi thì tuân thủ quy trình: đầu tháng nộp giấy tờ của tháng trước, sau đó phải đến trao đổi về kế toán sơ bộ, về xem lại thực tế của công ty, đề xuất ý kiến thảo luận với tôi sau đó tôi sẽ cho nhân viên điều chỉnh và ra kết quả cuối cùng, báo cáo phòng tài chính.).

 

Bài học thứ hai: đóng góp cho đất nước sở tại, không ăn cả bã.

Thói xấu phổ biến của các doanh ghiệp là “ăn cắp TVA”. Đã thu TVA của khách hàng thì phải nộp cho nhà nước, đừng bao giờ làm đầu vào dởm để không phải nộp TVA (đành rằng có lý do để làm việc ấy, song hãy từ bỏ từ bây giờ). Đây không được coi là đóng góp, mà tiền của nhà nước phải trả cho nhà nước. Đóng thế thu nhập 3%, đóng thuế lợi tức 16%, đóng thuế nhân công mới là trách nhiệm đóng góp. Nộp bảo hiểm xã hội vừa là trách nhiệm đóng góp vừa là quyền lợi. Thuê mướn công nhân người Ru cũng là một đóng góp không nhỏ cho đất nước sở tại.

 

Bài học thứ ba: Hạn chế đầu ra đầu vào dởm.

Thói quen hơn hai chục năm nay không dễ gì thay đổi ngày một ngày hai. Song không thay đổi sẽ “chết”. Trận bão quét có mặt xấu là tàn phá, làm cho toàn bộ công việc làm ăn tiêu điều xơ xác, nhưng nó lại có măt tốt là làm cho các doanh nghiệp tỉnh cơn say “dởm” và bắt đầu tính chuyện làm ăn nghiêm chỉnh. Đương nhiên nếu nghiêm chỉnh 100% thì không thể tồn tại được, song phải biết lách luật một cách khôn ngoan, mà muốn khôn ngoan thì phải biết luật.

 

Bài học thứ tư: Học.

Trước tiên là phải học tiếng bản địa. Người Việt sinh sống khắp nơi trên thế giới, song nơi đâu người Việt thông thạo tiếng bản địa, nơi đó người Việt hòa nhập tốt và thành đạt. Điển hình là ở Hoa Kỳ và ở Pháp. Học những điều cơ bản của pháp luật, đặc biệt là luật kinh doanh, luật thuế và luật giao thông. Hiểu biết phong tục tập quán cũng là điều cần thiết cho hội nhập.

 

Bài học thứ năm: Giải quyết các công ty cũ, đặc biệt là các công ty có nhiều thành tích nhập khẩu. Xin thảo luận sau, vào lúc thích hợp.

Hơn một tháng bão quét hoành hành, tuy quang cảnh chợ búa tiêu điều, song không phải tuyệt vọng hoàn toàn: Doanh nghiệp nào có chuẩn bị chu đáo, đầu ra đầu vào không quá chênh lệch với thực trạng ở cửa hàng, doanh nghiệp đó được đối xử nhẹ tay hơn: phạt vừa phải và không gắn xi cửa hàng, được tiếp tục làm ăn trong niềm vui và bắt đầu thay đổi cách làm ăn theo chiều hướng tích cực. Đó chính là ánh sáng cuối đường hầm. Không chống lại bão quét mà phải biết sống chung với nó.

 

Bucharest, 14.11.2015
Trần Đình Trúc

 

 

 

 

Liên kết website